Thiên An Môn trong lòng chúng ta |
Tác Giả: Nguyên Hùng, viết cho BBCVietnamese. com từ Sài Gòn | |||||||
Chúa Nhật, 03 Tháng 5 Năm 2009 13:18 | |||||||
Sự kiện Thiên An Môn đã trôi qua 20 năm (04/06/1989) . Mọi việc dường như đã chìm vào quên lãng, người chết đã thành tro bụi, người bị thương đã lành lặn, lửa đã được dập tắt... nhưng ai có thể xóa tan những hình ảnh đau thương vẫn còn trong tâm tưởng của người ở lại?
Những vết thương trong lòng họ có thể lành không? Và liệu chính quyền Trung Quốc có dập tắt được ngọn lửa đấu tranh vì nền dân chủ vẫn âm ỉ cháy trong lòng người dân nước họ? Cuộc đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân Trung Quốc đã bị dập tắt cùng với hình tượng Nữ Thần Dân Chủ bị lực lượng quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc dùng thiết vận xa và xe tăng cán nát. Lực lượng ấy thường hô khẩu hiệu vì nhân dân phục vụ, vì nhân dân chiến đấu, nhưng thực tế đã tuân lệnh đảng bắn vào nhân dân, những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình! Tuy nhiên, đó chính là dẫn chứng hùng hồn nhất cho phần còn lại của thế giới thấy rõ hơn bản chất của nhà nước cộng sản độc tài! Những nhà nước lúc nào miệng cũng tung hê nhân dân, nhưng tay thì bóp cò súng vào nhân dân thế đấy! Bức ảnh của người biểu tình vô danh (Unknown Rebel) được truyền đi khắp thế giới, gợi lên trong lòng mỗi người có lương tri một xúc cảm vô bờ, một hình tượng đầy tính nhân văn, làm cho chúng ta nghĩ đến phận người nhỏ nhoi trước cường quyền bạo ngược: Một bên là hình ảnh những chiếc xe tăng, những binh sĩ tay lăm lăm súng, mặt đằng đằng sát khí và bên kia, phía đối diện là một con người tay không tấc sắt! Một sự đơn độc đến nghẹn lòng, một sự dũng cảm đến ngưỡng phục...! Dân chủ sơ khai Qua đây ta hãy thử nghĩ xem vì sao sự kiện Thiên An Môn thất bại? Có nhiều đánh giá khác nhau, nhưng điều rõ nét nhất, như chúng ta thấy, đó là cuộc đấu tranh chỉ có ở tầng lớp trên, nhân dân Trung Quốc chưa được chuẩn bị cho một sự kiện ở tầm mức lớn lao như vậy, mặc dù nền dân chủ của Trung Quốc đã có từ sớm so với Việt Nam. Vào ngày 10/10/1911, cuộc cách mạng Tân Hợi thành công và ngày 01/01/1912, nước Trung Hoa Dân quốc ra đời, Tôn Trung Sơn được bầu làm tổng thống. Nhưng, sau khi Tôn Trung Sơn bị buộc phải từ chức vào tháng 3/1913 và giao quyền lại cho Viên Thế Khải thì cuộc cách mạng theo chủ thuyết Tam dân (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) xem như chấm dứt và bị đàn áp bởi thế lực phong kiến quân phiệt. Chính quyền dân chủ non trẻ tồn tại được 1 năm 3 tháng, người dân chưa kịp hiểu khái niệm dân chủ tròn méo ra sao. Từ đó, dưới sự cai trị của phong kiến quân phiệt, Trung Hoa Dân quốc loạn lạc liên miên. Đó chỉ là đấu tranh cục bộ không có lãnh đạo tối cao, cùng chiến lược được đông đảo dân ủng hộ. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến thất bại. Đến năm 1949, cộng sản nắm chính quyền, dân Trung Hoa thế hệ kế tiếp phải sống sau bức màn sắt, nào biết được dân chủ ra sao. Sự kiện Thiên An Môn diễn ra từ 15/04/1989 đến 04/06/1989 tuy được đông đảo sinh viên, trí thức, lãnh đạo công nhân hưởng ứng, nhưng tất cả những tầng lớp đó chưa đủ mạnh để buộc nhà nước cộng sản phải nhường bước. Đó chỉ là cuộc đấu tranh cục bộ không có lãnh đạo tối cao, cùng một chiến lược lâu dài được đông đảo nhân dân ủng hộ. Có thể nói đây là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thất bại. Điều duy nhất đạt được là nói cho cả thế giới và nhà cầm quyền Trung Quốc cộng sản biết rằng niềm khao khát Dân chủ của nhân dân Trung Quốc là có thật dù biết sẽ trả bằng máu. Việt Nam nhìn nhận Cùng thời điểm xảy ra sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc, truyền thông quốc doanh Việt Nam không hề đả động gì đến sự kiện, hoặc có nói cũng chỉ nói thoáng qua, dù chiến tranh biên giới vào tháng 02/1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc mới xảy ra không lâu, anh em giận dỗi vẫn chưa nguôi. Điều mà chính quyền Việt Nam lo sợ là sự lớn mạnh của các phong trào dân chủ khắp trong và ngoài nước. Sự cảnh giác của họ được mệnh danh là "Cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình". Đối với nhà nước cộng sản, đây là cuộc đấu tranh sống còn. Nhà nước Việt Nam đã rút ra được một bài học xương máu từ Trung Quốc, không để sự việc vượt tầm kiểm soát, tiến hành cải cách, đổi mới theo định hướng của đảng cộng sản, bắt đầu vẽ ra dân chủ từ cải cách hành chính đến việc cho thành lập những hội đoàn, hiệp hội, chuyển qua kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (học từ Trung Quốc)...
Chủ đề Thiên An Môn vẫn là cấm kỵ ở Trung Quốc hôm nay Nhưng tất cả những việc nhà nước cộng sản làm để cải cách dân chủ cũng chỉ có ý nghĩa như một trái bóng quá căng phải xả hơi bớt, nếu không nó sẽ nổ tung, còn trong thực tế thì người dân thấy mọi việc vẫn như cũ. Bởi vì, với một cơ chế điều hành không chính đáng đang tồn tại thì sai lầm vẫn tiếp nối sai lầm. Qua sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc, phía Việt Nam có một vài nhân vật trong bộ máy cầm quyền ý thức được sự đòi hỏi Dân Chủ trong dân chúng là điều khó cưỡng lại, nhưng tất cả những ý định cải cách chỉ có thể tồn tại trong ý tưởng của một thiểu số sắp bị gạt ra ngoài lề chứ không thể vượt qua cái bóng của Bộ Chính Trị tại Hà Nội và một cái bóng khác lớn hơn từ phương Bắc. Trấn áp người dân bằng bạo lực là cách mà chính quyền vẫn thường dùng để để ngăn chặn "hậu họa" (dù là manh nha) cho chế độ: người dân Việt Nam biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm chiếm biên giới và hải phận, hải đảo của Việt Nam bị nhà nước ngăn cấm một cách thô bạo và triệt để, các phóng viên đấu tranh chống tham nhũng bị khép tội và bỏ tù không chính đáng, dân oan khiếu kiện về đất đai bị cô lập và bắt bớ... Những bất cập đó và sự không chính danh của chính quyền Việt Nam liệu có thể dẫn đến một sự kiện như Thiên An Môn tại Trung Quốc? Đầu thế kỷ 20, phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh với chủ trương "Khai Dân trí, Chấn Dân khí, Hậu Dân sinh", bằng đường lối đấu tranh ôn hòa bất bạo động, đã đặt nền móng cho cuộc tìm kiếm dân chủ của nhân dân Việt Nam về sau. Bài học hôm nay Thế hệ tuổi trẻ hiện nay, so với thời sinh viên Trung Quốc ở sự kiện Thiên An Môn, ngoài ý chí đấu tranh còn được giúp sức bởi hệ thống thông tin toàn cầu Internet. Qua Internet, con người có thể tiếp cận với kho tàng tri thức nhân loại một cách dễ dàng hơn lúc nào hết. Cũng qua Internet, con người có thể kết nối chặt chẽ với nhau bất kể không gian. Những thuận lợi này đã mở ra rất nhiều cơ hội cho việc học tập (khai Dân trí), vận động cho mọi công dân ý thức được quyền và trách nhiệm của mình để đấu tranh với các thế lực đã hủ bại lỗi thời, nhằm mục đích xây dựng một nhà nước dân chủ (chấn Dân khí), tiếp nhận và phát triển các thành tựu khoa học, kỹ thuật, xã hội tiên tiến trên thế giới vào công cuộc phát triển đất nước trong tất cả mọi mặt của đời sống (hậu Dân sinh). Ý thức về quyền tự do đã hình thành trong tư tưởng của đa số các sinh viên, trí thức tại Việt Nam, nhưng chưa gắn kết lại thành khối đấu tranh rộng khắp. Nguyên Hùng Hiện nay, ý thức về quyền tự do và sự đòi hỏi phải có một nhà nước dân chủ đã hình thành trong tư tưởng của đa số các sinh viên, trí thức tại Việt Nam, kể cả trong một bộ phận lớn dân chúng, nhưng trong thực tế chưa được gắn kết lại thành một khối đấu tranh rộng khắp khả dĩ làm đối trọng với chính quyền. Sau 20 năm, nhìn lại sự kiện Thiên An Môn, những con người yêu chuộng tự do trên khắp thế giới đang phải sống trong sự độc tài toàn trị sẽ không cảm thấy cô đơn nữa, dù con đường phía trước đầy khó khăn gian khổ. Trên suốt đoạn đường sắp tới, có một điều mà những người đấu tranh cần hiểu rõ: Dân chủ không chỉ nói đến một thể chế chính trị mà còn nói đến cách sống của người dân trong cộng đồng. Với ý thức công dân đầy đủ, người dân phải biết đòi hỏi được sống đúng với quyền tự do căn bản của mình. Có như vậy mới xây dựng được một xã hội dân chủ và từ đó mới có chính thể dân chủ pháp trị. Có một chân lý không phải ai cũng nhận ra "Những sự vĩ đại thường bắt đầu bằng những điều tầm thường nhất". Những ai đã từng chứng kiến sự sục sôi của người dân theo tỷ lệ phiếu bầu được kiểm mới cảm nhận được giá trị từng lá phiếu. Và đến bao giờ người dân Việt Nam chúng ta mới được sục sôi và tự hào với lá phiếu của mình? Bạn có câu trả lời hay không?
|