Tổng thống Barack Obama có cái tài của ông Lưu Bị, tài biết nghe những khuyến cáo của bộ tham mưu do chính ông tuyển chọn. Thái độ lắng nghe những người giỏi hơn mình có thể là triết lý chính trị của ông. Ông không giỏi về kinh tế, tài chánh bằng Lawrence Summers hay Tim Geithner, nhưng ông sử dụng được những người này, đặt Summers vào chức vụ giám đốc Hội Ðồng Kinh Tế Quốc Gia, đặt Geithner vào chức vụ tổng trưởng ngân khố. Ông còn biết duy trì tín nhiệm đối với Geithner, ngay cả trong những lúc quốc hội đòi ông cất chức Geithner.
Cầm quyền một cường quốc to lớn, hùng mạnh như Hoa Kỳ dĩ nhiên khó khăn, phức tạp hơn cầm quyền tại bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, cái khó của Obama lại khó hơn rất nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ trước ông: ông thừa hưởng một núi nợ, một tình trạng thâm thủng khiếp đảm, một nền kinh tế suy sụp toàn diện, một tình trạng thất nghiệp lan tràn, và hai cuộc chiến tranh. Ðừng tưởng chính phủ Bush, trước Obama, thiếu may mắn nên không tìm ra nhân tài, khiến tình trạng kinh tế sa lầy vì thiếu chính sách kích thích tiêu thụ. Bush đóng cửa, không cầu hiền, tuyển chọn người cộng tác trên tiêu chuẩn lý tưởng chính trị; những người có tài nhưng không bảo thủ, không Cộng Hòa là không được trọng dụng. Những giáo sư kinh tế như Joseph Stiglitz, ký giả Paul Krugman, cả hai cùng đoạt giải kinh tế Nobel, hoặc nhà lãnh đạo thị trường Leo Hindery, lúc nào cũng có mặt, có tiếng nói trên truyền thông, trong dư luận phản đối chính sách kinh tế chậm chạp, cổ lỗ. Tư tưởng đòi đổi mới của họ chỉ khiến họ bị chính phủ gạt ra. Một giai thoại hài hước nói những nhân viên chính phủ Hoa Kỳ không thuộc đảng Cộng Hòa, cũng không thuộc đảng Dân Chủ mà thuộc đảng Kleptocrats (đảng ăn cắp). Ngoài địa hạt kinh tế, trên những địa hạt khác như nội an, địa ốc, kỹ nghệ, Obama đều có những chuyên viên “cứng cựa”, đủ bản lãnh để thực hiện chủ thuyết đổi mới của ông. Quả là nhân tài của Hoa Kỳ không thiếu, chỉ cần biết dùng họ.
Ðáng tiếc là sự thật này dù đúng trên mọi địa hạt, nhưng lại không đúng trên địa hạt quốc phòng: Obama không có một chuyên viên quân sự cũng “cứng cựa” như vậy để gánh vác cuộc chiến tranh chống khủng bố, một cuộc chiến đã dài hơn nhiệm kỳ của ông Bush, đã làm ông thân bại danh liệt, và đang đe dọa sẽ vẫn còn đó sau một hay hai nhiệm kỳ của ông Obama. “Team” quốc phòng của Obama không có một khuôn mặt mới, một tư tưởng mới nào cả. Ðể giải quyết bế tắc Iraq, ông chỉ có thể chấm dứt cuộc chiến tranh này trên quan niệm chính trị, cho Iraq là một gánh nặng không cần gánh. Quan niệm này không thể lập lại trong trường hợp A Phú Hãn, vì tổ chức al-Qaeda, thủ phạm cuộc tấn công 9/11 đang trốn tránh trong vùng biên giới giữa A Phú Hãn và Pakistan. Ông đang lúng túng giải quyết bế tắc cũ bằng những người cũ; người cũ đầu tiên là tổng trưởng quốc phòng Robert Gates, vị tổng trưởng của chính phủ Bush được lưu nhiệm. Obama không chỉ lưu nhiệm một mình Gates, mà đang sử dụng trọn vẹn toán 150 chuyên viên quốc phòng được Bush bổ nhiệm vào những văn phòng then chốt của Ngũ Giác Ðài. Với một nhân sự như vậy ông không thể kỳ vọng một góc nhìn mới, một chính sách quốc phòng hữu hiệu hơn. Trong buổi họp tại Bạch Cung ngày thứ Sáu 3/20 để thảo luận tìm giải pháp cho chiến trường A Phú Hãn có phó tổng thống Joseph R. Biden Jr., tổng trưởng quốc phòng Robert M. Gates, ngoại trưởng Hillary Clinton, đô đốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng quân lực Hoa Kỳ, nhiều tướng lãnh, và các tư lệnh chiến trường Trung Ðông. Trừ 3 chính khách mới, Obama, Biden và Hillary, những người còn lại là những khuôn mặt cũ, những tư tưởng, những chiến lược, chiến thuật cũ đã được thử thách và được chứng minh là không hiệu quả trên cả hai chiến trường Iraq, A Phú Hãn.
Tổng thống Obama đưa ra chính lược mới là chỉ nhắm đánh, bắt, hay giết những tên trùm khủng bố của al-Qaeda, chứ không gánh vác việc xây dựng quốc gia A Phú Hãn. Chính lược mới đi ngược lại chính lược của nguyên tổng thống Bush, nhắm dân chủ hóa quốc gia sơn cước Trung Á này, quốc gia rộng 249,984 sq mi (647,500 km²), gồm một giải giang sơn đồi núi chập chùng, dân chúng gồm 8 sắc dân, sắc dân đông nhất, Pashtun, cũng không chiếm được phân nửa tổng số, 3 sắc dân ít người nhất chỉ gồm 2, 3 và 4% dân số. Những người này chia thành hàng trăm bộ lạc, sống du mục, và trồng cây thẩu. Chính sách mới của Obama không cao vọng, và mang một đường hướng rõ rệt là giảm thiểu vai trò của quân đội Hoa Kỳ tại A Phú Hãn. Nhưng ông tổng tư lệnh Obama, người chưa một ngày mặc quân phục, chỉ có thể đưa ra một chính lược, và chính lược này đang thất bại vì ông không tìm được nhân sự để thực hiện chính lược của ông bằng cách vẽ ra một chiến lược, với những chiến thuật rõ rệt hầu tiến hành một cuộc chiến tranh thu hẹp, gói gọn vào công tác chỉ truy tầm bọn khủng bố. Trong cuộc thảo luận, phó tổng thống Biden nêu lên nguy cơ sa lầy trong một cuộc chiến tranh Trung Ðông mà Bush đã thất bại, và một cuộc chiến tranh A Phú Hãn mà Nga cũng đã thất bại. Các cố vấn quân sự cảnh cáo là dù với số 17,000 quân đang được đưa vào chiến trường, quân số Hoa Kỳ vẫn thiếu, ấy là chưa nói việc những quốc gia Liên Âu đang đòi rút quân ra khỏi A Phú Hãn. Họ đồng ý với tổng thống là giới hạn mục tiêu chiến tranh, nhưng câu hỏi “giới hạn bằng cách nào” vẫn là nan đề chưa có đáp số. Các tư lệnh chiến trường nhấn mạnh là không những quân Mỹ thiếu, mà quân phí cũng không đủ để gia tăng quân số A Phú Hãn. Tổng trưởng Gates và đô đốc Mike Mullen thúc đẩy việc gửi 4,000 quân nhân huấn luyện viên sang để thực hiện việc thành lập quân đội A Phú Hãn. Các tư lệnh chiến trường đồng ý không xin tăng quân trong năm nay, trong lúc chờ đợi đánh giá thành quả của chiến lược mới. Biden cũng cảnh cáo mọi người là rất khó thuyết phục quốc hội vốn không tín nhiệm bất cứ một giải pháp nào về Trung Ðông. Tờ NYTimes nói tất cả những chi tiết này đều được 6 trong số những viên chức tham dự cuộc thảo luận diễn ra tại Bạch Cung, tiết lộ, nhưng không ai đồng ý cho tờ báo nêu danh tánh của họ. Lúc rời phòng họp ông Obama nói ông đã nhìn thấy một lối thoát, nhưng vẫn muốn vững bụng hơn trong chính sách mới. Một tuần sau buổi họp về chiến tranh A Phú Hãn, hôm thứ Sáu 3/20, tổng thống loan báo quyết định gửi 4,000 huấn luyện viên Hoa Kỳ sang A Phú Hãn; ông còn nói Hoa Kỳ có thể gửi thêm quân sang nếu tình thế đòi hỏi.
Tăng quân là một bước tiến sâu hơn vào bãi lầy; tăng quân trong lúc loại bỏ mục tiêu chính trị, để chỉ chuyên chú thực hiện việc sát hại bọn khủng bố al-Qaeda, còn là một chỉ dấu mâu thuẫn chiến lược. Giới quan sát cho rằng ông Obama đang thiếu những lời khuyến cáo giá trị để có một quyết định dứt khoát; chính sách A Phú Hãn của ông là tình trạng do dự, dung hòa những quan niệm trái ngược nhau, chứ không minh bạch như chính sách phục hồi kinh tế đang được ông thực hiện rất mạnh tay. Có người còn chê rằng chính sách này không khác chính sách của ông Bush bao nhiêu, trừ khác biệt căn bản là thôi, không xây dựng một quốc gia A Phú Hãn dân chủ nữa.
Một khía cạnh khác của chiến tranh A Phú Hãn được đem thảo luận trong cuộc họp tại Bạch Cung là phương thức bảo vệ Hoa Kỳ chống lại một cuộc tấn công giống như cuộc tấn công 9/11. Liên hệ giữa chiến tranh Trung Ðông và sự an toàn của Hoa Kỳ thường được các chính khách Cộng Hoà dùng để biện minh cho tổn thất nhân mạng và quân phí tại Iraq với câu nói cửa miệng “không chống khủng bố tại Baghdad, người Hoa Kỳ sẽ phải chống khủng bố tại Nữu Ước”, câu nói nghe hợp lý nhưng lại không mấy chính xác. Loan báo quyết định gửi thêm 4,000 quân nhân huấn luyện viên sang A Phú Hãn, Obama nói, “Hoa Kỳ không chọn con đường chiến tranh tại A Phú Hãn; nhưng gần 3,000 người Mỹ đã bị giết ngày 11 tháng Chín 2001, trong lúc họ cặm cụi đến sở làm sáng hôm đó.
“Do đó tôi muốn minh bạch nói: bọn Al Qaeda và đồng lõa của chúng –những tên khủng bố đã hoạch định và yểm trợ cuộc tấn công 9/11—đang lẩn trốn tại A Phú Hãn và Pakistan. Bổn phận rõ rệt và giới hạn của chúng ta là phá nát, đánh tan và tiêu diệt al-Qaeda trên 2 lãnh thổ Pakistan và A Phú Hãn, không cho chúng còn hy vọng trở lại và phục hồi trên những quốc gia này.”
Mục đích của chiến tranh A Phú Hãn được vị tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ấn định rất minh bạch, ông dự định sẽ gửi vài trăm nhân viên ngoại giao và chuyên viên dân sự vào làm việc tại Trung Ðông; nhưng vị tổng tham mưu trưởng quân đội, đô đốc Mullen, lại nêu lên 13 khuyến cáo, điều quan trọng nhất là tăng quân Mỹ, gia tăng huấn luyện quân A Phú Hãn, giao thêm trách nhiệm lãnh thổ cho A Phú Hãn.
Cuộc họp kéo dài 90 phút; Obama và hai phụ tá của ông trong team quốc phòng, ông Biden và đại tướng James L. Jones, đốc thúc mọi người đóng góp ý kiến. Ngoại trưởng Hillary Clinton và đặc sứ Richard C. Holbrooke, nêu lên việc huấn luyện nhân viên dân sự A Phú Hãn, việc chống tham nhũng trong chính quyền A Phú Hãn, bành trướng nông nghiệp để giải quyết việc trồng cây thẩu, bán thuốc phiện. Ông Biden nói là trong chuyến viếng thăm A Phú Hãn và Pakistan mới đây, ông nhận thấy người địa phương không hiểu mục đích chiến tranh của Hoa Kỳ; ông kể lại là 10 người ông hỏi về mục đích của Hoa Kỳ tại Trung Ðông, mỗi người cho ông một câu trả lời khác nhau. Mỗi thành viên của team quốc phòng đang sờ một bộ phận khác nhau của con voi A Phú Hãn, và ông Lưu Bị tân thời Obama nghe tất cả mọi lời khuyến cáo trái ngược nhau để quyết định một chính lược chung cho chiến tranh. Ông thiếu cái vững vàng như khi ông vung bạc trillion ra để cứu nguy kinh tế.
Nhưng, một điều chắc chắn khác nữa, là chiến tranh sẽ vẫn còn đó vào năm 2012, năm ông mãn nhiệm kỳ thứ nhất.
|