Thất bại và phản bội |
Tác Giả: Bác sĩ Trần Văn Tích | |||
Thứ Tư, 15 Tháng 4 Năm 2009 05:15 | |||
Trước 1975 bảo sanh viện Từ Dũ là bệnh viện sản phụ khoa công lớn nhất Sàigòn và lớn nhất miền Nam. Ngoài ra còn có bảo sanh viện Hùng Vương cũng là bệnh viện công. Tất cả các bệnh nhân mắc bệnh sản phụ khoa đều được gửi vào đây điều trị, viện phí hầu như không phải trả. Những người có phương tiện tài chánh khả quan hoặc dồi dào có thể ghi tên nhập viện tại ít nhất hai cơ sở tư : bệnh viện Dung Anh nằm trên đường Công lý do Giáo sư sản phụ khoa Trần Ðình Ðệ làm Giám đốc sáng lập điều hành và khu sản khoa bệnh viện công giáo Saint Paul ở đường Nguyễn Ðình Chiểu do Giáo sư sản khoa Nguyễn Văn Hồng phụ trách. Bảo sanh viện Từ Dũ đi vào hoạt động chính thức sau khi các cơ sở chuyên môn trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam được người Pháp bàn giao lại cho chính quyền quốc gia. Nguyên là Maternité Beauchamp, bảo sanh viện mang tên mới Từ Dũ. Dần dà cơ sở điều trị sản phụ khoa này được canh tân và phát triển, trở thành lớn nhất nhì toàn vùng Ðông Nam Á, là nơi thực tập huấn nghệ cho sinh viên y khoa từ năm thứ ba trở đi, đồng thời cũng là trụ sở Trường Nữ Hộ sinh Quốc gia, qui tụ các nữ sinh viên được chọn lựa qua một kỳ thi tuyển, ăn ở nội trú trong trường, thực tập tại bảo sanh viện Từ Dũ trong ba năm và khi tốt nghiệp có quyền mở một bảo sanh viện để hành nghề tư một cách độc lập, không phụ thuộc vào Bộ Y Tế. Bệnh viện được tăng cường một phòng sanh mới, trang bị hiện đại, tọa lạc trong một tòa nhà ba tầng khang trang dành riêng để thu nhận điều dưỡng các bệnh nhân sản phụ khoa nằm chữa bệnh và/hoặc theo dõi sau khi sanh đẻ với tất cả những tiện nghi y tế cần thiết. Ngoài ra người phụ nữ nhập viện còn được cung cấp thức ăn nước uống đầy đủ hợp vệ sinh do nhà thầu phụ trách. Tất cả đều miễn phí, người bệnh hay người sanh không phải đóng bất cứ lệ phí nào. Bảo sanh viện Từ Dũ có tất cả khoảng năm trăm giường bệnh, mỗi ngày nhận khoảng từ một trăm năm mươi đến hai trăm bà tới để được hộ sản hoặc chữa bệnh phụ khoa. Chỉ riêng trong phạm vi sản khoa, người sinh viên y khoa đến thực tập tại Từ Dũ được chỉ dạy về cung cách đỡ đẻ bình thường con so và con rạ, bên cạnh các kỹ thuật sanh khó như sử dụng forceps, đặt vacuum, tiếp sanh thai ngược, sanh đôi, nạo thai, v.v.. Phòng giải phẫu phụ trách giải quyết các trường hợp thai ngoài tử cung, nang buồng trứng, tuyệt sản v.v.. Nếu biết rằng một bảo sanh viện tại các nước Âu Mỹ, mỗi ngày đêm nhận trung bình chừng một chục sản phụ, mỗi năm điều trị lối hai, ba ngàn sản phụ mà đã kêu là “quá tải” thì mới thấy rõ dung lượng dịch vụ to lớn mà bảo sanh viện Từ Dũ đã cung cấp hằng năm cho dân chúng miền Nam Việt Nam. Sau tháng Tư đen, cùng với những chủ trương quái đản về kinh tế tài chánh do Đảng Cộng sản đưa ra, bảo sanh viện Từ Dũ đã trải qua những tháng năm đen tối thiếu thốn đủ thứ. Ðến khi người cộng sản, vì nhu cầu sống còn, phải chuyển qua đường lối kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì Từ Dũ cũng… chuyển hướng theo. Sản phụ nhập viện phải đóng viện phí, thức ăn nước uống phải tự túc, công việc chăm sóc điều dưỡng phần lớn phải tự lực lo toan. Ngân sách dành cho y tế quá thấp nên khía cạnh vệ sinh điều dưỡng cực kỳ tồi tệ thê thảm. (Nếu ở Ðức, chi phí y khoa dành cho mỗi đầu người dân hằng năm là 2.970 Âu kim thì ở Việt Nam, số liệu tương đương là 26 Mỹ kim). Tạp chí Deutsches Ärzteblatt của Y sĩ đoàn Ðức tập 106, số 6, ngày 06.02.2009, từ trang 191 đến trang 194 có bài phóng sự khá dài về nền y tế xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhan đề “Ernüchternde Parallelwelten” (Thế giới song hành gây vỡ mộng) của nữ tác giả Martina Merten. Người viết phóng sự đến thăm bảo sanh viện Từ Dũ, Khu D. Ngay trên sàn hành lang Khu D này, sản phụ trải chiếu nằm la liệt chen chúc chờ đến lượt mình vào phòng hộ sản. Bên cạnh những bà mẹ tương lai thấy để các tô nhỏ đựng ít cơm, chút rau, miếng thịt. Nhiều sản phụ mồ hôi trán ướt đẫm, dùng tay phất qua phất lại trước trán nhằm có chút hơi mát. Hành lang dẫn vào những phòng bệnh, trong mỗi phòng có khoảng hơn một chục phụ nữ nằm chờ. Tất cả đợi tới lượt mình vào phòng hộ sản được trang bị mười giường sanh. Theo lý thuyết, mục đích của nền kinh tế tài chánh xã hội chủ nghĩa nói chung, không phải là vì lợi lộc mà vì con người, mục đích cụ thể của nó là thỏa mãn các nhu cầu vật chất - trong đó có nhu cầu phòng bệnh chữa bệnh - và văn hóa của con người. Cũng vẫn theo lý thuyết, chế độ xã hội chủ nghĩa thoát khỏi các mâu thuẫn đối kháng, không có khủng hoảng kinh tế, không có quần chúng lao động thất nghiệp và bần cùng. Nó đảm bảo cho mỗi người lao động quyền làm việc, quyền nghỉ ngơi, quyền học hành, quyền điều trị v.v.. Về phần mình, người trí thức mới xã hội chủ nghĩa mật thiết liên hệ với nhân dân, họ phục vụ nhân dân, tích cực góp phần vào công cuộc thúc đẩy đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
|