Home Tin Tức Bình Luận Điệp viên Lê Hữu Thúy

Điệp viên Lê Hữu Thúy PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Tư, 01 Tháng 4 Năm 2009 04:40

Báo Quân Đội Nhân Dân online có đăng một bài nói về điệp viên Lê Hữu Thúy dưới đầu đề “Sự kiện & nhân chứng, Trên mặt trận thầm lặng”, nêu lên một thành tích đặc biệt mà Lê Hữu Thúy đã lập được tại Miền Nam Việt Nam, đó là “Đoạt mật điện của Nguyễn Văn Thiệu” về số tù binh cộng sản ở Côn Sơn.
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, từ trước đến nay, Đảng CSVN đã cho viết khá nhiều chuyện ly kỳ về điệp viên của họ hoạt động tại Miền Nam Việt Nam dưới thời VNCH, đặc biệt là các điệp viên Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn. Nhưng tất cả những câu chuyện này đều là huyền thoại.
Một tên điệp viên cắc ké như Vũ Ngọc Nhạ, thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, chưa hề được bắt tay bất cứ tổng thống nào của miền Nam, lại được tôn là “cố vấn ba đời tổng thống”! Phạm Xuân Ẩn chỉ là điệp viên nhị trùng của Trần Kim Tuyến, được đưa qua Mỹ huấn luyện rồi về hoạt động ở Việt Tấn Xã, ăn lương công cán ủy viên Phủ Tổng Thống. Khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Phạm Xuân Ẩn bị loại nên CIA đã tuyển dụng Ẩn làm điệp viên nhị trùng, đưa vào làm ở tuần báo Time. Hà Nội gọi Phạm Xuân Ẩn là “siêu điệp viên”, còn Larry Berman, cóp nhặt tài liệu của Việt Cộng lại rồi viết sách tôn Phạm Xuân Ẩn lên làm “điệp viên hoàn hảo” (perfect spy). Hỏi Phạm Xuân Ẩn làm cái quái gì mà được gọi là “siêu điệp viên” hay “điệp viên hoàn hảo”, tác giả chỉ nói một cách mập mờ rằng Phạm Xuân Ẩn đã lấy cắp được nhiều tài liệu bí mật của Mỹ và gởi cho Hà Nội, nhưng lại không cho biết lấy của cơ quan nào, làm cách nào đề lấy và nội dung của các văn kiện đó là gì. Quả thật Phạm Xuân Ẩn có gởi cho Hà Nội một số văn kiện mật của Mỹ, nhưng đó chỉ là những văn kiện hoặc giả, hoặc đã bị biến chế, hoặc không còn tác dụng... được CIA giao cho Phạm Xuân Ẩn gởi đi.
Hà Nội thừa biết Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn và một số tên khác chỉ là điệp viên dỏm, nhưng được thổi lên để che lấp về việc hệ thống tình báo của Hà Nội đã bị phá tan hoang tại Miền Nam, nhất là dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà: Hai tên chỉ huy tình báo cao cấp nhất tại Miền Nam do Hà Nội đưa vào đã bị tóm gọn, đó là Đại Tá Lê Câu, chỉ huy về Diệp Báo và Trần Ngọc Ban (tự là Trần Văn Trí, tự là Trần Quốc Hương hay Mười Hương). Khoản 60 cụm tình báo chiến lược của Hà Nội đã bị phá vỡ và trên 95.000 cán bộ nằm vùng đã bị bắt.
Chúng tôi nghĩ rằng lá bài Lê Hữu Thúy, người được Đỗ Mậu bảo vệ để hoạt động tại Miền Nam, sẽ không được xử dụng để tuyên truyền, vì Thúy đang là Cục Phó Cục Tình Báo Hải Ngoại, nhưng nay báo Quân Đội Nhân Dân lại dựng lên. Dĩ nhiên, những gì báo Quân Đội Nhân Dân viết ra chỉ là huyền thoại. Những người đã từng bắt và thẩm vấn Lê Hữu Thúy và hồ sơ Lê Hữu Thúy vẫn còn đó. Xin độc giả đọc nguyên văn bài của nhật báo Quân Đội Nhân Dân nói về điệp viên Lê Hữu Thúy trước khi chúng tôi trình bày những sự thật.
LẤY ĐƯỢC 5 BẢN MẬT MÃ!
“Bản tuyên dương công trạng của lưới tình báo H10-A22 anh hùng có một dòng: "Đặc biệt... năm 1973 tại Côn Đảo, lấy được 5 bản mật mã (nguyên bản) có đầy đủ số liệu 12.000 tù chính trị địch toan thủ tiêu, đã chuyển kịp về cho phái đoàn ta ở Pa-ri đấu tranh buộc địch phải trao trả tháng 7-1973 tại Lộc Ninh...". Người lập chiến công kỳ tài đó, đồng chí Lê Hữu Thúy (bác Năm, Lê Nguyên Vũ) Anh hùng LLVT nhân dân kể lại:
“... Mùa xuân 1973, tại hội nghị Pa-ri, khi bàn thảo việc trao đổi tù chính trị, phía Sài Gòn đưa ra con số tù ở Côn Đảo chỉ có 5.000 người là số tù đã có án, sai biệt rất xa con số phái đoàn ta đưa ra hơn một vạn người. Phải lấy được các bản mật điện (bản gốc) về con số hàng vạn tù chính trị ở Côn Đảo mới đủ bằng cứ pháp lý đấu tranh. Nhiệm vụ cấp bách đó được giao cho tôi.
“... Tôi sinh năm 1926, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Bố mẹ không theo đạo nhưng gia đình đông anh chị em, là con trai một nên hồi nhỏ tôi được đi học ở trường dòng... Cơ duyên, cùng học trường dòng ở Thanh Hóa, khi đi hoạt động cách mạng tôi đã “kết thân” với Trần Kim Tuyến (về sau làm trùm mật vụ nhà Ngô) trong phong trào học sinh-sinh viên ở Hà Nội năm 1950-1951, và “gắn bó” với đạo Thiên chúa. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ "di cư" vào Nam, ông Trần Sĩ Ban (Mười Hương) phụ trách cụm tình báo chiến lược GH chỉ đạo cho ông cùng Vũ Ngọc Nhạ đi sâu vào khối công giáo di cư... Huỳnh Văn Nhiệm, tướng Hòa Hảo là Thứ trưởng Nội vụ nhà Ngô tin cử ông làm "công cán ủy viên" của Bộ Nội vụ, liên lạc với các lực lượng Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo. Tướng Năm Lửa (Trần Văn Soái), tổng chỉ huy lực lượng Hòa Hảo, Quốc vụ khanh kiêm ủy viên quốc phòng chính phủ, phong cho ông làm “cố vấn đặc biệt” của hắn, trong khi ông đang là một.
“Khi là "công cán ủy viên" phụ tá Bộ trưởng thông tin và chiêu hồi, từ 1965 đến 1968 ông cùng các thành viên A-22 thu thập nhiều thông tin, tài liệu của ngụy quyền và của Mỹ phục vụ cho chiến lược cách mạng. Do CIA khám phá ra, tháng 7-1969 toàn bộ lưới A-22 bị bắt (ngoại trừ anh Mười Hương kịp rút ra căn cứ). "Vụ án gián điệp lớn nhất mọi thời đại" thời đó trở thành vụ án chính trị mà "nhân chứng" quan trọng nhất tòa không triệu tập được vì đó chính là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Mặt trận vùng 3 chiến thuật mở phiên tòa ở Sài Gòn tháng 11-1969 không dám tuyên phạt một án tử hình nào. Ông cùng các đồng chí trong lưới A22 một lần nữa thoát án tử hình. Cuối năm 1971 thì bị đày ra Côn Đảo...
“... Khi ra đảo, tôi được tổ chức gợi ý tìm cách ra ngoài để tiếp tục hoạt động. Nhờ bắt được liên lạc với một người có chức vị vốn trước đây là nhân viên dưới quyền, “cơ sở” này đã vận động giúp tôi được ra ngoài trú tại khu do ban an ninh đảo quản lý để vừa dạy thêm tiếng Anh cho con chúa đảo Đào Văn Phô vừa phụ việc cho viên kế toán ở văn phòng quản đốc sắp mãn hạn. Khi tổ chức giao nhiệm vụ “đặc biệt”, dựa vào con số để phân phối lương thực hằng ngày, tôi biết số tù có chừng 2 vạn người (17.000 tù chính trị, 3.000 thường phạm). Nhưng phải lấy được tài liệu gốc mới có giá trị làm chứng cứ đấu tranh... Hằng ngày, nhiều người ra vào bộ phận kế toán làm việc, tôi vờ sang hỏi lại con số tù cho việc tính thực phẩm, để quan sát phòng quản đốc... Một chiều thứ bảy, tôi nêu lý do cần làm thêm cả tối và sáng chủ nhật cho xong bản quyết toán kịp trình về Nha cải huấn, tên kế toán trưởng đã giao chìa khóa lại. Dùng nến lấy mẫu, tôi nhờ cơ sở làm dịch vụ ở nhà máy điện làm thêm chìa khóa mới. Khi nhận được “hợp đồng” với tổ chức, lại vào tối thứ bảy, tôi chui qua trần nhà vào phòng quản đốc mở tủ, đoạt gọn bản danh sách số tù chính trị, đủ cả 5 bản mật điện (bản gốc) có dấu đỏ của Thiệu...
“Khi đoàn điều tra hỗn hợp của Thiệu ra đảo lần theo dấu vết, bắt người có số tù CT-847 là tôi tra tấn... Nhưng bọn an ninh, mật vụ của Thiệu đâu ngờ: Ngày chủ nhật ấy, như thường lệ trực thăng phủ tổng thống lại đưa Nguyễn Văn Thiệu cùng các ca sĩ ra "nhà mát" bên sân bay Cỏ Ống ăn chơi. Chúng không hề nghi ngờ viên phi công chở Thiệu lại là một giao thông tình báo Việt cộng... Bản mật điện về danh sách tù chính trị cộng sản ở Côn Đảo mà một số chúng đã chuyển đi, Thiệu định cho giấu nhẹm rồi tìm cách thủ tiêu bí mật, đã "hỏa tốc" tới Pa-ri, làm cho phía Mỹ-Thiệu "cứng họng", buộc phải đưa vào danh sách trao trả 12.000 tù chính trị ở Côn Đảo. Còn tôi một lần nữa thoát hiểm, sau cũng được trao trả trở về.”
MINH HẢI (ghi)
Tài liệu này trước đó đã được đăng trên vietbao.vn online dưới đầu đề Hoàn thành “điệp vụ bất khả thi” do Mạnh Việt viết, nhưng nội dung lại có nhiều chi tiết khác xa và Lê Hữu Thúy được gọi là Năm Lê!
ĐỖ MẬU, TÊN NỐI GIÁO CHO GIẶC
Như chúng tôi đã nói, cuối năm 1958, sau khi phanh phui ra hầu hết các tổ tình báo của Việt Cộng đang hoạt động trong Đô thành Sài Gòn, Đoàn Công Tác Đặc Biệt do ông Dương Văn Hiếu lãnh đạo, đã quyết định bắt hai cụm tình báo chiến lược, đó là cụm A.22 và cụm A.25. Cụm A.22 hoạt động tại Bộ Công Chánh và Giao Thông và cụm A.25 hoạt động tại Nha An Ninh Quốc Đội do Đổ Mậu làm Giám Đốc. Cả hai cụm này được gọi là “Cụm Tình Báo Chiến Lược” vì do Cục Tình Báo Chiến Lược ở Hà Nội tổ chức và điều hành chứ không phải do các tổ chức tình báo địa phương. Hai cụm này về sau phối hợp hoạt động trong vụ Huỳnh Văn Trọng.
1.- Tổ chức tình báo của Hà Nội.
Gọi là “Cụm Tình Báo Chiến Lược”, nhưng thật sự mỗi “cụm” chỉ có 3 người: Phái khiển, cán bộ và cơ cán. Đó là tổ tam tam. Phái khiển (agent) được coi như tổ trưởng, có nhiệm vụ thu lượm tin tức và lập báo cáo bằng mật mã. Cán bộ là người chuyển báo cáo của phái khiển đến cơ cán. Cơ cán có nhiệm vụ giao thông liên lạc, chuyển tài liệu đi. Các chỉ thị từ trên xuống, đã được chuyển ngược lại. Phái khiển và cơ cán không biết nhau. Họ chỉ gởi và nhận báo cáo qua cán bộ.
Một thì dụ cụ thể: Cụm A.22 ở Bộ Công Chánh gồm có: Phái khiển là Nguyễn Trọng Văn, tức Chất, tức Mạnh. Cán bộ là Vũ Ngọc Nhạ và Cơ Cán là Phạm Văn Đường. Cả ba đều là thư ký đánh máy công nhật B3 ở Sở Đào Kinh thuộc Bộ Công Chánh, do Kỹ sư Nguyễn Sỹ Cảnh làm chánh sự vụ. Kỹ sư Cảnh là cha vợ của Cao Đăng Chiếm. Ba tên này đã được Kỹ sư Cảnh tuyển dụng.
Năm 1959, cụm tình báo này đã bị tóm gọn, kể cả Kỹ Sư Nguyễn Sỹ Cảnh, nhưng Vũ Ngọc Nhạ đồng ý hợp tác nên năm 1961 đã được phóng thích dưới danh nghĩa một cán bộ hồi chánh bị quản chế, hàng tháng phải trình diện cơ quan an ninh, nhưng trong thực tế Nhạ đã hoạt động đắc lực cho Đoàn Công Tác Đặc Biệt trong công tác lấy tin tức. Lương của Nhạ do Đoàn Công Tác trả.
Tính đến cuối năm 1959, Đoàn Công Tác Dặc Biệt đã phá vỡ khoảng 60 cụm tình báo chiến lược của Hà Nội do Mười Hương chỉ huy. Chúng tôi còn lưu giữ được 45 tên phái khiển điều khiển các cụm tình báo này như Nguyễn Thiên (Đà Nẵng), Nguyễn Đình Quảng (tự Giáo, tự Minh Vân), Nguyễn Tuyên (nhân viên Phủ Tổng Thống), Nguyễn Văn Mãi (tự Hội, tự Ba Tam, sau này là Đại Tá), Phạm Kim Thịnh (anh em cột chèo với Mai Chí Thọ), Hoàng Đình Phương (Sở Ngoại Viện) v.v. Đây là thất bại rất lớn lao của Mười Hương. Nhưng nay các cơ quan truyền thông của đảng CSVN đã viết ngược lại với nhiều chuyện bịa đặt.
2.- Bắt cụm tình báo của Lê Hữu Thúy
Theo Ông Dương Văn Hiếu, Trưởng Đoàn Công Tác Đặc Biệt, mỗi khi phát hiện một cán bộ tình báo của Việt Cộng hoạt động trong quân đội, Đoàn thường thông báo cho Nha An Ninh Quân đội điều tra để loại trừ. Đại Tá Đỗ Mậu đã cử Trung Úy Đạt liên lạc với Đoàn Công Tác Đặc Biệt để xin tài liệu và phối hợp công tác. Tuy nhiên, kể từ năm 1958, mỗi khi Đoàn thông báo cho Đại Tá Đỗ Mậu một cụm tình báo nào của Việt Cộng đang hoạt động trong quân đội thì chỉ ít lâu sau là những người này đã biến mất, như trường hợp của Trung Úy Thịnh ở Phòng I Bộ Tổng Tham Mưu, các điệp viên khác ở Quân Đoàn III... Đoàn đã liên lạc với Đại Tá Phước, Trưởng Phòng II, để yêu cầu xem lại việc này. Đại Tá Phước điều tra và xác nhận rằng các sĩ quan có tên trong danh sách của Đoàn Công Tác gởi qua đều đã đào ngũ! Ai đã thông báo cho họ?
Trước tình trạng này, Đoàn đã quay mũi dùi vào Nha An Ninh Quân Đội của Đại Tá Đỗ Mậu để điều tra thì phát hiện ra Lê Hữu Thúy tự Thắng, Trưởng Phòng An Ninh của Nha An Ninh Quân Đội là một điệp viên của Cục 2 Quân Báo Việt Cộng đang chỉ huy một cụm tình báo quan trọng tại đây, đó là Cụm A.25. Cụm này gồm có Lê Hữu Thúy là Phái khiển, Nguyễn Xuân Hòe là Cán bộ, và Vũ Hữu Ruật là Cơ Cán.
Trong bài đăng trong báo Quân Đội Nhân Dân nói trên, Lê Hữu Thúy cho biết “khi đi hoạt động cách mạng tôi đã “kết thân” với Trần Kim Tuyến”, người lãnh đạo cơ quan mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhưng sự thật không phải như thế. Lê Hữu Thúy chưa bao giờ gặp Trần Kim Tuyến và chính Trần Kim Tuyến là người đã ra lệnh bắt Lê Hữu Thúy.
Vốn là một ký giả không có tiếng tăm gì, Lê Hữu Thúy có bằng Tú Tài nên đã đi sĩ quan Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp, Thúy đã chạy tiền để được Đại Tá Đỗ Mậu can thiệp xin cho về làm việc tại Nha An Ninh Quân Đội, sau đó được Đỗ Mậu giao cho làm Trưởng Phòng An Ninh!
Nắm được bằng chứng như trên, nhưng vì sợ đụng chạm với Đỗ Mậu, Đoàn Công Tác đã phải trình nội vụ lên ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu và Tổng Thống Ngô Đình Diệm, rồi âm thầm lén bắt Lê Hữu Thúy mà không cho Đại Tá Đỗ Mậu hay biết. Khi biết Lê Hữu Thúy đã bị Đoàn Công Tác bắt, Đại Tá Đỗ Mậu rất tức giận. Nhưng ông không dám xin gặp ông Nhu ngay mà đến gặp ông Nguyễn Đình Thuần, Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống, tố cáo Đoàn Công Tác đã lộng hành, không coi ai ra gì hết, và nhờ ông Nguyễn Đình Thuận dẫn vào gặp Tổng Thống Diệm để trình bày sự việc đã xẩy ra. Sau khi nghe Đỗ Mậu trình bày, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho biết trước khi Đoàn Công Tác bắt Lê Hữu Thúy, ông Trưởng Đoàn Dương Văn Hiếu đã trình hồ sơ cho Tổng Thống xem và Tổng Thống ra lệnh bắt.
Sau vụ này, Đại Tá Đỗ Mậu đã bị ông Nhu xài xể rất nặng lời. Từ đó, Đại Tá Đỗ Mậu không còn liên lạc với Đoàn Công Tác như trước nữa và để tâm thù ông Dương Văn Hiếu vì đã làm mất “uy tín” của ông trước Tổng Thống và ông Cố Vấn!
LÊ HỮU THÚY CHUYỂN HƯỚNG
Sau khi bắt Lê Hữu Thúy, Đoàn Công Tác chỉ giữ Lê Hữu Thúy một thời gian ngắn để khai thác tin tức về hoạt động của cụm tình bào A.25, rồi chuyển ra Trại Toà Khâm ở Huế.
Trại Toà Khâm lúc đó là trại chuyển hướng các cán bộ Việt Cộng do ông Lê Văn Dư chỉ huy. Ông Lê Văn Dư vốn là Trưởng Chi Công An Quận Hương Thủy. Khi Đoàn Công Tác vào Nam hoạt động, ông Lê Văn Dư được đưa về làm Trưởng Ban Khai Thác của Nha Công An Trung Việt và phụ trách Trại Toà Khâm. Từ năm 1958 – 1961, ông Dư được cử làm Trưởng Ty Công An Cảnh Sát Thừa Thiên - Huế, nhưng vẫn kiêm chức vụ nói trên.
Theo ông Lê Văn Dư và các nhân viên phụ trách Trại Tòa Khâm cho biết Lê Hữu Thúy là người có trình độ cao nhất trong số cán bộ cộng sản bị bắt. Vì được ưu đãi và thuyết phục bằng nhiều cách, Lê Hữu Thúy đã chuyển hướng, sau đó được chọn làm một trong các bộ của trại có nhiệm vụ khai thác tin tức từ các cán bộ cộng sản bị bắt và thuyết phục họ chuyển hướng. Cũng theo ông Lê Văn Dư, Lê Hữu Thúy là một cán bộ làm việc có phương pháp, có nhiệt tình và đem lại nhiều kết quả.
Đối với các cán bộ cộng sản chẳng những không chịu chuyển hướng mà còn quậy phá hay xúi giục các tù nhân khác nổi loạn, trại thường áp dụng biện pháp kỷ luật bằng cách tách rời ra rồi đưa lên giam ở Khu Chính Hầm. Lên Hữu Thúy bao giờ cũng tham gia quyết định áp dụng kỷ luật đối với những cán bộ quậy phá.
Khu Chín Hầm nằm trên một quả đồi nhỏ có độ cao khoảng 35m, cách Huế khoảng 6 km về phía Tây Nam, dưới chân núi Thiên Thai (còn gọi là núi Ngũ Tây hay núi Ba Đồn), trên đường đi Nam Giao. Hầm này được Pháp xây cất năm 1941, khoét sâu vào trong lòng đồi, gồm 9 gian được đúc bằng bê tông cốt sắt để chứa đạn, nên thường được gọi là Khu Chín Hầm. Từ 1956, Khu Chín Hầm trở thành trại kỷ luật, nơi Công An Huế dùng để giam giữ các cán bộ Việt Cộng không chịu hợp tác và luôn chống phá. Tại đây có một trung đội Bảo An phụ trách canh gác. Các hầm giam ở đây còn tương đối dễ chịu hơn các phòng kỷ luật tại các trại tù của đảng CSVN, nhất là tại các trại Cổng Trời, Sơn La, Thanh Liệt, Thanh Cẩm, v.v. Các tù nhân bị kỷ luật vẫn được ăn uống đầy đủ.
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963 ba ngày, nhóm Phật Giáo đấu tranh ở Huế đã đến bao vây Khu Chín Hầm và yêu cầu phóng thích các “Phật tử bị đàn áp” trong đó. Thế là “Cách Mạng” bị bắt buộc phải thả ra giữa những tiếng reo hò! Còn các cán bộ ở Trại Toà Khâm được Mai Hữu Xuân nhận tiền và ra lệnh phóng thích dần. Về sau, khi ông Hà Thúc Ký lên làm Tổng Trưởng Nội Vụ, do áp lực của Phật Giáo, ông cũng phải ra lệnh phóng thích hết những người còn lại, trong đó có Lê Hữu Thúy. Thế là thời mạt vận của Miền Nam bắt đầu.
LÊ HỮU THÚY HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI
Sau khi được phóng thích, Tướng Đỗ Mậu đã che chở cho Lê Hửu Thúy đi làm nghề ký giả lại.
Trong cuốn “Ông Cố Vấn, Hồ sơ một điệp viên” Lê Hữu Thúy nói rằng nhờ Huỳnh Văn Trọng giới thiệu, Thúy đã được vào làm công cán ủy viên Bộ Nội Vụ, nhưng chuyện đó là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Lê Hữu Thúy không bao giờ làm công cán ủy viên Bộ Nội Vụ. Nhờ sự giới thiệu và xin xỏ của Đỗ Mậu, năm 1968 Bác Sĩ Phan Quang Đán, một chính khách gà mờ, giữ chức Quốc Vụ Khanh kiêm Tổng Trưởng Bộ Thông Tin - Chiêu Hồi, đã tuyển dụng Lê Hữu Thúy làm công cán ủy viên bộ này, vì theo hồ sơ báo cáo, khi ở Trại Toà Khâm, Thúy đã hồi chánh (chuyển hướng) và làm công tác chiêu hồi rất tốt. Trong chế độ Miền Nam, công cán ủy viên không bao giờ là Phụ Tá Tổng Trưởng như Thúy kể. Công cán ủy viên chỉ làm các công tác lặt vặt. Riêng Thúy phụ trách công tác chiêu hồi.
Cuốn tiểu thuyết “Ông Cố Vấn, Hồ sơ một điệp viên” của Hữu Mai còn có viết nhiều đoạn nói về các hoạt động khác của Lê Hữu Thúy, nhưng đó cũng chỉ là những chuyện hoang đường.
Tuy nhiên, ngoài chức vụ công cán Ủy viên, Thúy vẫn tiếp tục viết cho tờ Trinh Thám do Hoàng Hồ làm chủ nhiệm, dưới bút hiệu Khánh Hà. Những bài của Khánh Hà viết thường có khuynh tuyên truyền cho Việt Cộng nên Phòng E/41 thuộc Tổng Nha Cảnh Sát được lệnh theo dõi. Các điều tra viên khám phá ra Khánh Hà chính là Lê Hữu Thúy!
Sau khi theo dõi, cảnh sát khám phá ra các thành viên trong hai cụm tình bào A.22 và A.25 đã hoạt động trở lại dưới cái tên mới là cụm tình báo H10-A22 do Lê Hữu Thúy làm Phái khiển. Nhóm này đang yễm trợ giải pháp hoà hợp hoà giải của Huỳnh Văn Trọng (đại diện Tổng Thống Thiệu) và Phạm Hùng (đại diện Đảng Bộ Miền Nam). CIA khám phái ra vụ này nên tìm cách phá.
Theo sự thúc đẩy của ông William James Porter, cố vấn Mỹ, ngày 14.7.1969 Tổng Nha Cảnh Sát quyết định giao cho đơn vị S2/B theo dõi và bắt toàn bộ các phần tử liên hệ, kể cả Huỳnh Văn Trọng. Các máy thu thanh và thu hình đã được gắn tại các khu vực quanh nhà của Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng và các điểm giao liên ở cầu Bình Lợi, Đồng Ông Cộ, Hàng Xanh, Chợ Lớn...
Phân giải những âm thanh và hình ảnh thu được, cơ quan CIA cung cấp cho Tổng Nha Cảnh Sát những tài liệu hữu ích. Nhờ vậy, cảnh sát đã phát hiện toàn bộ nhóm điệp viên này gồm Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Bùi Phượng Thắng, Lê Thị Nuôi, Nguyễn Xuân Hòe, Lê Văn Giáp, v.v. Tất cả trên dưới 50 người. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ nhóm tình báo này và lập hồ sơ truy tố ra toà.
Trong phiên toà ngày 29.11.1969, lúc 22 giờ Tòa đã tuyên án như sau: Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe khổ sai chung thân. Tám người bị khổ sai 20 năm, 5 người bị khổ sai từ 5 đến 7 năm. Các bị can khác bị tù từ 3 tháng đến 3 năm và 11 người được hưởng án treo. Toà không tuyên án tử hình người nào, vì Huỳnh Văn Trọng là người của Tổng Thống Thiệu.
Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe đã bị đưa ra giam ở Côn Sơn cho đến ngày trao trả cho Hà Nội.
CÔNG TÁC ĐỊCH VẬN
Đa số các cán bộ tình báo của Việt Cộng ở Miềm Nam bị bắt, đều không được đảng CSVN tái xử dụng, kể cả Trần Ngọc Ban. Lê Hữu Thúy là một trường hợp đặc biệt. Hiện nay Lê Hữu Thúy đã lên đến chức Cục Phó Cục Tình Báo Hải Ngoại. Quân Đội Nhân Dân đã tuyên dương Lê Hữu Thúy, “một chiến sĩ tình báo trong mạng lưới H10-A22 đã có những chiến công đặc biệt xuất sắc”.
Nhưng tất cả những công tác mà Thúy lập được đều do Đỗ Mậu yểm trợ. Còn chuyện lấy cắp “5 bản mật điện (bản gốc) có dấu đỏ của Thiệu...” là chuyện hoàn toàn bịa đặt. Tổng Thống Thiệu hay Phủ Tổng Thống không bao giờ gởi những mật điện như thế cho trại tù Côn Sơn. Những “mật điện” như thế nếu có chỉ là của Phủ Thủ Tướng hay Bộ Nội Vụ. Chúng tôi nhớ lại, trước khi ký Hiệp Định Paris và thả tù binh, Bộ Nội Vụ có một chỉ thị hướng dẫn rằng các tù cộng sản phạm các tội hình sự như phá hoại tài sản công hay tư, gây thương tích hay tử thương, bắt cóc, thủ tiêu, ám sát, v.v. đều phải lập hồ sơ đưa qua toà hình sự xét xử và tuyên phạt theo hình luật. Chỉ các tù chính trị hay tù binh mới được phóng thích. Không có chỉ thị nào ra lệnh thủ tiêu các cán bộ hay chiến binh Việt Cộng đang bị giam giữ,
Tờ Việt Báo xuất bản tại Orange County ngày 29.7.2000 loan báo: “Lần đầu tiên từ sau 1975, một cựu tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa vừa từ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam đã xuất hiện trên đài truyền hình của nhà nước CSVN.” Tờ báo viết tiếp:
“Chiều thứ tư 26.7.2000, đài truyền hình CSVN - phát từ Hà Nội, được truyền qua vệ tinh sang Bắc Mỹ - đã phát hình cựu thiếu tướng VNCH Đỗ Mậu, vừa từ California về thăm quê hương. Phóng sự truyền hình từ Hà Nội cho thấy cựu tướng Đỗ Mậu được Mặt Trận Tổ Quốc VN, cơ quan ngoại vi của Đảng Cộng Sản, đón tiếp. Sau đó, trả lời cuộc phỏng vấn của đại diện Đài Truyền Hình CSVN, cựu tướng Đỗ Mậu tuyên bố ông tin tưởng rằng chỉ trong 20 năm sắp tới, Việt Nam sẽ trở thành một đất nước thực sự giầu mạnh.”
Cuộc trở về tuyên truyền cho Cộng Sản này của Đỗ Mậu đều do Lê Hữu Thúy sắp xếp.
Từ đó đến nay, các con cháu của Đỗ Mậu trở về Việt Nam đều được Lê Hữu Thúy đón tiếp nồng hậu. Một người cháu của Đỗ Mậu sau khi về Việt Nam ở với Lê Hữu Thúy mấy tháng, đã trở lại Hoa Kỳ viết một loại bài tấn công Tú Gàn. Nhưng làm “chiến tranh chính trị” hay “địch vận” mà xử dụng những tên viết lách nham nhở như thế, làm sao ăn ai được?
Chuyện huyền thoại và sự thật về Lê Hữu Thúy còn dài, chúng tôi sẽ trở lại một dịp khác.
Ghi chú: Nếu tìm không thấy bài, cứ vào motgoctroi.com, mục "Mỗi tuần một chuyện" sẽ thấy trong đó.