Home Tin Tức Bình Luận Nước cờ ngoại giao

Nước cờ ngoại giao PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 17 Tháng 3 Năm 2009 06:17

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị-ảnh VNN

̀Ông Phạm Quang Nghị là nhân vật cao cấp nhất thăm Bắc Kinh kể từ vụ va chạm Mỹ - Trung ngoài Biển Đông

Hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam thắt chặt quan hệ giữa lúc căng thẳng về tranh chấp Biển Đông tăng lên.

Bí thư thành ủy Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị là nhân vật cao cấp nhất của Việt Nam sang thăm Trung Quốc kể từ khi xảy ra vụ va chạm giữa tàu Mỹ và Trung Quốc ngoài Biển Đông hôm 08/03 vừa qua.

Các chuyến thăm liên tiếp của lãnh đạo hai bên cho thấy nhu cầu "thúc đẩy mối liên kết" giữa lãnh đạo hai nước, như lời của Tân Hoa Xã 16/03 vừa qua.

Tình đồng chí́

Tân Hoa Xã đăng ảnh lớn trên cả trang tiếng Anh cuộc gặp và cái bắt tay giữa hai ông Phạm Quang Nghị và Giả Khánh Lâm.

Còn báo Nhân Dân của đảng cầm quyền ở Việt Nam thì viết:

"Ðồng chí Giả Khánh Lâm nhấn mạnh, Ðảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng phát triển quan hệ láng giềng, hữu nghị với Việt Nam,"

Tờ báo này, trong bản điện tử hôm 17/03 cũng viết rằng ông Giải Khánh Lâm, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc "bày tỏ vui mừng nhận thấy rằng...được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước và nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hữu nghị, hợp tác Trung-Việt đang không ngừng được tăng cường cả về chiều rộng lẫn chiều sâu."

Đặc biệt, cả Tân Hoa Xã và Nhân Dân không nhắc gì đến các cáo buộc qua lại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Đồng chí Giải Khánh Lâm bày tỏ vui mừng thấy rằng hợp tác Trung-Việt không ngừng được tăng cường...

Báo Nhân Dân

Có vẻ như phía Trung Quốc "kiểm kê" lại kết quả hợp tác trong lĩnh vực biên giới và hai bên hiểu rằng vấn đề có tác động đến cả khu vực.

Báo Nhân Dân viết về việc hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền cuối 2008:

"Ðây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong quan hệ hai nước, mở ra cơ hội tốt đẹp cho công cuộc phát triển của mỗi nước, nhất là các địa phương có chung biên giới, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực."

Trước cuộc gặp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh với ông Giả Khánh Lâm, đoàn lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam cũng họp với các ông Lưu Kỳ và Vương Gia Thụy của Trung Quốc.

Phía Trung Quốc đưa tin ông Giả Khánh Lâm nhắc lại chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 6/2008 của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh như một nền tảng cho quan hệ hai bên,

Tuy thế, báo chí Việt Nam và Trung Quốc không đưa tin các cuộc họp và gặp gỡ có bàn về tình hình Biển Đông hay không.

Các cơ quan truyền thông hai bên chỉ nói các vị lãnh đạo bàn về "các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm".

Tân Hoa Xã cũng đã đưa tin ngày 18/03 này, ông Đới Bỉnh Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao và Ủy viên Quốc vụ viên sẽ thăm Việt Nam đến ngày 21 để hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm.

Tàu ngầm Trung Quốc

Trung Quốc có kế hoạch xây hạm đội tàu ngầm nguyên tử để vươn ra Thái Bình Dương

Các bên cùng quan tâm

Nhưng các chuyến thăm cao cấp diễn ra dồn dập là dấu hiệu hai bên chú ý đến tình hình khu vực, nhất là khi Hoa Kỳ có các động thái nêu bật quyền tự do giao thương hàng hải và Philippines đòi chủ quyền của họ ở vùng Biển Nam Trung Hoa.

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang đưa ra các tuyên bố chủ quyền khác nhau về cùng một vùng biển và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều đáng quan tâm là những lời phản đối hoạt động của Trung Quốc tại Hoàng Sa, như dự án du lịch của công ty Trung Quốc Châu Giang, chỉ do cấp dưới đưa ra.

Còn các lãnh đạo đảng cao cấp nhất của Việt Nam luôn khẳng đ̣ịnh quan hệ toàn diện, "16 chữ vàng" với Bắc Kinh.

Báo Philippines, tờ Philstar.com trong bài của Pia Lee Brago hôm 15/03 kêu gọi "Hoa Kỳ phải ủng hộ các yêu cầu của Philippines về Trường Sa" và "đối mặt với thách thức của Trung Quốc".

Phillipines cũng đã đệ đơn lên Liên hiệp quốc trước hạn 13/05 năm nay về lãnh hải và vùng kinh tế đặc quyền theo Công ước luật biển 1982.

Sự có mặt và gia tăng hoạt động có tàu chiến yểm trợ trong công tác thăm dò Biển Đông của Hoa Kỳ có nhiều khả năng là đề tài hai nước Việt - Trung quan tâm.

Cùng thời gian, báo chí khu vực như tờ Asia Times, đã có bài về vụ khai thác quặng bauxite "bị dư luận phản đối" giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam.

Trong một diễn biến liên quan đến quan hệ Trung - Việt, tại Hà Nội hôm nay 17/03 đã kết thúc hội thảo tại Học viện Quan hệ Quốc tế về đề tài Hoàng Sa và Trường Sa.

Được biết đây là hội thảo tập trung giới học thuật Việt Nam, không mời báo chí.

Cùng ngày 17/03, báo điện tử VietnamNet của Bộ Thông tin - Truyền thông có bài "Căng thẳng biển Đông và lựa chọn cho Việt Nam" phân tích tình hình tại đây và đề nghị một số giải pháp cho Việt Nam.