Ông Già Và Ti-Vi |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. | |||
Thứ Năm, 07 Tháng 5 Năm 2009 03:04 | |||
“Ông già và Biển cả”, tác phẩm của Văn hào Ernest Hemingway, ấn hành năm 1952 khi ông còn ở đảo Cuba, mô tả một ông già đánh cá nghèo khổ sống ở bờ biển đảo này, một ngày nọ ra khơi với chiếc thuyền nhỏ của ông. Nhiều lần trong suốt đời, ông đã trải qua những ngày lênh đênh trên biển để đánh cá kiếm tiền nuôi gia đình. Lần này chỉ mới trải qua ba đêm, ông đã may mắn vào lúc khuya gặp một đàn cá chuồn lớn nhẩy nhót bao quanh thuyền ông. Đây là dịp may hiếm có, vì cá chuồn xương lớn nhưng thịt ngon, bán rất mắc tiền ở chợ. Ông dùng lao đâm trúng một con cá lớn dài đến 18 bộ (khoảng 5 mét), hì hục lôi lên thuyền, con cá đã chết. Ông mừng lắm, bèn giòng dây cột thả con cá chết xuống biển để chèo thuyền kéo vào bờ. Trong khi đó một đàn cá mập ngửi thấy mùi máu, đã bám sát thuyền. Về đến bến, ông kéo con cá lên, thấy con cá chuồn nhẹ tênh. Thì ra đàn cá mập đã rỉa hết thịt, cá chỉ còn trơ xương. Ông già thất vọng, đau khổ nghĩ đến gia đình nheo nhóc ở nhà. Nhưng chỉ qua một ngày, đêm hôm sau ông lại chèo thuyền ra khơi như thường không chút buồn nản. Đây là cả một tinh thần kiên cường bất khuất của một con nguời nghèo khổ, không biết đã bao lần chiến đấu, nhưng vẫn bình thản trước mọi hoàn cảnh, dù thắng lợi vẻ vang hoặc thất bại đau đớn trong cuộc đời của ông. Đó là một cuốn tiểu thuyết hư cấu của một thời đã qua. Ở đây tôi muốn nói đến thời nay và cũng là chuyện thời cuộc có thật đang diễn ra trước mắt mọi người. Vì thế bài có tựa đề “Ông già và Ti-Vi”. Ông già này không có tên, vì ông cũng chỉ là một trong phần đông có đến cả triệu ông già khác đã lớn tuổi khoảng trên dưới 80 đang sống trên đất Mỹ và là công dân Mỹ, tóm lại đó là ông già của đại chúng. Đại chúng Mỹ vào thời điểm hiện tại bao gồm đa số là gốc người da trắng như xưa, nhưng ngày nay số người gốc chủng tộc khác đã nhiều hơn trước, từ khắp năm châu đến chẳng hạn gốc Phi châu, gốc Nam Mỹ, gốc Âu, gốc Á, trong đó cố nhiên có gốc Việt. Các ông già quần chúng đó đã đến tuổi về hưu từ lâu phần đông vì hoàn cảnh đang sống cô đơn, xa con cháu và người bạn đời đã khuất bóng. Vậy cuộc sống của những ông già đó như thế nào? Về vật chất các ông đã có tiền hưu, tiền trợ cấp của chính phủ. Nhưng về tinh thần, các ông có cả một vấn đề lớn. Các ông có một nỗi buồn day dứt thật khó tả, vì các ông biết và đang thấy sự sống của các ông đã bắt đầu ra đi bằng những bước chậm rãi. Vì thế các ông thờ ơ với thiên hạ sự, chẳng muốn nhìn đến nó làm chi cho mệt. Nếu là một ông già gốc Việt, có chút duyên nợ với văn chương trong thuở niên thiếu, chắc hẳn phải nhớ đến một câu thơ thời Tự lực Văn đoàn từ thế kỷ trước “Gác áo phong sương trên quán trọ, lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang”. Vui ư, buồn ư, ta đâu cần biết, ta sắp rời bỏ nó rồi. Những tư tưởng yếm thế như vậy, nói chung cho tất cả mọi người già không riêng một nhóm chủng tộc nào, không phải bắt nguồn từ lẽ sinh tử mà bắt nguồn từ một nguyên nhân khác đáng quan tâm hơn sự sống chết. Đó là mặc cảm của mấy ông cho rằng mình đã trở thành vật phế thải, của thừa bỏ thùng rác của xã hội. Sự mặc cảm đó đưa đến chứng trầm cảm với những hội chứng như tự vẫn hay tệ hại hơn, chẳng hạn bệnh mất trí nhớ dần dần để quên lãng tất cả và trở thành “hoạt tử nhân”, sống không ra sống, chết không ra chết. Nhưng cũng may, một hôm các ông già đại chúng đó, chợt thấy ông không cô đơn nữa. Các ông bỗng thấy có một người bạn chung thủy chẳng bao giờ rời bỏ ông, vẫn luôn luôn ở trong phòng ngủ của ông, chỉ vì ông vô tình, không để ý đến thôi. Người bạn đó là cái máy TV của ông. Nó là máy làm sao làm bạn với ông được? Trước đây ông vẫn mở máy xem qua tin tức, rồi tắt máy, chẳng thèm ngó ngàng đến nó nữa. Nhưng mấy năm gần đây ông nhìn đến nó luôn vì tuy chán đời, ông tự nhiên vẫn thấy cần phải xem, vào thời kỳ thế giới bước qua đầu Thiên niên kỷ III, con người có nhiều chuyện lạ nên ông xem nhiều hơn. Xem cho đỡ buồn hay chỉ vì tò mò đôi chút, bất luận vì lý do gì, ông cũng xem qua rồi bỏ chẳng cần suy nghĩ gì thêm. Nhưng vào thời Cable TV và kỹ thuật HD tân tiến, tạo ra một sự bùng nổ truyền thông, có đến hàng trăm kênh TV mới, không phải chỉ có tin tức mà còn có những kênh chuyên phổ biến phim Điện ảnh, kể cả những phim của thời quá khứ gọi là “cổ điển”, thực ra là những phim cận đại chỉ cách đây ba, bốn chục năm. Chính việc ngồi nhà xem phim đã làm các ông già cằn cỗi bỗng trở thành những tay nghiền phim, từ ngữ mới gọi là “cinemania”. Từ đây các ông nhận thấy cái máy TV không chỉ là bạn, mà còn là một người Thầy rất hấp dẫn. Hấp dẫn hơn cả những người tình của các ông khi còn trẻ. Gọi máy TV là người Thầy, chẳng hóa ra là kiểu cách “lập dị” chăng? Vậy hãy thử hỏi “học” là cái gì? Giản dị, đó là một sự tích lũy kinh nghiệm. Một đứa trẻ đi học lớp mẫu giáo, nó nghe cô giáo dạy nó từng chữ, đứa trẻ nhớ thuộc lòng, đó là nó đã có kinh nghiệm về những chữ đó. Lớn lên, đứa trẻ đi từ Tiểu học lên Trung học hay hơn, nó đi học nhưng cũng là tích lũy kinh nghiệm…Đến các cấp Đại học, hiển nhiên người sinh viên trưởng thành đã bước vào thời kỳ học để rồi tự luận lý hay khảo nghiệm để tìm ra kết quả, đây là tích lũy kinh nghiệm. Mấy ông già ngày nay “nghiền” ông Thầy là cái máy TV vì nó đã cho các ông biết từng giờ từng phút những sự việc đang xẩy ra trên khắp thế giới. Các ông tò mò chăng? Không, học hỏi đấy! Các phim điện ảnh trên TV là trò giải trí chăng? Nó còn hơn gấp bội lần giải trí, vì đó là những câu chuyện về con người, về những cuộc sống với những tình tiết éo le, phức tạp, xem phim vui để cười lên như nắc nẻ, phim buồn để có lúc phải nhỏ lệ thương đau. Ông Thầy TV đã dậy những bài học thấm thía về tình, tình đời cũng như tình người, chữ thời cổ là nhân tình thế thái, nhất là tình yêu của trai gái. Tuy nhiên ở đây có một điểm vô cùng quan trọng cần ghi nhớ. Con người không phải là cái máy in bản sao (copier), con người có bộ óc để phân biệt phải trái. Con người học bài học về tình người hay tình đời của một cái máy, không phải để bắt chước y hệt, nhắm mắt hành động bất luận phải trái, trắng đen. Bộ óc con người có sẵn một cái máy lọc (filter) vi diệu nhất trên thế gian này. Cái máy lọc đó có tên là lương tri (consciousness) hay tâm thức cũng vậy. Đó là lương tâm, đức độ của con người. Tri là biết, là có kiến thức sâu rộng để biết đâu là thật, đâu là giả, để sàng lọc loại bỏ những thói hư tật xấu chẳng hạn như lạm dụng danh nghĩa, vu khống hại người ngay thẳng. Hãy mở bộ óc ra để thâu vào những tư tưởng tự do trong sáng của thời đại mới, thay vì đóng óc để giữ chặt chủ truơng bảo thủ cực đoan đã lỗi thời.
|