Tuần trước người ta đã chứng kiến một cơn thịnh nộ lan rộng từ Quốc hội cho đến đại đa số dân chúng Mỹ vì có tin Tổ hợp AIG, sau khi lãnh 170 tỷ đô-la gọi là tiền “cứu nguy các ngân hàng”, đã dùng 165 triệu để tặng thưởng (bonus) những cấp lãnh đạo của tổ hợp. Điều khó coi nhất là tiền “cứu nguy” đó là tiền của dân chúng đóng thuế, thay vì lo thay đổi cấu trúc và sách lược để sống còn, AIG tiếp tục dùng tiền đó để thưởng công cho những cấp lãnh đạo đã vì tham lam, vô trách nhiệm gây ra cơn khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ và cả thế giới. Ngay sau đó Quốc hội đã đưa ra đề án lấy lại những món tiền thưởng đó để làm dịu cơn giận của người dân. Đầu tuần này chính phủ Obama đã loan báo một nỗ lực mới nhằm chấm dứt tình trạng tê liệt của hệ thống ngân hàng không muốn cho vay tiền để dân chúng làm ăn. Nỗ lực chủ yếu là chính phủ sẽ hợp tác với các nhà đầu tư để góp tiền thành một ngân quỹ 500 tỷ đô-la mua lại những những tài sản xấu, nói chung là những món nợ khó đòi. Loan báo kế hoạch này Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner nói dân chúng hãy kiên nhẫn để chính phủ cứu nguy các ngân hàng, trong khi dân chúng tức giận vì AIG đã dùng tiền “cứu nguy” để cấp tiền thưởng cho nhân viên lãnh đạo của mình từ năm ngoái khi chính phủ Bush đưa ra ngân quỹ 700 tỷ để cứu nguy ngân hàng. Từ lúc đó cái tên AIG đã nổi bật. AIG (American Insurance Group.Inc) là một Công ty Bảo hiểm và đã trở thành một công ty tài chính quốc tế từ lâu. AIG thành lập cách đây 90 năm ở Thượng Hải, nó lớn lên rất mau lẹ vì năm 1919 là thời nhà Mãn Thanh mới bị lật đổ, chính phủ Cách Mạng của Tôn Dật Tiên ra đời, nhưng mấy năm đầu Trung Hoa gặp nạn nội chiến, đến đầu thập niên 20, chính phủ Tưởng Giới Thạch lên cầm quyền, nạn tranh chấp nội bộ vẫn chưa dứt hẳn, nhưng dân chúng đã có dịp làm ăn buôn bán và Thượng Hải là nơi kinh doanh lớn nhất. Đã làm ăn là cần có tiền và cần có bảo hiểm, công ty Mỹ AIG mở cửa ở đó là chọn đúng thời điểm để làm ăn phát đạt mau lẹ. Nhưng đến năm 1939 trước họa Thế chiến, Tổ hợp AIG phải dọn trụ sở chính về New York và tiếp tục trong mấy chục năm sau AIG đã hoàn tất một hệ thống quốc tế có mặt ở nhiều nước Âu châu để rồi sau Thế chiến đến năm 2005 AIG đã trở thành một trong những tập đoàn công ty lớn nhất thế giới, liên hệ đến nhiều ngân hàng và tài chính quốc tế. Bây giờ khi nói đến “cứu nguy ngân hàng”, lẽ tất nhiên ngoài AIG còn nhiều ngân hàng khác như Golden Sachs, Société Générale, Deustche Bank, Barclays, Merryll Lynch, Bank of America, UBS, BNP Paribas, HSBC, Dresdner Bank, cũng được nhận tiền cứu nguy tùy theo mức lớn nhỏ của mỗi ngân hàng. Nói chung một khi hệ thống ngân hàng tê liệt, nền kinh tế không có cách nào ngóc đầu lên được. Bây giờ nói đến việc chính phủ chủ trương lấy lại những khoản “bonus” tất nhiên các ngân hàng khác cũng phải chịu, không riêng gì AIG. Theo dự định tiên khởi loan báo từ cuối tuần trước, chính phủ sẽ lấy lại đến 90% những khoản tiền “bonus” mà AIG và một số các Ngân hàng khác đã trả cho cấp lãnh đạo của họ. Nhưng ngay sau đó trong Quốc hội có những sự dè dặt bởi vì tính chung như vậy có thể sẽ bất công. Nhất là các dân biểu Cộng Hòa chỉ trích luật lệ đó chỉ nhắm đánh vào những người giầu có, nên phản đối. Đầu tuần này khi Bộ trưởng Tài chính Geithner ra trước Ủy ban Tài chính Hạ viện trình bày chi tiết về đạo luật cứu nguy ngân hàng, nói đến việc lập ra ngân quỹ 500 tỷ, có thể lên đến 1,000 tỷ để mua những món nợ khó đòi. Chiều thứ hai tuần này, chỉ số Chứng khoán Dow Jones ở Walt Street đã vọt lên đến gần 500 điểm, điểm vọt cao nhất nội trong một ngày kể từ hơn một năm qua. Đến sáng thứ ba, chỉ số Dow Jones khựng lại và đến chiều xuống 50 điểm. Trong khi đó có tin cho biết 15 trong số 20 cấp lãnh đạo của AIG sẽ trả lại món tiền “bonus” họ đã lãnh. Chưởng lý New York Andrew Cuomo tỏ ý hy vọng sẽ có thêm nhiều nhân viên khác của AIG sẽ đem trả lại tiền “bonus”. Tính chung các nhân viên của AIG quốc tế sẽ trả lại khoảng 50 triệu trong số 165 triệu tiền thưởng mà tổ hợp này đã phát từ đầu tháng. Sáng thứ ba, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Ben Bernanke ra điều trần trước Ủy Ban Tài chính Hạ viện nói ông muốn đưa AIG ra Tòa về tội cấp hàng triệu đô la tiền thưởng, nhưng ông không muốn làm Tổ hợp Quốc tế này tan vỡ. Ông nói AIG là người “khổng lồ” quốc tế, nó có 74 triệu khách hàng trên thế giới và hành sự mọi việc ở 130 quốc gia. Nếu AIG tan vỡ, cả một hệ thống toàn cầu về tài chính và kinh tế cũng tan luôn với tất cả những hậu quả của nó. Cũng vào dịp này, Bộ trưởng Geithner đã yêu cầu Hạ viện cho phép ông có quyền tương đương với quyền của Tổ hợp Liên bang Ký thác Bảo hiểm là quyền được kiểm soát các Ngân hàng, tịch thu tài sản xấu và bán lại tài sản tốt cho những hãng cạnh tranh. Tối thứ ba, vào giờ cao điểm của tin tức trên các đài TV, TT Obama mở cuộc họp báo tại Bạch Ốc có rất nhiều ký giả tham dự. Ông đã trình bày toàn bộ kế hoạch làm việc của ông về các mục tiêu như tạo thêm công ăn việc làm, giải quyết các vụ nợ thế chấp mua nhà, tăng thêm quỹ để nâng cấp nền giáo dục, bảo hiểm y tế cho mọi người dân, tìm nguồn năng lượng mới v.v…Để thực hiện những chương trình đó, TT Obama dự liệu cần phải chi đến 3.6 ngàn tỷ đô-la, trong khoảng 5 năm tới. Đây là một con số khổng lồ, Mỹ đang lâm nạn kinh tế khủng hoảng, ngân sách đã sẵn thâm thủng hơn 1,000 tỷ, làm sao chịu nổi? Số chi quá lớn này được loan truyền từ cuối tuần trước đã làm Quốc hội Mỹ dội lại, đảng Cộng Hòa và một số phần tử ôn hòa của Dân Chủ cũng không tán thành. Vào những giờ đầu của sáng thứ tư 25-3, chỉ số Dow Jones đã vọt lên trở lại đến 150 điểm. Trong khi đó TT Obama đến Quốc hội để bàn thảo về dự chi ngân sách 1 năm cho tài khóa từ 10-09 đến 10-10. Quốc hội do Dân Chủ nắm đa số sẽ quyết định về ngân sách quốc gia, nên Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Ken Conrad (Dân Chủ) hứa sẽ giảm bớt thâm thủng 1.7 ngàn tỷ năm nay xuống còn 508 tỷ năm 2014. Tại Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách là John Spratt (Dân Chủ) nói Konrad sẽ dùng biện pháp biểu quyết cấp tốc, tránh thủ đoạn kéo dài thảo luận của Cộng hòa để dự án cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe cho người dân của TT Obama được thông qua.
|