Tuần trăng mật của Tổng Thống Barack Obama Từ ngày Thứ Ba này, Tổng Thống Barack Obama sẽ chạy băng đồng trong tám ngày qua năm nước…. Và sẽ tiếc George W. Bush. Sáu tháng trước, ông qua Âu Châu tranh cử, được dư luận tại đấy chào mừng như một minh tinh nhạc rock. Ông là niềm hy vọng mà Âu Châu có thể tin được, còn Tổng Thống Bush là tấm ván bật đưa ông lên trời xanh. Lần này, ông là tổng thống, Bush là dĩ vãng và Hoa Kỳ có vấn đề. Ở nhà, ông Obama có thể đổ lỗi cho “di sản Bush” để tung ra kế hoạch cải tạo xã hội dưới nhãn hiệu cứu nguy kinh tế. Ra ngoài, ông là tổng thống Mỹ và phải bán nhiều món hàng khác. Gian nan hơn, vì các nước không cả tin như dân Mỹ và không mấy đồng ý với các ưu tiên của ông. Khi ấy, Tổng Thống Obama sẽ hiểu thế nào là “nước Mỹ nặng nghiệp”. Như công tử Ðoàn Dự của Kim Dung, ông sẽ phải “lang ba vi bộ” - lách tả lách hữu, khi tiến khi lùi, cho khỏi vấp. Và sẽ thất vọng, hoặc sẽ gây thất vọng. Vấn đề không là tài năng hay nhược điểm của bản thân ông mà là vị trí của nước Mỹ. Nghị trình Những ngày tới có cả chục hội nghị liên hệ đến quyền lợi Hoa Kỳ. Như các buổi họp của Liên Hiệp Quốc, của Hoa Kỳ hay Turkey về A Phú Hãn; rồi thượng đỉnh mùng hai của nhóm G20, bên lề là gặp gỡ song phương giữa Obama với các lãnh tụ Anh, Pháp, Ðức, Nga, Tầu, Ấn hay Thổ…; hai ngày kế là thượng đỉnh NATO, trong đó có lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập minh ước quân sự này; rồi thượng đỉnh Âu Châu với Hoa Kỳ vào các ngày năm và sáu Tháng Tư… Dù bất cứ ai là tổng thống Mỹ thì vì quyền lợi của Hoa Kỳ, nghị trình và mục tiêu các phiên họp đều xoay quanh các đề mục tài giảm và ngăn ngừa phổ biến võ khí nguyên tử, đối phó với nguy cơ khủng bố lồng trong việc giải quyết chiến trường A Phú Hãn, vùng biên vực xứ này với Pakistan, xử trí với Liên Bang Nga và Iran (của dân Ba Tư theo hệ phái Shia của Hồi giáo) mà không làm khối Á Rập Hồi giáo theo hệ phái Sunni thất vọng. Ðã thế, giữa cơn khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế toàn cầu, việc cải tổ cơ chế và cứu nguy kinh tế cũng có đòi hỏi nhiều thỏa thuận song hành với các nền kinh tế mạnh của thế giới. Họa vô đơn chí, Âu Châu còn bị nguy cơ khủng hoảng nặng hơn Mỹ, lại phải đối phó với sức ép của Nga khiến việc phối hợp chánh sách thống nhất trong khuôn khổ NATO bị trở ngại. Khủng hoảng tài chánh, áp lực Nga lẫn sự chần chờ của Mỹ làm bốn chính phủ Âu Châu đã đổ (Iceland, Latvia, Hungary, Tiệp), nhiều chính phủ khác có thể ngã theo như Hy Lạp, Estonia, Lithuania. IMF đang phải cấp cứu 17 quốc gia trên thế giới thì có 11 nước nằm tại Âu Châu. Âu Châu có thể vỡ đôi, liên minh Âu-Mỹ xuyên qua Ðại Tây Dương và minh ước NATO bị tê liệt khi nước Pháp vừa quay trở lại… Ðấy là chưa nói tới việc Bắc Hàn đòi thử nghiệm hỏa tiễn “Ðại pháo đồng” hạng 2 vào mấy ngày tới - và Nhật Bản đòi bắn hạ! Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ có một thực đơn dễ gây bội thực vì toàn vấn đề khó nuốt. Tổng Thống Obama sẽ dự thượng đỉnh G20 tại Luân Ðôn rồi thượng đỉnh NATO tại các thành phố của Ðức, Pháp, thượng đỉnh Âu Châu-Hoa Kỳ tại thủ đô Cộng Hòa Tiệp và viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Ông sẽ gặp nguyên thủ nhiều quốc gia, đồng minh hay đối thủ và phải thuyết phục rất nhiều mà không thể đem Bush ra làm lý cớ. Nay ông là lãnh đạo và phải bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ trước các quốc gia khác. Obama phải đổi trò. Hội luận G20 Khối G20 quy tụ 19 quốc gia và Liên Hiệp Âu Châu, sản xuất ra 90% sản lượng thế giới và mua bán 80% số ngoại thương toàn cầu. Lần trước, thượng đỉnh G20 họp tại thủ đô Mỹ vào ngày 15 tháng 11 dưới sự chủ tọa của Bush. Lần này, thượng đỉnh do Anh tổ chức với các nguyên thủ của - theo thứ tự ABC bằng Anh ngữ - Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Ðức, Ấn Ðộ, Ý, Nhật, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Nam Mỹ, Turkey, Anh và Hoa Kỳ cùng Chủ tịch luân phiên Âu Châu (đang là Cộng hòa Tiệp). Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu, lãnh đạo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới. Lần này, thủ tướng Anh mời thêm thủ tướng Thái Lan vì Thái đang là chủ tịch luân phiên của Hiệp Hội ASEAN. Lần trước, Thượng đỉnh G20 đề ra ba mục tiêu là ổn định hệ thống tài chánh ngân hàng, cải tổ hệ thống kinh tế tài chánh toàn cầu và bảo đảm khả năng phát triển kinh tế bền vững, với một đòi hỏi là đừng lùi về phản ứng bảo hộ mậu dịch, protectionism. Lần này, các nước sẽ hỏi lại Obama về tinh thần bảo hộ của Quốc Hội Mỹ được ém trong đạo luật kích thích kinh tế mà ông đã ký. Nhiều nước - như Ðức, Pháp hay Tiệp - còn phàn nàn kế hoạch tăng chi quá đáng của Mỹ để kích thích kinh tế. Lần trước, Hoa Kỳ kêu gọi là dù đang bị khủng hoảng tài chánh, các nước vẫn nên cố phát huy kinh tế thị trường và dù cải tổ chế độ kiểm soát tài chánh và ngân hàng thì vẫn đừng rơi vào chế độ bao cấp và bành trướng vai trò bao biện của nhà nước. Lần này, Obama đã nhân khủng hoảng mà tăng chi tới chóng mặt và mở rộng sự can thiệp của nhà nước khiến các nước Âu Châu bao cấp nhất cũng giật mình (thủ tướng Tiệp gọi màn tăng chi ấy là “đường vào địa ngục!”) Ở nhà, Obama chạy marathon việt dã để chiêu dụ dân Mỹ, ra tới bên ngoài, ông sẽ thuyết phục được ai? Âu Châu giờ đây nhìn ông với sự hoài nghi. Thành thử, thượng đỉnh G20 với đại minh tinh Obama có thể chỉ là màn hội luận ồn ào - mà không có dư âm. Thủ tướng Ðức đã rào đón như vậy: đừng kỳ vọng nhiều! Ðã thế, nhân khi Tây Phương cãi lộn bên đám cháy ngùn ngụt, Bắc Kinh còn muốn đưa ra một bài học miễn phí về kinh tế chính trị học tư bản chủ nghĩa! Ly kỳ nhất, Trung Quốc và Nga đòi tăng cường vai trò và phương tiện của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và đưa thêm ngoại tệ khác - như đồng Nguyên của Hoa Lục hay đồng Rúp của Nga -vào loại “tín tệ” của IMF (“quyền trích xuất đặc biệt”) để lập ra một loại ngoại tệ dự trữ thay đô la Mỹ. Giậu đã đổ thì bìm phải leo! Các nước tân hưng khác như Ấn Ðộ hay Brazil cũng rất hoan hỷ với ý kiến đó, nếu đồng tiền của họ cũng được cho vào “rổ ngoại tệ” quốc tế để pha loãng màu xanh của đồng Mỹ kim. Tháp tùng tổng thống vào hội nghị G20, Tổng Trưởng Ngân Khố Tim Geithner sẽ xoay trở ra sao trước áp lực ấy, hay sẽ lại nói bậy như hôm 25 vừa qua làm đô la Mỹ đột ngột tuột giá? Khi tranh cử, Barack Obama thề non hẹn biển là sẽ thảo luận và phối hợp với các nước Âu Châu chứ không đơn phương tự tiện làm theo ý mình, như Bush. Bây giờ, chính quyền của ông đã uốn lại kiểu dáng bên ngoài cho mềm mại - hứa đóng cửa trại tù Guantanamo, gọi nạn khủng bố là… “những tai họa do con người gây ra” để khỏi làm khối Hồi giáo mích lòng, tăng viện cho A Phú Hãn mà không dùng chữ “đôn quân” như Bush tại Iraq, v.v… Nhưng về thực chất, ông sẽ thảo luận với ai và phối hợp những gì tại khu vực Âu Châu nhiễu nhương đó mà không hy sinh những ưu tiên của Hoa Kỳ? Toàn những chuyện sẽ khiến Obama thấy là đất lệch nên khó múa. Mà chưa hết. Nato thoát xác Hai chục năm nay, Hoa Kỳ từ thời Clinton đến Bush 43 đã bành trướng nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của Minh Ước Bắc Ðại Tây Dương NATO. Lần đầu tiên NATO ra quân là ở tuổi năm chục - năm 1999 - để bênh dân Hồi Giáo trong vùng Balkans là Liên Bang Nam Tư cũ. Sau đó, tháng 10 năm 2001, NATO ra khỏi khu vực “Bắc Ðại Tây Dương” mà vào Trung Á - A Phú Hãn - vì điều 5 của hiến chương: “tấn công một thành viên là tấn công toàn khối” sau khi Hoa Kỳ bị al-Qaeda tấn công trong “tai họa do con người gây ra” hồi Tháng Chín làm hơn ba ngàn người thiệt mạng tại Mỹ. NATO cứ thế Ðông tiến đến sát biên giới Liên Bang Nga, để bảo vệ và phát huy cách mạng muôn màu nhằm xây dựng dân chủ tại Ðông Âu và Trung Âu. Với nước Pháp vừa trở lại với NATO - sau khi de Gaulle vùng vằng bước ra năm 1966 - minh ước này có khi lại hướng xuống miền Nam, bao trùm lên Ðịa Trung Hải như Tổng Thống Nicolas Sarkozy đề nghị. Lão tướng NATO ở tuổi lục tuần sẽ là gì, làm gì và với phương tiện ở đâu? Hỏi cách khác, Hoa Kỳ thời Obama muốn làm gì với NATO? Ưu tiên của Obama là A Phú Hãn, nhu cầu của ông là hòa giải với Liên Bang Nga và cả Iran để giải quyết ưu tiên đó. Muốn vậy, ông có sẵn sàng phủ nhận những cam kết của Mỹ trong khuôn khổ NATO với các thành viên mới như Ba Lan, Cộng Hòa Tiệp, hay ba nước Cộng Hòa Baltic ở mạn Bắc không? Ông có muốn mở ra kỷ nguyên Tây tiến - rút chạy - của NATO để đẹp lòng nước Nga và Iran không? Nội các Tiệp - quốc gia đang là chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Âu Châu - đã đổ vì lỡ tin vào Mỹ và ủng hộ kế hoạch thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược ballistic missile defense BMD. Sau khi cả Georgia và Ukraine đều bị chặn cửa vào NATO và được Mỹ buông trôi về quỹ đạo Nga, còn chính quyền thân Tây Phương nào sẽ chịu chung số phận của Cộng Hòa Tiệp? Mà cũng vì ưu tiên A Phú Hãn, Hoa Kỳ đang cố hòa dịu với Iran, nên xứ này có cơ hội bằng vàng để hoàn tất nốt kế hoạch võ khí nguyên tử hầu có thể chơi bạo như Bắc Hàn. Khi ấy, Israel và Turkey sẽ ngồi yên chờ đợi phép lạ Obama? Nhìn rộng ra, liên minh Bắc Ðại Tây Dương giữa hai nước Bắc Mỹ và các nước Âu Châu có còn giá trị không? Ai sẽ góp phần tài trợ nhu cầu ấy khi Hoa Kỳ mắc nợ tới đời sau còn Âu Châu thì cạn tiền vì khủng hoảng? Với tài hùng biện bẩm sinh, Obama có thể nói về sứ mệnh mới cho NATO, nhưng ngôn từ không khỏa lấp được thực tế phũ phàng là NATO đang mất định hướng. Thay vì thoát xác có khi bị lột xác. Không khéo, tuần trăng mật của Obama với Âu Châu sẽ là tuần trăng mật gấu. Lang ba vô bị Nhưng không nên đánh giá thấp khả năng biến báo của tổng thống Mỹ. Tuần tới, hàng loạt các cuộc biểu tình trên đường phố Âu Châu sẽ hâm nóng thời sự. Vậy mà ồn ào và nóng hổi có lẽ sẽ là những tuyên bố của lãnh đạo Hoa Kỳ về một vấn đề của nhân loại: hiện tượng nhiệt hóa địa cầu đòi hỏi một đối sách toàn cầu nhằm bảo vệ môi sinh! NATO trong kỷ nguyên mới sẽ mặc áo mới để đảm nhiệm thêm chức năng bảo vệ an ninh về năng lượng và môi sinh. Một thành quả đáng kể! Ðó là phép lang ba vi bộ của Obama, khiến nhiều người Mỹ ở nhà sẽ lại vỗ tay dạt dào.
|