Nước Ấn Ðộ có thể hãnh diện |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Sáu, 15 Tháng 5 Năm 2009 20:49 | |||
Trong truyện White Tiger của nhà văn Ấn Ðộ Aravind Adiga có đoạn kể anh tài xế Balram Halwai, khi đưa chủ nhân về tới cổng nhà, thì cậu chủ lớn đánh rớt một đồng ru-pi trong xe. Cậu bắt anh tài xế phải tìm cho ra. Anh tài Balram lúi húi tìm mãi không thấy, cậu chủ mắng: Mày đừng giả bộ tìm không ra để có cớ thuổng đồng tiền của tao nghe mầy! Cuối cùng, để cho ông chủ ngưng mắng, anh tài xế lén rút một đồng ru pi trong túi mình, rồi giả đò reo lên như mới tìm thấy đồng tiền, lễ phép cúi đầu đưa trả ông chủ. Mỗi đô la Mỹ đổi được từ 40 đến 50 ru pi Ấn Ðộ. Người em ruột cậu chủ lớn, một sinh viên du học mới từ Mỹ về, phàn nàn với ông anh: Sao anh kỳ vậy? Mình vừa mới vào trong nhà thằng bộ trưởng đưa nó 500,000 ru pi tiền mặt để hối lộ, mà bây giờ chỉ đánh rớt có một đồng ru pi anh cũng bắt thằng tài xế tìm bằng được làm cái gì? Cuốn tiểu thuyết Bạch Hổ (White Tiger) cố tình chế nhạo hai sự thành công lớn của xứ Ấn Ðộ: Các doanh nghiệp tin học ở Bangalore và chế độ tự do dân chủ. Chàng tài xế tinh khôn sau giết ông chủ để lấy 700,000 ru pi mà ông chủ đang tính mang đi hối lộ, rồi trốn đi tới Bagalore, làm lại cuộc đời, trở thành một nhà doanh nghiệp thành công và cũng biết hối lộ như ma! Bangalore là trung tâm kinh doanh của Ấn Ðộ, với các xí nghiệp chuyên nhận thầu làm thế công việc của các kỹ sư và chuyên viên tin học Mỹ. Còn chế độ dân chủ tự do thì đã thành lập ở Ấn Ðộ từ năm 1947, khi chế độ thuộc địa Anh quốc rút đi, cho tới nay đã tổ chức 15 cuộc tổng tuyển cử trong 60 năm, với nhiều lần thay đổi chính phủ một cách hòa bình. Hai thành tựu đó là những niềm hãnh diện của nhiều người dân Ấn Ðộ. Nhưng nhà văn không tha, đã mượn một câu chuyện tưởng tượng để “bôi xấu” tất cả, trong đó có tánh tham lam của các ông chủ lớn, và thói tham nhũng của các quan chức! Nhưng nếu nước Ấn Ðộ không sống dưới chế độ dân chủ tự do thì chắc chắn Aravind Adiga không thể nào được phép xuất bản cuốn truyện hài hước này - để được trao giải thưởng Booker-Man có uy tín nhất thế giới dành cho các tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh trong năm 2008. Trong một xã hội dân chủ, mọi người đều có quyền nói lên những bất mãn của mình, và nhờ thế mới có tiến bộ. Ấn Ðộ mới hoàn tất cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15, ngày mai sẽ biết kết quả. Chắc chắn sẽ có nhiều người không hài lòng với kết quả được công bố, cũng như sẽ có nhiều người bất mãn với tất cả “cái gọi là” diễn trình dân chủ này. Nhưng ngay ở nước Mỹ này sau mỗi cuộc bỏ phiếu nào cũng có nhiều người phàn nàn và bất mãn! Chúng ta phải nhìn vào những con số khổng lồ trong cuộc tổng tuyển cử này để thấy riêng việc tổ chức được cho dân đi bỏ phiếu đã là một thành công đáng ca ngợi. Trong dân số hơn một tỷ người, có 714 triệu người có quyền và có tên trong danh sách cử tri. Người ta phải lập ra 800,000 phòng bỏ phiếu, với khoảng 4 triệu nhân viên phụ trách từ việc ghi danh, kiểm soát tên danh tính người đi bầu, chỉ dẫn, canh chừng những kẻ gian lận, đếm phiếu, tính toán kết quả, tất cả là để bảo đảm sự công bằng. Ngoài ra còn hơn 2 triệu nhân viên an ninh, cảnh sát bảo đảm cho người dân thi hành quyền dân chủ của họ. Ðể cho 700 triệu người đi bầu trong trật tự, nước Ấn Ðộ đã tổ chức 5 lần bỏ phiếu cách nhau trong vòng một tháng, bắt đầu từ ngày 16 Tháng Tư cho đến ngày Thứ Tư 13 Tháng Năm mới xong. Có 1055 đảng chính trị đưa người ra tranh cử giành nhau 543 ghế dân biểu Hạ Viện (Lok Sabha), đó là nơi sẽ quyết định đảng nào thắng và được cử người ra làm thủ tướng. Mọi người đã biết trước vào Thứ Bẩy này sẽ không đảng nào chiếm đủ số ghế đại biểu để tự mình lập chính phủ mới. Ngày Thứ Tư là ngày bỏ phiếu chót, trên màn ảnh có cảnh một nhà sư vừa la mắng vừa nắm áo một viên chức phòng phiếu kéo đi. Anh công chức này mặc y phục chững chạc nhưng bò lom khom khi bị kéo lê trên bãi cát. Nhà sư bắt anh giao cho cảnh sát vì nhiều cử tri tố cáo rằng anh ta đã bầy trò gian lận! Khi một tu sĩ cũng đứng ra bảo vệ sự trong sạch của nền chính trị tự do dân chủ thì chúng ta biết rằng nhiều người dân Ấn Ðộ đã ý thức rõ ràng là họ phải bảo vệ chế độ mà các nhà lập quốc đã chọn cho đất nước họ. Những người như Thánh Gandhi, Thủ Tướng Nehru và thế hệ của họ là những người lập nên quốc gia mới mẻ này, vì trong suốt 4000 năm trước đó chưa bao giờ có một quốc gia Ấn Ðộ. Xưa kia, đó là một bán đảo chia thành nhiều vương quốc rời rạc, họ chỉ được gom lại dưới những đế quốc Hồi giáo, đế quốc Anh. Khi người Anh tỏ ý định rút đi, nhiều người đã nghĩ phải chia bán đảo này thành nhiều mảnh, không tin rằng có thể thành lập một quốc gia với hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau, với hệ thống đẳng cấp gồm hàng ngàn cấp phân biệt chặt chẽ quyết định đời sống tôn giáo, vai trò xã hội, nghề nghiệp, việc giáo dục và cả việc hôn nhân. Hệ thống đảng cấp đó đã ăn sâu trong xã hội và tâm lý mọi người đến bây giờ vẫn chưa gột sạch, mặc dù bản hiến pháp đã nhấn mạnh mọi công dân đều bình đẳng và xóa bỏ hệ thống đẳng cấp cổ truyền. Như tên anh tài xế trong truyện Bạch Hổ là Halwai, gọi tên đó ra người Ấn Ðộ ai cũng biết gia đình anh theo nghề làm bánh ngọt, cả đẳng cấp Halwai làm nghề đó. Một kỹ sư điện toán gốc thuộc đẳng cấp tiện dân (Dalit) được nhận vào làm trong một công ty ở Bangalore. Anh ta được trả lương bằng các đồng nghiệp thuộc đẳng cấp khác, được tham dự các sinh hoạt bình đẳng trong việc làm cũng như khi giải trí. Nhưng một đồng nghiệp thuộc đẳng cấp Brahmin đã nói nhỏ với anh rằng anh không nên dùng chung một phòng vệ sinh với những người thuộc đẳng cấp cao hơn! Với di sản nặng nề của quá khứ như vậy, 62 năm trước đây không mấy người tin nước Ấn Ðộ sẽ tồn tại được quá 10 năm, mà nếu còn tồn tại thì chắc phải đặt dưới một chế độ độc tài mới yên được! Nhưng cuộc thí nghiệm lập quốc của Ấn Ðộ đã thành công. Không những thế, họ còn giữ gìn được một chế độ dân chủ tự do. Ấn Ðộ làm gương cho cả thế giới thấy khi đã quyết định cùng tôn trọng những luật chơi dân chủ thì một xã hội phức tạp, nghèo nàn và đông đúc như Ấn Ðộ vẫn có thể sống chung với nhau và cùng tiến bộ. Nước Ấn Ðộ đã đi theo con đường kinh tế sai lầm từ thời Thủ Tướng Nehru khi ông quyết định mô phỏng Liên Xô hướng nền kinh tế theo xã hội chủ nghĩa, xây dựng một bộ máy bàn giấy kiểm soát các hoạt động tư doanh, và guồng máy đó ngày càng lớn hơn. Sau khi Trung Cộng cải tổ kinh tế từ năm 1978, đến năm 1991 nước Ấn Ðộ mới quay trở lại với mô hình kinh tế thị trường; nhưng di sản của thời kỳ xã hội chủ nghĩa vẫn còn vì khó thay đổi tác phong các công chức xưa nay vẫn nắm nhiều quyền hành. Nhưng mỗi một lần thay đổi đảng cầm quyền, nước Ấn Ðộ lại tiến bộ thêm. Ðảng BJP khi giành được chính quyền đã cải tổ kinh tế mạnh bạo theo đường lối thị trường; đảng Congress (Quốc Ðại) vẫn giữ khuynh hướng xã hội nhưng vị thủ tướng đương nhiệm là một nhà kinh tế vẫn bảo vệ các thành tựu cũ. Hiện nay một đảng đang lên là BSP đang nuôi hy vọng chiếm được nhiều ghế đại biểu nhất, do bà Mayawati lãnh đạo, bà là người xuất thân từ giai cấp Dalit thấp nhất trong xã hội Ấn. Một dấu hiệu của sự tiến bộ trong cuộc tổng tuyển cử năm nay là nhiều ứng cử viên mới xuất hiện, họ không phải là những nhà chính trị chuyên nghiệp mà là những nhà trí thức, chuyên gia, sĩ quan trong quân đội, cả những tài tử chiếu bóng và vũ công nổi tiếng. Với đà này thì nền dân chủ Ấn Ðộ sẽ tiến xa hơn, không còn những cảnh như nhà văn Aravind Adiga đã mô tả để chế nhạo. Trong tiểu thuyết của ông, một vị thủ tướng được gọi là “Nhà lãnh tụ xã hội chủ nghĩa vĩ đại” (The Great Socialist) nắm độc quyền chính trị trong tiểu bang. Nhưng một tay địa chủ cường hào đã chống ông ta, xúi giục một nhóm chính trị gia khác lập một đảng Xã hội thứ hai, lấy tên là Ðảng Xã hội Lê nin nít, và vận động dân chúng chống lãnh tụ vĩ đại xã hội chủ nghĩa. Sau một thời gian, lãnh tụ vĩ đại bèn mời tay địa chủ và chủ mỏ than đến thương lượng. Sau cuộc mặc cả, anh địa chủ bằng lòng gia nhập đảng của vị thủ tướng, được bầu làm lãnh tụ ở địa phương, còn cái đảng Lê Nin nít mới lập thì được giải tán! Một quốc gia muốn xây dựng một chế độ tự do dân chủ, phải mất nhiều thời gian, qua nhiều cuộc thử thách, một quá trình hàng trăm năm mới thành tựu. Nước Ấn Ðộ đã đi được một bước đường 60 năm, và còn đang tiếp tục tiến tới nữa. Năm nay chỉ có một số biến cố đổ máu là do đảng Mao Ít tổ chức ám sát và phá hoại ở một vùng phía Ðông Bắc. Dù ngày mai đảng nào thắng ở Ấn Ðộ, thì cả dân tộc một tỷ người này cũng chứng tỏ họ đã trưởng thành. Trong một bảng xếp hạng Chỉ số Dân Chủ (Democracy Index) năm 2008 của Economist Intelligence, nước Ấn Ðộ chỉ đứng hạng 35 trong số 167 quốc gia được tính điểm. Chỉ số này, từ 1 đến 10, được tính toán dựa trên việc đo lường điểm cao hay thấp của 60 chỉ dấu khác nhau, thuộc những phạm vi như việc thi hành và bảo vệ các quyền tự do dân sự, tính chất đa nguyên đa đảng, hiệu năng trong việc điều hành chính phủ, trình độ tham dự của dân chúng, và tinh thần dân chủ trong cả xã hội. Những nước đã xây dựng dân chủ tự do hàng thế kỷ, nhất là các nước ít dân, thì dễ được điểm cao. Còn Ấn Ðộ được 7.8 điểm chỉ đứng hàng thứ 35 nhưng còn cao điểm hơn nền dân chủ ở những nước như Thái Lan, Tích Lan, Brazil, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia. Như vậy đã là đáng hãnh diện lắm rồi. Như chúng tôi đã viết, “Dân Chủ” không phải là một món mì ăn liền, cứ bầy ra là thành bữa ăn đầy đủ! Phải xây dựng từng ngày, từng giờ, hàng trăm năm mới thành. Cho nên dân tộc Việt Nam muốn tiến tới cuộc sống dân chủ tự do thì phải bắt đầu ngay, bắt đầu càng sớm càng tốt! Chậm ngày nào, con cháu chúng ta được hưởng tự do và sống dân chủ chậm ngày đó. Một cuốn “nhật ký” của cựu Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Hoa mới được xuất bản ở Hồng Kông với tựa đề, “Tù nhân của chế độ: Nhật ký của Triệu Tử Dương” ghi lại 30 giờ nói chuyện được ghi âm trước khi ông qua đời năm 2005. Ông Triệu Tử Dương bị mất chức năm 1989 khi chống lại ý kiến đàn áp các sinh viên và công nhân biểu tình ở Thiên An Môn. Khi suy nghĩ về cuộc đời và chính trị Trung Cộng, Triệu Tử Dương đã đi tới ý kiến rằng nước ông phải cải tổ chính trị thì kinh tế mới phát triển đầy đủ được. Trong đoạn chót, Triệu Tử Dương đã nói về tương lai chính trị của nước Trung Hoa. Đây là lời ông dặn dò thế hệ người Trung Hoa mới: “Thực ra, tôi nghĩ chế độ dân chủ đại nghị kiểu Tây phương cho thấy nó có sinh lực mạnh mẽ nhất. Trong số các hệ thống chính trị đang thi hành thì đó là hệ thống tốt nhất hiện nay.” Người Việt Nam nghĩ thế nào?
|