Quái Vật Trung Quốc |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Thứ Tư, 27 Tháng 5 Năm 2009 12:02 | |||
Hồi tháng 5 năm 2005 tôi đã viết về một con quái vật trong thần thoại Hy lạp có tên là Chimera (Kai-mia-rơ), đầu sư tử, thân dê, đuôi rắn, mồm phun lửa rất khủng khiếp. Bài này nêu ra ở Việt Nam cũng có một con quái vật hiện thực đang ngự trị. Nó có đầu sư tử tư bản, thân là gấu, bụng phệ vì quả mật quá lớn lại nhét đầy đô-la xanh lè, còn cái đuôi của nó loang lở mốc thếch vì đã cũ xì có tên là "định hướng xã hội chủ nghĩa". Tình cờ làm sao ở Trung Quốc cũng có một con quái vật hiện thực. Các vị anh hùng "tiếu" lâm thời nay đã tập hợp thành con quái đó, được giới ăn sương gọi bằng một cái tên khá tục tĩu là "cẩu tạp chủng" tức "chó lộn giống". Quái vật này cũng có một cái đuôi dài bằng thép như con khủng long thời tiền sử. Và nó cũng khủng khiếp như con "Kai-mia-rơ" Việt Nam, kẻ nào cưỡi trên lưng quái vật chỉ ho he một tiếng là nó ngửi thấy ngay mùi phản phé, bèn lấy đuôi quẫy hắt nhào kẻ cưỡi trên lưng xuống, không chết cũng bị đi cải tạo hay đi tù mút mùa. Giới bình dân Việt Nam thường có câu "cưỡi trên lưng cọp" nghĩa là vừa cưỡi vừa run, muốn xuống nhưng không biết làm cách nào xuống cho yên lành. Cấu trúc các đảng Cộng sản tự nó đã biến thành một con khủng long quái đản khi nó cướp được chính quyền độc đoán ở bất cứ nước nào. Tạp chí Time xuất bản ngày 25 tháng 5 vừa qua đăng một bài tiết lộ "Cộng cung Bí sử" ở Trung Quốc, vì một cuốn sách mới xuất bản có tựa đề "Người tù của Nhà nước: Nhật ký mật của Triệu Tử Dương". Họ Triệu lãnh tụ quyền uy nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã lâm nạn vào lúc xẩy ra vụ Thiên An Môn, đúng 20 năm trước đây. Năm 2005, Triệu chết trong lúc bị giam lỏng tại gia, nhưng mới đây cuốn nhật ký của ông lọt ra bên ngoài và được in thành sách. Từ khi lên cầm quyền, Triệu đã đưa ra những sáng kiến "đổi mới" kinh tế và chính trị khá táo bạo, nhưng bị phe cứng rắn trong đảng tìm cách cản trở. Cuốn nhật ký của Triệu cho thấy bọn bảo thủ trong đảng đã mượn dịp xẩy ra vụ Thiên an môn để phá tan chiều hướng đổi mới của Triệu. Điểm chính là cuộc họp ở tư gia Đặng Tiểu Bình ngày 17 tháng 5 năm 1989, chưa đầy 3 tuần lễ trước ngày đàn áp đẫm máu các sinh viên biểu tình ở Thiên an môn đòi cởi mở chế độ. Lúc đó Triệu chủ trương Nhà nước nên tránh những lời hăm he gay cấn, đe dọa những người biểu tình để tìm cách làm dịu bầu không khí căng thẳng. Trong cuộc họp, hai nhân vật cấp cao thuộc phe bảo thủ cứng rắn đã đứng lên chỉ trích, quy lỗi cho Triệu đã làm bọn biểu tình leo thang chống đối Nhà nước, sau khi Triệu nói nếu thiết quân luật và đem quân đội vào Bắc Kinh dùng võ lực dẹp biểu tình, kết quả sẽ rất thảm khốc. Đây là một sự chia rẽ trầm trọng trong cấp lãnh đạo cao nhất của đảng. Triệu cứng cỏi nói "Tôi không thể là Tổng bí thư đảng huy động quân lực vào đàn áp sinh viên". Liền sau đó Triệu ra quảng trường Thiên an môn nói chuyện với hàng chục ngàn sinh viên đang biểu tình. Lúc đó có Thủ Tướng Lý Bằng, một tay kình dịch ngầm của Triệu Tử Dương, tháp tùng. Trước mặt các sinh viên, Triệu cầm loa nói một câu: "Tôi đã đến quá muộn rồi". Và ông khuyên sinh viên nên rời ngay khỏi quảng trường để làm dịu tình hình quá găng. Nhưng chẳng có mấy ai nghe lời ông. Vài ngày sau Bộ Chính trị truất phế chức Tổng bí thư của họ Triệu và bắt ông giam lỏng tại gia. Cuốn sách của Triệu ghi trong khi đang bị giam lỏng cùng gia đình, ông đã nghe thấy những tiếng súng nổ từ quảng trường vang lại và ghi "Một tấn thảm kịch gây chấn động thế giới rút cuộc đã không thể tránh khỏi". Nhưng làm thế nào ông ghi được những giòng chữ đó khi căn nhà của ông luôn luôn bị khám xét? Triệu đã ghi bằng lời nói vào các cuốn băng thu âm. Các cuốn băng này vào thời đó là các cuốn băng đã thu thanh những tuồng hát và các bài hát đặc biệt dành cho con nít. Các cuốn băng đó do nhà nước Trung Cộng xuất bản để đem bán, có nhãn hiệu chính thức in dán ở ngoài. Triệu có các cháu nhỏ gọi bằng ông, đã được cha mẹ chúng mua các cuốn băng đó từ lâu, chúng xem rồi vứt lăn lóc trong buồng ngủ của chúng ở trong nhà. Triệu dùng các băng đó thu âm những lời nói của ông, rồi để lại trong tủ đồ chơi của mấy đứa nhỏ. Vì thế các cuốn băng thoát được khỏi cặp mắt các tên cai tù. Vào cuối cuốn sách,Triệu Tử Dương nhấn mạnh Trung Quốc cần phải trở thành một chế độ dân chủ đại nghị do dân bầu để đối phó với những thử thách của thế giới hiện đại, một lời ghi nhận hiếm có của một người đã dành cả cuộc đời cho đảng Cộng sản. Trong những ngày tới nó có thể gây ra những lời bàn tán sôi nổi trên các mạng lưới web với sự bùng nổ của kỹ thuật truyền thông hiện đại qua Internet ngay trong nội bộ Trung Quốc không cách nào ngăn cản nổi. Mục tiêu của Triệu là xây dựng một nền kinh tế mạnh cho Trung Quốc, trước khi lâm chung ông đã tin rằng mục tiêu đó nhất định phải đi song song với sự phát triển dân chủ. Khả năng của Bắc Kinh ngày nay để tránh một Thiên an môn thứ II tùy thuộc ở điều có tiến mau lẹ đến việc xây dựng dân chủ hay không. Khi các cuốn băng đó được bí mật đem ra ngoài, được viết lại thành sách và dịch ra Anh văn bán trên thị trường quốc tế, các tay cầm đầu đảng Cộng sản Việt Nam cố nhiên cũng có. Mấy anh này có thể đang nghiên cứu kỹ câu chuyện "cẩu tạp chủng" của người "anh em phương Bắc" vì nhiều lý do khác nhau. Họ xem để lo âu rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm gì? Kinh nghiệm làm thế nào tránh được một "Thiên an môn Việt Nam", vì với tình hình hiện nay ở Việt Nam truớc sau rồi nó cũng xẩy ra. Nhưng mặt khác các ông Cộng sản Việt Nam lại mong muốn mục tiêu của Triệu Tử Dương sớm thành đạt để làm mất giống "cẩu tạp chủng" ở một nước láng giềng, nằm sát biên giới Bắc Việt. Bởi vì con cẩu này quá tham. Nó đã há mồm đớp cả Hoàng Sa-Trường Sa và lãnh hải Việt Nam từ Hải Ninh đến Phú Quốc, nay nó còn thè lưỡi liếm cả vào lãnh thổ Cao nguyên Trung Phần với một chiêu "chó lộn giống", có tên là "Đào mỏ bô-xít", ở quanh cái gọi là "đường mòn Hồ Chí Minh" do bọn kỹ sư Trung Cộng đã từng giúp vẽ đường và xây dựng trong nội địa Việt Nam để tải vũ khí từ Bắc vào Nam trong thời chiến tranh. Nhiều nguồn tin từ trong nước lọt ra ngoài cho biết các công nhân Tầu và gia đình khoảng 60,000 người đã đến định cư ở đây để đào mỏ. Chúng đã họp thành những làng xóm mang tên Tầu, nói tiếng Tầu và còn làm ra các con đường mới mang tên Tầu để giao thông giữa các làng xóm của chúng. Hỡi ôi, còn gì là đất nước Việt Nam.
|