Home Tin Tức Bình Luận Ngoại ngữ và chuyện sống chết

Ngoại ngữ và chuyện sống chết PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan Nhiên Hạo   
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 01:18

Hôm thứ sáu ngày 3 tháng 4, ở thành phố Binghamton, bang New York, xảy ra vụ xả xúng làm chết mười ba người đang học thi quốc tịch tại trung tâm trợ giúp người nhập cư. Tuy đến lúc này các chi tiết về hung thủ chưa nhiều, vài điểm chính sau đây đang được loan tải bởi các hãng truyền thông:
Hung thủ tên Jiverly Wong, hoặc Jiverly Voong, hoặc Linh Phát Wong. Và là một người Việt nhập cư (Vietnamese immigrant). Theo suy đoán của tôi, đây là một người Việt gốc Hoa họ Vương, đổi họ sang lối phiên âm tiếng Anh (Wong) rồi lấy thêm tên Mỹ (Jiverly). Cách đổi tên như vậy khá phổ biến đối với người Hoa nhập cư từ Việt Nam, nhằm tái lập nguồn gốc của họ. Nhưng chuyện tên họ không phải là đề tài của bài viết này.
Điều tôi muốn đề cập là thông tin vừa được đưa ra bởi cảnh sát trưởng thành phố Binghamton lý giải hành động của Wong. Theo kết quả điều tra ban đầu, Wong mới thất nghiệp và thường xuyên bị “hạ nhục và khinh thường” (”degraded and disrespected”) do nói tiếng Anh kém.
Những nghiên cứu nhân chủng học đều cho thấy tỉ lệ thuận giữa khả năng Anh ngữ và thành công trong đời sống của người nhập cư. Nhìn chung, tiếng Anh càng khá, người nhập cư càng dễ tìm việc, và tìm được việc với lương bổng cao hơn người kém tiếng Anh. Ở những nơi đông người Việt như Little Saigon, nhiều người buôn bán chỉ nhắm đến khách hàng trong cộng đồng nên không cần đến tiếng Anh mà vẫn thành công. Tuy nhiên, ra khỏi cộng đồng, mức sống và cách sống của người nhập cư phụ thuộc phần lớn vào khả năng tiếng Anh của họ.
Khả năng tiếng Anh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quan hệ giữa người nhập cư và người bản xứ. Về mặt lý thuyết, Mỹ là đất nước của người nhập cư, không có ai thật sự “bản xứ” hay “ngoại quốc”. Nhưng trong thực tế, có sự khác biệt rất rõ giữa người đã ở đây lâu, mà có thể gọi một cách tương đối là “người bản xứ”, và người mới đến, thường gọi là “người nhập cư”. Mỹ là nơi có tất cả các dân tộc trên thế giới, nhưng cũng chính vì người nước ngoài ở Mỹ quá đông và Mỹ là quốc gia giàu có, người nước ngoài ở Mỹ không được trân trọng như ở…Việt Nam. Ngược lại, đối với nhiều người Mỹ, dân nhập cư là gánh nặng về kinh tế và xã hội, làm mất công ăn việc làm và hao tổn tiền thuế của họ, chưa kể xung khắc văn hoá.
Sự phân biệt giữa “người bản xứ” và “người nhập cư” trong đời sống, tuy vậy, có điểm thú vị là dường như chỉ căn cứ vào một dấu chỉ duy nhất: tiếng Anh. Một đứa bé nói tiếng Anh với giọng Mỹ rặc sẽ được tiếp nhận như “người bản xứ” dù mới theo cha mẹ đến Mỹ sống vài năm, trong khi một người sáu mươi tuổi nói tiếng Anh giọng nước ngoài vẫn là một “người nhập cư” dù sống ở Mỹ đã ba mươi năm và mang quốc tịch Hoa Kỳ. Trong ngữ cảnh đang bàn đến, giọng nước ngoài vì vậy là một “vết chàm” (stigma) mà người nhập cư không thể xoá khỏi căn cước cá nhân, khiến họ trở thành đối tượng cho sự kỳ thị của những thành phần “bản xứ” đầu óc hẹp hòi. Một người “bản xứ” bán hàng cũng có thể tỏ thái độ coi thường một kỹ sư mặc quần áo hàng hiệu và đi xe Lexus, nếu người kỹ sư nói tiếng Anh kém. Đây là chuyện đáng buồn, nhưng xảy ra thường xuyên đối với người nhập cư. Bản thân tôi cũng có nhiều kinh nghiệm cay đắng. Và trong những hoàn cảnh đó, nếu không kìm chế, người ta có thể có những phản ứng rất tai hại: ít thì lớn tiếng sừng sộ, nhiều thì có thể bạo lực. Cái cảm giác khi bị đối xử như vậy là cảm giác bị làm nhục. Vâng, không có từ nào khác để diễn tả điều này, cho dù người ta có thể tự an ủi rằng kẻ đang nhạo báng mình là một thằng kiếm được ít tiền hơn mình và ngu vì không biết một tiếng…Việt nào.
Người Việt nhập cư đến Mỹ gồm nhiều thành phần, trong đó một số người khi còn ở Việt Nam ít được học hành. Lỗi không phải ở họ, mà vì chiến tranh, đói nghèo, sau 1975 còn thêm nạn kỳ thị lý lịch, xua đuổi dân thành thị lên những khu kinh tế mới hoặc về vùng quê trường lớp thiếu thốn. Điều đáng nói là ngay cả những người được đi học trong nhà trường, khi sang Mỹ tiếng Anh cũng rất kém. Từ lớp sáu đến lớp mười hai, nếu nhớ không lầm, mỗi tuần tôi được học bốn giờ tiếng Anh, và thuộc loại học sinh giỏi môn này. Nhưng với vốn ngoại ngữ đó, thật sự tôi không đủ sức vào tiệm McDonald’s kêu thức ăn khi mới sang Mỹ nếu không đi học thêm bên ngoài trong những năm đại học. Lý do là ở Việt Nam, lối dạy rất thiếu thực tế. Người ta bắt học sinh học những từ trừu tượng, những câu khó, trong khi những đàm thoại thông dụng chỉ được dạy qua loa. Nội dung các bài học không nhằm giúp học sinh hiểu biết văn hóa Anh Mỹ mà là cơ hội để nhồi sọ chính trị. Tôi còn nhớ một bài học tiếng Anh năm lớp mười một kể chuyện ông Hồ lên tàu “tìm đường cứu nước”. Khi dịch bài này ra tiếng Việt, tôi dịch từ “he” là “anh” thay vì “Bác”, cô giáo dạy tiếng Anh sẵn ác cảm với tôi đã đem chuyện này lên mách với tay giáo viên bí thư Đoàn trường, khiến tôi bị rầy rà đến mức phải kêu mẹ tôi lên năn nỉ. Một bài học tiếng Anh tôi không bao giờ quên, nhưng không phải về văn hóa Anh Mỹ, mà về văn hóa cộng sản Việt Nam.
Việc dạy tiếng Anh trong trường học ở Việt Nam, do thiếu phương tiện và giáo viên giỏi, chỉ tập trung vào đọc và viết, còn nghe và nói gần như con số không. Nhiều người Việt tuy có học tiếng Anh ở Việt Nam nhưng sang Mỹ hoàn toàn không giao tiếp được với người bản xứ trong thời gian đầu, phải mất nhiều năm khả năng nghe mới khá lên chút đỉnh, còn phát âm thì dường như không chữa được, giọng Việt Nam (nhiều khi giọng Huế, Quảng trị, Quảng nam, giọng Bắc) rất nặng.
Những năm gần đây việc học ngoại ngữ trong nước đã được cải thiện đáng kể, nhưng chỉ ở vài thành phố lớn, với sự ra đời của những trung tâm ngoại ngữ có giáo viên nước ngoài và dạy theo phương pháp thực hành. Học những chỗ này dĩ nhiên phải trả tiền rất mắc. Trong các trường trung học và đại học (ngoại trừ khoa ngoại ngữ), tôi tin việc dạy tiếng Anh vẫn bê bết như xưa.
Tiếng Anh đối với người Việt hải ngoại không phải chỉ là “công cụ tri thức” hay trò biểu diễn “chột làm vua xứ mù” như đối với một số người ở Việt Nam (tôi biết một nhà thơ nội điạ làm thơ bằng tiếng Anh rồi đưa cho người khác dịch ra tiếng Việt, một ông viết lách ba lăng nhăng khác tự khai trong tiểu sử là thông dịch viên giỏi nhất nước và thường viết những bài bàn luận về chữ nghĩa tiếng Anh rất nhảm); tiếng Anh đối với người Việt hải ngoại là chuyện sống còn (survival), đôi khi còn là chuyện của cái chết, như trong thảm kịch bắn giết hôm nay.
Tôi không bênh vực cho tội ác của Wong. Người ta không giết người, nhất là người vô tội, chỉ vì lời qua tiếng lại. Tôi chỉ muốn nói tôi hiểu tâm trạng của Wong khi bị làm nhục vì không nói được tiếng Anh trên đất Mỹ.
(source: Talawas)