Home Tin Tức Bình Luận General Motors: Thời oanh liệt nay còn đâu?

General Motors: Thời oanh liệt nay còn đâu? PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Quý Toàn   
Thứ Hai, 08 Tháng 6 Năm 2009 01:04

Năm 1953, Tổng thống Eisenhower mời ông Charles Erwin Wilson làm bộ trưởng quốc phòng. Ông là chủ tịch công ty General Motors Company mà nhãn hiệu GMC đã nổi tiếng khắp thế giới. Trong Thế chiến Thứ hai, công ty dành 100% sức sản xuất để phục vụ chiến trường; sau thời đại chiến ở Việt Nam nhiều người gọi các xe tải là xe GMC. Lúc đó GMC là công ty sản xuất lớn nhất thế giới đối với tất cả mọi ngành chế hóa, mà số thu nhập của công ty cao bằng 3% Tổng Sản lượng Nội địa của nước Mỹ. Công nhân các hãng xe hơi lúc đó bước vào tầng lớp có lợi tức trung lưu, được đưa ra như một bằng cớ cho thấy kinh tế tư bản mang lại phúc lợi cho giới lao động hơn các nước cộng sản.

Trong cuộc phỏng vấn của các nghị sĩ Thượng viện để được phê chuẩn, có người đặt câu hỏi cho ông Wilson về vấn đề quyền lợi công và tư xung khắc. Liệu khi quyết định các vấn đề quốc phòng của nước Mỹ mà quyền lợi chung của nhà nước đối nghịch với quyền lợi của công ty General Motors thì ông nghĩ thế nào?

Tốt cho nước Mỹ là tốt cho GM
Ông Wilson trả lời ngay câu hỏi đó, nói rằng ông đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi công ty. Nhưng ông cũng trấn an các nghị sĩ rằng mối xung đột đó không bao giờ xẩy ra. Ông nói, “Bao nhiêu năm nay tôi đã thấy rằng điều gì tốt cho đất nước thì cũng tốt cho General Motors, và ngược lại.” Để cho không xẩy ra quyền lợi xung khắc, ông Wilson đồng ý giải tư dần dần số cổ phiếu lớn của ông trong công ty dưới áp lực của các nghị sĩ trong ủy ban quốc phòng.

Ông Wilson không nói một cách trực tiếp rằng “Cái gì tốt cho General Motors thì cũng tốt cho nước Mỹ” như nhiều người hay dẫn ra. Nhưng hiện nay chính phủ Mỹ, từ thời Tổng thống George W. Bush qua thời Barack Obama, hầu như đã làm theo châm ngôn đó theo ý nghĩa khác: Nếu GM sập tiệm thì nước Mỹ sẽ gặp nạn. Họ phải cứu General Motors!

Năm 1979, số công nhân và nhân viên làm việc cho General Motors lên tới 618,365 người, GM trở thành công ty sử dụng nhiều người nhất, chỉ thua chính phủ liên bang Mỹ. Cảnh sa sút của GM bắt đầu từ cuối thập niên 1990 nhưng trở thành tuyệt vọng từ mấy năm gần đây khi dầu lửa tăng giá, những loại xe to lớn đã sinh lợi dễ dàng cho công ty bắt đầu khó bán. Trong khi đó thì chi phí của công ty về lương bổng, hưu liễm và bảo hiểm sức khỏe cho các công nhân về hưu ngày càng tăng lên, khiến giá thành của mỗi chiếc xe Mỹ cao hơn các loại xe do những công ty Nhật làm ở Mỹ.

Từ 2007 đến 2009 General Motors đưa ra nhiều kế hoạch cải tổ để xin chính phủ và quốc hội Mỹ giúp cho qua cơn hoạn nạn. Mỗi lần xin tiền lại bị quốc hội và chính phủ Mỹ đặt thêm những điều kiện buộc công ty phải theo.

Tháng 12 năm 2008 GM được chính phủ Bush giúp hơn 13 tỷ, tháng 2 năm 2009 được chính quyền Obama giúp thêm, tổng cộng hai lần thành 30 tỷ. Tháng Ba năm 2009 quốc hội Mỹ đồng ý trợ cấp thêm nhưng buộc ông chủ tịch Rick Wagoner phải từ chức. GM được cho một thời hạn 60 ngày để cải tổ, trước ngày 1 tháng Sáu; trong khi công ty Chrysler chỉ được đến đầu tháng Năm. Ngày 4 tháng Năm Chrysler tuyên bố phá sản để được tòa án bảo vệ, ngày 1 tháng Sáu đến lượt General Motors.

Trong vòng vài ba tháng sẽ có một công ty General Motors Mới ra đời thay thế cho công ty cũ, công ty mới này sẽ tiếp tục sản xuất các xe nhãn hiệu Chevrolet (dự trù sẽ bán được hơn một triệu xe trong năm nay), GMC (hơn 200 ngàn xe), Cadillac (92 ngàn) và Buick (88 ngàn). Còn 4 nhãn hiệu khác sẽ bị xóa bỏ hoặc đem bán nếu có người mua, sẽ được tòa phá sản thanh toán trong vòng vài ba năm; đó là Pontiac (143 ngàn), Saturn (73 ngàn), Hummer (hơn 10 ngàn) và Saab (dưới 10 ngàn). Saab được GM mua năm 1989, nay sẽ được chính phủ Thụy Điển giúp tìm người mua, còn Hummer được một công ty Trung Quốc rạm mua. Pontiac có một nhà máy sản xuất ở Fremont trong Vùng Vịnh sẽ chờ người mua, còn Saturn chắc sẽ được biến thành một công ty nhỏ nếu nghiên cứu thị trường thấy còn bán được.

Trong công ty GM Mới sắp thành hình, chính phủ Mỹ sẽ nắm 60% cổ phần, các chính phủ Canada và Tỉnh Ontario thuộc nước này sẽ chiếm 12.5%, sau khi bỏ ra 9.5 tỷ mỹ kim giúp vì các cơ xưởng của GM nằm trong tỉnh Ontario đối diện với Detroit. Ngoài ra, chính phủ Đức đã giúp để cho GM có thể bán được phân bộ Opel bên Đức. Quỹ y tế của Công đoàn Công Nhân Xe hơi Mỹ (UAW) sẽ làm chủ 17.5% các cổ phần, còn lại 10% cổ phần của GM Mới sẽ thuộc về các chủ nợ của GM. Các ngân hàng và trái chủ (những người mua trái phiếu) nay đành mất hết chỉ vớt được phần nào hay phần đó khi công ty phục hồi sức khỏe – họ hy vọng mỗi đô la cho vay sẽ thu về được từ 30 xu tới 60 xu, tùy theo mức độ bảo đảm của trái phiếu. Riêng các chủ nợ được hứa hẹn quyền mua thêm 15% cổ phần của GM Mới với giá cố định khi nào họ thấy có lợi, tức là khi giá cổ phần trên thị trường tăng lên cao.

Giám đốc điều hành của GM, Fritz Henderson bước vào tòa khánh tận tại New York ngày 1 tháng 6, 2009.

Việc cắt một phần công ty GM cũ ra lập thành một công ty GM Mới, còn các tài sản khác vẫn thuộc một công ty GM Cũ đã được áp dụng trong trường hợp công ty Chrysler và trong một tháng qua có vẻ yên ổn. Nhưng sẽ có nhiều vấn đề tranh chấp giữa hai công ty con này, nhất là giữa những chủ nợ của công ty Cũ và chính phủ, tức là chủ nhân của công ty Mới!

Một trăm năm oanh liệt
Tổng thống Obama đã tuyên bố là chính phủ Mỹ không bao giờ muốn làm chủ một công ty xe hơi, mà sẽ bán hết các cổ phần mà họ đang giữ sau khi cung cấp cho GM 50 tỷ đô la. Chính quyền Obama còn nói trước một thời gian từ một năm tới năm rưỡi, khi GM Mới thành công, nhà nước Mỹ sẽ bán các cổ phần họ làm chủ trên thị trường, hy vọng trong 5 năm thì bán hết. Nhưng chính phủ Mỹ đã bỏ vô công ty GM 50 tỷ đô la tiền để lấy 60% số cổ phần; mai mốt nếu muốn thâu hồi đủ 50 tỷ đó, không lấy tiền lãi, thì trị giá của GM Mới lúc đó phải lên tới 80 tỷ đô la.

Liệu trong 5 năm giá trị của GM Mới có thể lên con số đó hay không? Trong quá khứ lúc giá trị công ty lên cao nhất vào năm 2000, tổng cộng các cổ phần cũng chỉ đáng giá gần 60 tỷ đô la. Nếu tính lạm phát mỗi năm là 2% thì trong 15 năm, con số 60 tỷ đó tính theo thời giá cũng chỉ tương đương với 80 tỷ vào năm 2015. Nhưng sau những năm thua lỗ, qua một cơn khủng hoảng vì phá sản, từ đây đến 5 năm nữa thì GM khó mà chiếm được thị trường như hồi năm 2000, để đạt được giá trị như hồi đó.
Ông William C. Durant đã thành lập công ty General Motors Company năm 1908, và mua thêm ngay công ty Buick Motor, cuối năm mua thêm công ty sản xuất xe nhãn hiệu Oldsmobile, loại xe tương đối sang trọng hơn. Bây giờ nhãn hiệu Buick vẫn còn và sẽ được giữ lại trong công ty GM Mới sau cuộc khai phá sản, còn phân bộ Oldsmobile đóng cửa năm 2004.

Năm 1909 GM làm chủ thêm nhãn hiệu Pontiac sau khi mua 50% một công ty xe hơi ở Oakland. Sáu tháng sau, trả 5 triệu rưởi mỹ kim mua thêm nhãn hiệu xe sang trọng Cadillac. Cadillac là tên viên sĩ quan Pháp đã thám hiểm và thành lập thành phố Detroit ở Michigan (tên thành phố lúc đầu là Ville d’Étroit, thành phố ở eo nước chảy giữa hai đại hồ, sau người Mỹ viết liền thành Detroit). Sau vụ khai phá sản năm nay, nhãn hiệu Cadillac vẫn được giữ.

Thời Đại chiến Thế giới 1914 – 1918, General Motors phát triển nhờ bán xe cho bộ quốc phòng, 90% xe sản xuất dùng cho nhu cầu quân sự. Chiến tranh chấm dứt, năm 1918 GM mua thêm nhãn hiệu Chevrolet, bây giờ là phân bộ mạnh nhất.

Hòa bình trở lại, để khuyến khích người ta mua xe trả góp, General Motors lập ra một công ty tài chánh để cho khách hàng vay nợ, mang tên GM Acceptance Corp (GMAC).

Từ năm 1925 đến 1931, General Motors mua thêm những công ty xe hơi ngoại quốc: Vauxhall của Anh, Holden của Úc, và Opel của Đức.

Năm 1937 đánh dấu một bước ngoặt, Công đoàn Thợ Xe hơi (United Auto Workers – UAW ra đời sau cuộc đình công lớn ở các nhà máy tại Flint, Michigan. Những hợp đồng rộng rãi với công đoàn này khiến cho chi phí lao động của GM và các công ty xe hơi Mỹ lên quá cao, nhất là tiền chi cho các người nghỉ hưu, vừa hưu bổng vừa bảo hiểm y tế. Trong khi các công ty mới như Toyota và Honda không bị ràng buộc bởi nghiệp đoàn UAW nên giá thành xe của họ nhẹ hơn. Năm 1941, công ty GM chiếm 44% thị trường bán xe ở Mỹ, và thị phần này tiếp tục tăng lên cho tới năm 1954 lên tới 54%.

Đại chiến thế giới lần thứ hai, 1939 – 1945 General Motors dồn tất cả việc sản xuất cho nhu cầu chiến trường. Đây là thời gian những xe vận tải GMC chở quân đội đồng minh đi khắp nơi.

Năm 1995, General Motors báo cáo lợi tức cao kỷ lục gần 7 tỷ đô la trên số bán 164 tỷ. Từ đỉnh cao danh vọng này, địa vị của công ty bắt đầu xuống.

Năm 1999, bán bớt phần hùn trong công ty Delphi sản xuất bộ phận xe, tăng phần vốn trong công ty Isuzu lên 35% và mua 20% cổ phần của công ty Công nghiệp nặng Fuji, đồng thời mua hãng sản xuất xe Hummer loại xe bự và tốn xăng. Năm 2003, vì thiếu tiền GM bán những phân bộ sản xuất quốc phòng, viễn thông, điện tử, trong đó có Hughes Electronics bán với giá hơn 3 tỷ đô la.

Năm 2004, GM sa thải 12,000 công nhân trong khi cải tổ các cơ sở sản xuất ở Âu châu.

Năm 2005, sa thải thêm 30,000 người. Bán bớt 51% cổ phần trong công ty tài chánh GMAC lấy 7.4 tỷ mỹ kim. Năm 2008 chính GMAC lại cải tổ tự đổi thành một ngân hàng thường và được chính phủ Mỹ trợ cấp 6 tỷ đô la. Nhưng số phận của General Motors sa sút trông thấy trong bốn năm qua, đốt hàng tỷ đô la đều đều mà không sinh lợi. Chính phủ George W. Bush đã giúp, rồi chính phủ Obama tiếp tục. Cho tới khi nhà nước Hoa Kỳ chịu thua phải để cho GM khai phá sản và cải tổ cơ cấu.

Năm 1926, General Motors được Công ty Dow Jones chọn cho vào danh sách những công ty theo dõi giá cổ phiếu hàng ngày để tính Chỉ số Dow Jones Industrial Average, chứng tỏ GM lúc đó đã là một công ty lớn và bền vững. Thứ Hai này Chỉ số Dow Jones Industrial Average sẽ bỏ tên General Motors ra khỏi 30 công ty họ theo dõi suốt 83 năm qua, từ nay thay thế bằng công ty Cisco, một công ty về tin học và điện tử, đánh dấu một thời đại mới trong đời sống kinh tế Mỹ. Kỹ nghệ tin học dùng trí óc nhiều hơn bắp thịt tay chân đang thay thế kỹ nghệ nặng dùng nhôm và thép trong nền kinh tế Mỹ! (ĐQT)