Home Tin Tức Bình Luận Nắm cho vững ! Bám cho chặt !

Nắm cho vững ! Bám cho chặt ! PDF Print E-mail
Tác Giả: Bùi Tín   
Chúa Nhật, 05 Tháng 4 Năm 2009 22:46

Nắm cho vững ! Bám cho chặt !


                                   
Nắm đây là nắm các vấn đề cho vững.

Bám đây là bám cho chặt những nhân vật cần bám.

Cuộc đấu tranh của các chiến sỹ dân chủ và của toàn dân ta cho quyền sống dân tộc đang ở một thời điểm rất thuận lợi.

Nhóm lãnh đạo - 15 nhân vật trong bộ chính trị đảng CS - đang tự phơi bày nhiều sai lầm cực kỳ nghiêm trọng tai hại cho đất nước. Họ đang bối rối, nao núng, tiến lui đều khó.

3 sai lầm nghiêm trọng nhất đang làm xôn xao công luận trong và ngoài nước là họ đã theo yêu cầu trịch thượng của nhóm lãnh đạo cộng sản Trung quốc mở toang cửa cho các công ty và công nhân Trung quốc ồ ạt nhập vào vùng Tây nguyên nước ta khai thác quặng bôxít theo quy mô lớn, bất chấp can ngăn, cảnh báo của nhiều trí thức, nhà khoa học, nhà văn hoá, nhân sỹ tiêu biểu về sự tàn phá môi trường tự nhiên, môi trường xã hội - văn hoá - an ninh và môi trường sống.

Họ cũng đã nhân nhượng trong các cuộc thương lượng với Bắc kinh, để mất một số vùng đất có giá trị lịch sử - văn hóa - du lịch, một vùng biển quốc gia rộng và có nguy cơ để mất tiếp những quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn thuộc nước ta từ xa xưa.

Họ cũng đã nuốt lời hứa "kiên quyết và khẩn trương chống quốc nạn lãnh phí và tham nhũng", coi đó là những tên giặc nội xâm, nuốt lời cam kết sớm xét xử công khai, đúng luật 10 vụ án trọng điểm; vụ án số 1 là vụ PMU 18, kéo dài đã hơn 3 năm; vụ án lớn mới nhất là vụ án ăn hối lộ của công ty Nhật bản PCI, bị đánh tráo bằng một vụ án khác, với thủ đoạn "tạm giam 2 bị cáo trong 4 tháng" và trò "khám kỹ nhà ở" của bị cáo chính là Huỳnh Ngọc Sỹ, sau gần 6 tháng thả lỏng ! 

Tháng 5 tới Quốc hội Hànội họp phiên họp hàng năm, Xuân, Thu nhị kỳ. Cuộc họp sẽ kéo dài chừng 1 tháng. Đây là dịp để nhân dân và công luận vào cuộc. Bà con ta hãy chuẩn bị đàng hoàng.

Chúng ta không hy vọng gì Quốc hội độc đảng có thể có những nghị quyết có lợi cho quyền sống tự do của dân chúng; nhưng chúng ta coi cuộc họp này của quốc hội là dịp để nhân dân ta theo dõi đánh giá các đại biểu quốc hội và quan sát xem chính quyền trả lời ra sao, xử sự ra sao về những hồ sơ đã để ngỏ..

Họ từng long trọng cam kết coi quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, từng "biểu diễn" màn thủ tướng và các bộ trưởng trả lời mọi chất vấn của các đại biểu quốc hội. Để xem !

Ở các nước có truyền thống dân chủ, trước và sau mỗi cuộc họp quốc hội, các đại biểu quốc hội đều tiếp xúc nhiều lần với cử tri ở cơ sở tỉnh, huyện, đơn vị bầu cử ...để tiếp nhận những ý kiến, đề nghị, chất vấn để mang đến cuộc họp rồi trở về báo cáo lại tường tận kết quả cho cử tri.

Vậy tháng 5 này, mong rằng cử tri nước ta hãy nắm cho thật chắc 3 vấn đề lớn trên đây và bám chặt từng đại biểu quốc hội, yêu cầu họ chất vấn và kiến nghị với những nhân vật cầm quyền, đòi hỏi những người này  trả lời, giải đáp cho rõ ràng, minh bạch những băn khoăn vướng mắc của người dân.

Người dân có trách nhiệm với quê hương đất nước hãy đặt ra cho quốc hội và chính quyền hàng loạt câu hỏi nóng bỏng sau đây :

1-/ về khai thác quặng bôxít : - tại sao chưa họp cán bộ khoa học để xem xét đầy đủ mọi ý kiến như chính quyền đã hứa mà đã huy động máy móc san bằng hằng trăm héc-ta và cho hàng ngàn công nhân nước ngoài vào nước ta ? Sao lại vội vã, hấp tấp, đảo lộn trình tự như thế ?

  - tại sao lao động ta thất nghiệp nhiều mà lại đưa nhiều công nhân nước ngoài vào những vùng Quảng Ninh, Lâm đồng, Bình thuận...

  -  Tây nguyên được coi là nóc nhà của Việt nam, "bụi đỏ" và "bùn đỏ" sẽ có nguy cơ ra sao đối với môi trường tự nhiên và đời sống nhân dân ở Tây nguyên và vùng lân cận, chính phủ đã cân nhắc ra sao trước khi triển khai dự án ?

  -  Nhà nước đã có Luật Môi trường sao không thực hiện ? (*)

  -  sao không đưa "chủ trương lớn" này ra quốc hội thảo luận, thông qua ? sao chính phủ lại đã đề ra kế hoạch 2007-2015 và kế hoạch 2007-2020 khai thác Bôxít ?

  -  có phải Trung quốc đã đóng cửa hàng trăm mỏ bôxít ở Quảng Tây và Tứ Xuyên vì tai họa môi trường tự nhiên và nhiều bệnh lạ, nay lại yêu cầu ta khai thác bôxít nhằm cung cấp alumin cho nền công nghiệp quốc phòng Trung quốc ?

  -  có phải việc đấu thầu khai thác bôxít của các công ty quốc doanh Trung quốc đã diễn ra với nhiều nhượng bộ dễ dãi của Tổng công ty Than và Khoáng sản Việt nam ? Chính phủ có chỉ đạo chặt chẽ việc này không ?

  -  yêu cầu chất vấn thủ tướng, phó thủ tướng được giao thực hiện dự án bôxít, bộ trưởng kế hoạch - đầu tư, bộ trưởng tài nguyên - môi trường, bộ trưởng lao động, bộ trưởng văn hoá, bộ trưởng khoa học và công nghệ, chủ nhiệm uỷ ban dân tộc, tổng thanh tra chính phủ về phần trách nhiệm và ý kiến của mỗi người đối với dự án khai thác bôxít;

  -  nay nếu như thấy rõ việc khai thác bôxít không có lợi về nhiều mặt, quốc hội và chính phủ có sẵn sàng có tinh thần trách nhiệm và ý chí từ bỏ dự án này hay không ? 

2-/ về mối quan hệ Việt - Trung: - yêu cầu đưa ra quốc hội thảo luận kỹ về nội dung các hiệp ước về biên giới trên bộ, về ranh giới và đánh cá chung trong Vịnh Bắc bộ, về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về đăng ký vùng biển nội địa cho Liên Hợp quốc theo Luật Biển 1982;

  -  tổ chức phiên điều trần, chất vấn kỹ lưỡng về các nội dung trên; cần nói rõ về việc công bố các bản đồ tỷ mỷ đi kèm các hiệp ước, lý giải rõ ràng về các điểm Cổng Nam quan, Bản Giốc, vùng núi Lão Sơn, điểm nối đường sắt 2 nước gần Đồng Đăng, bãi Tục Lâm ở Quảng Ninh...

3-/  về lời hứa "kiên quyết, khẩn trương" chống lãng phí tham nhũng như chống giặc :     -  tại sao vụ PMU 18 sau hơn 3 năm vẫn còn dở dang, đến bao giờ mới kết thúc ?

  -  tại sao vụ PCI gần đây đã được thay bằng một vụ án hoàn toàn khác nội dung, tính chất và tên gọi ? bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ có phạm tội ăn hối lộ 2 triệu 6 đôla của công ty PCI như phía Nhật bản tố cáo hay không ? sao lại để 5 tháng sau khi phát hiện mới khám nhà và tạm giam ? sao đến nay vẫn chưa công bố kết quả điều tra sơ bộ ?  vậy là phía Nhật đã bịa đặt, dựng chuyện và vu cáo việc quan chức Việt nam ăn hối lộ ?  Còn những vụ án khác trong 10 vụ án tham nhũng trọng điểm mà thủ tướng từng hẹn giải quyết sớm, sao vẫn còn bùng nhùng kéo dài ? Lòng dân sao yên được khi phép nước bị coi thường, luật pháp không nghiêm, người lãnh đạo hứa mà không làm, lại đi bênh che kẻ có tội. Người cầm quyền phải ngay thật, kiên quyết chống tham nhũng, xử đúng luật, đúng tội, sớm xử công khai 10 vụ án trọng điểm không lần lữa, không bênh che.

Bà con cử tri ta, từ các bậc lão thành đến các bạn trẻ 18 tuổi cầm lá phiếu lần đầu, hãy nắm cho chắc các vấn đề nóng bỏng trên đây, hãy viết thư và trực tiếp gặp rồi bám chắc từng đại biểu, yêu cầu các đại biểu quốc hội nơi mình làm việc, cư ngụ, chuẩn bị cho kỹ kỳ họp tháng 5 này, để cho 3 vấn đề nóng bỏng của đất nước như trình bày trên đây nổi bật lên, buộc nhóm lãnh đạo và cầm quyền phải công khai đối thoại và trả lời, trình bày và giải thích.

Các nhà báo ở trung ương, ở các địa phương hãy viết nhiều bài báo thông tin, điều tra, phóng sự, phỏng vấn... về các chủ đề trên đây, hướng dẫn dư luận, phơi bày những chủ trương hấp tấp, vội vã có hại đến cuộc sống làm ăn, đến an ninh và sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.

Hãy nhân dịp này nêu bật tình trạng phi lý là vì sao Mặt trận Tổ quốc, Bộ tư lệnh Hải quân kêu gọi mọi tấm lòng yêu nước, nhất là tuổi trẻ đứng thẳng dậy, công khai khẳng định chủ quyền nước ta trên vùng biển, vùng đảo quê hương, vì sao Ban Tuyên giáo trung ương đảng mở cuộc thi tìm hiểu về chủ quyền nước ta trên Biển và Đảo nước nhà, mà lại đồng thời giữ trong tù nhà báo Nguyễn Văn Hải - Điếu Cày và cô Phạm Thanh Nghiên là 2 thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước, chỉ có " tội "(!) là từng tham gia biểu tình ôn hoà trước toà lãnh sự Trung quốc với biểu ngữ : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam". Cô Nghiên còn vào tận Thanh hoá tìm gặp những gia đình bà con đánh cá bị tàu Trung quốc giết hại để điều tra, an ủi, giúp đỡ. Một tấm lòng vàng đáng là gương sáng thức tỉnh những kẻ cầm quyền mê muội.

Trên tinh thần ấy, hãy ghi công anh Lê Chí Quang, người đã viết bài "Hãy cảnh giác với Bắc triều" từ rất sớm để rồi bị tù rất phi lý. Hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân còn đi trước lời kêu gọi của Mặt Trận Tổ quốc và của Ban Tuyên giáo trung ương khi bênh vực chủ quyền nước ta trên biển và đảo quê hương,

vậy lẽ gì mà Ban thường trực trung ương Mặt Trận và Ban Tuyên giáo không đòi trả tự do ngay cho 2 trí thức trẻ đầy lòng yêu nước, yêu biển, yêu đảo này, và trao cho 2 tấm lòng kiên trung ấy những phần thưởng xứng đáng.

Đây cũng là những chuyện mà cử tri nước ta xin chớ quên trong các cuộc tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội và cử tri trong thời gian sắp đến, chuẩn bị cho cuộc họp quốc hội tháng 5 - 2009 này.

Tha thiết mong rằng khẩu hiệu "Nắm cho chắc, bám cho chặt" là một sáng kiến hành động mang tính tiến công  trong nhiều sáng kiến của những  tấm lòng khắc khoải với vận mệnh dân tộc Việt nam ta lúc này.

Người thu thập sáng kiến,

Bùi Tín     Paris 5-4-2009 

- Bạn hãy sao gửi cho từng đại biểu Quốc hội bài viết này. Xin đa tạ.   

(*) Luật bảo vệ môi trường (1993) được điều chỉnh lại năm 2005 (trích)

(http://www.chatthai nguyhai. net/luatBVMT_ index.htm) 
 
Điều 18 - Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

1. Chủ các dự án sau đây phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường :

a) Dự án công trình quan trọng quốc gia ;

b) Dự án có sử dụng một phần diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng ;

c) Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ ;

d) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm làng nghề ;

đ) Dự án xây dựng mới đô thị, khu dân cư tập trung ;

e) Dự án khai thác, sử dụng nước ngầm, tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn ;

g) Dự án khác có tiềm ẩn nguy cơ lớn gây tác động xấu đối với môi trường.

2. Chính phủ quy định danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. 
 
Điều 19 - Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường :

1. Chủ dự án quy định tại Điều 18 của Luật này có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

2. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được trình bày đồng thời với báo cáo nghiên cứu tính khả thi của dự án.