Năm nào, ngày 30 tháng Tư cũng được tưởng niệm trọng thể tại các địa phương với những slide show hình ảnh đau thương của những chuỗi ngày kinh hoàng, uất hận cùng những bài nói chuyện rất cảm động về một dân tộc bị tước đoạt nhân quyền, bị bóc lột triền miên từ hàng chục năm qua. Nhưng kỷ niệm về ngày Quốc hận là chuyện quan tâm của “thế hệ Một” mà ít ảnh hưởng đến “thế hệ Hai”. Các em, các cháu không có một ký ức nào về những ngày đen tối; và nếu có chút nào chăng, thì các em đã cho rằng chuyện đã xưa cũ, nay phải hướng về tương lai! Các em các cháu cho rằng cha anh cứ ôm ấp mãi hận thù trong khi thời thế đã “đổi thay”. Và thế hệ cha anh thì đã tỏ ra thiếu sót trong việc giáo dục con em mình để họ thấu hiểu tường tận rằng cuộc đấu tranh hiện nay là giữa hai thế lực đối cực: chế độ độc tài Cộng Sản và lý tưởng tự do dân chủ; chứ không phải là giữa những người mất mát, ly hương và những kẻ chiến thắng và chiếm đoạt. Đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, phát triển thịnh vượng là sự nghiệp cao quý lâu dài; truyền từ thế hệ này qua nhiều thế hệ mai sau. Chúng ta đang ở độ tuổi đã hoặc sắp về chiều, rất cần một sự chuyển tiếp hữu hiệu cho thế hệ sau. Qua biến cố VAALA trong tháng 1 vừa qua, đã cho thấy giữa thế hệ 1 và hai có những vấn đề cần soi rọi kỹ. Bất cứ quốc gia nào, tổ chức nào, tôn giáo nào cũng coi trọng việc bồi dưỡng lớp hậu duệ. Đó là một nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng. Nó là bức tường phòng thủ vững chắc lâu dài nhất vừa là mũi tấn công sắc bén khi cần thiết. Ở cấp quốc gia thì lo bồi dưỡng thanh niên qua giáo dục từ học đường, được bổ túc bới các đoàn thể và gia đình. Mà trong đó, gia đình là hạt nhân đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách đạo đức của trẻ. Các đảng phái, tôn giáo cũng chăm lo cho tương lai của mình bằng các đoàn thể thanh niên. Phe Cộng Sản thì có Đội Thiếu niên, đoàn Thanh niên CS. Phe Quốc gia thì: Phật Giáo thì có Gia đình Phật Tử; Công giáo thì có Thanh Sinh Công, Quân đội thì lo nguồn bổ sung qua trường Thiếu sinh quân…. Từ hơn ba chục năm qua, các tổ chức Cộng đồng, đoàn thể chính trị, hội Cựu quân nhân đã có nhiều thành tựu trong sinh hoạt đấu tranh chống Cộng tại hải ngoại. Nhưng vấn đề gây dựng cho hậu duệ bị xem nhẹ. Qua tin tức, báo chí, chỉ có vài đoàn thể có chăm sóc vấn đề hậu duệ; nhưng chỉ ở mức độ có tính cách trang trí mà thiếu phần nội dung sâu sắc. Nhóm Thanh Niên Cờ Vàng, nhóm Thư Viện Toàn Cầu, Thanh Niên Đa Hiệu chưa đủ lớn mạnh để đại diện cho một lớp trẻ của chúng ta. Hội Chuyên Gia Việt Nam, Hội Văn Hoá Khoa Học thì nặng về chuyên môn hơn chính trị. Còn các thành phần khác thì thật phức tạp. Chúng ta thử phân tích xếp loại các em các cháu để thấy mức độ nghiêm trọng ra sao Đối với các em, các cháu lớn lên tại Hoa Kỳ, trong môi trường giáo dục Mỹ: Các em, các cháu theo cha mẹ đến Hoa Kỳ từ lúc còn quá nhỏ để có nhớ những kỷ niệm đau thương trong thời gian dưới chế độ Cộng Sản. Đến Mỹ, cha mẹ ít có thì giờ day dỗ, sự hiểu biết của các em, các cháu là từ học đường. Khốn thay, trong các sách lịch sử dạy tại các trường học, chiến tranh Việt Nam bị mô tả một cách thiên lệch và đầy rẫy ác ý về phe đồng minh. Chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hoà bị quên lãng hay nếu có nhắc đến trong vài câu thì chỉ là những câu chê bai, lên án. Các nhà viết sử của Mỹ đa số thiên tả, và họ đã vô tình làm công cụ tuyên truyền cho Cộng sản để đầu độc công luận. Trong ngày lễ Cựu Chiến Binh 11/11/2004 tại thủ phủ Austin (cũng là ngày lễ công nhận Cờ Vàng tại Texas), Thiếu Tướng Tư Lệnh Vệ Binh của Tiểu bang Texas đã đọc một bài diễn văn có ý nghĩa. Trong đó, ông lên án các nhà sử học Mỹ đã ác ý bôi bác chính nghĩa tự do của phe đồng minh. Ông kêu gọi nỗ lực tẩy xoá các trang sử sai trái này và thay vào bằng những trang sử chính xác, công bình. Nếu quý vị có thì giờ vào các trang nhà của các Đại học Mỹ, quý vị sẽ sửng sờ thấy rằng họ đang xử dụng các bài vở do phiá Việt Cộng cung cấp để làm tài liệu giảng dạy hay tham khảo trong các môn học về Văn Hoá, Lịch sử Việt Nam. Đó là do chương trình trao đổi giáo trình giữa các Đại học Mỹ và Đại học bên Việt Nam. Có rất nhiều giáo sư tốt nghiệp các trường bên Việt Nam qua Mỹ đảm nhận việc giảng dạy tại Đại học Mỹ. Và có xác xuất cao những người này là đảng viên Cộng Sản, tốt nghiệp các trường lý luận của đảng. Trong muôn một, nếu có các giáo sư từ tập thể người Việt hải ngoại, thì cũng rời rạc, thiếu tổ chức, hoặc những giáo sư xuất thân từ thế hệ “một rưỡi” mà sự hiểu biết về lịch sử cận đại Việt Nam rất mơ hồ. Vậy thì trách chi các em các cháu thế hệ “hai” không hiểu đúng đắn như chúng ta kỳ vọng. Đối với các em các cháu mới đến Hoa Kỳ sau khi đã lớn lên, học hành tại Việt Nam:
Rõ ràng, các em này đã bị hệ thống giáo dục tuyên truyền của Cộng Sản nhồi nhét những tư tưỏng sai lệnh trong những năm trí tuệ mới phát triển; do đó cách nhìn của họ đương nhiên trái ngược với cách nhìn của chúng ta. Đó là chưa kể đến các em có thể được huấn luyện để hoạt động chống phá phong trào đấu tranh của người Việt hải ngoại. Làn sóng người Việt đến Hoa Kỳ từ chục năm qua các các hình thức bảo lãnh gia đình, hôn nhân đã ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn hoá của chúng ta theo chiều hướng xấu đi. Vì thế, mới đây, một nhóm những trí thức Việt Nam nhiệt tình đã quy tụ trong một dự án mang tính chiến lược lâu dài, họ đã mời thêm nhiều trí thức Hoa Kỳ cùng tham gia để sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu sử học chính xác, khả tín nhằm trước mắt thuyết phục các trường học Mỹ xử dụng làm tài liệu tham khảo; sau đó, có khả năng sẽ thay thế hẳn những tài liệu do phe phản chiến và phiá Cộng Sản cung cấp. Đây là một công tác nặng nề, đòi hỏi nhiều thiện chí, thời gian, và nỗ lực mà cộng đồng nên yểm trợ hết mình để giữ vững phòng tuyến của chúng ta. Để không phí phạm thời gian, chúng tôi kêu gọi những việc nên làm ngay : 1.- Chấm dứt những tranh chấp không cần thiết trong cộng đồng, giữa các đoàn thể, cá nhân vì một vài lý do không đáng tranh chấp. Việc ông Nguyễn Chí Thiện là thật hay giả, không ảnh hưởng lắm trong sự nghiệp đấu tranh chung mà đã làm phân hoá quá nhiều trong chúng ta. Việc ông Nguyễn Xuân Vinh mới đây bắt tay xã giao với Madison Nguyễn chẳng phải là đề tài quan trọng để hai phe ba phái đưa ra mạ lị nhau trên diễn đàn. Thay vào đó, xin dành thì giờ nhắm vào đúng đối tưọng. Nếu không, chúng ta chỉ làm vai trò con nghêu, con cò tranh nhau cho ngư ông bên Bắc bộ phủ thủ lợi. Ngoài ra, những mạ lị nặng nề, chụp mũ cẩu thả làm cho chúng ta ai cũng trở thành tay sai CS, chúng ta không còn tin ai nữa. Đó là một đại hoạ. Đó là thành quả của Nghị quyết 36 của Việt Cộng. 2.- Giáo dục không gì hiệu quả bằng hướng dẫn và làm gương. Một khi chúng ta giương cao ngọn cờ dân chủ, chúng ta phải tỏ ra dân chủ với nhau. Các em các cháu nhìn vào hoạt động của cha anh để đánh giá và tin tưởng vào sự khác biệt của cha anh với chế độ độc tài Cộng sản. Chúng ta không thể bắt ép các em các cháu phải theo chúng ta vì “chúng ta luôn luôn đúng”. Phải chứng minh qua hành động, qua bằng chứng cụ thể. Sự cưỡng ép là bằng chứng của độc tài sẽ làm các em các cháu xa lánh chúng ta. 3.- Trí thức Việt Nam hải ngoại không thiếu, khả năng ngoại ngữ dồi dào. Xin quý vị vì tương lai mà tích cực hơn trong việc giáo dục qua các bài bằng Anh Ngữ phổ biến rộng khắp trên các diễn đàn, các hội thảo, xâm nhập vào các trường học tái chiếm lại trận địa mà chúng ta tin rằng chúng ta có nhiều lợi thế và khả năng hơn Cộng Sản. 4.- Do nhu cầu của giới trẻ, nhiều báo chí hiện nay đã thêm nhiều phần tươi vui vào nội dung của mình. Nhưng do thiếu nhân lực, các báo thường có khuynh hướng lấy bài từ internet, hay từ nguồn bên Việt Nam, mà không đọc kỹ để sửa đổi văn phong và từ ngữ; do đó, đã tạo điều kiện cho văn hoá Việt Cộng xâm nhập. Xin báo giới nên rất cẩn trọng trong việc chọn lựa bài vở, tin tức. Nên tăng cường nhân lực đọc kỹ và thay thế văn phong từ ngữ của Cộng Sản một khi muốn xử dụng các bài vở từ các nguồn không phải của người Việt hải ngoại. Từ những năm qua, Việt Cộng đã âm thầm xâm nhập vào sinh hoạt văn hoá chúng ta qua con đường này. Rất nhiều báo, ngay cả các báo chống Cộng tích cực cũng vô tình bị xâm nhập qua các bài xem ra vô thưởng vô phạt như về các vấn đề thời trang, phim ảnh, ca nhạc, nếp sống gia đình .… Ba mươi tháng tư năm nay, xin hướng về tương lai nhiều hơn là nhắc nhở quá khứ. Hận thù cần ghi nhớ, nhưng không phải là động lực chính của cuộc đấu tranh. Chúng ta đấu tranh cho chính nghĩa, chứ không vì lòng thù hận. Các em các cháu cần biết như thế thì mới tham gia với chúng ta tích cực hơn, hiệu quả hơn. Mùa Quốc Hận 2009.
|