Home Tin Tức Bình Luận Biển Đông nổi sóng: Mỹ làm gì?

Biển Đông nổi sóng: Mỹ làm gì? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Tư, 18 Tháng 3 Năm 2009 13:31

Từ năm 1974 đến nay, kể từ khi Trung Quốc đem tàu chiến chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Biển Đông thỉnh thoảng lại nổi sóng. Đặc biệt, hôm 2.12.2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã thành lập thành phố hành chính cấp huyện có tên là Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo: Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa). Trước đó, trong thời gian từ 16 đến 23.11.2007, Hải Quân Trung Quốc đã tổ chức tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và khuyến cáo tàu bè qua lại phải tránh xa khu vực này. Từ đó, nhiều cuộc tranh chấp về Biển Đông đã xẩy ra. Đại diện các quốc gia tranh chấp và các chuyên gia quốc tế đã mở nhiều cuộc hội thảo hay hội họp để tìm một giải pháp cho vụ tranh chấp, nhưng không thành vì sự gạt bỏ của Trung Quốc.
CÁC BIẾN CỐ MỚI
Hôm 10.3.2009, bà Gloria Macapagal Arroyo, Tổng thống Philippines, đã ký đạo luật tuyên bố chủ quyền Philippines đối với hơn 7.100 đảo trong vùng biển cạnh Philippines, trong đó có hai đảo Hoàng Nham và Nam Sa (tên Philippines là Kalayaan và bãi Scarborough) vốn được coi là nằm trong quần đảo Trường Sa gần Philippines. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều lên tiếng phản đối đạo luật này và tuyên bố hai đảo Hoàng Nham và Nam Sa là của họ.
1.- Trung Quốc khiêu khích Hoa Kỳ
Trước đó ba ngày, hôm 8.3.2009, chiếc tàu thăm dò không có vũ trang của Hải Quốc Hoa Kỳ đang thực hiện một sứ mạng thường lệ trong hải phận quốc tế, tại một địa điểm nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc lối 120 km về hướng Nam, thì bị 5 tàu Trung Quốc bao vây và khiêu khích. Đây là một hiện tượng đặc biệt đang được dư luận quốc tế theo dõi và bàn luận.
Trong cuộc họp báo hôm 10.3.2009, ông Robert Gibbs, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, tuyên bố các nhà ngoại giao Mỹ đã phản đối hành động của phía Trung Quốc. Ông nói các tàu Hải Quân của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động trong các vùng biển thuộc hải phận quốc tế, và Hoa Kỳ đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật quốc tế.
Trong khi đó ông Bryan Whitman, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, cho biết các chiếc tàu Trung Quốc đã bao vây tàu Hải Quân của Hoa Kỳ và tiến tới sát tàu Hải Quân Impeccable. Ông nói:
“Đây là một hành động thiếu thận trọng và nguy hiểm, không được chuyên nghiệp. Làm như thế là vi phạm luật pháp quốc tế quy định tàu bè phải tôn trọng các quyền và sự an toàn của các tàu khác đi lại trên biển cả.”
Một thông báo mới nói rằng hai chiếc tàu Trung Quốc đã dừng lại ngay trước mũi chiếc tàu hải quân Mỹ, buộc tàu Impeccable phải khẩn cấp ngưng chạy. Thông báo này nói các thủy thủ trên tàu Hải Quân Mỹ đã dùng vòi nước phun vào một trong những chiếc tàu Trung Quốc. Tàu Impeccable đã lập tức tiếp xúc với tàu Trung Quốc, để yêu cầu phía Trung Quốc mở một lối an toàn cho tàu Mỹ rời khỏi vùng biển này.
Ông Bryan Whitman cho biết Tàu Impeccable là một tàu nghiên cứu, không mang theo vũ khí. Theo Hải Quân Hoa Kỳ thì tàu Impeccable dài 84 mét, rộng 25 mét và phân nửa thủy thủ đoàn là nhân viên dân sự.
Theo ông Whitman, chiếc tàu Impeccable đang thi hành công tác thăm dò đại dương thường lệ trong vùng hải phận quốc tế, tại một địa điểm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 120 kilômét về hướng nam khi các tàu Trung Quốc tiến tới gần với thái độ khiêu khích, một chiếc tàu của Trung Quốc chỉ cách tàu hải quân Mỹ khoảng 8 mét mà thôi.
Ông Whitman nói: "Các tàu này di chuyển đến gần sát tàu của Hoa Kỳ một cách nguy hiểm. Họ thả nhiều thanh gỗ xuống biển, ngay trên đường đi của tàu Impeccable. Họ còn dùng các cây sào dài với ý định làm gãy một hệ thống âm sonar của chiếc Impeccable.” (Đây là một bộ phận của thiết bị sonar để thăm dò hải dương).
Ông Whitman cho biết thêm rằng một số thủy thủ Trung Quốc đã tuột quần xuống để lộ cả đồ lót của họ như để tỏ thái độ khinh miệt, một hành động mà ông Whitman mô tả là thiếu chín chắn. Tuy nhiên, ông khuyến cáo rằng di chuyển gần tàu của Hải Quân Mỹ và cố tình ngăn cản sự đi lại của tàu Impeccable là một vấn đề nghiêm trọng. Ông nói:
“Đây không phải là lần đầu tiên một tàu Trung Quốc đã tiến tới gần tàu của Hoa Kỳ với một thái độ khiêu khích, nhưng tôi nghĩ đây là một trong những hành động có tính khiêu khích nhất mà chúng tôi đã chứng kiến trong một thời gian khá dài.”
Thông cáo chính thức của Hoa Kỳ nói các tàu và máy bay Trung Quốc ngày càng xử sự một cách khiêu khích hơn đối với các tàu của Hải Quân Mỹ những ngày gần đây. Thông cáo đơn cử ba trường hợp, hai trường hợp có liên hệ đến cùng một chiếc tàu của Hoa Kỳ:
Hôm 4.2.2009, một tàu tuần tra của Bộ Hải Sản Trung Quốc đã sử dụng đèn cao áp chiếu thẳng vào tàu thăm dò đại dương USNS Victorious của Mỹ tại Hoàng Hải và một hôm sau đó, máy bay thăm dò hải dương Y-12 của Trung Quốc cũng bay vòng quanh trên đầu tàu Victorious.
Hôm 5.3.2009, một tàu Trung Quốc đã lại gần tàu Impeccable mà không báo trước và lại gần tới khoảng 100m, sau khi máy bay Y-12 của Trung Quốc đã 11 lần bay thấp theo sát chiếc tàu Impeccable của Hải Quân Hoa Kỳ.
Các nguồn tin cho hay Hoa Kỳ quyết định điều tàu chiến có trang bị vũ khí tới hộ tống tàu thăm dò của nước này tại khu vực Biển Đông (Nam Hải), sau khi có sự cố với tàu Trung Quốc hồi cuối tuần.
Một viên chức quốc phòng Mỹ giấu tên được hãng AFP trích lời nói tàu chiến sẽ hộ tống tàu thăm dò trong "thời gian trước mắt". Hoạt động hộ tống này chỉ áp dụng cho vùng Biển Đông.
2.- Trung Quốc phản pháo
Tại một cuộc họp báo thường lệ của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh vào ngày 10.3.2009, phát ngôn viên Mã Triêu Húc cực lực bác bỏ cách thuật lại câu chuyện của Mỹ, đã đổ lỗi một cách trực tiếp cho phía Trung Quốc.
Ông Mã nói rằng những lời tuyên bố của Hoa Kỳ trái ngược một cách nghiêm trọng với các sự kiện, gây lẫn lộn trắng đen và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Trung Quốc. Ông ta cho rằng hành động của Mỹ vi phạm Quy Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và nhiều luật khác của Trung Quốc. Nhưng ông không đưa ra chi tiết nào về sự cố và không trả lời các câu hỏi của các phóng viên về luật cụ thể nào đã bị vi phạm.
Tuy nhiên, ba ngày sau Trung Quốc phản ứng một cách mạnh mẽ, cáo buộc ngược lại rằng Hoa Kỳ đã "vi phạm luật lệ quốc tế và Trung Quốc khi vào Nam Hải mà không được phép của Trung Quốc".
Báo chí Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã điều tàu tuần tra lớn và hiện đại nhất tới khu vực Biển Đông sau “sự cố” với tàu thăm dò của Mỹ hôm Chúa nhật tuần trước. Tàu tuần tra ngư nghiệp này mang số số 311 được điều tới nơi từ hôm 10.3.2009, tức chỉ hai ngày sau khi tàu Trung Quốc đối đầu với tàu thăm dò Impeccable của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của tàu này được nói là "bảo vệ các tàu đánh cá của Trung Quốc quanh các quần đảo Nam Sa và Tây Sa (Hoàng Sa và Trường Sa), đồng thời thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo trong Nam Hải".
Ông Triệu Hưng, Ủy Viên Hội Đồng Cố Vấn Chính trị Trung Quốc và là cựu Phó Tổng Tư Lệnh Hải Quân, đã nói với các nhà báo: "Nếu chúng ta nhượng bộ, không chỉ ranh giới lãnh hải quốc tế mà cả khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của chúng ta bị xâm phạm".
KHÁI NIỆM VỀ BIỂN ĐÔNG
Trước khi trình bày các giải pháp đã được đề nghị để giải quyết các tranh chấp về Biển Đông và chủ trương của Hoa Kỳ, chúng tôi xin nói qua khái niệm về Biển Đông.
Biển Đông là một “bán nội hải” (semi enclosed sea) nằm về phía Đông của Việt Nam, nên được người Việt gọi là Biển Đông hay Đông Hải. Philippines gọi là Biển Tây hay Tây Hải, vì nó nằm ở phía tây của nước này, còn người Tàu gọi là Nam Hải, vì biển này nằm ở phía Nam Trung Quốc. Nhưng trên bản đồ thế giới, vùng này thường được ghi là “South China Sea”, tức Biển Nam Trung Quốc.
Biển Đông rất rộng lớn, có diện tích được ước tính khoảng 1.091.642 hải lý vuông, bao gồm hai vịnh khá lớn là vịnh Bắc Việt (46.961 hải lý vuông) và vịnh Thái Lan (85.521 hải lý vuông), 90% do các nước sau đây bao vây: Việt Nam, Kampuchea, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Philippines, Taiwan và Trung Quốc.
Bờ biển của Việt Nam được coi là bờ biển dài nhất trong vùng, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang dài đến 2.828 hải lý (tức 3.260km).
Biển Việt Nam, nếu tính cả vùng nội hải, lảnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, có diện diện tích trên 1 triệu km2, tức rộng gấp 3 lần diện tích đất liền (330.000km2). Đặc biệt, trên biển này có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và 2.577 đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, với vô số quyền lợi kinh tế về hải sản, dầu hỏa, khí đốt, khoáng sản, phân bón... Nhưng bảo vệ vùng biển Việt Nam không phải là dễ vì vùng này luôn bị Trung Quốc nhòm ngó. Đại khái, Trung Quốc đã có những hành động sau đây để xâm lấn chủ quyền của Việt Nam:
- Ngày 19.1.1974, dùng hải quân chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa sau khi đánh bại Hải Quân VNCH;
- Ngày 14.3.1988, chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa, sau khi đánh bại Hải Quân của CSVN.
- Ngày 14.4.1988, tuyên bố sát nhập 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam.
- Ngày 2.12.2007, thành lập thành phố Tam Sa bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trường Sa nằm ở toạ độ 8,38 độ Bắc và 111,55 độ Đông, đường bờ biển là 926 cây số, với khoảng 100 đảo nhỏ nằm rải rác trên một diện tích gần 410.000 cây số vuông ở giữa Biển Đông, đa số là bãi san hô phủ cứt chim và đá (reefs), rất thấp, hầu hết ở mức 0 m hoặc thấp hơn mực nước biển, chỉ nổi lên khi biển rút. Nơi cao nhất là 4 m. Đảo chính có diện tích nhỏ hơn 5 cây số vuông.
Hòn đảo gần nhất của Trường Sa cách Việt Nam 280 hải lý, Philippines 310 hải lý, Trung Quốc 580 hải lý và Đài Loan 900 hải lý.
Việt Nam đặt Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, Philippines đặt thuộc tỉnh Palawan, Trung Quốc đặt thuộc tỉnh Hải Nam, còn Malaysia đặt thuộc tỉnh Sabah.
Tuy là một quần đảo không lớn, nhưng Trường Sa được bao quanh bởi những vùng đánh cá trù phú và giàu có về tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, do đó đã xẩy ra những sự tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần. Nhìn lên bản đồ do “Energy Information Administration” cung cấp, chúng tôi thấy Trung Quốc đang chiếm 10 đảo, Philippines 8 đảo, Malaysia 4 đảo, Việt Nam 21 đảo và Đài Loan 1 đảo. Nhưng các chuyên gia cho rằng vùng Trung Quốc chiếm có nhiều dầu lửa và khí đốt nhất.
GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP
Có ba cách để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, đó là:
- Đưa nội vụ ra trước Toà Án Quốc Tế.
- Dùng họng súng.
- Thay vì tranh chấp về chủ quyền, thương lượng để phân chia quyền khai thác.
Rất nhiều người Việt đòi kiện Trung Quốc ra trước Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice). Nếu chuyện này làm được, chính phủ lưu vong của Tây Tạng đã làm từ lâu rồi.
Muốn đưa một vụ tranh chấp ra trước Tòa Án Quốc Tế, phải hội đủ hai điều kiện sau đây:
(1) Chủ thể đứng đơn kiện phải là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc.
(2) Hai bên tranh tụng phải đồng ý sẽ thi hành phán quyết của Toà Án Quốc Tế.
Khi có một bên không đồng ý thi hành phán quyết của Toà Án Quốc Tế (như Trung Quốc chẳng han), không thể đưa nội vụ ra trước Toà Án Quốc Tế được.
Vã lại, những tài liệu mà các bên tranh chấp đưa ra để chứng minh chủ quyền của mình cũng chỉ mới được coi là những thông tin (information), rất khó kiểm chứng để được công nhận là bằng chứng (evidence) có thể dùng tranh tụng trước toà án, mặc dầu về phương diện chủ quan, bên nào cũng đang xác tín tài liệu của mình là đúng 100%!
Cách thứ hai đang được Trung Quốc xử dụng. Mao Trạch Đông đã từng nói: "CHÍNH QUYỀN được đẻ từ họng súng.” Nay Hồ Cẩm Đào cũng đang thực hiện một chủ trương tương tự: "CHỦ QUYỀN được đẻ từ họng súng.”! Trong tác phẩm “Khế Ước Xã Hội” (Du Contrat Social) Jean Jacques Rousseau cũng đồng ý như vậy khi ông nói ràng “kẻ mạnh hơn luôn có lý” (le plus fort a toujours raison). Hoa Kỳ khi mở cuộc tấn công Iraq cũng đã bất chấp quốc tế công pháp và quyết định của Hội Đồng Bảo An.
Cách thứ ba là thay vì tranh chấp về chủ quyền, các bên tránh chấp thương lượng với nhau để phân chia vùng khai thác. Nhưng đây không phải là một chuyện dễ dàng vì hiện nay Trung Quốc đã kiểm soát tới 75% Biển Đông. Vì thế, các chuyên gia đã khuyến cáo nên tiến từ từ từng buớc.
1.- Xác định rõ các nguyên tắc căn bản của Luật Biển cần được tôn trọng
Căn cứ vào Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (United Nation Convention on the Law of the Sea) ngày 10.12.1982, cần xác định rõ các nguyên tắc căn bản sau đây:
(1) Những đảo nằm dưới mức thủy triều cao không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý, quy chế vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay quy chế thềm lục địa ra tới 350 hải lý.
(2) Những đảo nằm trên mức thủy triều cao chỉ được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý nhưng không được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế ra tới 200 hải lý, hay quy chế thềm lục địa ra tới 350 hải lý.
Trong vụ các tàu của Trung Quốc khiêu khích tàu Impeccable của Hoa Kỳ cho thấy rằng Trung Quốc quan niệm vùng đặc quyền kinh tế (ra tới 200 hải lý) hay thềm lục địa (ra tới 350 hải lý) là lãnh hải của Trung Quốc chứ không phải là biển quốc tế nên Hoa Kỳ không có quyền xâm phạm. Điều này hoàn toàn trái với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển như chúng tôi đã trình bày trên.
Luật biển cũ chỉ quy định lãnh hải của mỗi quốc gia là 3 hải lý và không đề cập đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do đó, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, sau khi gia nhập Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đã phải hủy bỏ Hiệp Ước Thiên Tân về Vịnh Bắc Việt và phân chia lại theo luật mới để có nhiều quyền lợi hơn. Dĩ nhiên là vùng lãnh hải được chia lại theo luật mới sẽ không thể gióng như trước được. Hoa Kỳ đã từ chối phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vì cho rằng việc gia nhập Công Ước này sẽ gây khó khăn cho Hoa Kỳ.
Ngoài việc xác định các nguyên tắc pháp lý căn bản nói trên, ngày 4.11.2002, các nước ASEAN đã cùng Trung Quốc ký kết một bản tuyên bố về hành vi của các bên ở Biển Nam Trung Quốc, gồm những điểm chính sau đây:
(1) Tái cam kết tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến Chương Liên Hợp Quốc và Công Uớc LHQ về Luật Biển năm 1982;
(2) Tránh những hành động cư trú ở những đảo, đá, bãi cát, đảo thấp;
(3) Cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền một cách hoà bình, và
(4) Tôn trọng quyền tự do giao thông và bay trên Biển Nam Trung Quốc.
Cam kết thì cam kết vậy, nhưng Trung Quốc vẫn dùng sức mạnh để khống chế Biển Đông, kể cả đối với Hoa Kỳ.
2.- Các nước nhỏ tranh chấp về Biển Đông phải ngồi lại với nhau để đối phó với Trung Quốc
Các nước Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines phải tạm thời ngưng đưa ra những quyết định bất lợi cho nhau, kể cả những tranh chấp về chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý chung quanh mỗi đảo mà mỗi nước đang chiếm.
Hiện nay, nhiều tổ chức và chuyên gia đã mở các cuộc hội thảo hay hội họp để tìm một giải pháp cho Biển Đông. Họ đã đưa ra những đề nghị khác nhau về việc phân chia các vùng khai thác kinh tế dành cho mỗi nước. Họ khuyến cáo các nước nhỏ cần đi tới thỏa thuận về một giải pháp chung. Nhưng các chuyên gia cho rằng các nước nói trên, kể cả khối ASEAN, không đủ mạnh để nói chuyện với Trung Quốc. Vậy cần phải liên kết với một số nước lớn có liên hệ về quyền lợi ở Biển Đông như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản hay Úc  chẳng hạn.
Tiến sĩ Toshi Yoshihara, nhà nghiên cứu về chiến lược chính trị Trung Quốc tại trường Đại Học Hải Chiến (Naval War College) Rhodes Island, Hoa Kỳ, đã nhận định: “Tìm sự trợ giúp của bên thứ ba để đối chọi Trung Quốc là phương cách duy nhất cho các nước dính líu vào vụ tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.”
Phóng viên đài BBC lại hỏI: Có những người ở Việt Nam chê trách chính phủ đã không dám lớn tiếng với Trung Quốc. Lại cũng có ý kiến cho rằng Hà Nội chẳng thể làm gì hơn vì Trung Quốc quá mạnh. Theo ông, chiến lược của một nước nhỏ nên là thế nào trong vấn đề này? Tiến sĩ Toshi Yoshihara nói:
“Tôi nghĩ nếu các nước nhỏ có khả năng chống lại Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ làm, hoặc bằng động thái ngoại giao cứng hơn hoặc phô trương sức mạnh quân sự. Việt Nam, Philippines, Brunei, là những nước không đủ lực lượng để chứng tỏ quyết tâm trước Trung Quốc. Cách duy nhất là dựa vào bên thứ ba. Bên thứ ba nổi bật nhất, chắc chắn, là Hoa Kỳ, Nhật Bản hoặc phần nào đó là Ấn Độ...”
CHỦ TRƯƠNG CỦA HOA KỲ
Khi biến cố xẩy ra giữa tàu Trung Quốc với tàu Impeccable của Hoa Kỳ, phóng viên BBC Kevin Connolly tại Washington, nhận định rằng có thể Trung Quốc đang muốn thử thái độ của tân chính phủ Mỹ, giống như đã từng làm ngay sau khi George W. Bush lên nhận chức năm 2001. Nhưng giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Australia nói:
"Vào thời điểm này tôi không nghĩ việc xảy ra là nhằm thử thách chính quyền Obama. Ngoại Trưởng Clinton vừa đi thăm Bắc Kinh, Tổng Thống Obama và người đồng nhiệm Trung Quốc cũng đang có kế hoạch gặp nhau vào tháng tới."
Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang hiện đại hoá Hải Quân để có thể mở rộng các vùng trên biển mà Trung Quốc có quyền lợi, nên đã tạo ra biến cố này để thử xem phản ứng của Hoa Kỳ.
Trước đây và trong hiện tại, Washington chỉ muốn giới hạn phản ứng của mình trong việc đòi hỏi phải phải bảo đảm an toàn cho việc xử dụng biển quốc tế mà thôi, chứ không muốn can thiệp vào sự tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Sau vụ tàu Impeccable, ông Stewart Upton, phát ngôn cho quân đội Mỹ nói: "Hành động thiếu tính chuyên nghiệp của tàu Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế về quyền và an toàn của các bên khác trong sử dụng vùng biển quốc tế".
Chúng ta nhớ lại, hôm 10.5.1995, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Mỹ sẽ rất quan tâm đến bất cứ một đòi hỏi liên quan đến biển hay ngăn cản hoạt động hàng hải ở Nam Hải không phù hợp với Luật Biển.”
Sau đó, một tài liệu nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết:
“Mỹ không có quan điểm đúng sai pháp lý về các tuyên bố chủ quyền. Lợi ích chiến lược của chúng ta trong việc duy trì đường thông thương nối liền Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Ấn Độ Dương, đòi hỏi chúng ta chống lại các xác lập chủ quyền vượt khỏi điều mà Công Ứớc Luật Biển cho phép.”
Hôm 16.6.1995, ông Joseph Nye, Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ về An Ninh Quốc Tế đã nói trong một cuộc họp báo tại Tokyo: “Nếu hành động quân sự xảy ra ở quần đảo Trường Sa và ngăn cản tự do đi lại trên biển cả, chúng tôi sẵn sàng hộ tống và bảo đảm rằng thông thương tiếp tục.”
Với những lời tuyên bố nói trên, chúng ta thấy Hoa Kỳ xác định không can thiệp vào vấn đề tranh chấp về chủ quyền đối với các hải đảo trên Biễn Đông. Hoa Kỳ chỉ quan tâm và can thiệp khi có “sự ngăn cản tự do đi lại trên biển cả” trái với Công Ước LHQ về Luật Biển 1982.
Như vậy không thể dựa vào Hoa Kỳ để thúc buộc Trung Quốc chấp nhận một giải pháp công bằng cho Biển Đông.
Lữ Giang
(Ngày 17.3.2009)
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.