Home Tin Tức Bình Luận Trong vướng ngoài vương

Trong vướng ngoài vương PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Hai, 02 Tháng 3 Năm 2009 01:00

Chánh sách đối ngoại của Obama
Hầu hết các nhà bình luận từ tả sang hữu, trong và ngoài Hoa Kỳ, đều thất vọng về chuyến thăm viếng Bắc Kinh của Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Bà kêu gọi tinh thần hợp tác giữa hai nước về kinh tế và về nỗ lực tiết giảm khí thải, chuyện ấy là điều hiểu được mà cũng là chiều hướng của Chính quyền George W. Bush đối với Bắc Kinh.
Tổng trưởng Ngân khố Hank Paulson của ông Bush đã cùng Phó Thủ tướng Ngô Nghi lập ra diễn đàn Đối thoại Chiến lược về Kinh tế (US-China Strategic Economic Dialogue) để một năm giới chức cao cấp của hai nước gặp nhau hai lần hầu khắc phục dị biệt về quan điểm và khai triển những kế hoạch có lợi cho đôi bên. Trong khuôn khổ hợp tác Á châu Thái bình dương, Chính quyền Bush cũng đã từng vận động Trung Quốc cùng phối hợp nỗ lực tiết giảm khí thải để đối phó với nạn nhiệt hoá địa cầu – global warming – và với… áp lực của Âu Châu về Nghị định thư Kyoto, mà Tổng thống Bill Clinton không dám ký từ năm 1997.

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton gặp gỡ Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh hôm 21/2/2009. Oliver Weiken/AP Photo
Nhưng, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ đã gây phản ứng khi thỏ thẻ hai điều kỳ cục.
Thứ nhất là kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mua công khố phiếu của Mỹ. Kỳ cục vì không cần nói ra cho nhẹ thể, và vì Bắc Kinh chẳng có nơi nào đầu tư hấp dẫn và an toàn hơn là thị trường Mỹ. Nếu có thì dù bà Clinton có mặc váy mua đôi, các đấng con trời cũng lắc… đầu. Thứ hai, bà nói rằng vấn đề nhân quyền không thể chi phối quan hệ giữa hai nước. Kỳ cục vì hàm ý: Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh lý tưởng tự do dân chủ từng đề cao để được Bắc Kinh tiếp tục tài trợ cho khoản bội chi quá lớn của mình!
Điều ấy có thể không sai, nhưng ai lại nói ra như vậy?
Lãnh đạo thiên triều Bắc Kinh vốn là thiên tài về thuật “trong bá ngoài vương”, nói một đằng, làm một nẻo, Ngoại trưởng Mỹ lại biễu diễn biệt tài trong vướng ngoài vương. Bà không đáng làm Tổng thống là phải! Nhưng đấy không là lỗi lầm riêng của Ngoại trưởng Clinton.
Nó phản ảnh đường lối đối ngoại đang thành hình của Chính quyền Barack Obama.
Từ khi ông Obama tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng Giêng, Hoa Kỳ đã đi bốn nước cờ đầu. Thứ nhất, Phó Tổng thống Joe Biden dự hội nghị quốc tế tại Munich để nói chuyện với Âu Châu và Liên bang Nga. Thứ hai, nơi Ngoại trưởng Hillay thăm viếng trước tiên là các nước Đông Á. Thứ ba, Tổng thống Obama chạy qua nhà hàng xóm gặp Thủ tướng Canada. Thứ tư, hôm Thứ Ba 24 Obama đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso. Truyền thông không nói gì nhiều về thượng đỉnh Mỹ Nhật không phải vì Aso sắp mất chức Thủ tướng mà vì dân Mỹ chỉ chú ý đến bài diễn văn Obama đọc trước Quốc hội tối hôm đó.

 

Hình từ trái,TT Obama tiếp TT Taro Aso, Hillary tại Indonesia, PTT Joe Biden tại Munich, Đức và TT Obama thăm Canada. AFP/Getty Images
Bốn chuyện thăm viếng ấy thật ra chưa đủ để vẽ ra chánh sách đối ngoại của Obama.
Trong khi đó, đúng như Joe Biden đã thành thật khai báo khi còn tranh cử, rằng Obama vừa nhậm chức là một loạt những vụ khủng hoảng quốc tế sẽ thử thách ý chí của Hoa Kỳ. Liên bang Nga, Iran và Bắc Hàn đã cùng gây sức ép để xem Obama ứng xử ra sao….
Vị Tổng thống thứ 44 của Mỹ chưa thể ứng xử vì đang ngập sâu trong nhiều vấn đề nội chính, từ việc đề cử người vào nội các – mà chưa xong do những tai tiếng liên tiếp – tới các kế hoạch cứu nguy kinh tế, gia cư, kỹ nghệ xe hơi, hệ thống ngân hàng. Ông đối phó với thách đố bên trong bằng nghệ thuật… tranh cử, dùng miệng lưỡi thuyết phục cử tri vận động Quốc hội thực hiện những kế hoạch cải cách của mình. Trong việc thuyết phục ấy, ông dùng cả hai lập luận cương nhu, khi thì dọa – không cải cách là chết hết – khi thì dụ, như cải cách xong, Hoa Kỳ vẫn lừng lững đi lên vị trí siêu cường. Trò cổ điển của nghệ thuật hùng biện đã từng thấy Lincoln, Roosevelt hay Reagan áp dụng trong quá khứ.
Kết quả ra sao, người ta sẽ biết nếu chưa hốt hoảng cùng một thị trường tuột dốc: mỗi lần Obama trổ tài hùng biện và thông báo một văn kiện hay chánh sách là các cổ phiếu lại ào ào sụt giá!
Chúng ta phải tìm hiểu về chánh sách đối ngoại của vị Tổng thống mới từ những giác độ khác.

Khi tranh cử, Obama hùa theo dư luận Âu Châu để đả kích chánh sách đối ngoại của chính quyền Bush là đơn phương và ngang ngược. Ông chủ trương đối sách hoà dịu đi cùng nỗ lực kết hợp đa phương để cùng các nước giải quyết thiên hạ sự.
Tới khi đắc cử và có dịp nhìn sâu hơn vào thiên hạ sự trong thực tế, Obama thấy ra sự thật là nếu muốn “tiên dụng lễ hậu dụng binh” – nói năng nhỏ nhẹ hơn là hung hăng hăm dọa – thì việc dụng lễ chỉ có kết quả nếu có khả năng dụng binh tiềm ẩn bên dưới. Nếu không, dụng lễ sẽ chỉ là lạy, và ngoại giao lạy lục thì không thể bảo vệ được quyền lợi của nước Mỹ.
Từ đó, con gà hết gáy để gọi mặt trời mọc mà đành chạy theo ánh mặt trời: Obama lặng lẽ tiến hành đối sách của Bush (bài “Gáy Xong Rồi Lại Lên Chuồng” trên cột báo này cách đây hai tuần) vì thực tế vốn dĩ cứng đầu hơn cái lưỡi hùng biện khi tranh cử.
Tổng thống Barack Obama muốn tái phối trí lại các đơn vị tác chiến để tập trung khả năng dụng binh khi cần dụng lễ. Then chốt là rút quân khỏi Iraq để tăng viện cho chiến trường A Phú Hãn. Khi tung ra chiến lược “dồn” quân (định nghĩa của chữ “surge”), Bush nhắm vào việc tăng quân nhất thời để sớm đạt kết quả chính trị hầu rút dần khỏi Iraq. Chiến lược ấy thành công nên việc rút quân đã được ấn định – và thỏa thuận với Chính quyền Baghdad hồi tháng 11.
Ngày nay, khác biệt nếu có là Obama đòi rút trong 16 tháng, các tướng lãnh đề nghị 23 tháng và đôi bên thoả thuận thời điểm 19 tháng, không ra khỏi những cam kết trong thoả ước SOFA đã ký với Iraq.
Ngoài việc rút quân khỏi Iraq, Obama tính thêm việc tăng cường phối hợp đa phương với Âu Châu, cụ thể là kêu gọi các thành viên Âu Châu của Minh ước NATO tăng viện cho A Phú Hãn. Khi ấy, ông mới hiểu ra nỗi khó của Bush: các nước Âu Châu đều lắc đầu. Trước đây, họ có lý cớ là sự cứng đầu của Bush, lý cớ ấy không còn, Obama mắc nghẹn. Mỹ có thể đưa quân từ Iraq qua A Phú Hãn nhưng chưa đủ so với nhu cầu và càng không đủ khi Âu Châu ngần ngại.
Về dài thì NATO sẽ mất lý do tồn tại, là điều Tổng thống Mỹ có thể thấy ra khi dự Thượng đỉnh NATO vào tháng Tư tới đây để kỷ niệm 60 thành lập liên minh quân sự này. NATO không thể đồng tâm ứng phó tại một chiến trường “sạch” và có chính nghĩa là A Phú Hãn thì làm sao thống nhất hành động trước sự hung hăng của Liên bang Nga, sự bất định của Âu Châu và tinh thần phản chiến của Tây Âu lẫn sự hoài nghi đầy lo sợ của Đông Âu?
Từ chuyện ngắn và nóng hổi là chiến trường A Phú Hãn qua chuyện dài – hơn một chu kỳ tranh cử – Hoa Kỳ thời Obama đang đụng vào một thực tế nan giải: Tổng thống Mỹ muốn mở rộng sự tham gia của các đồng minh vào kế hoạch bảo vệ an ninh quốc tế, hầu quân lực Mỹ khỏi bị căng mỏng trên nhiều chiến trường từ Âu qua Á, nhưng các đồng minh đều ngần ngại, thoái thác.
Ngày xưa, như viên sheriff cô đơn của phim High Noon, ông Bush phải bấm bụng đi làm “sen đầm quốc tế” trong thế độc hành, và bị cả thế giới đả kích. Bây giờ, tới lượt sheriff Obama với khẩu súng đơn côi. Nếu lại giảm chi về quốc phòng nữa thì khẩu súng đó hết đạn và Obama sẽ là ... truyền nhân của Jimmy Carter, tổng thống một nhiệm kỳ.

Ông xoay kiểu khác. Vào trong
Khi chuẩn bị đối sách ngoại giao, Tổng thống Obama đã tái phối trí bộ máy ngoại giao và an ninh. Ông chọn khuôn mặt ăn khách là Hillary Clinton làm Ngoại trưởng, nhưng rút ruột bộ Ngoại giao cho bà tự do phô trương phần nhu, tinh thần dụng lễ tới độ đi lạy Bắc Kinh như ta đã thấy.
Obama rút ruột bộ Ngoại giao khi bổ nhiệm ba Đặc sứ thuộc loại nặng ký là George Mitchell cho Trung Đông, đi kèm Đại sứ Dennis Ross cho hồ sơ Israel, và Richard Holbrooke cho khu vực A Phú Hãn và Pakistan. Ba nhân vật này sẽ phối hợp đối sách của Mỹ trên các vùng hoả tuyến đó và báo cáo thẳng lên tòa Bạch Cung. Bên trong, Cố vấn An ninh Quốc gia, Tướng James Jones, là người thực tế đôn đốc theo dõi, dưới quyền quyết định của Tổng thống.
Nói cách khác, Obama đang hoán chuyển và tập trung trách nhiệm đối ngoại về Phủ Tổng thống.
Ngay tại Á châu, là nơi Hillary thăm viếng đầu tiên, hồ sơ nóng nhất là Bắc Hàn cũng tuột khỏi tay Ngoại trưởng, với một đặc sứ không do bà chọn lựa và vụ Bình Nhưỡng đòi thử nghiệm hỏa tiễn phóng vệ tinh là một vấn đề của Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates và Cố vấn An ninh Jones. Ngoài ra, Phó Tổng thống Joe Biden cũng không che giấu tham vọng để lại dấu ấn của mình trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Nhìn lại cách phân công lao động ấy, Hillary Clinton sẽ mặc áo đẹp nói lời hoa mỹ về một nước Mỹ dễ thương và hào phóng về viện trợ quốc tế. Phần bắp thịt thô tháp và về một nước Mỹ đáng sợ lại nằm ở nơi khác, trong Hội đồng An ninh Quốc gia ở Phủ Tổng thống và bên bộ Quốc phòng.
Câu hỏi đặt ra, Hillary Clinton có muốn làm đóa hoa trang sức như vậy không, hoặc chịu đựng được bao lâu trước khi bước ra, và nghĩ lại, về một sự nghiệp khác? Câu hỏi ấy rất hấp dẫn cho chính trường Hoa Kỳ trong hai năm tới. Nhưng chưa đáng chú ý bằng một câu hỏi khác, là khả năng quản trị và phối hợp của Phủ đầu rồng, của Obama. Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã từng thất bại nhiều lần về tình trạng ba đầu sáu tay của các bộ phận an ninh và đối ngoại, khi ba đầu sáu tay ấy loạn đả với nhau trước sự bần thần của Tổng thống.
Chuyện ấy có thể sẽ tái diễn, các đồng minh của Mỹ thì sợ như vậy. Và đối thủ của Mỹ thì mong như vậy. (NXN)