Home Tin Tức Bình Luận Vấn đề thềm lục địa

Vấn đề thềm lục địa PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Ba, 05 Tháng 5 Năm 2009 02:56

Hôm 29.3.2009, Hoà Thượng Quảng Độ, với tư cách là “Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo” GHPGVNTN, đã đưa ra “Lời kêu gọi một tháng biểu tình tại gia để chống việc lấy Vàng dân tộc đổi Nhôm nước ngoài”. Trong lời kêu gọi này, Hòa Thượng đã yêu cần lấy tháng Năm làm tháng “BẤT TUÂN DÂN SỰ - BIỂU TÌNH TẠI GIA” để đòi hỏi ba yêu sách, trong đó yêu sách thứ nhất liên hệ đến lãnh hải Việt Nam như sau:

“Yêu cầu Nhà cầm quyền Việt Nam cấp tốc nộp hồ sơ xác nhận thềm lục địa của mình theo Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển cho Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (UNCLOS) trước ngày quy định của LHQ, là ngày 13 tháng 5 năm 2009, để bảo vệ quyền lợi và lãnh hải tổ quốc.

“Nếu Đảng và Nhà nước vẫn làm ngơ trước quyền lợi của tổ quốc, thì xin các Cộng đồng Người Việt hải ngoại cấp tốc thành lập Ủy ban Bảo vệ Lãnh hải Việt Nam, thu tập hồ sơ, vận động quốc tế và can thiệp trực tiếp đến Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (UNCLOS) để bảo vệ quê hương.”

Trước đó, một số học giả ở trong và ngoài nước cũng đã lưu ý nhà cầm quyền CSVN về vấn đề này.

Đối đầu với cộng sản lâu, chúng ta phải biết con tẩy của họ trong mỗi ván bài, mới có thể điểm trúng huyệt được. Đánh khơi khơi hay đánh chỉ để thoả lòng thù hận thì cũng như không đánh.

CON BÀI TẨY BỊ LẬT LÊN

Nhân cuộc hội thảo về đề tài “Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông: lịch sử, địa chính trị và luật pháp quốc tế” được Chương Trình Nghiên Cứu Biển Đông, Học Viện Ngoại Giao, tổ chức tại Hà Nội hôm 17.3.2009, chúng tôi có viết bài “Hà Nội sắp hành động?” phổ biến ngày 24.3.2009 trên các báo chí và websites, chúng tôi có nói:

“Nhiều người tin rằng mục đích của cuộc hội thảo này không phải là để tiếp nhận ý kiến của các học giả và các chuyên gia về vấn đề Biển Đông, vì mọi tài liệu nghiên cứu đã sẵn có từ lâu rồi. Đây chỉ là một hình thức thức thăm dò hay chuẩn bị dư luận trước khi nhà cầm quyền đi một nước cờ nào đó trong ván bài Biển Đông. Nói cách khác, đây là một cuộc hội thảo có tính toán.”

Cũng trong bài này, chúng tôi tiên đoán Hà Nội sẽ hành động như thế nào về thềm lục địa mở rộng mà sau đó Hoà Thượng Quảng Độ đã nêu lên. Chúng tôi viết:

“Theo Công Ước LHQ về Luật Biển, nước ven biển phải đăng ký yêu sách về phạm vi của thềm lục địa mở rộng với Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) trong vòng 10 năm kể từ khi Công Ước bắt đầu có hiệu lực với nước đó, hay từ khi Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa ban hành hướng dẫn khoa học kỹ thuật về ranh giới thềm lục địa kể từ ngày 13.5.1999. Nếu nước ven biển không đăng ký đúng hạn, vùng thềm lục địa mở rộng đó có thể thuộc về một nước đã đăng ký đúng hạn, hay có thể được coi là tài sản chung của nhân loại.

“Việt Nam đã phê chuẩn Công Ước LHQ về Luật Biển ngày 25.7.1994 cho nên Việt Nam phải đăng ký yêu sách về thềm lục địa mở rộng trước ngày 13.5.2009.

“Chúng tôi tin chắc Hà Nội đã chuẩn bị xong các tài liệu luật định đăng ký, nhưng đến nay vẫn chưa đăng ký vì sợ phản ứng không thuận lợi của Trung Quốc khi thềm lục địa mở rộng của Việt Nam xâm phạm ranh giới lưỡi bò do Trung Quốc ấn định. Vỉ thế Việt Nam đang tìm một cơ hội thuận tiện nhất để đăng ký hay đăng ký vào ngày cuối cùng.”

Những lời tiên đoán nói đã thành sự thật.

Để chuẩn bị la làng, ngày 20.3.2009, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho hay Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý thiết lập một đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo hai nước và tái khẳng định “cam kết giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình”. Trung Quốc và Việt Nam cũng đã thỏa thuận sẽ phát động “Năm Hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam” vào năm 2010 để đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

BẮT ĐẦU LA LÀNG

Chuẩn bị xong, nhà cầm quyền Việt Nam bắt đầu la làng:

(1) Ngày 28.4.2009, tờ vietnamnet.vn online của nhà cầm quyền CSVN đã cho phổ biết một bài dưới đầu đề “VN sẽ đăng kí ranh giới ngoài thềm lục địa đúng hạn” do Hoàng Phương và Đoàn Quý viết, nguyên văn như sau:

“Chỉ còn hai tuần nữa, thời hạn đăng kí đường ranh giới ngoài của thềm lục địa sẽ đến (ngày 13/5). Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị để nộp đăng kí đúng thời hạn. Dự kiến, Việt Nam sẽ nộp báo cáo trước thời hạn 1 tuần - Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Nguyễn Quang Vinh cho biết:

“Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu và đang trao đổi với các nước láng giềng để phối hợp làm và nộp văn bản lên Liên hiệp quốc.

"Việt Nam chủ trương bảo vệ quyền của mình trên thềm lục địa trên cơ sở xem xét quan điểm của các bên lên quan. Việt Nam mong muốn cùng các bên liên quan trao đổi, thảo luận và hợp tác", ông Vinh nói.

“Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động liên hệ cùng các nước láng giềng có chung đường biên giới trên biển để trao đổi về việc đăng kí đường ranh giới ngoài của thềm lục địa.

“Đến nay, Việt Nam đã cùng thỏa thuận với Malaysia viết báo cáo chung lên Liên hiệp quốc. Việt Nam đã mời Brunei tham gia cùng hai nước trong quá trình này. Và mới đây, Brunei đã mong muốn cùng tham gia, Việt Nam và Malaysia đang xem xét cùng hợp tác.

“Philippines cho biết không nêu khu vực chồng lấn với Việt Nam trong báo cáo của mình, xem đây là khu vực bảo lưu, sẽ có báo cáo sau. Lãnh đạo Philippines cam kết sẽ không phản đối báo cáo của Việt Nam.

“Với Trung Quốc, nước này phản đối tất cả các nước trong khu vực về báo cáo biên giới ngoài thềm lục địa, không chỉ riêng Việt Nam.

"Dù khó khăn, nhưng Việt Nam sẽ nỗ lực và đang gấp rút để hoàn thành báo cáo đăng kí với Liên hiệp quốc trước thời hạn 1 tuần" Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên Giới khẳng định.

“Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc đăng kí này không có giá trị phân chia thềm lục địa. Đó thuần túy chỉ là các kết quả khoa học về địa chất và các thông số về thềm lục địa của các nước.

“Căn cứ vào các nghiên cứu này, các nước sẽ dự kiến mở rộng thềm lục địa của mình, từ ngoài 200 hải lý tới 350 hải lý, căn cứ theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc. Tổ chức này sẽ có một ủy ban xem xét chấp nhận các đăng kí này ra sao.

“Biển Đông được các luật gia và chiến lược gia trên thế giới đánh giá là khu vực tiềm tàng xung đột, điểm nóng dễ bùng nổ trên thế giới. Tranh chấp trên Biển Đông là tranh chấp phức tạp nhất với 5 nước 6 bên, đồng thời ở bình diện rộng nhất trên thế giới. Do đó, có được đường ranh giới trên biển hòa bình, ổn định và lâu dài được xem là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.”

(2) Ngày 25.4.2009, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng đã công bố quyết định bổ nhiệm chủ tịch của 8 quận huyện của thành phố, trong đó có huyện Hoàng Sa. Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám Đốc Sở Nội Vụ thành phố, là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Hoàng Sa. Trụ sở Ủy Ban sẽ đặt tại Đà Nẵng.

Tưởng cần nhắc lại rằng vào tháng 12/2007, Quốc Vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa để trực tiếp quản lý ba quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài hai hành động nói trên, chúng ta đợi xem Hà Nội sẽ có những hành động nào nữa.

KHÁI NIỆN VỀ THỀM LỤC ĐỊA

Hoà Thượng Quảng Độ đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải đăng ký thềm lục địa đúng hạn. Chúng tôi thấy cần nói rõ hơn: Không phải đăng ký thềm lục địa mà đăng ký thềm lục địa mở rộng, Hà Nội gọi là “đăng ký đường ranh giới ngoài của thềm lục địa”.

Vấn đề định ranh giới ngoài của thềm lục địa là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự góp ý của các chuyên viên quốc tế về luật biển. Chúng tôi biết Hà Nội đã thuê các chuyên viên Pháp góp ý về việc ấn định ranh giới trên bộ và chuyên viên Mỹ góp ý về ranh giới trên biển.

Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi cố gắng trình bày một cách tổng quát và giản dị về thêm lục địa và thềm lục địa mở rộng để giúp độc giả theo dõi vấn đề một cách dễ dàng hơn.

Thềm lục địa (continental shelf) được quy định ở Phần VI, từ điều 76 đến 85 của Công Ước LHQ về Luật Biển 1982. Chúng ta hãy nghe điều 76 định nghĩa về thềm lục địa:

“Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển (seabed) và lòng đất (subsoil) dưới đáy biển kéo dài ra ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ thuộc quốc gia đó cho đến bờ ngoài của dốc lục địa, hay một khoảng cách 200 hải lý (370,4 km) từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải khi bờ ngoài của dốc lục địa của quốc gia này ở khoảng cách gần hơn khoảng cách đó” (gần hơn 200 hải lý).

Đọc cái định nghĩa này thôi cũng đã thấy nhức đầu. Những quy định tiếp theo còn phức tạp hơn. Chúng tôi chỉ tóm lược những nét căn bản:

Trong trường hợp bờ ngoài của rìa thềm lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở, thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo sự kéo dài tự nhiên đó, nhưng cũng không được quá 350 hải lý (648,2 km) tính từ đường cơ sở, hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 m một khoảng cách không quá 100 hải lý (185,2 km).

Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) sẽ cứu xét việc ấn định thềm lục địa mở rộng của quốc gia ven biển và đưa ra các khuyến cáo. Giới hạn thềm lục địa được ấn định do quốc gia ven biển dựa trên khuyến cáo của Ủy Ban được coi như chung cục và có giá trị kết buộc.

Quốc gia ven biển phải đăng ký tại Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc bản văn ấn định nói trên và các thông tin liên hệ, gồm cả dữ kiện đo đạc, bản mô tả giới hạn mở rộng của thềm lục địa. Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phải công bố các văn kiện đó.

Ngoài ra, quốc gia ven biển có nghĩa vụ phải đóng góp bằng tiền hay hiện vật đối với việc khai thác các tài nguyên không phải sinh vật của phần nằm ngoài phần thềm lục địa cơ bản, tức nằm ngoài giới hạn 200 hải lý.

Như vậy, sau khi Hà Nội đăng ký thềm lục địa mở rộng, bất cứ ai cũng có thể tham khảo văn kiện này một cách dễ dàng.

NHỮNG CHƯƠNG BI THẢM

Khi Hà Nội tuyên bố chỉ định Chủ Tịch huyện Hoàng Sa, nhà cầm quyền Trung Quốc đã lên tiếng phản phản đối, nhưng chỉ phản đối lấy lệ thôi, vì Hoàng Sa hiện nay đang nằm trong tay Trung Quốc. Hôm 28.4.2009, bà Khương Du, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tuyên bố việc Việt Nam bổ nhiệm ông Dặng Công Ngữ làm Chủ Tịch huyện Hoàng Sa là "bất hợp pháp và không có giá trị". Bà Du tái khẳng định rằng Trung Quốc có "chủ quyền không thể chối cãi" đối với quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) và các vùng biển phụ cận. Bà nói rằng Trung Quốc và Việt Nam "không có tranh chấp" xung quanh quần đảo này!

 Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám Đốc Sở Giáo Dục - Đào Tạo Đà Nẵng cho biết bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, lịch sử và địa lý Hoàng Sa sẽ được bố trí ở phần thực hành của chương trình địa lý lớp 8, và trong phần 5 của chương trình địa lý lớp 9.

Rồi đây, khi Hà Nội đăng ký thềm lục địa mở rộng xâm phạm đường lưỡi bò mà Trung Quốc đã vạch ra để ấn định vùng lãnh hải của Trung Quốc, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng sẽ có phản ứng, nhưng cũng sẽ nhẹ nhàng thôi, vì dù Việt Nam có công bố gì đi nữa, Việt Nam cũng không dám khai thác vùng tranh chấp, bất chấp tàu chiến của Trung Quốc.

Nhìn lại, tương quan giữa VNCH và Hoa Kỳ cũng như tương quang giữa CHXHCNVN và Trung Quốc đều là những chương bi thảm. Đây là vấn đề thân phận của các nước nhược tiểu. Nhưng Đảng CSVN giống như con tắc kè, tùy cơ ứng biến, khi nằm trên đá thì màu xám, khi đậu trên lá thì màu xanh, nên vẫn còn tồn tại đến hôm nay.

Năm 1958, khi cần vũ khí và tiếp liệu để đánh chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã o bế Trung Quốc rất chí tình. Chúng ta nhớ lại, ngày 4.9.1958, Trung Quốc ra tuyên bố về lãnh hải của Trung Quốc, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó, ngày 14.9.1958 Thủ Tướng Phạm Văn Đồng viết cho Chu Ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện Trung Quốc một công hàm nói rằng Chính Phủ VNDCCH tán thành tuyên bố ngày 4.9.1958 của CHND Trung Quốc, mặc dầu lúc đó hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VNCH, Hà Nội không có quyền gì trên hai hòn đảo đó cả.

Nhưng năm 1979, khi nhóm Lê Duẩn quyết định đi theo đường lối “cải tạo xã hội chủ nghĩa” của Liên Sô và đưa quân đi dẹp Khmer Đỏ, tay chân bộ hạ của Trung Quốc, Trung Quốc quyết định “dạy cho Việt Nam một bài học”. Sau đó, dảng CSVN đã chơi cạn tàu ráo máng, cho xuất bản hai tập sách nói lên hết mặt trái về tương quan giữa Trung Quốc và Việt Nam, nhờ vậy chúng ta biết thêm nhiều sự thật lịch sử chưa từng được tiết lộ, đó là hai tập sau đây:

1.- Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua.

2.- Vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chúng tôi đã nhiều lần xữ dụng hai tài liệu này để nói chuyện với nhà cầm quyền CSVN và ông Đại Sứ Lê Công Phụng mỗi khi họ “cường điệu”.

Tuy nhiên, sau khi các chế độ cộng sản Liên Sô và Đông Âu sụp đổ, Trung Quốc và Việt Nam đã kết hợp lại với nhau thành một cái thế liên hoàn để bảo vệ chế độ cộng sản còn lại, khẩu hiệu “Tình hữu nghị Việt – Trung đời đời bền vững” lại được căng lên. Và như đã nói trên, vào năm 2010 tới đây, Trung Quốc và Việt Nam sẽ phát động “Năm Hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam” để đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước!

Ở phần cuối của tập “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”, xuất bản vào tháng 10 năm 1979, đảng CSVN đã viết:

“Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, góp phần bảo vệ ổn định ở Đông Nam châu Á và trên thế giới tuy lâu dài nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang.”

Từ đó đến nay cũng đã gần 30 năm, “thắng lợi vẻ vang” ở đâu chưa thấy thấy, chỉ thấy Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa để trực tiếp quản lý ba quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, sau đó vẽ đường lưỡi bò quy gồm cả Biển Đông, xâm phạm vào lãnh hải của Việt Nam. Không biết con đường ngoại giao của Hà Nội sẽ giải quyết được gì khi Trung Quốc chủ trương “chủ quyền nằm đầu họng súng”?

(5.5.2009)