Home Tin Tức Bình Luận Hoa Kỳ Phải Tiếp Cận Với Trung Quốc Để Giải Quyết Các Vấn Đề Trọng Đại Gây Bất Ổn Cho Thế Giới

Hoa Kỳ Phải Tiếp Cận Với Trung Quốc Để Giải Quyết Các Vấn Đề Trọng Đại Gây Bất Ổn Cho Thế Giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Đức Nhã   
Thứ Tư, 03 Tháng 6 Năm 2009 01:03

 6/3/2009    

KHI HOA KỲ PHẢI GIẢI QUYẾT NHIỀU VẤN ĐỀ TRONG NƯỚC VÀ TRUNG ĐÔNG

 TRUNG QUỐC GÂY NHIỀU  LO LẮNG TẠI Á CHÂU

*HOA KỲ PHẢI TIẾP CẬN VỚI TRUNG QUỐC ĐỂ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI GÂY BẤT ỔN CHO THẾ GIỚI

 Vào trung tuần tháng Tư vừa qua Trung Quốc kỷ niệm 60 năm thành lập Hải Quân của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân bằng một thao diễn ngoài khơi thành phố Thanh Đảo (Qingdao) về phía đông của tỉnh Sơn Đông. Nhân dịp này Trung Quốc cho ra mắt hải quân của họ với nhiều chiến hạm mới và lực lượng tiềm thủy đỉnh có khả năng nguyên tử.

 Đại diện Hải quân của 29 quốc gia được mời đến quan sát, trong đó có 14 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, gởi nhiều chiến hạm tham gia cuộc thao diễn mày. Đặc biệt là Hải quân của Nhật Bản không đựoc mời tham gia.

Sự phô trương lực lượng của Trung Quốc làm nhiều quốc gia Á Châu chú ý và Hoa Kỳ tỏ ra quan tâm về tham vọng của Trung Quốc trở thành một quốc gia có một hải quân mạnh để bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình và đồng thời thách thức uy thế và ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu.

Các quốc gia Á Châu và Hoa Kỳ đang chứing kiến sự thăng tiến của TQ, không những về mặt kinh tế mà còn về lãnh vực quân sự, đặc biệt là hải quân của họ. Phải chăng TQ muốn báo cho thế giới, và đặc biệt là các quốc gia Á Châu và Hoa Kỳ, là họ sẽ phải đối phó với sức mạnh hải quân mới này có khả năng ảnh hưởng cục diện chánh trị và mậu dịch  giữa các quốc gia này?                      

Trung Quốc rửa nhục

 Năm 1888 triều đình nhà Thanh chi tiêu 1,350 tấn bạc để thành lập Hạm đội Bắc phương của họ. Nhờ đó, Trung Quốc trở thành hải quân lớn thứ tám trên thế giới, và cũng được cho là hải quân mạnh nhất tại Á Châu.

Tuy nhiên, chỉ sáu năm sau đó, Hạm đội Bắc phương này bị Hải quân Hoàng gia Nhật Bản tiêu diệt gần như hoàn toàn tại trấn đánh sông Áp Lục (Yalu River) vào tháng Chín 1894. Thất bại này gây sự suy tàn nhanh chóng của Trung Quốc và sự thăng tiến của Hải quân Hoàng gia Nhật – một sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Nhật Bản được xác nhận mười năm sau đó khi lục quân Nhật đánh bại lục quân Nga trong trận sông Áp lục vào tháng Năm 1904.

Sự hiện thân mới của Hải quân Trung quốc qua lễ kỷ niệm 60 năm vừa qua là hậu quả đương nhiên của sự thăng tiến của quốc gia này. Hiện nay Hải quân Trung Quốc chưa thể so sánh được với Hải qưân Nhật. Tuy nhiên, chiều hướng canh tân mà chánh quyền TQ đã xúc tiến cho thấy rỏ ý đồ của họ.

Hiến pháp Nhật chỉ cho phép họ chi tiêu một phần trăm của tổng sản lượng quốc gia (GDP) vào quốc phòng của họ. Trong lúc đó, theo một số chuyên gia quốc tế, Trung Quốc chi tiêu ít nhất là bốn phần trăm của tổng sản lượng quốc gia của họ vào lãnh vực quốc phòng, mà trong đó Hải quân giữ vai trò rất quan trọng.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có tuyên bố rằng Trung Quốc không có ý đồ tạo thế bá chủ trong vùng và cũng không chạy đua tăng gia vũ khí. Trái lại, ông ta cam kết rằng Trung Quốc sẽ tích cực tham gia vào những sứ mạng hòa bình và chống hải tặc.

Hiện nay, một số chuyên gia tại Quốc Hội Mỹ nghĩ rằng khoảng hai, ba năm nữa TQ sẽ có một hải quân có thể ngăn chận Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong vùng eo biển Đài Loan một khi có sự đụng độ giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nhiều thập niên sẽ qua trước khi Hải quân TQ ngang hàng với Hải quân Hoa Kỳ. Nhưng, khi ngày đó đến, cán cân quyền lực tại Thái Bình Dương sẽ thay đổi vì lúc đó Hoa Kỳ sẽ không thể duy trì thế bá chủ trong vùng được nữa. Lúc ấy Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia trong vùng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ dân chủ hơn và sẽ không dùng sức mạnh quân sự của mình để thay đổỉ cục diện chánh trị trong vùng.

Vậy, lo âu của các quốc gia Á Châu về thăng tiến của Trung Quốc như sao?

Bá chủ và chư hầu?

Trong thời gian gần đây nhiều bình luận gia đề cập đến sự kiện thế giới sẽ là một thế giới G 2, có nghĩa là một thế giới song cực – chỉ còn Hoa Kỳ và Trung Quốc chi phối chánh trị thế giới. Nhưng, quan niệm rằng Hoa Kỳ hay Trung Quốc cùng nhau hay tự mình sẽ gánh đa số vấn đề của thế giới có phần cường điệu. Ngày ấy có thể đến.

Tuy nhiên, hiện nay một thể chế chánh trị độc tài cai trị một quốc gia tương đối nghèo không đóng góp được nhiều vào công cuộc giải quyết các vấn đề tòan cầu.Trong bối cảnh chánh trị quốc tế hiện nay sự thăng tiến của Trung Quốc và sự suy thoái tương đối của Hoa Kỳ có nghĩa là thế giới có phần trở thành một thế giới đa cực thay vì song cực.

Sức mạnh kinh tế và thái độ tự tin của Trung Quốc trên diễn đàng quốc tế có ảnh hưởng lớn tại Á Châu và làm cho mấy quốc gia trong vùng có phần hãnh diện. Tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm G 20 ở Luân Đôn trong tháng Tư vừa qua thế giới chứng kiến sự kiện TT Pháp Sarkozy đã phải đích thân đến tận khách sạng của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để được yết kiến, và trong buổi yết kiến đó tuyên bố rằng Pháp không ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Thể diện rất quan trọng đối với dân tộc Á Châu!

TT Obama và Bà Ngoai trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, trong thời gian tranh cử và ngay sau ngày thắng cử đã từng tuyên bố sẽ đặt những vấn đề nhân quyền, môi sinh, giá trị đồng Nhân dân tệ với chánh quyền Trung Quốc. Nhưng hiện nay hai nhân vật này im hơi lặng tiếng về những vấn đề này. Lý do cũng dễ hiểu thôi: Trung Quốc là chủ nợ chánh của Hoa Kỳ vì đã đầu tư một ngàn bốn trăm tỷ Mỹ kim vào công khố phiếu kho bạc của Hoa Kỳ!

Các quốc gia Á Châu vừa hãnh diện vừa lo lắng về uy thế chánh trị của Trung Quốc hiện nay. Đặc biệt là tại một số quốc gia nhỏ sống dưới bóng của Trung Quốc hiện nay có những dấu hiệu cho thấy rằng, cũng như các quốc gia chư hầu thuở trước, các quốc gia này rất thực tiễn và tỏ ra kính trọng Trung Quốc.

Việt Nam là một ví dụ điển hình. Thủ tướng Ngyễn Tấn Dũng, cũng như TT Pháp Sarkozy, đã phải đi đến tận nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào để có cơ hội yết kiến trong bảy ngày viếng thăm Trung Quốc vừa qua. Ông Dũng đã đem quà biếu dưới hình thức quyền khai thác mỏ bauxite, nguyên liệu thô để sản xuất nhôm. Mỏ bauxite của Việt Nam là mỏ lớn thứ ba trên thế giới. Ông Dũng mong rằng Trung Quốc sẽ đầu tư cỡ 15 tỷ Mỹ kim để khai thác mỏ này hầu giúp giàm thiểu thiếu hụt mậu dịch mười một tỷ Mỹ kim giữa hai quốc gia – Việt Nam nhập cảng của Trung Quốc nhiều hơn là Trung Quốc mua hàng hóa của Việt Nam.

Nam Hàn, quốc gia mạnh hơn Việt Nam, không cần hành động thận trọng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây một phúc trình của một giới chức nhỏ trong ngành ngoại giao của Nam Hàn đã gây chấn động, và vị Đại sứ của Nam Hàn tại Trung Quốc đã phải đính chánh rối rít.  Phúc trinh này cảnh giác rằng uy thế ngày càng lớn của Trung Quốc đối với các quốc gia đang phát triển sẽ hại cho việc Nam Hàn tậu các tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho phát triển quốc gia, như khoáng sản, dầu thô, khí đốt thiên nhiên, v.v.

Cũng dễ hiểu tại sao có sự tuyên bố như vậy, mặc dù phản ảnh sự thật, nhưng sẽ làm Trung Quốc phẫn nộ và sẽ không tích cực giúp Nam Hàn. Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất tương đối có ảnh hưởng mạnh với chánh quyền độc tài Bắc Hàn. Và, cũng như đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Nam Hàn. Các đại công ty Nam Hàn đã đầu tư cỡ 40 tỷ Mỹ kim tại Trung Quốc, và hằng năm gần saú  triệu du khách hai bên du lịch tại hai quốc gia này. Nếu Trung Quốc duyệt lại mối bang giao với Nam Hàn vì những hành động hay tuyên bố kém thân thiện của Nam Hàn thì Nam Hàn sẽ chịu ảnh hưởng tai hại.

Ví dụ thứ ba của một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của Trung Quốc là Đài Loan. Mặc dù chánh phủ Đài Loan đã gần đây mua sáu tỷ rưởi Mỹ kim vũ khí và trang bị quân sự của Hoa Kỳ, nhưng họ cũng rối rít tìm cách gỡ rối mối quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai quốc gia mà chánh quyền của cựu TT Trần Thủy Biễn (Chen Shui bian) gây ra trước đây khi ông ta muốn thực hiện tham vọng đạt được độc lập. Chánh quyền của tân Tổng thống Mã Anh Cữu (Ma Ying jeou) có thái độ thực tiễn hơn, và cho phép một số công ty Trung Quốc đầu tư vào một vài công ty Đài Loan. Và Trung quốc cũng tỏ thái độ ôn hòa với chánh quyền Đài Loan bằng cách ưng thuận cho Đài Loan trở thành Quan sát viên tại phiên họp hàng năm của Tổ chức Y tế Quốc tế (WHO), điều mà Trung Quốc chống đối từ trước đến nay.  Và thị trường chứng khoán Đài Bắc đã gia tăng gần 15 điểm vì viễn ảnh hai quốc gia thân thiện hơn.

Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc khác hẳn với ảnh hưởng của Nhật Bản đã cố tạo cho mình một uy thế trong vúng Á Châu sau đệ nhị thế chiến. Nhật Bản đã giúp thật sự các quốc gia trong vùng từ Nam Hàn đến Thái Lan, và ngay cả Trung Quốc, với nhiều chương trình viện trợ và giúp đỡ kỹ thuật. Tuy nhiên, vì Nhật Bản không chịu công nhận tội ác của họ trong đệ nhị thế chiến, nhất là đối với Nam Hàn và Trung Quốc, họ chưa hàn gắn được những hận thù trước đây và do đó, không tạo được uy thế ngoại giao tương xứng với sức mạnh kinh tế đáng kể của họ. Ngày nay, sức mạnh kinh tế của Nhật Bản bị Trung Quốc xói mòn hằng ngày, và Trung Quốc sẵn sàng khoát áo lãnh tụ tại Á Châu.

 Lo âu của Hoa Kỳ

Trung Quốc cũng sẽ không ngừng và vẫn tiếp tục thực hiện ý đồ tạo nhiều liên minh thương mại với bất cứ quốc gia nào có tài nguyên thiên nhiên mà họ cần. Trong thời gian gần đây những tiến bộ của Trung Quốc tại Châu Mỹ La tinh, một vùng càng ngày càng có khuynh hướng chánh trị thiên tả, đã khiến Hoa Kỳ rất quan tâm, và chính Hoa Kỳ đang ở   thế rối rít tìm cách đối phó.

Cách đây hai tuần TT Lula của Ba Tây (Brasil) viếng thăm chánh thức Trung Quốc và  hội kiến với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.  Đây là cuộc gặp gỡ của hai thế lực kinh tế lớn nhất trong thế giới đang phát triển. Ba Tây đã từ lâu là đối tác chiến lược của Trung Quốc, và tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng không đình trệ tiến bộ mậu dịch giữa hai quốc gia.

Ba Tây xuất cảng đậu nành, khoáng chất và dầu thô sang Trung Quốc, và mức độ sản xuất gia tăng trên 70% trong bốn tháng năm nay. Trong lúc đó Ba tây cần đầu tư của Trung Quốc để khai thác mỏ dầu vừa được khám phá ngoài khơi Ba Tây mà điều kiện khai thác sẽ rất khó khăn và đòi hỏi có nhiều ngân khoản.

Ngoài  Ba Tây, Trung Quốc còn siết chặc bang giao với những quốc gia khác tại Châu Mỹ La tinh có nhiều tài nguyên thiên nhiên, như Venezuela, Mễ Tây Cơ, Chí Lợi và A Căng Đình. Đó là chưa kể những bước đầu trong quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và một số quốc gia nhỏ với chánh quyền thật sự thiên tả như Ecuador, Nicaragua, Cuba, v.v.

Sự kiện Trung Quốc siết chặc vòng đai mậu dịch từ Á Châu qua Trung Đông và Phi Châu và ngày nay đến Châu Mỹ La tinh là một tiếng chuông đánh thức cho chánh quyền Obama.

Vấn đề đặt ra đây là liệu chánh quyền Obama xem sự tiến bộ của Trung Quốc là một đe dọa để trả đũa hay là một cơ hội để tiếp cận với một quốc gia có khả năng tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ trên diễn đàng mậu dịch và ngay cả diễn đàng chánh trị toàn cầu.

Có điều chắc là Hoa Kỳ sẽ không thể đi vào con đường trả đũa với Trung Quốc vì lý do dễ hiểu là Hoa Kỳ không có khả năng và biết cách thực hiện một cách hữu hiệu và không gây oán giận với các quốc gia khác. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ.

Muốn tiếp cận với Trung Quốc trong tinh thần xây dựng để tạo thế lợi cho hai bên, Hoa Kỳ cần phải am hiểu nghi thức và tế nhị để đối phó với một quốc gia có truyền thống và văn hóa Á Châu. Đây sẽ là một thử thách lớn đối với chánh quyền Obama: một Bà Ngoại trưởng không mấy kinh nghiệm về Á Châu, và một ông Tổng thống mà kinh nghiệm đối phó với người Á Châu là một vài năm thuở thiếu thời sống với người cha ghẻ gốc Hồi giáo tại Nam Dương.

Chỉ mong rằng TT Obama sẽ dựa trên những bài học của TT Bush trong việc đối phó với Trung Quốc và tránh những ảnh hưởng cực đoan của giới thiên tả của đảng Dân Chủ để tiếp cận với Trung Quốc hầu giúp quốc gia này hội nhập một cách xây dựng với cộng đồng thế giới và giúp Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề trọng đại có thể gây bất ổn cho thế giới như vấn đế Iran, Bắc Hàn, hội chứng hâm nóng toàn cầu, v.v..