...cứu các hãng xe là quyết định chính trị... Cuối Tháng Ba vừa qua, Chủ Tịch Tổng Giám Đốc hãng xe General Motors (GM) là ông Rick Wagoner đã bất ngờ từ chức. Ông họp báo và tuyền bố “chính quyền Obama yêu cầu tôi từ chức, nên tôi đã từ chức”. Nói cách khác, ông bị bứng đi một cách không mấy tế nhị, khiến ông phải lên tiếng một cách cũng không tế nhị chút nào. Ông Wagoner là một nhân viên kỳ cựu của hãng GM, đã làm việc với công ty từ 32 năm nay và từ từ leo thang lên đến Chủ Tịch vào năm 2000. Cùng ngày hôm đó, TT Obama lên truyền hình giải thích quyết định của ông. Ông Obama nói rằng trước đây, khi GM gặp khó khăn, cùng lúc với Chrysler, chính phủ đã cho các công ty này vay một số tiền lớn (17 tỷ cho GM, 4 tỷ cho Chrysler) với điều kiện cả hai hãng đều phải nộp một kế hoạch cải tổ toàn diện để bảo đảm tiền Nhà Nước sẽ không bị mất toi. Nhưng rất tiếc, cả hai kế hoạch do hai hãng đệ nạp đều không thoả mãn TT Obama, nên ông ra tối hậu thư cho cả hai, cho thêm một thời hạn nữa để nộp lại một kế hoạch khác. TT Obama không đả động gì đến chuyện ông Wagoner, nhưng mọi người đều hiểu ông sa thải ông Wagoner để tạo áp lực mạnh hơn, hy vọng có một kế hoạch hữu hiệu hơn, đồng thời để cảnh cáo tất cả các công ty đang nhận tiền cấp cứu của chính phủ. Sau vụ các đại gia AIG bị tố “lãnh cả triệu tiền thưởng vì đã có công phá tan công ty”, khiến cả nước nổi loạn, ông Wagoner bị lãnh đạn đầy đủ. Đúng theo “truyền thống” từ mấy tháng qua, mỗi lần TT Obama lên truyền hình công bố một kế hoạch cứu nguy là… y như rằng: thị trường chứng khoán Dow Jones ngày hôm đó rớt ngay hơn ba trăm điểm, sau khi ỳ ạch lên được hơn một ngàn trong ba tuần trước. Đúng ra, ông Wagoner này đáng bị sa thải hơn ai hết. Ông là nhân viên kỳ cựu với hơn ba chục năm kinh nghiệm làm việc với GM thật, nhưng ông đã làm Chủ Tịch trong gần mười năm qua, trong đó có bốn năm chót là bốn năm hãng GM đã lỗ tổng cộng hơn tám chục tỷ đô. Chưa cho về vườn thì còn đợi gì nữa? Chỉ có các chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa mới tiếp tục nuôi ăn những người có thành tích bết bát như vậy thôi. Chế độ tư bản Mỹ phải là chế độ có sự tuyển lựa rõ ràng. Giỏi thì thành công, dở là bị đào thải. Ở đây, cũng xin quý độc giả đừng quá lo lắng cho ông Wagoner. Trong gần 10 năm làm Chủ Tịch, ông ta đã lãnh mỗi năm vài chục triệu rồi; bây giờ có về vườn thì thế nào cũng lại ôm theo vài triệu tiền an ủi nữa. Không có chuyện ông Wagoner xếp hàng đi xin tiền thất nghiệp đâu. Không kể bốn năm cuối, hãng GM cũng đã có một thành tích lâu đời không lấy gì làm vẻ vang, như tất cả các hãng xe Mỹ: từ mấy chục năm nay làm xe dở ẹc, vừa xấu, vừa thô, vừa hay hỏng, vừa hao xăng. Người ta có thể khẳng định rõ ràng nước Mỹ hiện nay là nước duy nhất trên thế giới còn mua xe… Mỹ! Đi ra khỏi xứ Mỹ này thì không còn thấy bóng dáng một chiếc xe Mỹ nào nữa. Ngoại trừ Canada (như là “tiểu bang thứ 51” của Mỹ), và các tòa đại sứ Mỹ trên thế giới vẫn bắt buộc phải sử dụng xe Mỹ. Đã vậy, xe Mỹ lại còn mắc nhất vì phải trả lương và bổng lộc quá cao cho các nghiệp đoàn và các xếp lớn. Nhân công không chuyên môn thì lãnh lương tối thiểu hơn hai chục đô một giờ, nhân công có chuyên môn thì lãnh lương giờ ít nhất gấp ba các đồng nghiệp trong mấy hãng xe hơi ngoại quốc khác đang hoạt động tại Mỹ, chưa kể một chế độ phúc lợi xã hội rất hào phóng. Còn xếp lớn thì lãnh lương và tiền thưởng vài chục triệu. Họ không cần biết công ty đã lỗ hơn tám chục tỷ trong bốn năm qua. Nhưng việc đuổi ông Wagoner này về vườn cũng làm nhiều người bất mãn và lo sợ. Thứ nhất, việc ông ta bị làm dê tế thần quá lộ liễu. Ngay cả bà Thống Đốc Michigan, một đảng viên Dân Chủ đã từng mạnh mẽ ủng hộ ứng viên Barack Obama, cũng phải lên tiếng cho là ông này đúng là đã bị mang ra tế thần. Thứ nhì, việc TT áp lực để sa thải một Chủ Tịch của một công ty tư làm nhiều người lo ngại không biết Nhà Nước sẽ can thiệp đến mức nào vào guồng máy kinh tế Mỹ. Sau GM, nếu có ngân hàng nào được Nhà Nước cho vay thì có vì đó mà được Nhà Nước quản lý luôn nhân sự chăng? Đồng ý rằng Nhà Nước cho GM mượn nhiều tiền, nhưng như vậy không có nghĩa Nhà Nước chủ nợ có quyền sa thải nhân viên cao cấp như thế. Nếu như một công ty đi mượn tiền ngân hàng, ngân hàng đó có quyền đòi đuổi Tổng Giám Đốc của công ty này không? Một ông chủ tiệm phở ở khu Bolsa đi vào nhà băng mượn tiền, nhà băng có quyền đòi đuổi ông ta và cho ông đầu bếp lên làm Tổng Giám Đốc không? Dĩ nhiên là các ngân hàng thường có điều kiện cho vay mượn, bắt công ty vay mượn phải làm chuyện này chuyện kia để chỉnh đốn sổ sách, nhưng năm thì mười họa không thấy có chuyện ngân hàng thay thế Tổng Giám Đốc. Không phải là các ngân hàng thương tình ai đâu, mà là ngân hàng sợ sau đó sẽ phải chịu trách nhiệm, nếu công ty thất bại sẽ bị thưa kiện rất lôi thôi. Và đây là điểm thứ ba, sa thải ông Chủ Tịch này có nghĩa là Nhà Nước mặc nhiên đoạt quyền quản lý công ty. Nhất là khi Nhà Nước quyết định sẽ thay thế đa số thành viên Ban Quản Trị như TT Obama đã ngỏ ý. Nếu sau này thành công thì không nói làm gì, nhưng nếu thất bại thì Nhà Nước phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, không đổ thừa lên đầu ai được nữa. Trước những khó khăn tầy trời của các hãng xe Mỹ, quyết định của TT Obama làm chính mấy ông Dân Chủ phe ta cũng phải cho là hơi dại dột. Thứ tư, không ai tin rằng các công chức Nhà Nước lại có khả năng điều hành một đại công ty cỡ GM giỏi hơn ông Wagoner. Hành chánh và kinh doanh là hai lãnh vực khác nhau rất xa. Dĩ nhiên là GM đã thăng chức Tổng Giám Đốc Điều Hành (Chief Operating Officer) lên thay ông Wagoner làm Tổng Giám Đốc Quản Trị (Chief Executive Officer), đồng thời bổ nhiệm một tân Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị (Chairman of the Board). Nhưng qua sự từ chức của ông Wagoner và việc thay thế đa số thành viên Hội Đồng Quản Trị, ai cũng hiểu thế lực thực sự của Nhà Nước so với quyền hành của ông tân Tổng Giám Đốc và ông tân Chủ Tịch. Trong cả vụ này, người ta nhớ đến một câu danh ngôn của Colin Powell. Khi vào một cửa hàng bán đồ mà khách hàng táy máy rờ mó và làm bể đồ thì coi như khách chịu trách nhiệm và phải mua luôn, rồi đem mảnh vụn về.. giục thùng rác. Ngoại trưởng Powell dùng nguyên tắc ấy để can gián Chính quyền Bush của ông về vụ Iraq: "Vô đó làm bể đồ là phải ôm luôn đấy!" Chính quyền Obama đã ôm lấy hãng GM khi quyết định sa thải người cầm đầu việc quản lý, bây giờ thì làm gì với GM, hay quăng đi đâu? Chắc chắn là TT Obama và các siêu cố vấn của ông phải thấy rõ những bất lợi trên, mà ông vẫn quyết định ép ông Wagoner phải từ chức. Vì dưới cái nhìn của TT Obama, có lý do chính đáng lắm. Trước hết ta có thể đoán tại sao TT Obama cần cứu các hãng xe Mỹ. Với những con mắt phàm tục, chúng ta cũng nhìn thấy cái dở của xe Mỹ, và hiểu được bao nhiêu tiền đổ vào các hãng xe đó cũng chỉ là những biện pháp vá víu nhất thời, không thể nào cứu các hãng xe về lâu về dài được, không thể nào giúp xe Mỹ cạnh tranh ngang ngửa với xe Nhật, xe Đại Hàn và xe Đức trong tương lai lâu dài được. Vấn đề của xe Mỹ là vấn đề cấu trúc nền tảng mà không phải vài chục tỷ nợ ngắn hạn có thể giải quyết được. Như vậy thì câu hỏi là tại sao các siêu cố vấn của TT Obama lại không nhìn ra, mà vẫn cứ nhất định phải đổ tiền vào cái hũ chìm không đáy? Câu trả lời rất giản dị. TT Obama chẳng thiết gì đến các hãng xe Mỹ, cũng chẳng thương tình gì mấy xếp lớn lãnh lương bạc triệu của mấy hãng đó. Nhưng ông mắc nợ rất lớn với các nghiệp đoàn. Ông cứu các hãng xe là để cứu các nghiệp đoàn, thành phần chủ lực của cử tri đoàn của đảng Dân Chủ. Nói cách khác, vấn đề các hãng xe không phải là vấn đề kinh tế tài chánh gì, mà là vấn đề chính trị. Cứu các hãng xe là một quyết định chính trị. Do đó, không ai có thể nghĩ rằng các giải pháp kinh tế tài chánh kiểu bơm vài tỷ đầu này vài tỷ đầu kia là có thể giải quyết được những khó khăn cơ bản của kỹ nghệ xe hơi Mỹ. Các hãng xe Mỹ so với các hãng xe Nhật và Đại Hàn, và ngay cả các hãng xe Âu Châu, đã trở thành những loại khủng long khổng lồ, nặng nề, già nua, đáng lẽ phải theo luật đào thải của tạo hóa từ lâu lắm rồi. Nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ đã từng xuất hiện, khống chế thị trường rồi lụn bại và bị đào thải. Còn ai nhớ các hãng hàng không PanAm hay TWA nữa không? Nhưng ba đại gia xe hơi vẫn được tiếp nước biển vì các chính trị gia bị hoàn toàn lệ thuộc vào chúng. Các chính khách Dân Chủ thì đã trở thành con tin của các nghiệp đoàn. Các chính khách Cộng Hòa thì lại là con tin của các xếp lớn, mỗi năm mỗi tháng lãnh cả trăm ngàn tiền từ các nhóm áp lực -lobbyists- của kỹ nghệ xe hơi Mỹ. Muốn thay đổi cách thiết kế máy xe để ít hao xăng hơn hoặc có hiệu năng cao hơn cũng không làm được vì phải sa thải nhân viên và huấn luyện người mới theo kỹ thuật mới. Ba hãng xe đã có chương trình cải tiến kỹ thuật như vậy mà vẫn phải giữ lại nhân viên lỗi thời và trả lương cho họ tới sở đánh cờ vì các nghiệp đoàn đòi hỏi như vậy! Trong tình huống đó thì làm sao các chính khách dám để ba hãng xe này xập tiệm mà không cứu. Các hãng xe này và cả trăm cả ngàn chi nhánh, công ty con, công ty phụ tùng, phần lớn nằm trong vòng đai đại hồ, tại bốn tiểu bang Michigan, Ohio, Indiana và Pennsylvania, đều là những tiểu bang có tiếng nói quyết định trong các cuộc bầu tổng thống. Đảng nào để các hãng xe này chết là đảng đó sẽ mất ngay mấy tiểu bang ấy. Cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, không phe nào dám để mất luôn mấy tiểu bang này, vì như vậy là vĩnh biệt Tòa Bạch Ốc luôn rồi. TT Obama cần phải cứu các nghiệp đoàn bằng cách tung tiền tiếp tục nuôi các hãng xe. Nhưng ông cũng nhìn thấy khó làm được chuyện cứu nguy này nếu không có sự nhượng bộ nào đó của các nghiệp đoàn. Mà yêu sách đầu tiên của các nghiệp đoàn là phải sa thải cấp lãnh đạo trước. TT Obama đã chấp nhận yêu sách đầu tiên này và ép ông Wagoner phải từ chức. Thông điệp mới cho các nghiệp đoàn: ông đã hành động với ban quản lý rồi đó, bây giờ đến phiên quý vị lùi một bước. Mặt khác ông cũng nhắc đi nhắc lại là Ban Quản Lý mới sẽ có hai tháng đề điều đình với các chủ nợ và các nghiệp đoàn để cải tổ toàn bộ công ty. Nếu không thì nên chuẩn bị khai phá sản. Ai cũng biết rõ là một khi khai phá sản thì mọi hợp đồng với các nghiệp đoàn, kể cả các hợp đồng hưu trí cho những nhân công đã về hưu, có thể sẽ bị vào thùng rác hết, và công ty có toàn quyền đuổi hết các công nhân hiện hữu nếu muốn, để chỉ mướn lại những công nhân đã từ bỏ nghiệp đoàn. TT Obama hiển nhiên là không dám có ý định giết chết các nghiệp đoàn. Nhưng ông cũng hiểu nếu không có nhượng bộ nào đó của nghiệp đoàn thì chẳng còn cách nào cứu các hãng xe này hết. Hiện giờ rất khó tiên đoán kết quả các tỷ ra tỷ vào này sẽ như thế nào. Các nghiệp đoàn là mấu chốt của mọi giải pháp. Họ đang níu kéo, trông chờ các đồng minh Dân Chủ trong quốc hội, cũng như tin rằng TT Obama không dám giết họ, nên vẫn ngoan cố không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào. Nhưng áp lực càng ngày càng nặng. Có nhiều hy vọng hãng GM sẽ đóng cửa hay phá sản một phần. Các công ty con lỗ lã quá nhiều như các hãng Dodge, Pontiac sẽ bị cho xập tiệm. Các xe SUV khổng lồ sẽ hết được sản xuất. Các hãng Cadillac và Chevrolet sẽ được củng cố lại với điều kiện nghiệp đoàn chịu nhượng bộ như họ đã nhượng bộ hãng Ford. Nhưng dù sao thì ai cũng nhìn thấy đó là cảnh chiếc tầu thoát được một cơn sóng lớn. Nhưng cái tầu đó tự nó đã cũ rích, ọp ẹp, tả tơi từ lâu rồi, không cơn sóng này thì cơn sóng tới sẽ đánh tan nó thôi. Nếu không có những thay đổi từ căn gốc, thì trước sau gì cũng đến ngày mấy chiếc tầu đó tan tành và chìm luôn. Chỉ tiếc là từ giờ đến đó, chúng ta vẫn bị đè cổ ra đóng thuế để mấy chiếc tầu đó lây lất thêm một thời gian. Tất cả chỉ vì lý do chính trị. Hiện nay, trên nước Mỹ cũng có nhiều công ty xe hơi nhỏ mới thành lập. Quý độc giả theo dõi tin tức đã thấy có một công ty gần đây quảng cáo một loại xe mới (chúng tôi không tiện nêu tên để tránh bị hiểu lầm là đang quảng cáo cho xe đó!) Xe chạy 100% bằng điện, nhỏ và gọn. Nhưng đáng tiếc là bán khá đắt, với giá hơn năm chục ngàn đô. Chắc còn khá lâu loại xe này mới giảm giá và thịnh hành được. Nhưng đó chính là giải pháp cho tương lai. Nếu TT Obama có thể quên được các vấn đề chính trị mà thật sự muốn tìm giải pháp giúp kỹ nghệ xe hơi Mỹ phát triển mạnh để đương đầu với các công ty nước khác, thì đó là hướng nhìn cần thiết. Mấy chục tỷ đổ vào giúp mấy công ty mới thành lập này hữu hiệu hơn là để dành cứu mấy con khủng long đang hấp hối (5-4-09).
|