Home Tin Tức Bình Luận Trung Quốc và Việt Nam

Trung Quốc và Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Hai, 11 Tháng 5 Năm 2009 05:22

Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam nằm tại Hà Nội...

Chuyện Trung Quốc và Việt Nam có thể nhìn từ cái nhân, là Trung Quốc, và cái duyên, hay đúng hơn, cái nợ, là lãnh đạo Việt Nam ngày nay.

Trong hoàn cảnh tạm gọi là khách quan - nằm bên ngoài yếu tố Việt Nam hay khả năng quyết định của người Việt Nam - Trung Quốc phải bành trướng ra ngoài để kiếm ăn. Nếu không, chế độ sẽ sụp đổ vì nội loạn. Lãnh đạo của họ đang gặp bài toán sinh tử của một quốc gia đông dân mà thực ra không có đủ tài nguyên để nuôi dân.

Xứ nào cũng có thể gặp bài toàn về tài nguyên ấy, điển hình ngay tại Đông Bắc Á là Nhật Bản, Đại Hàn hay Đài Loan, và vì vậy họ phải tổ chức xã hội ở bên trong để buôn bán với bên ngoài. Trung Quốc cũng thế. Nhưng khác với các quốc gia kia, Trung Quốc có một chế độ chính trị độc tài và nét văn hoá bá quyền.

Họ tự nghĩ mình là trung tâm của thế giới - tên nước là như vậy - và ngày nay, khi Hà Nội dùng chữ "Trung" để nói về họ, thay vì chữ Hoa, như quan hệ "Việt-Trung" thay vì "Việt-Hoa", thì đã mặc nhiên công nhận như vậy và đấy là điều đáng tiếc, đứng trên quan điểm của người Việt. Và với chế độ chính trị hiện tại, họ giải quyết bài toán của họ theo kiểu “trong bá ngoài vương”, ngoài thì nói giọng văn minh ôn hoà, thí dụ như “phát triển trong hòa bình”, nhưng bên trong sẵn sàng trò bá đạo, tức là mua chuộc hay khuynh đảo xứ khác, bất chấp những nguyên tắc hành xử ôn hoà minh bạch của thế giới hôm nay.

LẼ SINH TỬ CỦA TRUNG QUỐC

Lý do cấp bách là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc không thể đóng cửa tự cung tự cấp mà phải tìm nguyên nhiên vật liệu và cả nông thực phẩm cho bên trong và tìm thị trường xuất cảng ra ngoài. Sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, từ 30 năm nay, Trung Quốc mới thực sự ra khỏi hình thái kinh tế nông nghiệp, đã tăng trưởng mạnh như các quốc gia tân hưng trong thời kỳ khởi phát ban đầu. Nhưng ngược lại, họ cần thị trường xuất cảng và nhập cảng nguyên nhiên vật liệu cho việc công nghiệp hoá. Một thí dụ nổi bật là dầu thô.

Trung Quốc là một nước sản xuất dầu khí, vậy mà từ năm 1993, đã tiêu thụ nhiều hơn sản lượng và bắt đầu phải mua từ ngoài. Mười năm sau, là năm 2003, họ trở thành nước mua dầu thứ nhì thế giới sau Nhật Bản. Năm ngoái là 2008 thì đã vượt qua Nhật, với tám triệu thùng tiêu thụ mỗi ngày mà chỉ sản xuất được có chừng phân nửa. Trung Quốc khát dầu và bị lệ thuộc vào bên ngoài nên mua chuộc, chiêu dụ hoặc lấn áp mọi nguồn cung cấp họ có thể vươn tới.

Ngoài dầu thô, Trung Quốc cũng cần quặng sắt và đã triệt để khai thác hầm mỏ của họ, với sản lượng tăng gấp bốn trong hai chục năm. Vậy mà chưa đủ cho kỹ nghệ thép nên phải nhập. Từ 11 triệu tấn vào năm 1987, số nhập cảng ngày nay đã lên tới 440 triệu tấn và tương đương với 35% nhu cầu. Sau dầu thô, quặng sắt, họ cần nhiều thứ kim loại khác, thí dụ như bauxite.

Sản lượng bauxite từ hơn 3 triệu tấn năm 1987 qua năm 2007 đã lên tới 30 triệu tấn nên phải nhập cảng, từ 323 ngàn tấn vào năm 1987 nay đã lên tới 30 triệu tấn. Các kim loại khác như đồng hay kẽm cũng vậy. Đã thế, có sản lượng nông nghiệp - kể cả gạo - nhiều nhất địa cầu, và cũng đáng kể về các nông sản khác, Trung Quốc vẫn chỉ canh tác đủ ăn và nay phải nhập cảng để nuôi gần một tỷ 400 triệu dân.

Nói vắn tắt thì dù tận lực đào xới tài nguyên nội địa gấp ba bốn lần, xứ này chưa có đủ cho nhu cầu và phải tìm nguồn cung cấp từ bên ngoài. Điều này chưa hề xảy ra trong lịch sử của họ.

Và ngược với lời ca ngợi của truyền thông quốc tế và giới tư bản làm ăn tại các tỉnh duyên hải, Trung Quốc là một quốc gia chậm tiến, có đầy mâu thuẫn nội bộ và có thể bị khủng hoảng bất cứ lúc nào. Khủng hoảng trước tiên là mâu thuẫn giữa hai khu vực trong-ngoài, chưa nói tới những mâu thuẫn trong đảng.

Hãy tìm hiểu đôi chút về địa dư của Trung Quốc để hiểu ra vấn đề sinh tử ấy của họ.

ĐỊA DƯ HÌNH THỂ

Địa dư hình thể Trung Quốc có thể được chia làm ba khu vực.

Hãy hình dung ra một đẳng cao tuyến từ mỏm cao nhất của biên giới với Miến Điện qua thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên tới Bắc Kinh và qua Mãn Châu (gồm ba tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh). Hướng Đông của đường tuyến đó ra tới biển là nơi có độ ẩm đủ cao cho trồng trọt và lại có ba con sông lớn cho sự tiêu tưới và vận chuyển là Hoàng hà, Dương tử và cả Châu giang tại Quảng Đông. Cho nên khu vực này là nơi nuôi dân và xuất phát ra nền văn minh của họ.

Ngày nay, nơi đây tập trung 400 triệu dân với mật độ dân số rất cao trên diện tích canh tác thật ra rất hẹp, chỉ bằng một phần ba trung bình của thế giới. Từ 10 năm nay, diện tích canh tác này còn bị thu hẹp dần. Tại Hội nghị kỳ 3 của Ban chấp hành Trung ương đảng khóa 17 vào tháng 10 năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quồc đã phải thảo luận về một kế hoạch Cải cách Ruộng đất mới để giải quyết bài toán này.

Công cuộc kỹ nghệ hoá từ 30 năm nay khiến khu vực tạm gọi là duyên hải ấy đã nhoài ra ngoài và quay lưng lại bên trong. Khi nói tới phép lạ và bước nhảy vọt của Trung Quốc, thiên hạ chỉ nhìn thấy khu vực này hay các trung tâm Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thẩm quyền mà thôi.

Khu vực thứ hai, từ phía Tây của đường tuyến vừa nói, là một vùng bát ngát mà khô cằn của sa mạc, thảo nguyên và núi non. Nơi đây chuyển vận khó khăn vì thiên nhiên hiểm trở và lại bị khoá trong lục địa nên khó thông thương với bên ngoài.

Khu vực nội địa này là phần đất lạc hậu, với gần 900 triệu dân nghèo khổ và bắt đầu ý thức được sự nghèo khổ của họ khi nhìn ra các tỉnh miền Đông. Họ muốn tham dự vào tiến trình cải cách để cải thiện mức sống mà cảm thấy bị bỏ rơi vì chiến lược phát triển xuất cảng lại chú trọng tới khu vực hướng ngoại kia. Những tin tức ngày càng nhiều và càng khó che giấu về các vụ biểu tình bạo động thường xuất phát tại đây mà vì nằm sâu trong lục địa nên ít được thế giới biết đến. Trong lịch sử Trung Quốc, đa số các cuộc thay đổi triều đại ở đều xuất phát từ khu vực này.

Khu vực thứ ba là các vùng phiên trấn, từ Cao nguyên Thanh Tạng qua Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và Mãn Châu. Đây là các địa phương hiểm trở tiếp giáp với bên ngoài và trong lịch sử đã từng là cửa ngõ cho ngoại xâm của các dị tộc vào thẳng Trung Nguyên, thậm chí cai trị luôn Hán tộc, như Kim, Liêu, Mông, Mãn.

Vì nỗi sợ truyền thống ấy mà lãnh đạo nào của Trung Quốc cũng phải gửi quân tới đồn trú, xây dựng thành vùng trái độn để bảo vệ Trung Nguyên của Hán tộc. Hán Vũ đế hay Mao Trạch Đông cũng thế mà thôi. Mà từ các vùng trái độn này, họ không thể bung ra xâm lăng nước khác, như Đế quốc Nga, các nước Trung Á hay Ần Độ.

Người Việt ta và cả thế giới ít ai chú ý tới hai đặc tính của nền văn hóa Trung Quốc, đó là sợ hãi và khoa trương.

Kỳ tích của nền văn minh này là Vạn lý Trường thành xuất phát từ sự sợ hãi và phản ứng phòng thủ đã có từ thời Chiến quốc tới ngày nay. Tiêu biểu cho nét khoa trương là cách đối xử với các nước họ coi là chư hầu mà thật ra không chi phối được, ngoài vài thủ đoạn về hình thức huê dạng mà tốn kém cho Thiên triều. Hãy nhớ cung cách của Thanh Càn Long với Quang Trung nước ta thì rõ. Hãy nhớ tới việc các công chúa bị gả bán cho rợ Hung nô để mua hòa bình thì rõ. Tây phương không hiểu điều này nên cứ tin rằng các lân bang đều là chư hầu của Trung Quốc và không có chủ quyền.

Nhìn lại về địa dư và lịch sử, Trung Quốc chỉ có hai ngả để bành trướng ra ngoài, hoặc là ra biển, hoặc là xuống Bắc Việt. Trong lịch sử, mỗi lần xuống Bắc Việt và bị đẩy lui thì các đô đốc bị dìm dưới sông hay chiến tướng bị chém đầu ngoài ải ở nước ta. Bây giờ đã khác rồi...

Lần cuối họ bước xuống Bắc Việt là cách đây 30 năm khi Đặng Tiểu Bình cho Hà Nội bài học vào năm 1979. Giờ đây, họ đang bước ra biển với việc xây dựng hải đội có khả năng viễn duyên, và bậc thềm tất nhiên chính là Đông hải của chúng ta. Ngày nay, họ đã vào Bắc Việt và có mặt ngoài Đông hải. Từ vị trí một đại cường lục địa trong lịch sử, Trung Quồc đang trở thành đại cường hải dương.

Trung Quốc đạt thành tích ấy là nhờ đảng Cộng sản Việt Nam.

MỐI NỢ CỦA VIỆT NAM

Ta bước qua phần hai, về cái duyên hay cái nợ của Việt Nam.

Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam dựng chiêu bài độc lập dân tộc để lừa người dân và thế giới, bản chất của họ là lệ thuộc ngoại bang và đạo tặc với dân chúng. Toàn bộ công cuộc gọi là kháng chiến đều chỉ để bành trướng chủ nghĩa vô sản cho Quốc tế Cộng sản. Khi tổ quốc xã hội chủ nghĩa tan rã, Liên Xô sụp đổ, họ bỗng thành mồ côi quan thầy, và trở về vị trí cũ là làm chư hầu cho Trung Quốc để có cái thế tồn tại.

Trong lịch sử nước nhà, dân ta đã bị Bắc thuộc nhiều lần. Nhưng ngay trong các triều đại anh hùng được dựng lên sau khi chiến thắng ngoại xâm từ phương Bắc, các cụ ta vẫn cai trị đất nước theo quy cách Bắc phương. Hoàn cảnh lịch sử và địa dư có thể giải thích điều đáng tiếc ấy, nhưng ta cũng phải thấy cho tổ tiên, rằng trong cả ngàn năm, kể từ Ngô Quyền năm 939, thế giới của chúng ta chỉ có một trục Bắc-Nam.

Tuy nhiên, dù bị ảnh hưởng rất nặng, dân ta vẫn không bị đồng hóa.

Một nguyên nhân chính là dù triều đình và các phẩn tử ưu tú đều hấp thụ kiến thức Trung Hoa, thậm chí coi đó là khuôn vàng thước ngọc, người dân vẫn có tinh thần độc lập rất mạnh và còn có ý thức, nghĩa là cố ý, duy trì sự khác biệt giữa chúng ta và Trung Quốc.

Đấy là tinh thần yêu nước đích thực của người Việt, động lực chính của những chiến thắng lịch sử. Khi chính quyền ươn hèn không cầm cự nổi với ngoại xâm hoặc còn cấu kết với phương Bắc thì chính người dân lại nổi dậy kháng chiến và lật đổ triều đình bất lực, tay sai. Khi ta nói đến các bậc anh hùng áo vải thì đấy là những người từ dân chúng tự động nổi lên.

Ngày nay, sự thể đã khác vì vậy ta mới nói đến cái nợ.

Đảng Cộng sản tự xưng là từ nhân dân mà ra, ngày nay đang triệt phá tinh thần yêu nước của người dân và trừng phạt những ai dám lên tiếng chống lại thái độ ngang ngược và sự bành trướng của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh có tham vọng bành trướng là sự thể khách quan, việc các nước xử trí ra sao trước áp lực ấy là bài toán chủ quan của từng nước.

Nếu chúng ta có một chính quyền tự do và dân chủ, thì Việt Nam vẫn gặp hiểm họa của Trung Quốc và bị còn nặng hơn Thái Lan hay Mã Lai Á, Phi Luật Tân vì giáp giới với xứ này. Nhưng với một chính quyền tự do dân chủ, Việt Nam đã ứng xử khác và chắc chắn là hữu hiệu hơn. Chúng ta có thể thảo luận về giả thuyết ấy cho tương lai chứ hiện tại thì chuyện đó không có.

Hiện tại thì ta đang có một chính quyền Cộng sản bị lệ thuộc Bắc Kinh ở ngay thủ đô Hà Nội. Vần đề không đơn giản là ta có nên chống cộng hay không, mà là Việt Nam có thể tồn tại không. Vì Chính quyền Hà Nội là cánh tay nối dài của Bắc Kinh và là cánh tay đàn áp dân Việt ở trong nước. Vấn đề Trung Quốc của Việt Nam vì vậy nằm tại Hà Nội.

Bước đầu của việc ứng phó với Trung Quốc phải được giải quyết tại Hà Nội.

Việc giải quyết ấy không dễ, nhưng phải khởi đi từ một thái độ minh bạch là cho dư luận thế giới thấy rằng người Việt Nam không chấp nhận những quyết định tai hại của lãnh đạo Hà Nội.

Những đòi hỏi như Hà Nội phải công bố các hiệp ước về biên giới lãnh thổ và lãnh hải và phải nghe ý dân về việc khai thác các quặng bauxite tại Cao nguyên Trung phần cũng là cần thiết để mọi người trong cuộc, từ lãnh đạo Bắc Kinh tới Hà Nội hay chủ đầu tư quốc tế cùng biết là người Việt không đồng ý với các quyết định ấy. Trong mọi tính toán của thiên hạ, từ địa dư chiến lược tới đầu tư kinh tế, những người hữu trách đều phải chú ý đến ý kiến và thái độ của người dân ở tại chỗ, nếu không, kế hoạch sẽ bị trở ngại, các dự án có khi thất bại.

Vì thái độ của lãnh đạo Hà Nội, Việt Nam khó huy động được trận tuyến chung của các nước Đông Nam Á để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, nay mai sẽ khống chế cả eo biển Malacca sau khi kiểm soát hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các quốc gia lân bang kia không tin vào ý chí độc lập của Hà Nội. Cho nên, người Việt phải cho thế giới và trước tiên là các lân bang đó hiểu rằng Việt Nam có giải pháp khác, vì người Việt Nam không chấp nhận làm chư hầu hay lính đánh thuê cho Trung Quốc.

Việc người Việt đòi nhà cầm quyền Hà Nội phải đệ nạp hồ sơ xác nhận thềm lục địa của mình cho Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hiệp quốc trước kỳ hạn 13 tháng này là cần thiết. Để thứ nhất, gây sức ép với Hà Nội, thứ hai cho thế giới biết cộng đồng người Việt không chấp nhận sự làm ngơ của Hà Nội cho nên vẫn phải thu thập hồ sơ làm chứng tích sau này.

Nếu chúng ta không lên tiếng, thế giới có thể nghĩ rằng chỉ cần Bắc Kinh gật đầu cho Hà Nội chắp tay là mọi việc đều xong. Họ mà nghĩ lầm như vậy thì Việt Nam trở thành phiên thuộc của Trung Quốc và đất nước mất chủ quyền.

Khi ấy, chúng ta cũng có phần trách nhiệm, nhất là vì mình đang sống ở bên ngoài và có hoàn cảnh lên tiếng cho đồng bào trong nước.

BAUXITE LÀ "SẢN NHẬP"

Bây giờ, xin được đi vào vài chuyện cụ thể về kế hoạch bauxite trong toàn cảnh của xứ sở.

Thuần về kinh tế mà nói, sản xuất là khi ta chọn lựa và hy sinh một số tài sản hay công sức - gọi là "nhập lượng" - để thí dụ như đưa vào một nhà máy nhằm tạo ra "xuất lượng" là những tài sản có giá trị và trị giá cao hơn. Muốn biết có cao hơn không thì phải kiểm điểm rộng rãi và lâu dài xem ta mất những gì - có thể thấy và không thể thấy, và những ai mất - mà để được những gì, và cái được ấy thì ai hưởng?

Nếu cái mất lại cao hơn cái được thì ta có hiện tượng "sản nhập", không phải sản xuất. Trong tinh thần kinh tế ấy, kế hoạch sơ chế bauxite gồm ít ra bảy dự án để bán alumine, một loại bán chế phẩm rầt thô thiển, trị giá chỉ còn chừng 250 đô la một tấn, từ các tỉnh Cao nguyên Trung phần của Việt Nam, là một hiện tượng sản nhập tai hại.

Cái mất là đất đai canh tác các loại cây kỹ nghệ có giá trị kinh tế cao hơn, điều ấy ai cũng có thể thấy khi nhớ đến trà và cà phê của cao nguyên. Cái mất còn là nguồn nước tiêu tưới và nuôi sống người dân ở tại chỗ và dưới hạ nguồn, từ sông Srépok tới sông Đồng Nai, nghĩa là cả Sàigon và các tỉnh miền Đông Nam Việt. Chỉ vì kế hoạch cần nước để rửa quặng và rửa xong thì có bùn đỏ đầy độc chất sẽ hủy diệt thổ nhưỡng, hoa màu và các nguồn nước chảy ra sông dưới hạ nguồn, nơi sinh sống của ba chục triệu dân.

Cái mất sâu xa và lâu dài là cả một khu vực bát ngát ít ra là 5.000 cây số vuông của hai tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng coi như bị ô nhiễm, môi sinh bị hủy diệt vì bụi đỏ ở trên và nước độc ở dưới. Và nạn ô nhiễm ấy không chấm dứt trong vài năm mà sẽ biến vùng đất ấy thành nơi không thể có sinh hoạt kinh tế bình thường.

Cái mất cũng là điện cho các nhà máy thủy điện đã và sẽ còn được xây dựng trong khuôn khổ của kế hoạch.

Việt Nam vẫn còn thiếu điện, nhất là ở Cao nguyên Trung phần, chưa biết bao giờ mới có khả năng sản xuất hơn công xuất toàn quốc hiện nay là gần 60 tỷ KwGiờ. Vậy mà phải tìm ra 18 tỷ KwGiờ thực hiện ước mơ tinh chế ra một tỷ 200 triệu tấn nhôm, trị giá ngày nay chỉ còn cỡ 2.100 đô la một tấn. Nếu chỉ tính riêng giá điện thì tổng số điện tiêu thụ vẫn còn đắt hơn tiền thu nhờ bán nhôm, nếu như có ngày Việt Nam biến chế được ôxíd nhôm ra nhôm ròng đem bán!

Không kỹ sư nào có bộ óc bình thường lại có thể đồng ý với chuyện sản nhập ấy.

Bây giờ, nói đến cái mất khó thấy.

Trước hết là chuyện hủy diệt trật tự môi sinh đã gặp ở nhiều xứ khác - thí dụ như Ấn Độ - và chắc chắn sẽ thấy tại Việt Nam. Thứ hai là dủy diệt toàn bộ nền văn hoá bản địa, là nơi cư ngụ của nhiều sắc tộc đồng bào thiểu số. Họ sẽ đi đâu và làm gì để sống khi bị đánh bật rễ ra khỏi nơi ngụ cư và sống trong một vùng ô nhiễm chết người?

Thứ ba, xin hiểu "hiểm họa Trọng Thủy" theo cả nghĩa đen. Đó là trào lưu lấy vợ nước Nam. Nhân viên quân và dân sự Trung Quốc đang túa vào buôn làng và mua chuộc hoặc cưỡng bách phụ nữ để sẽ sinh con đẻ cái nơi ấy, với hộ tịch của họ. Họ khuynh đảo hệ thống hành chánh và chính trị địa phương để sẽ có ngày ta nghe nói tới phong trào thiểu số đòi tự trị. Từ các tỉnh biên giới Hoa-Việt tới các tỉnh Cao nguyên, nếu sau này các đại biểu của người thiểu số ấy muốn ly khai, hay đòi được quy chế tự trị dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, chúng ta nghĩ sao?

Cái mất vô hình thứ tư mà nghiêm trọng nhất, là xâm phạm vào an ninh của Việt Nam, chạy dài từ cao nguyên Bolovens bên Lào xuống các cao nguyên Kontum, Kon Plông, Kon Hà Nừng, Pleiku, M'Drăk, cao nguyên Lâm viên nơi có thị xã Đà Lạt và cao nguyên Di Linh.

Dù không là một nhà quân sự, ta cũng có thể mường tượng được mối nguy khi vùng cao nguyên chiến lược ấy, với cao độ từ 400 đến 1.500 thước lại bị xâm phạm, như cột xương sống của quốc gia bị ai đó điểm huyệt. Mà sự khống chế đã bắt đầu, khi Trung Quốc đưa người vào làm việc khỏi cần chiếu khán và sẽ còn đưa bộ đội vào bảo vệ khu vực này.

Nhân đây, cũng cần thấy một chuyện nguy ngập hơn mà các chuyên gia địa chất có thể tìm hiểu thêm để soi sáng cho chúng ta. Vì sao Việt Nam Cộng Hoà lập Nguyên tử lực cuộc tại Đà Lạt? Trong vùng đất đang thành cấm địa của Trung Quốc, liệu người ta có khai thác quặng mỏ uranium và plutonium cho mục tiêu gì khác chăng? Ai biết được khi Hà Nội giấu kín mọi chuyện?

Tất cả những nguy cơ mất mát ấy chỉ vì lý cớ là để gạn bốn tấn quặng ra hai tấn oxid nhôm và thải ra ngoài bốn tấn bùn đỏ và nước độc! Rồi để vận chuyển số oxid nhôm, trị giá có 250 tới 300 đô la một tấn, qua gần 300 cây số tới bến cảng và bán ra ngoài, người ta phải mở thêm xa lộ hay thiết lộ. Ai sẽ xây?

Trung Quốc! Sau các xa lộ Trường Sơn, rồi quốc lộ số chín từ biên giới Thái Lào ra Quảng Trị, xa lộ nối liền Côn Minh của Vân Nam với Nam Ninh của Quảng Tây với Hà Nội, sau này Trung Quốc sẽ lại hào phóng viện trợ cho Hà Nội một đường khác để chở bauxite ra biển! Và nhân đó bảo vệ an ninh cho cả nước ở những vùng yết hầu của tổ quốc.

Đây mới là mục tiêu của kế hoạch baxite.

Sau khi đã mua chuộc được Cam Bốt, Trung Quốc đang khống chế nước Lào, một xứ phiên trấn của Hà Nội và nay đang cắt ngang xương sống của Việt Nam. Việt Nam đang trôi vào trật tự Trung Quốc, trở thành phiên trấn và vùng trái độn cho xứ này và sẽ có tương lai của một bãi rác công nghiệp với một dân tộc mất chủ quyền.

Tổng kết lại, những vấn đề của chúng ta là gì?

Trước hết, nên thấy rằng Trung Quốc không mạnh và hoàn toàn muốn làm gì là làm.

Ruột gan họ có nhiều mối lo sinh tử nhưng họ có cái thế mạnh chỉ vì thế giới hèn và tham. Không hoang tưởng như các hoàng đế thời xưa, họ rất biết mềm nắn rắn buông. Tức là chỉ lấy những gì lấy được, chứ cũng biết cười cười rút tay về khi bị vụt. Họ đã nắn và Hà Nội đã buông nên họ nắm cả, nhưng không phải là xứ nào cũng nhu nhược như vậy. Xin đơn cử một thí dụ:

Lãnh đạo Bắc Kinh có một nhu cầu chiến lược vì lẽ chính danh và cả sự tồn vong của đảng Cộng sản nếu kinh tế suy sụp. Đó là phải thôn tính được Đài Loan để thoả mãn tự ái dân tộc của một đám quần chúng đói khát u mê. Từ bao năm nay, họ không làm nổi việc thống hợp ấy qua cả hai ngả văn võ, chính trị và quân sự. Lý do chính yếu là dân Đài Loan không sợ và lãnh đạo Đài Loan có khả năng. Trung Quốc mạnh chỉ vì Hà Nội sợ hãi và vì dân khí của ta bị suy nhược.

Lý do thứ hai, vấn đề Đài Loan không chỉ là một thách đố cho hơn hai chục triệu dân trên đảo quốc nhỏ bé này mà còn là vấn đề của các lân bang, và của thế giới. Trước tiên là của Nhật Bản và Đại Hàn, kế đó là Hoa Kỳ. Vì an ninh của họ, các quốc gia ấy có khả năng gián chỉ, can gián và ngăn ngừa. Nhưng, trước tiên Đài Loan phải có quyết tâm đã.

Vấn đề của chúng ta cũng thế.

Trung Quốc là mối nguy cho Việt Nam nhưng cũng là một đe dọa cho các xứ khác. Người Việt Nam phải giải quyết vấn đề Trung Quốc của Việt Nam, tức là trước tiên giải quyết chế độ hiện hành tại Hà Nội. Và giải quyết bằng nỗ lực của người dân chứ không một ai, kể cả Hoa Kỳ, sẽ giúp ta làm chuyện đó.

Nhưng, thế giới cũng sẽ phải giải quyết chuyện Trung Quốc của thế giới. Các quốc gia từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á qua tới Ấn Độ và Úc Đại Lợi và về tới Hoa Kỳ, một siêu cường Á châu, đều quan tâm theo dõi chuyện Trung Quốc. Và sẽ phải bảo vệ quyền lợi của họ.

Nếu quyền lợi ấy tương đồng với Việt Nam thì có thể có sự hợp tác.

Mà làm sao có quyền lợi tương đồng khi các nước Đông Á đầu tư hay viện trợ cho Việt Nam lại bị đảng viên cán bộ móc túi? Làm sao họ tin tưởng vào ý chí độc lập của Việt Nam khi trên các diễn đàn quốc tế Hà Nội luôn luôn ngả theo chủ trương của Bắc Kinh?

Nhìn như vậy, người Việt phải gióng lên một tiếng chuông khác để cho thế giới biết lòng dân không là ý đảng. Ở bất kỳ cương vị nào, ta cũng có thể kêu gọi sự hưởng ứng của người khác, thành một phong trào rộng lớn từ trong nước ra tới bên ngoài.

Sau đó, hãy cùng nghĩ đến vấn đề Trung Quốc của thế giới.

Không ai thương xót người Việt khi Cao nguyên Trung phần bị lạm thác và an ninh xứ sở bị đe dọa. Nhưng họ sẽ quan tâm nhiều hơn nếu thấy rằng đó cũng sẽ là vấn đề của họ. Làm sao trình bày, giải thích và vận động một chuỗi tương quan nhân quả này là một tiến trình công phu vì đòi hỏi nhiều nỗ lực đa diện. Trước hết, đòi hỏi sự quan tâm, tìm hiểu.

Nhưng người Việt ta ở hải ngoại đủ đông và giới trẻ thành tài ở đã có đủ kiến thức lẫn sự quen biết để tìm hiểu, miễn là phải để tâm tới vấn đề, nếu được phụ huynh nhắc nhở. Từ đó, họ có thể khai triển thành từng việc thiết thực hầu thuyết phục từng thành phần liên hệ trên thế giới, từ các định chế quốc tế đến hiệp hội phi chính phủ hay các chính quyền địa phương và cả các doanh nghiệp ngoại quốc nữa.

Khi thấy hoàn cảnh bi đát của đất nước, cái dũng có thể kích thích trí tuệ chúng ta tìm ra nhiều giải pháp biến hoá tinh vi hơn. Miễn là chúng ta có ý chí.

(Bài tham luận đọc trong cuộc Hội thảo ngày Chủ Nhật mùng ba tháng Năm tại Houston về việc Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ).