Câu chuyện dân chủ |
Tác Giả: Lê Phan | |||
Thứ Hai, 27 Tháng 4 Năm 2009 01:32 | |||
Hôm nọ tôi có dịp gặp một số bạn bè vốn đã từng sống những ngày hậu 1975 với nhau ở Sài Gòn sau ngày đổi chủ. Ðều là những kẻ tự nhận mình là “The last of the Mohicans”, những người cuối cùng của Bộ lạc Mohican, những người miền Nam của chế độ Cộng Hòa còn sống sót sau những năm tháng tù đày, đói kém, chật vật để đến được thời đổi mới. Nay thì mỗi người một ngả. Kẻ còn ở lại Việt Nam, người đã ra ngoại quốc. Cuộc hàn huyên lúc đầu tập trung vào chuyện cũ. Ðầu tiên vẫn là những ngày sau khi “đứt phim”, hai chữ vốn đã được dùng để ám chỉ một cuộc vận nước đổi thay. Ðây là cái thời cả nước đi tù, ngay cả những người thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, những người thuộc “phe bên kia”. Còn nhớ ngay sau ngày 30 Tháng Tư, đã có những cuộc gặp gỡ giữa những đại diện của mặt trận với những người thuộc chính phủ Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại. Những đại diện của cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt Nam nói một cách hy vọng đến việc có thể duy trì một miền Nam độc lập khỏi miền Bắc và hai bên phe phái miền Nam có thể ngồi lại để xây dựng một tương lai chung. Giấc mơ hão huyền đó đã mau chóng tan biến. Hà Nội hẳn là đã phong thanh được những ý định đó nên nhanh chóng thúc đẩy việc “thống nhất” cũng như “học tập cải tạo” cho tất cả những ai có tiềm năng muốn duy trì một miền Nam độc lập. “Học tập cải tạo”, những chữ hoa mỹ để che giấu việc đưa cả triệu người đi tù. Một người nhắc “Họ phải làm vậy vì họ biết là không có được sự ủng hộ của dân chúng miền Nam. Chẳng chính các tài liệu của họ công nhận là giỏi lắm sẽ chỉ có 15% dân chúng miền Nam ủng hộ họ đó sao?” Câu chuyện quay sang những ngày trong tù hay những ngày đi nuôi tù. Một anh đang sống ở ngoại quốc kể: “Cái hồi ở tù tôi nghĩ là không bao giờ có thể ăn rau mồng tơi được nữa. Thế mà hôm nọ đi chợ Việt Nam, thấy một bó mùng tơi, hẳn là gửi máy bay từ Việt Nam sang, đắt như vàng, vậy mà cũng ráng mua. Về đến nhà hí hửng nấu canh. Ăn xong vẫn thấy dở, nhưng không phải dở vì mùi vị tù, mà vì quả đó là một cái rau vô duyên.” Mọi người cười ồ, có người cãi, “mùng tơi ngon chứ, tại ông không biết ăn.” Một người nói “Lúc đó đói ăn cái gì mà chả ngon.” Mọi người gật gù đồng ý. Một ông đột nhiên phán, “Ðó là lúc mình thon nhỏ nhất!” Mọi người cười ồ nhìn vào cái dáng rất phát tướng của ông hiện nay. Một bà trong nhóm nhớ lại những chuyến xe đi thăm nuôi, xe wagon chế biến nhét cả chục người cộng với đống bao thăm nuôi, và những câu chuyện vui buồn của thời đó. Bà kể, “Lúc đó ra chợ Sài Gòn mà mua đồ thăm nuôi thì vui như đi sắm Tết. Các bà mở cửa hàng bán đồ thăm nuôi cũng đi thăm nuôi chồng, cha, anh, em. Họ chỉ cho nhau những món hàng nào tốt, bổ và rẻ bởi ai cũng ít tiền.” Một bà khác nhớ lại ngồi trên xe thăm nuôi còn thêm cả thịt rừng mà ông tài mua về bán kiếm thêm lời “Một con heo rừng được để ngay dưới chân, trải một lớp bao bố rồi thêm tấm cao su, cũng như tấm nệm vậy!” Giam mãi rồi thì cũng phải thả. Lúc đầu là những người tối cần thiết cho chế độ như bác sĩ, y tá nhưng rồi thì những người khác, nếu không chết trong tù, cũng phải thả. Ra tù nhiều khi lại bị vào tù lại vì “tìm đường cứu nước”. Phe ta bây giờ cũng dùng “hoa ngữ” đâu có thua gì Việt Cộng. Một ông hiện ở trong nước bỗng nói “Bây giờ thì hết rồi. Bây giờ chúng mình dầu ở Việt Nam hay ở ngoài cũng đều sống trong chế độ tư bản, bởi cái gọi là xã hội chủ nghĩa theo định hướng thị trường đó chính là tư bản. Ở Việt Nam tôi cũng có xe hơi, có nhà lầu, con cái cũng đi du học, có khác gì những người ở ngoài đâu.” Một bà cũng ở trong nước thêm “Bây giờ cũng chẳng khác gì trước '75. Mình cũng lại có người làm, bây giờ gọi là oshin.” “Ðúng. Cuộc sống của chúng mình bây giờ chẳng khác nhau bao nhiêu. Các bạn cũng có tiền đi đó đi đây. Bây giờ có vẻ còn dễ ra ngoại quốc hơn thời trước '75 nữa,” một người ở ngoài biểu đồng tình. Một ông bạn sống về nghề cầm bút ở hải ngoại bỗng lắc đầu “Giống mà khác, chúng ta cùng sống trong chế độ tư bản nhưng các bạn vẫn chưa được hưởng cái thú của một chế độ dân chủ.” Mấy ông bà trong nước nhao nhao lên “Dân chủ thì có khác gì đâu. Cũng ngày hai bữa đi làm kiếm ăn, nuôi con, con lớn học hành thì mình đến tuổi về hưu, ở đâu chả vậy!” “Không, cuộc sống dân chủ nó có cái thú của nó. Các bạn có bao giờ nổi nóng muốn viết bài ‘chửi’ ông Nguyễn Tấn Dũng về vụ Hoàng Sa hay Trường Sa hay vụ bauxite không? Và nếu muốn các bạn có dám làm không? Ở cái xứ tự do, nếu tôi không thích ông Brown hay ông Obama, tôi viết báo, viết blog, muốn nói gì thì nói.” Mấy ông bà ở trong nước có vẻ không tin. Hẳn họ nghĩ cái thằng cha này gàn dở, ai cần dính đến chính trị làm gì cho mệt. Nghĩ như vậy là sai. Bản thân tôi còn nhớ đến lần đầu tiên đi bầu trong một cuộc bầu cử tự do thực sự. Ðời tôi cho đến lúc đó cũng đã đi bầu nhiều lần, hầu hết là “bị” đi bầu, nhất là thời Cộng Sản, không đi bầu là mất quyền lợi, mất khẩu phần gạo, mệt lắm. Nhưng mãi đến khi sang Anh, tôi mới được đi bầu thực sự. Ðó là cuộc bầu cử năm 1997. Thực ra năm đó dân chúng Anh đã chán ngấy đảng Bảo Thủ và sự toàn thắng của đảng Lao Ðộng dưới sự lãnh đạo của ông Tony Blair đã là chuyện hầu như chắc chắn xảy ra. Nhưng tôi vẫn cảm thấy là một phần nào lá phiếu của tôi đã giúp đưa đảng Lao Ðộng trở lại nắm quyền sau 18 năm đối lập. Dầu sao chăng nữa, tôi đã bỏ phiếu cho người tôi chọn, một dân biểu Lao Ðộng cho đơn vị bầu cử của tôi, và không ai bảo tôi phải bỏ cho ông ta hay cho ai khác. Ngay cả bầu không khí bỏ phiếu cũng khác. Không có bà tổ trưởng hay ông phường trưởng đến nhắc phải đi bầu. Phòng phiếu của tôi ở trường học đầu đường. Tôi đi bỏ phiếu lúc buổi tối, sau giờ làm việc, mà cũng vẫn có người đến. Bên trong phòng phiếu có mấy người trao cho tôi lá phiếu. Khi ra cửa, đại diện của ba đảng chính ngồi chờ. Họ lễ phép xin thẻ cử tri để tránh gian lận. Không ai đòi bấm góc thẻ căn cước hay chứng minh nhân dân để chứng tỏ là tôi đã đi bỏ phiếu. Nhưng cuộc sống dân chủ không phải chỉ ở vài năm đi bỏ phiếu một lần. Nó bao trùm tất cả và khiến người dân cảm thấy tự tin và nó giúp duy trì một bầu không khí mà trong đó kẻ cầm quyền không dám muốn làm gì thì làm. Nếu Việt Nam mà có dân chủ thì làm gì có vụ Thái Hà. Nếu Việt Nam mà có dân chủ thì dân chúng nào phải khiếu kiện. Nếu Việt Nam mà có dân chủ thì làm gì có vụ bauxite Tây Nguyên. Vấn đề đó sẽ bị báo chí mổ xẻ, đem ra bàn trước Quốc Hội và chắc chắn là sẽ bị bỏ phiếu bác. Nếu Việt Nam mà có dân chủ thì liệu đảng Cộng Sản có mãi cầm quyền được chăng, hay chỉ sau vài lần nắm quyền là bị dân chán bỏ phiếu đưa đảng khác vào. Và đó mới chính là cái khác biệt vô cùng quan trọng.
|