Home Tin Tức Bình Luận Thời sự kinh tế: Ôn Gia Bảo lo lắng cho Mỹ

Thời sự kinh tế: Ôn Gia Bảo lo lắng cho Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Chúa Nhật, 15 Tháng 3 Năm 2009 12:32

 Nhiều vị độc giả Người Việt còn nhớ thuở nào Mao Trạch Ðông vẫn chửi đế quốc Mỹ là một “Con cọp bằng giấy,” hoặc “Con cọp có răng bằng giấy.” Ý Mao khuyên dân Trung Hoa đừng sợ nếu phải đánh nhau với Mỹ. Dân chúng Trung Hoa nghe sướng tai, hoan hô Mao Chủ Tịch rồi tiếp tục chịu cúi đầu cho ông Mao bảo sao nghe vậy. Mỗi chiến dịch “nhẩy vọt” hay “cách mạng văn hóa” của ông làm mươi triệu người chết, phần lớn vì đói.

 Thời đó xa rồi. Bây giờ cuộc cạnh tranh giữa các nước trên thế giới tập trung trên mặt trận kinh tế. Mà kinh tế hai nước Mỹ và Trung Hoa hiện nay liên quan mật thiết theo đúng hình ảnh “môi và răng,” môi hở thì răng lạnh. Nếu kinh tế Mỹ cứ tiếp tục đi xuống thêm một năm nữa, thì kinh tế Trung Quốc sẽ gian nan. Chính phủ hai nước vẫn không ngại công khai bầy tỏ những bất đồng ý kiến, nhưng phần lớn cũng là để cho dân chúng trong nước họ nghe cho sướng tai. Chính phủ Mỹ thì thường than phiền Trung Quốc không chịu tăng giá đồng tiền của họ như Mỹ yêu cầu. Ngược lại, Bắc Kinh hay than phiền Mỹ không chịu bắt dân tiết kiệm, để ngân sách khiếm hụt nhiều quá. Nhưng chính sách của mỗi nước chỉ tuân theo các điều kiện kinh tế trong nước họ, chứ không phải vì họ cần nghe lời nước kia.

 Ngày hôm qua, Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới tuyên bố mối lo lắng của ông về tình trạng tài chánh nước Mỹ. Ông nói một cách gián tiếp: “Chúng tôi cho Mỹ vay tiền rất nhiều, tất nhiên chúng tôi phải quan tâm về sự an toàn của những món nợ đó. Nói thẳng thắn, chúng tôi có hơi lo ngại.”

Ôn Gia Bảo không nói thẳng mối lo ngân sách chính phủ Mỹ khiếm hụt, mà chỉ nói về những món tiền chính phủ Bắc Kinh cho chính phủ Mỹ và các ngân hàng ở Mỹ vay. Nhưng ai biết làm tính cộng trừ cũng biết là hai vấn đề đó liên hệ chặt chẽ. Nếu chính phủ Mỹ vung tay quá trán, chi tiêu quá nhiều hơn số thu, thì họ sẽ phải in thêm tiền và đi vay nợ, sinh ra một hoặc hai hậu quả. In tiền thêm thì sinh lạm phát, giá trị đồng đô la Mỹ sẽ xuống so với đồng tiền các nước khác. Ði vay mãi thì Bộ Tài Chánh Mỹ phải phát hành thêm trái phiếu công, bán ra nhiều quá thì giá công trái Mỹ sẽ xuống.

 Cả hai hậu quả trên đều làm cho Trung Quốc bị thiệt, vì họ đang giữ trong nhà những công trái Mỹ trị giá gần 700 tỷ đô la. Nếu giá công trái Mỹ xuống, tài sản đó sẽ bị giảm giá. Dù giá công trái Mỹ không xuống nhưng đồng đô la bị mất giá so với đồng Euro của Âu Châu hay đồng Yen của Nhật Bản, thì 700 tỷ đô la cũng kém giá trị. Tóm lại, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục để cho ngân sách khiếm hụt thì Trung Quốc bị thiệt hại rất nhiều. Mà hiện nay, nước Mỹ đang ngồi trên 1.3 ngàn tỷ khiếm hụt do Tổng Thống Bush để lại, ông Obama lại đang tung thêm tiền ra kích thích kinh tế, số khiếm hụt sẽ tăng thêm hàng ngàn tỷ nữa. Ông Ôn Gia Bảo lo là phải.

Trung Quốc đang có gần 2,000 tỷ đô la dự trữ, nhờ bao nhiêu năm xuất cảng nhiều hơn nhập cảng. Khoảng 70% số tiền đó là đô la Mỹ, số còn lại là vàng hoặc các ngoại tệ mạnh khác. Ngoài số 700 tỷ đô la cho chính phủ Mỹ vay, Trung Quốc cũng cho các xí nghiệp và ngân hàng tư ở Mỹ vay một khoản tương tự. Nếu bạn đang sống ở một nước Á Châu, không ở Mỹ, và bạn có 1,400 đô la trong nhà, khi thấy giá đô la xuống 1% thì bạn biết mình vừa mới “mất” 14 đô la. Số tiền vẫn như cũ, nhưng giá trị, tức là “khả năng mua” mới giảm 1%. Nếu tài sản của bạn lại là 1,400 tỷ đô la, bạn chỉ việc nhân lên thành 14 tỷ. Mười bốn tỷ đô la, cũng khối tiền.

 Sau khi nghe về mối quan ngại của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, nhiều người phát lo. Vì khi một nhà lãnh đạo Trung Hoa, mỗi năm mới họp báo một lần nhân dịp Quốc Hội họp xong; ông ta nói một lời trước công chúng, lời nói đó phải nhắm vào một hậu quả nào đó.

Ðây là câu hỏi làm mọi người suy nghĩ: Có phải ông Ôn Gia Bảo có ý báo động chính phủ Mỹ hay không? Nếu Mỹ không thay đổi chính sách thì Trung Quốc có rút bớt số đầu tư của họ vào các trái phiếu của ngân hàng và công trái của chính phủ Mỹ hay không? Nếu Trung Quốc làm thật, thì hậu quả trên đồng đô la, trên hệ thống tài chánh Mỹ và nền kinh tế Mỹ sẽ ra sao?

 Ngày hôm qua, khi mới loan tin này hãng AP đã cho biết sau khi nghe lời tuyên bố của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, giá trị đồng đô la và giá công trái Mỹ đã xuống trong các thị trường ở Á Châu, như Tokyo, Hồng Kông, Hán Thành.

Nhưng khi các thị trường Tokyo, Hồng Kông và Thượng Hải đóng cửa thì mới là bảnh sáng ở London, và mặt trời chưa mọc ở New York. Cho nên mọi người phải chờ xem phản ứng tại các thị trường Âu Châu và Mỹ thì mới biết những lời tuyên bố của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo gây ra những cơn bão lớn thế nào.

 Cuối ngày hôm qua, sau khi thị trường New York không thấy gì cả. Ðồng đô la Mỹ lên giá dưới một xu so với đồng Euro, và lên cao một chút so với đồng Yen của Nhật Bản. Còn ảnh hưởng trên thị trường các công trái Mỹ thì hầu như không có. Những công trái với thời hạn 10 năm giá không đổi, còn những tín phiếu 2 năm lại lên giá chứ không xuống. Thị trường có vẻ bình tĩnh. Tức là có những yếu tố khác ảnh hưởng trên giá đồng đô la Mỹ cũng như giá công trái chính phủ Mỹ, những lời cảnh báo của ông Ôn Gia Bảo coi như không gây ảnh hưởng nào. Có những tin kinh tế lạc quan trong ngày hôm qua. Một chỉ số tin tưởng của người tiêu thụ tăng lên chút đỉnh, một tin rất bất ngờ. Số khiếm hụt trong cán cân thương mại của Mỹ đã giảm liên tiếp trong 6 tháng, vào Tháng Giêng năm nay đã giảm 10%. Số hàng xuất cảng của Mỹ giảm bớt 5.7% nhưng số tiền nhập cảng còn giảm nhiều hơn, 6.7%. Mỹ vẫn nhập nhiều hơn xuất, cho nên số khiếm hụt trong cán cân mậu dịch càng giảm mạnh.

Thị trường có vẻ quan tâm đến những tin tức khác hơn là những lời tuyên bố của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Không phải vì người ta nghĩ ông cũng chỉ là một con cọp giấy; nhưng bởi vì ai cũng biết Mỹ và Trung Quốc đang dính dáng quá nhiều trong đời sống kinh tế, không dễ gì buông ra được.

 Chính những người lãnh đạo Trung Quốc không muốn đồng đô la Mỹ xuống. Họ cũng không thể ngưng không cho chính phủ và các ngân hàng Mỹ vay tiền. Thị trường khắp thế giới hiểu như vậy, cho nên dù ông Ôn Gia Bảo nói gì thì nói, ông cũng không thay đổi được mối quan hệ kinh tế và tiền tệ giữa hai nước. Mối quan hệ đó đã được ông tổng thống Nga, Vladimir Putin, nói thẳng là, “Một bên cứ in tiền ra đi mua đồ, bên kia dùng nhân công rẻ sản xuất thật nhiều để bán.”

Trung Quốc không thể nào bán tống bán tháo các công trái chính phủ Mỹ, vì chỉ cần bán một lố chừng mươi tỷ Mỹ kim thôi thì giá công trái Mỹ xuống, chính họ đã bị thiệt hại rồi. Coi như Trung Quốc sẽ phải ôm lấy những giấy nợ bằng đô la đó. Nhưng khi giữ như vậy, thì họ có thể được lợi. Nếu đô la Mỹ lên giá, họ được lợi. Nếu lãi suất trên thị trường giảm, giá các công trái sẽ tăng lên, những người đang cầm các công trái Mỹ trong tay đều có lợi. Hiện nay các nước từ Âu sang Mỹ đều cắt lãi suất cơ bản xuống tới gần số không. Ðó chính là lúc chính phủ Trung Quốc đang thấy 700 tỷ công trái Mỹ, tài sản của họ lên giá!

Trung Quốc cũng sẽ không có nhiều cách đầu tư khác, ngoài việc mua công trái Mỹ. Những người nắm tiền của quốc gia trong tay thì không thể đem đầu tư nhiều rủi ro được. Phải chọn những món nào an toàn nhất. Trên thế giới, không ai lo rằng chính phủ Mỹ đi vay rồi sẽ không trả được nợ, rất an toàn. Một tiêu chuẩn khác là tiền tiết kiệm là tiền dự trữ để khi cần thì quốc gia có thể đem dùng ngay, cần đầu tư vào những món nào dễ bán, tiếng chuyên môn gọi là “có thị trường.” So với việc mua vàng thì mua công trái Mỹ dễ bán, có tính lưu hoạt cao hơn nhiều. Ðó là chưa kể giá vàng lên xuống thất thường, không thể mang tiền của quốc gia đánh liều được.

 Còn những ngoại tệ mạnh khác như đồng Yen, đồng Euro thì sao? Trung Quốc có thể đem đổi tiền Mỹ lấy hai đồng tiền này, không nên giữ quá nhiều đô la Mỹ trong nhà. Nhưng phương pháp đó có một giới hạn, không thể làm mãi được. Nền kinh tế vùng Euro và của Nhật Bản không đủ sức hấp thụ một số tiền quá lớn đem vào, mà không gây các hậu quả tai hại.

Một hậu quả là khi nhiều đồng đô la Mỹ xin đổi lấy Yen hoặc Euro, giá trị hai đồng tiền này sẽ tăng lên. Các chính phủ ở Âu Châu và Nhật Bản sẽ không thể nào chấp nhận điều đó, vì hàng hóa họ xuất cảng sẽ tăng giá. Nếu các nước trên giảm bớt xuất cảng thì kinh tế của họ sẽ nguy. Mà chính người Trung Hoa cần bán hàng cho họ, chính phủ Trung Hoa cũng không muốn kinh tế các nước đó lâm nguy!

 Tóm lại, kinh tế thế giới bây giờ liên hệ chặt chẽ với nhau, mỗi nước lớn không thể làm gì có thể thiệt hại cho nước khác mà không làm hại kinh tế cả thế giới, trong đó có chính mình. Hội nghị G-20 của bộ trưởng tài chánh 20 quốc gia đang họp ở London nhằm tìm các giải pháp cho cơn khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Mỹ và Âu Châu đang bất đồng ý kiến về điểm ưu tiên mà hội nghị cần giải quyết. Mỹ muốn các nước trên thế giới phải dành 2% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa để kích thích kinh tế. Pháp và Ðức muốn phải bàn vấn đề cải tổ hệ thống tài chánh quốc tế trước. Họ sẽ phải cãi cọ và tìm cách thỏa hiệp với nhau. Trung Quốc sẽ ngả về phía Mỹ trong dự án tung tiền ra kích thích kinh tế, nhưng sẽ đứng về phía Âu Châu khi đòi bàn ngay vấn đề cải tổ Quỹ Tiền Tệ Quốc tế, cho các nước như Ấn Ðộ, Brazil và Trung Hoa có tiếng nói mạnh hơn! Các nước sẽ phải cộng tác với nhau. Nhưng không phải vì thế mà họ không tiếp tục tranh cãi, theo quyền lợi của quốc gia mình!