Home Tin Tức Bình Luận Vô Minh Vô Tận

Vô Minh Vô Tận PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Chúa Nhật, 08 Tháng 3 Năm 2009 00:43

...những cú xốc của Obama...

Ngày xửa, ngày xưa, năm 1972 Cộng sản mở lại cuộc tấn công sau mấy năm kiệt quệ vì thành tích Mậu Thân 68. Họ muốn dứt điểm vì biết rằng Mỹ đang tháo chạy. Cùng lúc ấy, Hoa Kỳ lặng lẽ cắt giảm viện trợ cho miền Nam để gây áp lực hầu có thể tháo chạy một cách văn minh, qua một bản Hiệp định vãn hồi "hòa bình".

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, đời sống kinh tế của 24 triệu người dân miền Nam tất nhiên là khó khăn. Chính quyền Saigon điêu đứng ở nhiều mặt mà không giải thích được cho người dân biết rõ sự thể, nhiều khi vì không tin rằng Hoa Kỳ sẽ bỏ rơi miền Nam. Và còn bị điêu đứng vì vụ khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu, một hậu quả từ Trung Đông dội vào ngân sách bị co cụm vì viện trợ sút giảm.

Khi ấy, nếu chúng ta còn nhớ, Sàigon phải ban hành một số quyết định kinh tế, nào thuế phân suất quân bình, chánh sách kiệm ước hoặc tăng giá nguyên liệu, xăng dầu, v.v... Khi ấy, truyền thông báo chí miền Nam dí dỏm tung ra những lời mỉa mai "Cách mạng Kinh tế mùa Thu... chết", hoặc nhái lại tên cuốn phim ăn khách của Lý Tiểu Long để gọi một Bộ trưởng Kinh tế thời ấy là "Đường Xăng Đại Huynh"...

Sau đó là thảm kịch lớn cho tất cả mọi người.

Không chỉ có "ký giả đi ăn mày" mà là cả nước. Và kinh tế bị "cải tạo" để trôi vào khủng hoảng trong khi mấy trăm ngàn người bị tù đầy, kể cả nhiều nhà báo. Sự man rợ dưới bộ mặt người xuất hiện và dân miền Nam hiểu dần số phận bi đát của 22 triệu đồng bào miền Bắc trong 21 năm thống trị của Cộng sản. Nhưng đã quá trễ.

Thị trường, chiến trường, chính trường, sự tường thuật của báo giới, lời bình luận của các thầy bàn Sàigon và cả sự u mê của nhiều người trong cuộc là một kinh nghiệm chua sót mà chúng ta không nên quên.

Ngày nay, nếu cứ theo dõi báo chí thì mình thấy ra nhiều chuyện tương tự.

Và những u mê tương tự... nhưng trong một hoàn cảnh khác, của xã hội Hoa Kỳ.

Cả thế giới bị khủng hoảng nhiều mặt vì kinh tế suy trầm hoặc suy thoái, thất nghiệp tăng, thị trường chứng khoán sụt giá, ngân hàng phá sản, v.v... trong khi chiến tranh chưa tàn và Chiến tranh lạnh lại được hâm nóng tại Âu Châu. Nơi có nhiều triển vọng phục hồi nhanh nhất vì bị suy sụp trước nhất chính là Hoa Kỳ. Nhưng đây cũng là nơi mà người ta tranh luận nhiều nhất, về những điều mà nhiều người không biết, kể cả những người nhảy vào trong cuộc ngợi ca Obama!

Vô minh là vậy!
***
NIXON XỘC CỪ
Hãy ôn lại chuyện cũ để mình khỏi quên...

Khi theo đuổi cuộc chiến tại Việt Nam, Chính quyền Lyndon Johnson đã có những lầm lẫn chiến lược - một phần là do kế thừa những lầm lẫn của các chiến lược gia đại trí thức trong Chính quyền John Kennedy. Nhưng giữa cuộc chiến, Johnson vẫn thực hiện lời hứa hẹn của ông là xây dựng một xã hội công bằng cho đại đa số dân chúng, đó là chương trình xã hội đại đồng "Great Society". Ông là vị tổng thống đáng kính trọng về thành tích nội trị nhưng thất bại thể thảm về đối ngoại.

Hai mục tiêu song hành của ông là chiến tranh và xã hội khiến Hoa Kỳ bị suy sụp về kinh tế và không thể cáng đáng nổi trách vụ lãnh đạo với nhiều khoản tăng chi để viện trợ cho xứ khác.
Khi kế thừa di sản của Johnson, Chính quyền Richard Nixon áp dụng chánh sách kinh tế sặc mùi bao cấp của cánh tả - kể cả kiểm soát giá cả - và mưu tìm "hoà bình trong danh dự" tại Việt Nam. Năm 1971 Nixon còn làm hai chuyện động trời là... quịt nợ thế giới, rồi đàm phán với Bắc Kinh. Sau này, lịch sử gọi hai chấn động ấy là "Nixon shocks", Nhật Bản dịch âm ra "Nixon xộc cừ".

 Hãy nói về chuyện quịt nợ trước.

Chiến tranh Việt Nam khiến Mỹ phải tăng chi và gây ra lạm phát, và lần đầu tiên trọng lịch sử Hoa Kỳ, xứ này bị khiếm hụt về chi phó (chi nhiều hơn thu về ngoại tệ) và nhập siêu về ngoại thương (nhập nhiều hơn xuất cảng). Hậu quả là số dự trữ vàng của Mỹ từ 55% tổng số tiền tệ lưu hành đã giảm dần và chỉ còn bằng 22% vào năm 1970. Qua năm sau, Hoa Kỳ tiếp tục in thêm bạc cho nhu cầu chi dụng và càng gây thất quân bình trong hệ thống tiền tệ quốc tế thiết lập từ hội nghị Bretton Woods năm 1944.

Hệ thống ấy là một thứ kim bản vị gián tiếp - nôm na giá trị đồng bạc các nước dựa trên dự trữ vàng và đồng Mỹ kim, và các nước sử dụng Mỹ kim được bảo đảm là đồng đô la Mỹ có thể đổi ra vàng theo tỷ giá 35 đô la một troy ounce vàng - khoảng 31 gram. Nền tảng của hệ thống đó là khả năng hoán chuyển của đồng đô la ra vàng.

Nói cho dễ hiểu, Hoa Kỳ là nhà cái của một sòng bạc quốc tế và ai làm ăn với Mỹ mà có tiền Mỹ thì có thể đổi lại ra vàng.

Bây giờ, khi thấy nhà cái thua đậm, lạm phát làm đồng bạc Mỹ mất giá và cán cân chi phó thiếu hụt chồng chất, nhiều nước hết tin vào Mỹ kim và muồn đổi lấy vàng cho chắc ăn. Chủ sòng gần vỡ nợ thì các con bạc đều lo. Phản ứng đó gây ra biến động hối đoái làm rung chuyển hệ thống Bretton Woods.

Ngày 15 tháng Tám năm 1971, Tổng thống Nixon đơn phương ban bố một loạt quyết định về kinh tế: kiểm soát giá cả và lương bổng trong 90 ngày, nâng tô suất thuế nhập cảng thêm 10% và "thả nổi đồng đô la". Cụ thể là quyết định không trả vàng cho những ai có Mỹ kim nữa. Chế độ kim bản vị gián tiếp thực tế chấm dứt, và giá trị đồng Mỹ kim không còn giàng vào vàng nữa. Các nước khác đều bị chấn động theo và lần lượt thả nổi đồng bạc của họ.
Hệ thống Bretton Woods do Hoa Kỳ thiết lập đã cáo chung do một quyết định cũng của Hoa Kỳ.

Và không chỉ thế giới chưng hửng mà bộ Ngoại giao Mỹ cũng vậy vì không được tham khảo hay thông báo gì về quyết định ấy.

Kể từ đấy, kho dự trữ vàng của Mỹ tại Ford Knox của tiêu bang Kentucky chỉ còn giá trị cho phim James Bond - trong "Goldfinger". Giá trị đồng đô la hết tùy thuộc vào lượng vàng trong kho Mỹ mà trôi theo quy luật thị trường và nếu kẹt thì Hoa Kỳ cứ việc... in bạc ra xài. Quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ là in bạc bơm tiền, gọi là "quantitative easing", như một hoạt liệu cho kinh tế đang bị ách tắc tín dụng và cạn kiệt thanh khoản, đã được cột báo này trình bày nhiều lần từ mấy tháng nay. Nếu ta theo dõi tin tức kinh tế, thị trường chứng khoán (mua b án cổ phần) hay thị trường t í nd ụ ng (mua bán trái phiếu) thì không hề có chuyện lưu hành tiền tệ căn cứ trên số quý kim trong kho dự trữ!

Vào đầu năm 2009 mà còn nói rằng giá trị đồng đô la dựa trên lượng vàng trong kho của Mỹ là quên chuyện động trời của mấy chục năm trước.

Hãy sang cú xốc thứ hai.

Một tháng trước quyết định quịt nợ, ngay trong tháng Bảy năm 1971 ấy, Nixon đã chuẩn bị cú xốc kia.

Đó là cho Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger lén qua Bắc Kinh mật đàm với lãnh tụ Trung Quốc, từ Mao Trạch Đông trở xuống. Ngoại trưởng William Rogers bị gạt ra ngoài vụ tiếp xúc và sau khi đôi bên ngã giá xong xuôi, Richard Nixon mới qua Bắc Kinh phó hội. Chuyến Hoa du của Nixon kéo dài từ ngày 21 đến 28 tháng Hai làm đảo lộn cục diện quốc tế với bản "Tuyên ngôn Thượng Hải".

Một vị tổng thống nổi tiếng chống Cộng lại hợp tác với một chế độ cộng sản hắc ám nhất, với mục tiêu là dựng thế liên kết Mỹ-Hoa để khống chế Liên bang Xô viết. Cái giá cho sự hợp tác đó là bỏ rơi Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan và sẽ rút khỏi miền Nam.

Vì Nixon mà các nước Âu Châu thì bị chấn động bởi đòn ngoại tệ, các nước Á Châu bị hụt hẫng bởi chuyến Hoa du.

Đồng minh chiến lược của Mỹ tại Đông Á là Nhật Bản thì bị cả hai. Đồng Yen Nhật được giàng giá vào tiền Mỹ theo hối suất 360 Yen ăn một Mỹ kim bỗng như bốc khói và cả chiến lược an ninh Mỹ-Nhật tại khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh Cao Ly coi như kết thúc. "Cách mạng kinh tế mùa Thu... chết" của miền Nam là một dư ba của hai cú xốc của Nixon. Nếu có lần giở và đọc lại các lời bình luận của chúng ta tại Sàigon thời ấy mình sẽ thấy ra sự ngây thơ phổ biến. Không ai dám trách người xưa là thiếu am hiểu về thiên hạ sự, nhưng ngày nay tình hình đã khác thì mình nên cố hiểu ra.

Vì ngày nay, thế giới có thể đang thấy lại một chuyện tương tự....
***
OBAMA XỘC CỪ

Hãy từ chuyện ở xa đến việc gần, từ an ninh chiến lược đến kinh tế trong nước Mỹ...
Thứ Sáu mùng sáu, Ngoại trưởng Hillary Clinton dự Hội nghị các Ngoại trưởng trong Minh ước Bắc Đại Tây dương NATO tại Bruxelles. Trước khi vào hội nghị, bà thông báo là Hoa Kỳ sẽ mời Iran tham dự hội nghị quốc tế ngày 31 tháng Ba này để thảo luận về chiến lược chung tại Afghanistan - người viết xin giữ cách phiên âm cũ là A Phú Hãn vì lý do... ấn loát khi chữ Afghanistan quá dài sẽ làm lệch cột chữ!

Với dư luận, đây là một xoay chuyển lập trường khá đột ngột của Chính quyền Obama.
Dư luận nghĩ sai.

Đây chỉ là một nối tiếp của chiến lược Bush năm xưa. Sau khi quyết định dồn quân đánh tới tại Iraq vào tháng Giêng năm 2007, Hoa Kỳ đã có tiếp xúc với Iran từ lối đa phương tại hội nghị Sharm el Sheikh của xứ Egypt vào tháng Ba năm đó qua ba bốn lần song phương tại Baghdad ở cấp Đại sứ. Tổng cộng ít ra là bốn lần, theo lối vừa dọa vừa dụ, mà chưa đạt kết quả cụ thể là can gián Iran tiến hành kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử. Nhưng chiến lược dồn quân có đạt kết quả ổn định Iraq và giới hạn được sự can thiệp của Iran vào xứ này.
Trước đấy, khi mở chiến dịch tấn công A Phú Hãn, Hoa Kỳ thời Bush có mặc nhiên hợp tác với Iran - vì các Giáo chủ tại Tehran cũng e ngại chế độ Taliban. Với việc lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Baghdad, Hoa Kỳ mặc nhiên nhổ một cái gai Sunni - và đảng Baath - cho các Giáo chủ Shia tại Tehran. Quan hệ đôi bên chỉ trở thành gay gắt khi Iran nhân dịp khuynh đảo Iraq với tham vọng biến đối thủ cũ thành chư hầu hoặc ít ra là vùng trái độn.
Bây giờ, chuyện Iraq đã xong - dù Chính quyền Obama không có can đảm và thành tâm công nhận - việc đàm phán tiếp với Iran là diễn biến tất yếu, không có gì là bất ngờ. Chúng ta có quyền khen hay chê Obama - hoặc Bush - nhưng ít ra phải dựa trên cơ sở thực tế.
Cú xốc của Obama không là Iran. Nó nằm ở cao hơn, vì liên hệ tới Âu Châu.

Sau khi Liên bang Nga tấn công Georgia vào tháng Tám năm ngoái, khối NATO quyết định trả đũa là chấm dứt đối thoại với Nga. Lần này, Hoa Kỳ vừa đơn phương đảo lộn quyết định ấy.

Trước khi hội nghị NATO khai mạc, đại diện cho ba nước Baltic ở phiá Bắc (gồm Latvia, Lithuania và Estonia) là xứ Lithuania đã bỏ phiếu chống lại việc NATO nói chuyện với Nga. Theo quy định của NATO, mọi quyết định chiến lược phải được tất cả các thành viên đồng ý.
Trước sự hung hăng của Nga, các nước Baltic và Ba Lan hay Cộng hoà Tiệp đều kêu gọi Washington phải có lập trường cứng rắn. Hai chính quyền Ba Lan và Tiệp còn đi ngược quan điểm của đa số người dân là ủng hộ kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược "ballistic missile defense" BMD trên lãnh thổ. Hoài công!

Lithuania nêu ra lập trường tại phiên họp NATO vào buổi sáng Thứ Năm mùng năm, đến buổi chiều thì lặng thinh vì bị Mỹ vặn tay bịt miệng! Tất cả các quốc gia có thế giá nhất của NATO đều đồng thanh quyết định sẽ đàm phán với Nga.

Sau đấy, Ngoại trưởng Clinton còn nói ra thực tế phũ phàng hơn cho... Georgia, đang bị Liên bang Nga khống chế.

Năm xưa, Chính quyền Bush đề nghị các nước NATO đón nhận Georgia và Ukraine làm thành viên, tức là mở rộng lá chắn bảo vệ cho hai xứ này, Pháp và Đức tỏ ý ngần ngại vì không muốn gây hấn với Liên bang Nga của Thủ tướng Vladimir Putin. Bây giờ, Chính quyền Obama thông báo cho Georgia biết là xứ này sẽ phải tự lo lấy thân, chuyện mở rộng NATO là hậu xét vì Hoa Kỳ có nhiều chuyện hệ trọng hơn để đàm phán với Nga!

Cùng với việc sẽ xét lại kế hoạch BMD tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp qua đàm phán giữa Mỹ với Nga và Iran, lời thông báo của Hillary Clinton tại Bruxelles có nghĩa là ba nước Baltic và các nước Trung Âu bị thả nổi! Hoặc buông trôi.

Sau khi Hillary tuyên bố tại Bắc Kinh rằng vấn đề nhân quyền không thể chi phối quan hệ Mỹ-Hoa và rằng Mỹ cần Trung Quốc mua công khố phiếu của mình, người ta đả kích bà là nói bậy. Người ta đây là từ các tờ báo thiên tả đã nức lời ngợi ca đảng Dân Chủ tại Mỹ tới các chính trị gia bảo thủ tại Âu Châu. Nhưng lời thông báo của Ngoại trưởng Mỹ tại hội nghị NATO chỉ là một xác nhận mới về đối sách ngoại giao của cả Chính quyền Obama, một cú xốc cho các nước Trung Âu và Đông Âu!

Chúng ta nên nhìn lại tấm bản đồ: chỉ bằng một quyết định, Hoa Kỳ thời Obama vừa chuyển dịch biên giới Đông-Tây - giữa Liên bang Nga và Âu Châu - mấy trăm cây số về phía... Tây, nôm na là lùi mấy trăm dậm. Những ai lỡ sống tại đấy và nghĩ rằng mình là tiền đồn của thế giới tự do thì coi như bị bán đứng, hay sẽ chết chìm! Cứ y như chuyện Việt Nam thời 1972... với kết quả là thảm kịch 1975.

Lý do ngày nay là Hoa Kỳ cần ra khỏi vũng lầy A Phú Hãn nên sẵn sàng đàm phán với Nga và Iran. Không ai tin rằng Mỹ sẽ chấp thuận mọi điều kiện của Moscow hay Tehran và chuyện đàm phán sẽ còn nhiều gay go. Nhưng ngay trong vài nước cờ đầu, Hoa Kỳ đã hy sinh cả xe pháo mã!

Nixon ngầm đưa pháo sang sông và Kissinger đạt thỏa thuận sau nhiều chuyến mật đàm rồi ông mới sang để công khai hoá sự đã rồi với Bắc Kinh, Obama làm ngược lại.

Từ tháng trước, ông đã gửi mật thư cho Tổng thống Dmitri Medvedev của Nga và mật thư được tờ Kommersant của Nga tiết lộ trước, tờ New York Times chụp lấy sau. Tờ nhật báo Mỹ vừa tung tin thì hôm Thứ Ba mùng ba, ngay tại Madrid và bên cạnh Thủ tướng Tây Ban Nha trong một cuộc họp báo, Medvedev đã trả lời câu hỏi - ngẫu nhiên sao cũng của nhà báo Nga - rằng đề nghị của Obama trong mật thư (liên kết chuyện BMD với Iran) là không có giá trị thực tế!

Nhìn lại toàn cảnh thì tình nghĩa đồng minh với Hoa Kỳ là như vậy nếu ta không bị vô minh che lấp. Mà sự tráo trở ấy là một đức tính "lưỡng đảng", của cả hai đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ.

 Giữa hoàn cảnh ấy, khi các nước Trung Âu và Đông Âu đang mấp mé khủng hoảng kinh tế mà không được các đại gia Tây Âu tung tiền cấp cứu thì Hoa Kỳ vẫn lặng thinh vì ưu tiên lo chuyện kinh tế ở nhà. Phân nửa Âu Châu - vừa được giải phóng khỏi ách Xô viết hai chục năm trước - đang bị nguy cơ khủng hoảng cả kinh tế lẫn an ninh, các chính quyền thân Tây phương sẽ đổ, và giấc mơ dân chủ trong kinh tế thị trường sẽ tan thành mây khói.... Chúng ta có thể thấy Âu Châu vỡ đôi nhờ "Cách mạng mùa Xuân Obama".

Bàn thêm về các cú xốc bên trong, những bất toàn hay biện bạch trong kế hoạch cứu nguy kinh tế để cải tạo xã hội của Obama, là chuyện quá dài và cột báo này đã nói rồi (xin xem lại bài "Giã từ Thị trường" trong số ra ngày Thứ Tư mùng bốn). Xin chỉ đóng góp thêm vài chi tiết nhỏ:

Thứ  Sáu tuân trước, khi giải trình trước Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện llàm sao cắt được phân nửa số bội chi ngân sách - "di sản của Bush!" - từ nay đến năm 2013, Tổng giám đốc Ngân sách Peter Orszag - một chuyên gia kinh tế khách quan trước khi phục vụ nội các Obama - đã ngoa ngụy dùng giả thuyết ("baseline") là khoản quân phí cho chiến lược dồn quân tại Iraq còn tiếp tục... trong 10 năm tới. Thực tế là Mỹ đang rút quân khỏi chiến trường này như Bush đã trù tính và Obama đang thi hành: năm tới, các đơn vị tác chiến sẽ ra khỏi Iraq.

Mấy ai hiểu ra chi tiết ngoắt ngoéo ấy về thủ tục ngân sách khi còn mơ hồ về kho vàng Fort Knox?

Dù sao, và đây là chi tiết thứ hai, đêm Thứ Năm, Thượng viện đã rút lại dự luật bổ túc ngân sách (omnibus budget) trị giá 410 tỷ liên hệ đến các khoản chi ngoài quốc phòng từ nay đến hết tài khoá 2009 là cuối tháng Chín này.

Lý do triệt thoái là vì dự luật của Obama và lãnh tụ Dân chủ tại hai viện trên dưới không hội đủ túc số 60 phiếu tại Thượng viện do sự phản đối của nhiều Nghị sĩ, cả Cộng Hoà lẫn Dân Chủ. Họ phản đối vì tăng chi quá đáng, tới mức 8%. Bên trong lại có hơn 8.500 khoản trực chi earmarks trị giá gần tám tỷ bạc cho những mục tiêu hoảng tiều (thí dụ: triệu bẩy cho việc nghiên cứu về mùi hôi của heo tại Iowa hay 200 ngàn cho chương trình xoá bỏ các hình xâm trên da thịt!)

Khi tranh cử, Obama hứa sẽ xét từng dòng ngân sách và xoá bỏ mọi khoản earmark phi lý của các chính khách lấy tiền thuế của dân mua phiếu cho mình. Bây giờ, ông đã gây xốc khi nói một đằng làm một nẻo. Bây giờ, thị trường đỏ mắt gào thét về cú xốc kinh tế của Obama, bất chấp những lời trấn an của nhiều người có nhiều thiện chí hay cả tin!
Lời cuối ở đây là không ai muốn Obama thất bại về kinh tế vì dù ông ta có thất cử năm 2012 thì nhiều người đã trắng tay từ trước. Nhưng bảo rằng Obama mới nhậm chức chưa đầy tháng rưỡi thì không ai được vội phê phán hoặc châm biếm là một sự vô minh vô tận: trong có bốn chục ngày mà ông đã gây biết bao chấn động cho nhiều quốc gia và cho nhiều năm tới tại Mỹ!

Cuối cùng là một lời suy tôn cho... phải đạo: không phải là thiên tài thì mấy ai làm được vậy, y như một lời tiên đoán màu hồng.

Năm 1944, lãnh tụ đảng Xã hội Chủ nghĩa Hoa Kỳ - dạ thưa, nước Mỹ đa nguyên có đảng ấy -  đã tiên đoán: "Dân Mỹ không bao giờ có ý định theo xã hội chủ nghĩa, nhưng nhân danh lý tưởng thiên tả, cấp tiến, sẽ có ngày Hoa Kỳ trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa, vì vậy, tôi khỏi cần đại diện đảng ra ứng cử Tổng thống. Đảng Dân Chủ đã chọn chương trình hành động ấy rồi."

Với Obama, lời tiên đoán của Norman Thomas (1884-1968) đang thành hiện thực.

Bây giờ, khi đã sống trên đất Mỹ mà Hoa Kỳ có thả nổi hoặc bỏ rơi đồng minh thì đó là chuyện của... đồng minh! Bây giờ, chúng ta còn có quyền ủng hộ chương trình cải tạo xã hội của Obama. Nhưng có ủng hộ thì tối thiểu cũng phải thấy ra hậu quả trong tương lai.
Và chấp nhận cái giá mà con cháu sẽ phải trả...