Bà già lượm lon |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 21:42 | |||
Trong khu chung cư tôi đang ở, hằng ngày vào lúc trời chập chạng tối, tôi thường thấy một người đàn bà Việt Nam đi vào chỗ dựng thùng rác, moi tìm những chiếc lon nhôm hay những chai nước bằng nhựa cho vào một chiếc bao lớn bà mang trên vai. Có hôm tôi bất chợt trông thấy bà thì bà vội vã quay mặt đi, kéo cái nón rộng vành xuống che mặt. Những lúc khác, bà đứng tránh khuất vào chỗ tối hay vội vàng bước ra khỏi nơi đó. Lúc đầu, cử chỉ của bà làm tôi hơi ngạc nhiên, vì trong khu vực này, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một người đàn ông Mễ cũng làm một công việc như bà, nhưng khi gặp tôi y vẫn tươi cười và nói “Hi!” với tôi cũng như những lần gặp nhau ở chỗ khác, nhận ra tôi, y vẫn chào hỏi một cách thân thiện. Tôi cho rằng việc đi lục thùng rác để lượm lon nhôm hay một vài vật dụng gì còn dùng được, để đem bán lấy tiền, có thể để dành dụm hay gởi tiền giúp cho thân nhân hoặc cho một hội thiện nguyện nào đó, thì có gì phải hổ thẹn hay tránh né như người đàn bà cùng một quê hương với tôi mà tôi đã gặp trong buổi chiều hôm nay. Chắc chắn bà già lượm lon sợ bị coi thường hay khinh rẻ, đối với người ngoại quốc thì không, nhưng đối với đồng bào, đồng hương, đồng hội thì phải tránh né cho yên thân. Người ta sẽ xem bà “bằng nửa con mắt”, nếu như người ta nhận diện ra bà trong một tiệc cưới hay trong một đám đông nào đó. Thói đời, người ta vẫn ganh ghét với những người hơn mình, nhưng coi thường ra mặt đối với những người nghèo khó hay thấp hèn hơn mình. Thực sự, nếu trong xã hội Việt Nam này, người ta xem chuyện lượm lon của bà già bình thường như trăm nghìn hoạt động lương thiện hay bình thường khác, nghĩa là người ta không đánh giá công việc của bà dưới con mắt coi thường hay khinh miệt, thì người đàn bà này đã không mang mặc cảm để phải tránh né đồng loại như tránh loài thú dữ có thể làm tổn thương đến tinh thần của bà. Tôi biết nhiều bậc cha mẹ sang đây vất vả trong “shop” may, đi bỏ báo, lượm ve chai, thùng “carton”, lem lấm trong chợ cá để nuôi bầy con học thành tài, xây dựng cuộc đời mới, điều đó đáng cho chúng ta xem trọng hay coi thường? Người Việt chúng ta thường vẫn nói chuyện đạo đức, những câu “trọng nghĩa khinh tài”, “chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu”, “giàu bên cửa ngõ không màng, khó mà có nghĩa băng ngàn tìm đi”, “khó mà biết lẽ biết lời, biết ăn biết ở hơn người giàu sang”... mẹ vẫn thường nói chúng ta nghe, nhưng nếu con gái yêu một chàng trai nghèo kiết xác hay nghề nghiệp, bằng cấp kém cỏi thì mẹ ra tay cản ngăn, lý do “sợ đời con gái khổ”, nếu con trai lấy vợ ở giai cấp thấp hèn, thì mẹ sợ rằng không “môn đăng hộ đối”. Xưa tôi có một ông bác họ, con một vị Tuần Vũ, khi con trai ông đem lòng yêu một người con gái nọ, ông hết lòng cản ngăn chỉ vì thân phụ thiếu nữ này đang làm nghề thu hoa chi ở một ngôi chợ trong thành phố. Con người thích nói chuyện đạo đức, hay chữ thánh hiền này đã phát biểu: “Không lẽ tôi lại làm thông gia với một thằng thu thuế chợ hay sao?” Tôi biết ông may mắn sinh ra trong một gia đình quyền quý, nhưng nếu xuất thân từ trong một gia đình tầm thường thì số phận ông lại bị người ta khinh rẻ. Và ngay thời bấy giờ dù địa vị ông, một công chức chánh ngạch của Pháp, thì những viên chức người Pháp trong cái tòa Khâm Sứ này cũng chẳng xem ông ra gì, mặc dù ông đã tỏ lòng tôn kính, khúm núm đối với họ. Ông cũng quên rằng tiền thu thuế chợ đó sẽ sung vào ngân khố, từ ngân khố đó, người Pháp mới có tiền trả lương cho ông. Có khi người ta khinh người khác vì giai cấp: cha ông họ không bằng mình, họ nguyên gốc dân đánh cá có cơ hội vượt biển sang đây, ông nội tôi ngày xưa là điền chủ. Thời trước tôi là Ðại tá còn hắn xuất thân từ hạ sĩ quan mà lên. Có khi người ta khinh nhau vì giàu nghèo: nhà tôi ở trên đồi cao, nhà nó ở trong khu chung cư đầy nhóc người Mễ. Có khi người ta khinh nhau vì bằng cấp, khoa bảng: con tôi là bác sĩ, con hắn làm “neo”. Cũng như ông bác họ tôi lãnh lương từ tiền thu thuế chợ, ông Ðại tá có ngày nay là sống trên máu xương của lính tráng, thuộc cấp; ông bác sĩ đông khách nhờ khách hàng dễ tính như cô thợ “neo”. Thói đời, người cao lớn lại hay coi thường người lùn thấp, người có dung nhan đẹp đẽ lại khinh người xấu xí, người lành mạnh nguyên vẹn hình hài không coi trọng người khuyết tật. Người hiểu luân hồi, tiền kiếp mà không có lòng nhân hậu lúc thấy người tàn tật, xấu xí, nghèo hèn thì cho đó là nhân quả, mà không có lòng thương xót. Ðối với người bị bệnh phong cùi, thì thành ngữ Việt Nam đã mang giọng khinh miệt “đừng dây với hủi” vừa nghĩa bóng vừa nghĩa đen, trong khi đó, trong gia đình hay ngoài đời vẫn thường nói câu đạo đức “thương người như thể thương thân”. Nếu có Thượng Ðế sinh ra muôn loài thì Thượng Ðế quả là bất công. Thượng Ðế tạo ra 6, 7 tỷ người sống trên Trái Ðất này, mà để cho 800 triệu người tối nay đi ngủ với cái dạ dày lép kẹp. Tôi không đồng ý với ý kiến cho “rượu vang là món quà của Thượng Ðế” mà cho rằng, lúa mì, củ khoai, củ sắn mới là món quà của Thượng Ðế dành cho nhân loại vì nhân loại là đám đông, mà cũng không đủ cung cấp... Vì Thượng Ðế bất công nên ngày này giai cấp uống rượu vang vẫn coi khinh giai cấp ăn bánh mì đen và khoai sắn trên Trái Ðất này. Nếu chúng ta được may mắn hơn người, và nhân loại “bình đẳng dưới ánh Mặt Trời”, vì sao chúng ta lại có quyền khinh rẻ đồng loại. Cái quan niệm khinh kẻ nghèo hèn đã có từ trong máu chúng ta qua bao nhiêu thời kỳ bị nô lệ, đối với kẻ cai trị thì tâng bốc, sợ hãi, đối với đồng loại hèn kém thì khinh khi, đến con chó trong nhân gian cũng có thói quen “cắn áo rách”: “Chó nào chó sủa lỗ không, Không thằng ăn trộm cũng ông ăn mày” Cũng từ trong chỗ để thùng rác đi ra, một bà già Việt Nam đi lượm lon lại phải che mặt, trong khi một người đàn ông Mễ lại không hề mang mặc cảm, đứng lại tươi cười chào hỏi tôi. Chúng ta tự hào về cái gọi là “bốn nghìn năm văn hiến”, không có lẽ thua một dân tộc như Mexico cũng chịu 300 năm nô lệ và 100 năm chịu dưới ách độc tài, xâu xé nhau hơn cả như chúng ta hay sao?
|