Đảng lơ mơ, kinh tế lờ mờ |
Tác Giả: Phạm Trần | |||
Chúa Nhật, 19 Tháng 4 Năm 2009 21:48 | |||
Sau hơn 20 năm “Đổi Mới”, vẫn còn loạng quạng với “Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”! “Về nhận thức: Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một khung lý luận vững chắc, về đặc trưng “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường; về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp, v.v…” Đó là nhận định của Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trong báo cáo về “Một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay” tại cuộc Hội thảo dài 2 ngày (13-14/4/2009) của Hội đồng Lý luận Trung ương tại tỉnh Bắc Ninh. Đây là lần đầu tiên cơ quan lý luận hàng đầu của đảng CSVN tổ chức cuộc thảo luận về tình hình kinh tế, vào lúc Việt Nam đang phải đối phó với cuộc khủng hỏang kinh tế trong nước, một phần do ảnh hưởng của tình trạng kinh tế suy thoái toàn cầu. Bản tin của Ban Tuyến giáo Trung ương nói có 17 Bài tham luận nhưng lại không phổ biến, nên không ai biết nội dung đã nói những gì và của những ai. Tuy nhiên, chỉ riêng bài phát biểu của Tô Huy Rứa cũng đủ cho mọi người thấy rõ những nét u ám của nền kinh tế đang trên đà xuống dốc nghiêm trọng ở Việt Nam, phần chính do chủ trương dở giăng, dở đèn và lung tung được gọi là “phát triển nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được thi hành triệt để từ Khoá đảng VIII, dưới thời Lê Khả Phiêu. Vậy mà sau gần 15 năm, theo lời Tô Huy Rứa “Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một khung lý luận vững chắc, về đặc trưng “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường” là điều chứng tỏ đảng CSVN vẫn chưa vượt qua khỏi những mâu thuẫn và bất đồng trong nội bộ về đường lối xây dựng đất nước, một định lý được người Cộng sản coi là bàn đạp để “quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội”. Nhưng vì không thống nhất được tư tưởng nên các chủ trương và chính sách của nhà nước CSVN trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư và thuế khoá thường bị thay đổi, ngay cả sau khi đã được đem ra thi hành nên đã làm nản lòng không ít các nhà đầu tư, nhất là từ nước ngoài. Nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng bất nhất về chính sách kinh tế là do đảng CSVN không dám mở cửa toàn diện mà lại nếu thấy có lợi thì “mở”, không có lợi hay sợ mất quyền kiểm soát thì lại “đóng”, giống như “vừa đánh vừa run”, không trong sáng và thiếu thành thật khi làm ăn với nước ngoài. Hậu quả của nhiều chủ trương đầu voi, đuôi chuột và thay đổi tùy hứng, tùy theo nhu cầu của từng đơn vị, địa phương đã khiến cho các kế hoạch phát triển và xây dựng kinh tế bị đảo lộn làm thiệt hại cho ngân sách không nhỏ, bằng chứng như đã lãng phí trong các dự án Xây dựng Cơ bản. Hãy đọc quan sát của Tô Huy Rứa: “Từ cuối năm 2007 đến nay, chúng ta phải đối phó với lạm phát, suy giảm kinh tế và những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta đã bộc lộ rõ hơn. Là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta thực lực yếu hơn nhưng lại có “độ” mở lớn hơn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới khoảng trên 150% GDP (năm 2008), do đó không thể tránh khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong phạm vi toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP (Gross Domestic Product, Sản xuất Nội Địa) suy giảm. Hoạt động xuất, nhập khẩu chịu tác động nặng nề. Nguồn vốn đầu tư quốc tế suy giảm, đầu tư nước ngoài vào nước ta cũng chịu ảnh hưởng bất lợi. Các lĩnh vực quan trọng khác cũng chịu những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thị trường chứng khoán có những biến động rất bất thường, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bị “đóng băng”; nguồn thu ngoại tệ phi mậu dịch – du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối đều giảm. Hoạt động tín dụng có biểu hiện chững lại do xuất khẩu sụt giảm và sức mua trên thị trường nội địa chưa được cải thiện; các ngân hàng đang phải đối mặt với “bài toán” hóc búa về khả năng thanh toán…” Tuy ông Rứa không nói ra, nhưng ai cũng biết kinh tế Việt Nam đã xuống dốc từ 2 năm qua. Từ mức tăng trường dự trù 8,5%, xuống còn 6,5% cuối năm 2008 nhưng các chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF, International Money Fund) cho rằng con số này vẫn còn quá cao. Họ nói mức tăng trưởng 6% hay thấp hơn có vẻ hợp lý hơn. Trong năm 2009 Việt Nam được dự kiến tăng trưởng khoảng 5,5 %, theo kế hoạch của nhà nước, nhưng nếu mức độ suy thoái kinh tế của thế giới và khu vực Đông Nam Á tiếp tục đi xuống như hiện nay thì không chắc gì Việt Nam có hy vọng đạt được con số lý tưởng này. Bằng chứng của sự thụt lùi mức phát triển là nhiều cơ sở kinh tế của nước ngoài và trong nước đã phải cắt giảm công nhân từ trước Tết Nguyên Đán và nhiều công ty còn nợ tiền lương nhân viên vì hàng sản xuất không tiêu thụ được. Nhiều chục ngàn công nhân đã phải trở về làng cũ sau khi thất nghiệp, số còn lại chỉ có đủ việc làm qua ngày để trả tiền cơm và tiền thuê chỗ ở nên tình trạng sống còn của số công nhân làm bán thời gian này gặp rất nhiều khó khăn. Bằng chứng như Tô Huy Rứa đã nhìn nhận: “Lĩnh vực xã hội: đã có nhiều vấn đề bức xúc, trong năm 2008 và quý I-2009 lại có những dấu hiệu gay gắt hơn và tình hình này có thể còn diễn biến phức tạp”. Về điều mà Tô Huy Rứa gọi là “Những vấn đề đang đặt ra cần chú trọng giải quyết để giảm thiểu những tác động bất lợi và những tình huống xấu hơn có thể xảy ra” có các chi tiết cơ bản nhức nhối như sau: “Về thực tiễn: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý và hiện đại hoá còn chậm. Các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế còn thiếu vững chắc, thực lực kinh tế của quốc gia còn yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Con đường và giải pháp tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, về cơ bản, vẫn dựa chủ yếu vào việc gia tăng quy mô các yếu tố đầu vào, vì thế tỷ lệ giá trị gia tăng trong hầu hết các sản phẩm còn rất thấp. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu được coi là chủ lực nhiều năm nay vẫn là nguyên liệu thô, hàng sơ chế, hàng gia công cho nước ngoài, kéo theo sự thua thiệt lớn trong quan hệ thương mại quốc tế. Kinh tế nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hoạt động thấp; trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý vẫn tụt hậu xa so với các nước tiên tiến; tính độc quyền còn cao. Kinh tế tập thể còn nhỏ bé, phát triển chậm, vai trò thực tế còn mờ nhạt. Kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh đúng với tiềm năng. Phần lớn các doanh nghiệp thuộc thành phần này có quy mô nhỏ; máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ quản lý yếu; hiệu quả hoạt động thấp; sức cạnh tranh yếu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn về môi trường đầu tư, đặc biệt là do sự yếu kém của kết cấu hạ tầng, sự vướng mắc về cơ chế, chính sách, sự phiền nhiễu về thủ tục hành chính… Hệ thống các loại thị trường cơ bản còn bất cập: Thị trường hàng hoá và dịch vụ trong nước về cơ bản vẫn còn manh mún, phân tán, nhỏ bé; trong khi sức ép cạnh tranh từ phía các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tăng lên hàng ngày.” Dân mất việc – giấu tiền Về lực lượng lao động, Tô Huy Rứa báo cáo với Hội nghị : “ Thị trường sức lao động còn sơ khai: nguồn lao động tuy đông về số lượng, gia tăng với tốc độ nhanh, nhưng chất lượng còn rất thấp. Cơ cấu lao động còn nhiều mặt bất hợp lý, lạc hậu và chuyển dịch chậm. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm còn nghiêm trọng.” Tuy nhiên, người đứng đầu ngành tuyên truyền của đảng CSVN không đưa ra số phần trăm người thất nghiệp và còn quên không báo cáo về tình trạng nhiều công ty nước ngoài của nước sở tại như Đài Loan, Mã Lai Á, Nam Dương, Tân Gia Ba, Nam Hàn và môt số nước ở thị trường Châu Âu và Trung Đông cũng đã đỉnh chỉ hay giảm bớt nhập cảng công nhân đến từ Việt Nam vì tình hình kinh tế suy thoái của họ. Riêng trong lĩnh vực tài chính, ông Rứa nói: “ Thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán cũng còn nhiều bất cập: cơ cấu chưa đồng bộ, thiếu hoàn chỉnh. Chất lượng hoạt động còn thấp. Khả năng huy động các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển còn hạn chế.” Như vậy, những người dân có tiền ở trong nước cũng muốn giấu tiền đi hay chuyển hướng mua vàng hay đồng dollar để giữ vốn thay vì đầu tư vào các doanh nghiệp vì sợ bị thua lỗ, phá sản. Mặt khác, trong nhiều năm qua, các công ty tư nhân và nước ngoài ở Việt Nam thường than phiền nhà nước CSVN đã dành nhiều ưu đãi cho các công ty hay liên công ty của nhà nước trong các lĩnh vực xin hoạt động, thuê văn phòng, thuê đất, thuế vụ và việc cung cấp dịch vụ. Việc này, theo lời Tô Huy Rứa vẫn còn nguyên: “Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước còn bị phân biệt đối xử....Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, trốn, lậu thuế còn nhiều, chậm được khắc phục. Những hoạt động đầu cơ trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và kinh doanh nhà đất diễn ra phổ biến, kéo dài, gây nhiều hậu quả xấu, nhưng cũng chậm được khắc phục”. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những khó khăn và vướng mắc trong nhiều mặt của nền kinh tế hiện nay được trình bầy bởi Tô Huy Rứa cũng không khác mấy so với Báo cáo của Hội nghị Trung ương 6 khoá đảng X diễn ra hồi đầu năm 2008. Hồi đó, Quyết nghị do Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng công bố đã nhìn nhận: “ Quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất… Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác còn bị phân biệt đối xử. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành, phát triển chậm, thiếu đồng bộ, vận hành chưa thông suốt. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, trốn, lậu thuế còn nhiều, chậm được khắc phục… Cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu lực, hiệu quả quản lý còn thấp. Cải cách hành chính chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí vẫn nghiêm trọng”. Chỉ có một điều khác với Nghị quyết năm 2008 là tại Hội nghị ở Bắc Ninh, Tô Huy Rứa đã không nói gì đến tình trạng “tham nhũng, quan liêu, lãng phí” vẫn còn là quốc nạn và chính những cán bộ, đảng viên đang làm giàu từ tệ nạn này là “những kẻ nội thù” của tình trạng suy thoái và đói nghèo hiện ở Việt Nam hiện nay.
|