Home Tin Tức Bình Luận Câu chuyện nhân quyền

Câu chuyện nhân quyền PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Ba, 19 Tháng 5 Năm 2009 05:15

 5/19/2009  

Hôm Thứ Ba vừa qua, Hoa Kỳ được bầu vào Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng cùng được bầu vào hội đồng 47 ghế này là những quốc gia mà không ai có thể nói là tôn trọng nhân quyền trong số đó Cuba, Saudi Arabia, Cameroon và Trung Quốc. Sự việc Hoa Kỳ được “bầu” vào một hội đồng mà thành viên đa số là những quốc gia chuyên vi phạm nhân quyền của công dân mình đã lại làm bùng lên cuộc tranh luận vốn đã bắt đầu kể từ khi chính phủ Obama quyết định tham gia thay vì tẩy chay như dưới thời chính phủ tiền nhiệm.

Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, được thành lập năm 2006 để thay thế cho Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, vốn đã trở thành điều mà các nhà tranh đấu cho nhân quyền gọi là “một câu lạc bộ của các quốc gia độc tài.” Nhưng hội đồng mới có vẻ cũng chẳng khá gì hơn ủy hội cũ.

Ðược bầu lên theo kiểu danh sách vùng vốn đã được đồng ý trước khi bỏ phiếu, và có rất ít cạnh tranh thực sự, ngay từ cách lựa chọn thành viên đã bảo đảm là Hội đồng không công bằng. Một bản phúc trình mới do hai tổ chức tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng là Freedom House và Human Rights Watch thấy là khoảng một phần ba số thành viên đáng lẽ phải bị loại vì thành tích nhân quyền. Với Tây Phương chỉ có bảy ghế trong khi Á Châu và Phi Châu mỗi châu có 13 ghế, hội đồng đã bị các nhà chỉ trích nói trở thành “công cụ” của khối Hồi giáo. Trong cùng khóa họp hôm Thứ Ba, Kenya đã bị loại nhưng Cameroon được vào hội đồng để bảo đảm là tổ chức Nghị Hội Hồi Giáo dành được quyền kiểm soát.

Có lẽ chính vì vậy mà hội đồng đã chú ý vào bài Israel và không thấy chú trọng gì đến các vi phạm nhân quyền ở các quốc gia khác. Một vấn đề nữa cũng được hội đồng thích bàn đến là việc bài Hồi giáo ở các quốc gia Tây Phương. Những người ủng hộ chỉ ra là hội đồng có tổ chức được 10 phiên họp đặc biệt về các vấn đề nhân quyền của Miến Ðiện, Darfur, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, và vùng Tây Ngạn và Dải Gaza. Nhưng phiên họp đặc biệt về Darfur tuy có mà kết quả bị bỏ qua và toán chuyên gia được tổ chức để theo dõi Sudan và Darfur đã bị giải tán.

Chẳng trách nhà tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng, cựu Tổng Thống Vaclav Havel của Cộng Hòa Czech, đã lên tiếng chỉ trích. Ông Havel nói là việc tham gia vào một hội đồng mà các thành viên là những kẻ vi phạm nhân quyền không thể nào đóng góp cho nhân quyền của thế giới. Ông Nile Gardiner, của tổ chức nghiên cứu cánh hữu Heritage Foundation còn nặng lời hơn. Ông nói “Quyết định của Washington đã tạo một cái vỏ đáng tin cậy cho một tổ chức đã bị mất uy tín và không đáng được công nhận là một tổ chức để thúc đẩy nhân quyền.”

Nhưng một số tổ chức tranh đấu khác như Human Rights Watch, mặc dầu chỉ trích hội đồng, đã hoan nghênh sự tham gia của Hoa Kỳ. Theo ông Michael Doyle, giáo sư của Viện Ðại Học Columbia chuyên nghiên cứu về Liên Hiệp Quốc và là một cựu viên chức Liên Hiệp Quốc thì vấn đề phải hiểu như sau “Chính phủ đã quyết định đúng, với điều kiện là chúng ta sử dụng vị thế mới này để nói ra một cách thẳng thắn đối với những vi phạm mà chúng ta thấy đang xảy ra. Sự tham gia của chúng ta vào hội đồng không có nghĩa tự nó là hợp thức hóa hành vi xấu nếu chúng ta đứng bên trong để chống lại những hành vi đó.”

Nhận xét đó chính đáng nhưng khi đọc lại luận điệu của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thì chúng ta đâm ngần ngại. Trong một bài tham luận được đăng trên nhật báo International Herald Tribune, bà Navanethem Pillay của Nam Phi đã viết “Có được Hoa Kỳ tại bàn hội nghị sẽ mang lại nhiều lợi ích... nhưng lợi ích đó dựa trên mức độ Hoa Kỳ chấp nhận nghị trình nhân quyền quốc tế. Nhưng người bảo vệ nhân quyền đang cố tâm theo dõi xem thái độ của Hoa Kỳ là tiếp cận tích cực đối với thành tích nhân quyền của các quốc gia bạn bè cũng như kẻ thù; bảo vệ thường dân ở Gaza cũng như ở Darfur; bảo vệ quyền kinh tế và xã hội cũng như dân quyền và quyền chính trị.”

Khổ một nỗi, điều mà nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc và Việt Nam gọi là quyền xã hội và kinh tế chỉ là biện minh cho việc mở cửa cho tự do kinh tế nhưng cấm cản tự do chính trị, mở cửa buông lỏng cho một xã hội thác loạn nhưng tuyệt đối cấm dân quyền. Khi đưa ra luận điệu về một “nghị trình nhân quyền quốc tế,” bà Pillay đã tiếp tay cho các quốc gia độc tài tiếp tục chính sách được Bắc Kinh đề xướng, tự do kinh tế thì được, tự do chính trị cấm tuyệt.

Hẳn là vì “nghị trình nhân quyền quốc tế” đó nên Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua báo cáo của Hà Nội về nhân quyền. Mặc dầu những tiếng nói chỉ trích của nhiều quốc gia Tây Phương, của đại diện các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, hội đồng đã, theo như lời của báo chí trong nước, “đánh giá cao những thành tựu nhiều mặt của Việt Nam, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo” và khen Hà Nội là “đã cung cấp thông tin toàn diện, phong phú về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.” Ðiều đáng ngạc nhiên là không thấy nói gì đến thiếu sót về quyền chính trị.

Không hiểu độc giả nghĩ sao chứ đọc đến đây tôi có cảm tưởng là Hội Ðồng Nhân Quyền đang sống ở một thế giới khác. Hẳn là các vị trong hội đồng quên đọc bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Ngay trong lời mở đầu, bản tuyên ngôn đã nhắc đồng thời đến “quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng và tự do khỏi bị sợ hãi cùng thiếu đói.” Và sau đó, Ðiều 3 nói đến “Mọi người đều có quyền sống, tự do và an ninh cá nhân”; điều 9 “Không ai có thể bị bắt bớ không có lý do, giam giữ hay đầy ải”; Ðiều 18 “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo”; Ðiều 19 “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và phát biểu, quyền này bao gồm tự do duy trì lập trường mà không bị cấm cản và quyền tìm hiểu, tiếp nhận và phân phát thông tin và tư tưởng qua các phương tiện truyền thông không kể biên giới”; Ðiều 20 “Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội”. Dĩ nhiên bản tuyên ngôn cũng nhắc đến những quyền kinh tế như quyền có công ăn việc làm, quyền sống... nhưng những quyền đó phải được tôn trọng tương đương với quyền chính trị, bởi con người không chỉ sống “bằng bánh mì”.

Cải tiến Hội Ðồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc hiện nay như vậy quả là rất khó. Hy vọng sự hiện diện của Hoa Kỳ sẽ không trở thành “hợp thức hóa” cho những quốc gia như Việt Nam tha hồ vi phạm nhân quyền.