Mua tàu ngầm của Nga, VN gởi một thông điệp cho Trung Quốc |
Tác Giả: Joseph Abrams – Phan Tường Vi lược dịch | |||||||
Thứ Ba, 12 Tháng 5 Năm 2009 22:20 | |||||||
Trong một tin nhắn gởi không che đậy đến Bắc Kinh cùng lúc với mức phản đối của dân về việc ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng trong nước, Việt Nam đã đặt mua một đội tàu ngầm tấn công của Nga. Các chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại cho rằng tính dân tộc của Việt Nam gắn liền với ý tưởng chống lại Trung Quốc, và thương ước mua tàu ngầm của Nga là dấu hiệu mới nhất cho thấy đất nước với 87 triệu người dân này đang quan tâm về chuyện bị “Tàu hóa”. “Nhà nước Việt Nam cam kết duy trì một mối quan hệ bình thường với Trung Quốc, nhưng không người Việt Nam nào ngủ mà không hé mắt canh chừng Trung Quốc,” giáo sư môn đối ngoại của trường đại học Virginia, ông Brantly Womack nói. “Một phần lớn của tấm căn cước yêu nước Việt Nam là sự đối kháng chính đáng đối với Trung Quốc.”
Chuyện mua sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo của Nga với tổng gía trị 1.8 tỉ đô-la là một hợp đồng lớn lao cho một đất nước nhỏ và còn chật vật, với ngân sách quốc phòng hàng năm khoảng chừng chỉ 3.6 tỉ đô-la, theo tạp chí Jane’s Intelligence Review. Dù đây không là một dấu hiệu chạy đua vũ trang, “đó là một điều rõ ràng cho thấy đây là một đáp ứng lại với chuyện xây dựng quốc phòng của Trung Quốc," theo ông Womack – bao gồm một căn cứ tàu ngầm mới xây ở đảo Hải Nam, nằm không xa bờ biển Việt Nam mấy. Chuyện chống Trung Quốc được thấy rõ ràng trong những tuần qua khi công nhân Việt Nam biểu tình chống những dự án kỹ nghệ của Trung Quốc mà họ cho rằng những dự án này có thể tàn phá vùng cao nguyên trung phần của đất nước họ. Việt Nam hiện có một trong những mỏ dự trữ quặng nhôm lớn nhất thế giới, là một chất được dùng để chế biến thành nhôm, và là vật liệu Trung Quốc cần để cung cấp cho ngành xây dựng đang đói nhôm của mình. Quyết định mới đây của nhà nước Việt Nam cho phép Công ty Nhôm Trung Quốc khai thác quặng bô-xít đã gây nên một làn sóng phản đối dữ dội vì khả năng tàn phá môi trường, nhưng cũng lên tiếng cho thấy những nỗi lo sợ đáng kể về sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Việt Nam. Một vị tướng thời chiến tranh được nhiều người biết đến, là tướng Võ Nguyên Giáp, đang dẫn đầu chuyện chống Trung Quốc khai thác bô-xít ở Việt Nam. Ông cựu tướng Giáp, người thành lập quân đội Việt Nam, đã viết công khai một lá thư chống chuyện khai thác mỏ bô-xít này, và ông lập lại một lần nữa sự chống đối của ông với ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng đến viếng thăm ông Giáp hôm thứ Năm ngày 7 tháng Năm (DCVOnline: kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ). "Tây Nguyên là vùng có tầm quan trọng chiến lược về an ninh và quốc phòng, không những cho Việt Nam mà còn cho cả Đông Dương,” ông Giáp nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo bản tin của Reuters cho hay. Một vài nhà phân tích trong vùng nói rằng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc khi vơi khi đầy theo thời gian, và hiện nó không căng thẳng hơn bình thường. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm nổi cộm vài tranh chấp nào đó, đặc biệt là sự dành giựt nhằm lôi cuốn vốn đầu tư ngoại quốc. “Ở thời điểm này tôi không thấy có sự thay đổi căn bản nào về hướng đối kháng lẫn nhau,” ông Ken Lieberthal, một nhà nghiên cứu thỉnh giảng về chính sách ngoại giao ở Học viện Brookling nói. “Họ chỉ tin tưởng nhau ở một mức độ nào đó.” Việt Nam và Trung Quốc, vốn bất hòa lẫn nhau trong 3.000 năm qua, đã đánh nhau qua một trận chiến gần đây nhất, tuy ngắn ngủi nhưng đẫm máu trong năm 1979 với hằng chục ngàn người đã bỏ mình. Hai nước là đồng minh với nhau trong suốt cuộc chiến tranh của miền Bắc chống Pháp và chính phủ miền Nam Việt Nam do Hoa Kỳ hậu thuẩn, nhưng mối quan hệ đồng minh này biến mất nhanh chóng sau khi hai miền Nam Bắc Việt Nam thống nhất, và khi Việt Nam tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Liên bang Xô-Viết trong những năm cuối của thập niên 1970.
Tàu ngầm của Nga chế tạo được chuyển giao cho Trung Quốc. Nguồn: Defense Industry Daily Ông Lieberthal nói rằng cái điều “rắc rối thật sự” giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc có thể nằm trong chuyện tranh chấp nước trong tương lai. Trung Quốc tiếp tục xây đập nước lớn ở thượng nguồn sông Cửu Long, là mạch máu của miền Nam Việt Nam, chảy uốn khúc qua sáu nước dài 2.700 dặm nhưng bắt nguồn từ Trung Quốc. “Điều này ảnh hưởng những người sống dọc theo sông Cửu Long. Đây là điều có một sự cộng hưởng chung lớn lao,” ông Lieberthal nói với FOXnews.com. “Nếu nói chuyện hơn-thua ở đây, thì Trung Quốc ở trong vị thế hơn với cái gía phải trả khôn lường cho Việt Nam và những nước khác.” Hai nước cũng đã tranh chấp lẫn nhau về hai quần đảo nằm ở biển Nam Hải, là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta tin rằng nằm dưới hai quần đảo này là một lượng dầu dự trữ lớn lao. Các chuyên gia phòng thủ nói rằng chuyện đặt mua tàu ngầm của Nga mới đây - loại tàu ngầm có biệt danh “Những Lỗ Đen” do Hải quân Hoa Kỳ đặt, vì khả năng tránh bị phát hiện của nó – là loại tàu ngầm được chế tạo nhằm mục đích chống tàu ngầm và chiến tranh chống tàu trên mặt biển. Những tàu ngầm này có thể giúp Việt Nam bảo vệ tính chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Nam Hải và ngăn chận sự xâm nhập gần bờ duyên hải của Việt Nam dài hơn 2.000 dặm. Viên chức Hoa Kỳ lấy làm thận trọng trong những phát biểu về sự căng thẳng trong vùng hay chuyện Hà Nội mua tàu ngầm của Nga này. “Chúng tôi nói chuyện với các nước trong vùng bao gồm Trung Quốc và Việt Nam trên căn bản thường xuyên liên quan đến những biến cố và phát triển trong vùng,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ông Gordon Duguid nói. “(Nhưng) nó không có ích lợi chút nào khi chúng tôi đưa ý kiến về chuyện mua vũ khí quân sự của nước khác.”
|