Cuộc Cách Mạng Obamê |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Ba, 03 Tháng 3 Năm 2009 22:55 | |||
Nhân danh khủng hoảng, Obama đi làm cách mạng... Một trong những cái thú của ngành truyền thông là... đi lột mặt nạ! Nói cho văn minh lịch sự là đi tìm sự thật, nhất là sự thật đằng sau các khẩu hiệu chính trị. Từ mươi ngày qua, Tổng thống Barack Obama đã tung ra khá nhiều khẩu hiệu hạp nhĩ những người bị "hội chứng Obamê", vì mê Obama mà không nhìn ra sự thật. Sau khi ban hành đạo luật kích thích kinh tế vào ngày 17 tháng Hai, ông Obama tới tấp tung ra nhiều sáng kiến mới về kế hoạch cứu nguy gia cư - chưa được khai triển trong chi tiết - và một tuần sau đã đọc bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội - được nhiều người nức nở ngợi ca mà có khi chưa hiểu. Ngay hôm sau, ông thông báo những trọng điểm của dự luật ngân sách cho tài khoá tới, lồng bên trong là nhiều sáng kiến có nội dung cách mạng khả dĩ làm thay đổi nước Mỹ trong cả thập niên tới... Nhìn từ giác độ chính trị, Barack Obama là chính khách xuất chúng. Như một thầy thuốc mát tay, hay một thợ rèn có tài, ông dùng phương pháp vừa bổ vừa tả, và thổi lò khủng hoảng cho cực nóng để rèn thép vào lúc mềm nhất. Ông nói tới nguy cơ khủng hoảng để nhân đó tung ra nhiều chương trình rộng lớn về kinh tế và xã hội, rồi sau khi hăm dọa theo kiểu "nếu không cải cách thì Hoa Kỳ chẳng có tương lai", ông lại trấn an, rằng nước Mỹ sẽ đứng dậy và tiếp tục lãnh đạo thế giới. Như một bày con trẻ, người dân chỉ hoang mang thấy rằng mỗi lần Obama lên tiếng thì thị trường chứng khoán lại tuột dốc - quả là nước Mỹ đang bị khủng hoảng. Và họ thầm mong rằng liều thuốc Obama dù có đắng thì cũng đẩy lui được con bệnh kinh tế, giúp cho nước Mỹ trở lại vị trí siêu cường đáng kính trọng. Chúng ta nên phân tách chiều hướng của cuộc cách mạng trong cái trớn của cuộc khủng hoảng. Thời giờ còn chán! Nhưng trước nhất, hãy nhìn vào thực tế đã... *** THỰC TẾ MÙ MỜ Hôm 27, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa công bố thống kê có điều chỉnh về kinh tế Hoa Kỳ trong quý bốn của năm ngoái. Trong ba tháng cuối năm, sản lượng kinh tế Mỹ có sụt giảm 6,2% quy ra toàn năm. Đây là một điều chỉnh theo hướng tiêu cực hơn những thông báo của bộ vào tháng trước - là giảm 3,8%. Đến ngày 26 tháng tới, ta mới có con số xác thực về tình hình kinh tế Mỹ vào tam cá nguyệt sau cùng của năm ngoái. Trình bày lại cho dễ hiểu: chúng ta biết được sự thật kinh tế như người lái xe nhìn vào tấm kính chiếu hậu, chỉ thấy những gì đã xảy ra ở đằng sau, và nhìn rõ dần trong từng tháng. Nói cho rõ hơn: chúng ta chưa biết gì về tình hình kinh tế trước mắt! Cho nên, bảo rằng kinh tế sẽ lên hay xuống trong tương lai thì đấy chỉ là dự báo và có thể sai. Nhiều phần thì sẽ là sai vì Hoa Kỳ chưa từng bị một trận suy thoái nào như vậy từ mấy chục năm nay. Nhưng, giới kinh tế và chính trị không thể không cố gắng nhìn xa hơn về đằng trước, thay vì chỉ ngó vào tấm kính chiếu hậu.. Nếu kết hợp con số thông báo của quý bốn năm ngoái là sụt 6,2% - một mức độ suy sụp ai cũng thấy là lớn và được truyền thông thiếu hiểu biết về kinh tế khuếch đại thêm - thì kết quả toàn năm 2008 là sản lượng Hoa Kỳ có tăng trưởng được 1,1%.. Kinh tế Mỹ bị suy trầm - recession - từ tháng 12 năm 2007, vậy mà trong 12 tháng của năm ngoái, sản lượng vẫn có tăng được 1,1%. Dù không nhiều thì vẫn là có tăng, một trường hợp đáng thèm thuồng cho các nền kinh tế khác của Tây phương, như Nhật Bản, Đức hay Anh quốc. Nôm na là "tôi ơi, đừng tuyệt vọng!" vì các đầu máy kinh tế kia còn tệ hơn mình rất xa. Kinh tế Mỹ bị suy trầm từ tháng 12 năm 2007, đến nay đã là 14 tháng rồi.. Từ suy trầm liệu kinh tế có trôi vào suy thoái - depression - không? Suy trầm là đạt mức tăng trưởng chậm hơn trong hai quý liền, suy thoái là sản xuất suy giảm đồng loạt trong nhiều lãnh vực và rất lâu. Rồi có bị khủng hoảng không? Sự thật thì kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn nhưng còn nhẹ hơn nạn suy trầm năm 1981-1982, khi Reagan tiến vào toà Bạch Cung làm cuộc cách mạng của ông, theo hướng bảo thủ. Vì vậy, ta có thể tạm kết luận là Obama dùng bài bản Reagan để nhân khi kinh tế suy trầm - đi chậm - mà bẻ tay lái qua hướng khác, thiên tả và bao cấp. Barack Obama có quyền làm như vậy và không hề che giấu điều ấy khi nói thẳng là "nhân đà khủng hoảng sẽ đề ra những mục tiêu lâu dài cho nước Mỹ." Vấn đề là kinh tế không bị khủng hoảng. Suy trầm hay cùng lắm là suy thoái chứ chưa là khủng hoảng - crisis - như thời 1929-1933. Chuyện ấy, ít ai nói tới nữa vì đã quá quen tai với chữ khủng hoảng từ thời tranh cử, từ năm kia. Sau khi đắc cử, trong bài diễn văn 15 phút ngày 18 để nói về kế hoạch gia cư, Obama dùng chữ "khủng hoảng" 25 lần là có dụng ý. Hoặc gian ý! Tiếp tục nhìn về đằng trước thì nếu kinh tế không - hay chưa - bị khủng hoảng, liệu bao giờ sẽ đụng đáy và phục hồi? Người viết đã liều mình tiên đoán từ năm ngoái là đến quý ba năm nay, từ tháng Sáu tới tháng Chín, kinh tế Mỹ sẽ hết suy sụp, chạm tới đáy và bắt đầu lên. Dù không mạnh và lên rất chậm thì đấy cũng là một dự báo lạc quan. Cơ sở của dự báo liều lĩnh này là vì Hoa Kỳ đã đối phó rất nhanh với nạn suy trầm và khủng hoảng tài chánh, với lãi suất căn bản đang chạm số không, và hơn ngàn tỷ được bơm vào kinh tế từ gần sáu tháng nay. Ngoài ra, dầu thô sụt giá hơn 70% cũng làm hạ nhiệt cơn sống xăng dầu tại Mỹ và tiết kiệm được khoảng 350 tỷ cho giới tiêu thụ, tương tự như dân Mỹ vừa được giảm thuế mấy trăm tỷ... Một số cơ quan nghiên cứu chuyên môn và khách quan đã bắt đầu nói tới hy vọng ấy, sẽ được thấy kể từ tháng Chín trở đi... Thống kê của bộ Thương mại hôm 27 phần nào xác nhận sự kiện này, nếu ta đọc ra: mức gia tăng sản lượng cho tồn kho - inventories - của Mỹ trong quý bốn năm ngoái có lên 0,16 - của một phần trăm. Xin có vài lời giải thích hơi chuyên môn một chút, mong độc giả thông cảm. Tháng Giêng vừa rồi, bộ Thương mại cho biết con số gia tăng đó cao gấp 10. Tồn kho là mặt hàng sản xuất ra mà bán chưa được. Khi bán chưa được, các doanh nghiệp sản xuất ít đi, tuyển dụng ít hơn hoặc sa thải nhiều hơn. Tồn kho mà cao thì ta biết là tương lai còn u ám. Bây giờ, mình được biết là lượng tồn kho chỉ tăng có 0,16% thay vì hơn 15% thì ta có thể lạc quan suy đoán là tình hình đang có cải thiện và cải thiện từ quý bốn của năm ngoái. Nghĩa là con số sản lượng kinh tế bị sụt 6,2% vẫn chưa là tin xấu nhất! Lồng bên dưới là một tia hy vọng dù mong manh thì cũng không thể là tuyệt vọng như giới chính trị vẫn dọa nạt để cài vào kế hoạch cứu nguy những khoản tăng chi có mục tiêu khác. Obama báo động về khủng hoảng kinh tế để thi hành kế hoạch cải tạo xã hội. Ông có quyền đó vì được bầu lên theo tinh thần "đổi mới". Ông có khả năng đó vì Quốc hội đang nằm trong tay đảng Dân Chủ. Nhưng bảo rằng kinh tế Mỹ đang bị khủng hoảng là điều chưa chính xác. Nước Mỹ bị khủng hoảng niềm tin, và điều ấy có ảnh hưởng đến kinh tế. Obama không chỉ lạm dụng chữ khủng hoảng, ông còn nói sai nhiều điều khác. Nếu không muốn bị lây hội chứng Obamê, chúng ta nên nhìn ra những điều ấy. *** LẬT TẨY LÃNH TỤ Tổng thống Barack Obama có quyền trình bày trước quốc dân kế hoạch cải tạo xã hội của ông và người dân có quyền tín nhiệm hoặc bác bỏ những đề nghị này. Không phải vì vậy mà nước Mỹ sẽ vỡ đôi vì hai phe xanh đỏ, Dân Chủ hay Cộng Hoà, theo tỷ lệ 54-46 mà ông Obama đã đạt được. Tổng thống có quyền đề nghị và người dân có quyền - nên - tranh luận về đề nghị này. Nhưng muốn như vậy thì phải biết chuyện thực hư. Trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội hôm 24, Obama nói ra nhiều chuyện hư hơn thực. Sau đây là vài thí dụ - giấy báo dạo này đắt, ta không đủ chỗ lật hết! Obama dọa dân Mỹ mà nói rằng "ngày nay chúng ta nhập cảng dầu thô nhiều hơn bao giờ hết!" Ban tham mưu kinh tế hay năng lượng của ông không kịp bịt một phát biểu sai lầm như vậy. Thực tế thì Hoa Kỳ nhập cảng dầu thô nhiều nhất là vào năm 2005 (cao điểm là hơn 15 triệu thùng một ngày vào ngày bốn tháng 10 năm 2005). Con số mới nhất của Bộ Năng lượng là 11, 6 triệu thùng vào tuần lễ 20 tháng Hai. Thống kê của US Energy Information Administration cho thấy Hoa Kỳ nhập cảng tới 5 tỷ thùng dầu thô vào năm 2005, và từ đó số nhập cảng giảm dần. Obama cũng nói sai khi bảo rằng kế hoạch kinh tế của ông trên lãnh vực gia cư sẽ chỉ cứu nguy các gia đình ngay tình mua nhà với tinh thần trách nhiệm mà bị khó khăn chứ không cứu bọn đầu cơ hay những kẻ mua nhà mà không tài nào trả nợ được. Chuyện ấy hơi khó vì làm sao phân biệt được yếu tố "có trách nhiệm" với thành phần dại dột hoặc gian xảo đầu tư bậy bạ? Ngay hôm sau, 25 tháng Hai, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ là Ben Bernanke nói thẳng ra sự thật theo lối ví von đặc biệt của ông: "Phải cứu tất cả! Nhà đang cháy thì ta cứ dập lửa đã, sau này mới xét tới những kẻ đã hút thuốc trên giường mà gây ra hỏa hoạn". Chủ tịch của quỹ FDIC - bảo đảm quyền lợi của giới ký thác tiền bạc vào ngân hàng - là bà Sheila Bair thì nói rõ hơn trên đài NPR: "không có cách gì điều tra ra từng trường hợp trễ nợ và không nên tìm cách trừng phạt những người sắp bị kéo mất nhà! Làm vậy chỉ nâng cao số nhà bị ế và kéo dài khó khăn kinh tế cho mọi người." Nói cách khác, việc cứu nguy gia cư sẽ tốn kém hơn nhiều! Đây là cơ hội mà ngành tài trợ gia cư không nên bỏ lỡ!... Cũng trong cái trớn dọa nạt, Obama lại đùa với con số: "phí tổn y tế gia tăng khiến mỗi 30 giây lại có một doanh nghiệp phá sản!" Nghe vậy, những người bị hội chứng Obamê sẽ bật dậy ngợi ca vị cứu tinh vừa giáng thế. Xin hãy cứ ngồi xuống: thống kê từ các toà án Mỹ cho biết số doanh nghiệp bị khánh tận trong 12 tháng liền tính đến cuối tháng Sáu 2008 là 934 ngàn cơ sở. Một năm có 32 triệu giây và nếu có hơn 900 ngàn cơ sở bị phá sản - con số không cao hơn trung bình từ mấy chục năm nay tại nước Mỹ - thì tính nhẩm là 30 giây có một công ty vỡ nợ.. Obama nói không sai. Nhưng, chỉ có chừng phân nửa số này là bị phá sản vì chi phí y tế gia tăng mà thôi. Con số không biết nói dối, nhưng người nhập nhằng thì dễ làm rối người khác với những con số tào lao! Ngẫu nhiên sao, nó lại trùng với định nghĩa về "phân nửa của sự thật!" Ngoài ra, Obama còn nhập nhằng nhiều chuyện linh tinh khác, như Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đã sáng chế ra xe hơi. Sai lắm! Hoa Kỳ là nước đầu tiên đã thiết kế hệ thống sản xuất xe hơi theo quy trình kỹ nghệ, tức là hàng loạt. Đó là công lao của Henry Ford năm 1913, hoặc hệ thống sản xuất xe Oldsmobile (Curved Dash) năm 1901 trước đó. Còn sáng chế ra xe hơi đầu tiên là thành tích của các ông Karl Benz của Đức (năm 1885-1886), hay Gottlieb Wilhem Daimler và Wilhelm Maybach cũng của Đức năm 1886, hoặc Nicolas-Joseph Cugnot của Pháp (chạy bằng... hơi nước năm 1769!), hoặc Robert Anderson của xứ Tô Cách Lan (Scotland) vào khoảng 1835... Những dữ kiện ấy ta có thể kiểm chứng được, miễn là có tinh thần kiểm chứng hơn là nuốt chửng. Trong đà khích lệ ba quân, Obama không chỉ cho dân Mỹ đi tầu bay giấy về việc phát minh ra xe hơi, ông còn cho dân Mỹ leo lên xe hỏa xuyên bang từ thời Nội chiến! Ông nói rằng ngay giữa thời nội chiến, nước Mỹ đã vinh quang đặt đường thiết lộ từ Đông qua Tây giúp cho nền công thương được phát đạt.. Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ năm 1861 và qua năm sau nước Mỹ mới ký đạo luật Hoả xa Thái bình dương (Pacific Railroad Act - 1862). Năm sau đó, 1863, thì các tiểu bang miền Tây và miền Trung mới bắt đầu đặt đường rầy rồi ngần ấy đoạn được ráp nối thành thiết lộ xuyên bang từ Đại Tây dương tới Thái Bình dương vào năm 1869. Khi Nội chiến đã chấm dứt bốn năm về trước. Nhằm nhò gì những chuyện lẻ tẻ ấy? Nếu kể thêm những khoa trương vô lối trong cuộc họp báo đầu tiên vào ngày chín tháng Hai, chúng ta sẽ đi vào bất tận. Dù sao, chuyện phóng đại cho bi thảm hơn - hay lạc quan hơn tùy mục tiêu của từng lời phát biểu - chỉ nhắm vào mục đích thuyết phục quốc dân theo chân ông Obama đi làm cách mạng. Đi theo hay không là quyền của chúng ta, nếu biết được là đi đâu, và tốn kém chừng nào, ai sẽ trả phí tổn cho chuyến viễn du vào cõi màu hồng đó? *** VIỄN DU VÀO CÁCH MẠNG Chúng ta sẽ còn cơ hội phân tách và trình bày nội dung của cuộc cách mạng sau khi Chính quyền Obama công bố thêm chi tiết cụ thể. Người ta cần biết chuyện cụ thể hơn là những lý luận trong tinh thần tranh cử - một sở trường và dấu ấn của Obama. Trên đại thể, Tổng thống Obama muốn làm cách mạng về năng lượng và môi sinh, cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khoẻ để mọi người đều có bảo hiểm như tại nhiều nước Âu Châu, cải cách chế độ giáo dục để nhà nước cũng chu toàn luôn việc đào tạo sau Trung học. Lồng bên dưới ba chiều hướng vĩ đại này là sự tăng cường vai trò của nhà nước trong hầu hết mọi lãnh vực sinh hoạt, kể cả việc quyết định xem ai sẽ cho ai vay tiền với điều kiện ra sao... Đây là ta mới chỉ nói về lượng, chưa thể xét về phẩm. Nhiều nước Âu Châu đã tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân bản như vậy nên ngân sách quốc gia chiếm tới 47% tổng sản lượng cả năm của họ, so với 40% tại Hoa Kỳ. Nghĩa là nước Mỹ còn có thể tăng chi ngân sách để đi tới đó. Đối mới là làm như Tây! Nhưng kết quả ra sao thì ta đã thấy tại Âu Châu. Hoa Kỳ có khi sẽ khác và không lụn bại như thế vì đặc tính riêng của nước Mỹ - địa dư, hình thể, tài nguyên, dân trí và nếp văn hoá nghi ngờ chính quyền, sùng chuộng tự do cá nhân hơn là tinh thần ỷ lại, v.v... Chúng ta có thể tạm lạc quan tin tưởng như vậy đi, để thử nghiệm con đường cách mạng này. Nhưng, làm sao đi tới đó? Tiền đâu là câu đầu tiên. Câu trả lời của Obama là đánh thuế bọn nhà giàu - những hộ gia đình có lợi tức đồng niên từ 250 ngàn trở lên. Thành phần có tội này, gần bốn triệu người trong dân số 330 triệu, đã đóng góp khoảng 60% cho nguồn thu về thuế khoá của cả nước - tính tròn là vào khoảng 600 tỷ đô la cho dễ nhớ. Cuộc cách mạng về y tế của Obama đề nghị 634 tỷ trong 10 năm như khoản tiền đặt cọc - "down payment". Mới chỉ là bước đầu mà thôi. Nếu có gọt đầu mọi người có tóc thì cũng chỉ đủ chi trả cho một đoạn đường ngắn của cuộc cách mạng. Chưa nói đến các khoản chi khác cho các mục tiêu vĩ đại khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm khi lộ trình cách mạng được công bố thêm. Nhưng ngay từ bước này ta đã thấy là nước Mỹ sẽ phải vay tiền đi làm cách mạng và các thế hệ về sau sẽ trả. Chỉ mong là đến lúc đó, người ta đã ra khỏi hội chứng Obamê! Trong khi ấy, và trở lại chuyện trước mắt, kinh tế Mỹ có hy vọng đụng đáy và hồi sinh từ quý ba năm nay. Tới khi đó, Chính quyền Obama sẽ ngợi ca phép lạ của kế hoạch kích thích kinh tế ban hành hôm 17, dù chưa thấy khởi động cuốc sẻng làm đường. Nhưng điều đáng sợ nhất là sau khi hồi sinh được chút đỉnh, kinh tế lại suy trầm nữa! Người ta thường nói về đường tuyến hình chữ V khi kinh tế suy giảm mạnh rồi tăng vọt. Ai cũng mơ chuyện ấy sau 14 tháng suy trầm đằng đẵng nên gần với chữ U hơn là chữ V. Biết đâu chừng là nhờ phép lạ Obama, kinh tế sẽ lên rồi xuống và lên rồi lại xuống theo cái dạng của chữ W. Hoặc tệ hơn vậy, chữ WWW! Gặp trường hợp ấy, cuộc cách mạng gập ghềnh và tốn kém của Obama sẽ đi vào ngõ cụt.
|