Áp Đặt Hòa Bình |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. | |||
Thứ Năm, 11 Tháng 6 Năm 2009 04:25 | |||
Nước Mỹ đang lâm vào hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan với mục tiêu hiển nhiên đánh bọn khủng bố al-Qaida do Osama bin Ladin cầm đầu. Ở đây có một điểm then chốt là câu hỏi chiến lược của Mỹ như thế nào khi đem quân ra bên ngoài để tham chiến. Hãy nhìn lại một vài nét lịch sử. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Mỹ chỉ tham gia cuộc chiến vào những năm chót, mặc dù phe Trục thời đó chưa hề đánh thẳng vào đất Mỹ. Chiến lược của Mỹ từ thời đó vẫn là chỉ đem quân ra ngoài tham chiến khi tư thế chính trị, quân sự và kinh tế của Mỹ bị hăm dọa. Trong thời chiến tranh lạnh, Mỹ đem quân tham chiến ở Việt Nam để giúp Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống Cộng sản Bắc Việt. Nhưng cuộc chiến chưa dứt, TT Nixon đã thỏa hiệp với Việt Cộng để rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tại sao Nixon làm như vậy? Đó là vì quyền lợi chiến lược riêng của nước Mỹ đã toại nguyện khi bắt tay với Mao Trạch Đông để tìm cách chia rẽ giữa hai kẻ thù là Cộng sản Tầu và Nga. Một chương sử cũ đã lật qua. Một chương sử mới bắt đầu khi nhân loại bước vào Thế kỷ 21. Năm 2001, Mỹ bị bọn khủng bố đánh thẳng vào New York và Washington. Chỉ vài tuần sau TT George W. Bush đã đem quân đánh Afghanistan vì bin Laden công khai xuất đầu lộ diện ở đây núp sau chính quyền Taliban. Chỉ có điều đáng tiếc là chưa diệt được trùm khủng bố và đồng lõa, Mỹ đã mở mặt trận thứ hai ở Iraq để lật đổ Saddam Hussein, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy kẻ độc tài này có liên hệ với bin Laden. Nhưng hãy để quá khứ qua đi mà nhìn ngay đến hiện tại. Chiến lược của Mỹ ngày nay gặp một khó khăn lớn lao nhất chưa từng thấy trong lịch sử. Một siêu cường có sức mạnh quân sự đệ nhất thế giới lại phải đánh nhau với một kẻ thù vô hình là bọn khủng bố al-Qaida, một nhóm dự liệu đến tối đa cũng chỉ có khoảng vài chục ngàn người, chúng chỉ là những bóng ma và vũ khí của chúng chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh của loài người. Vũ khí đó là “đánh bom tự sát”. Khủng bố chỉ xuất hiện khi chúng đã tan xác. TT Obama ngày nay đã có một sách lược mới để đánh khủng bố. Ông chấp nhận rút quân khỏi Iraq, nhưng không rút ngay mà chỉ rút từ từ, để giúp chính quyền Iraq có đủ khả năng giữ vững được an ninh nội bộ. Nhưng nếu một hay hai năm nữa, sau khi Mỹ rút hết quân. chỉ để lại một phái bộ ngoại giao, Iraq lại có nội chiến loạn ly thì sao? Ở đây có một bài học đã nổi bật cho mọi nước trên thế giới: Không thể áp đặt hòa bình cho một nước nào, cũng như dân chủ không thể từ bên ngoài đem đến bằng sức mạnh. Vì đó là trách nhiệm của chính dân tộc nước đó, không phải trách nhiệm của một siêu cường hay của quốc tế. Nếu dân một nước không biết tự lo lấy an ninh nội bộ, không biết tự lập dân chủ hóa, hãy để dân nước đó học lấy bài bọc xương máu, quyết định vận mệnh cho chính mình. Tàn nhẫn quá chăng? Sự thật đây chỉ là bài học muôn thuở của loài người kể từ khi biết sử dụng vũ khí để chém giết lẫn nhau. TT Obama đã chủ trương tăng quân Mỹ ở Afghanistan để đánh mạnh hơn nữa, không nói đến việc rút quân khỏi nước này và còn nhìn đến cuộc nội chiến ở nước bên cạnh là Pakistan. Tại sao ông làm như vậy? Vì đó là nơi duy nhất trên thế giới ngày nay bọn al- Qaida đã xuất đầu lộ diện với bọn tàn quân của Taliban và rất có thể Osama bin Laden, nếu chưa chết vì bệnh, đang cùng bộ tham mưu của hắn còn lẩn quất ở vùng biên giới núi non hiểm trở giữa Afghanistan và Pakistan. Tóm lại Mỹ đã nhìn thấy khủng bố lộ hình tích ở đâu để tấn công chúng. Những tin tức mới nhất tuần này cho biết Obama đã ra lệnh tăng thêm 21,000 quân ở Afghanistan trong mùa hè để đánh Taliban và tạo điệu kiện cần thiết cho chính phủ nước này mở rộng thêm quyền kiểm soát lãnh thổ. Trong 6 tuần qua một lữ đoàn gồm 10,000 Thủy quân Lục chiến quân Mỹ đã đến đóng ở tỉnh Helmand, một vùng nguy hiểm nhất của Afghanistan vì có quân Taliban hoạt động công khai bắt dân địa phương đi theo chúng. Một tư lệnh Mỹ nói việc tăng cường quân đội ở vùng Nam Afghanistan tạo ra một sự “chuyển đổi thế cờ” rất quan trọng. Nên nhớ ở Afghanistan không phải chỉ có quân Mỹ mà có cả quân đồng minh NATO tham chiến. Cho đến nay chỉ có vài ngàn quân Anh đóng ở Helmand. Đại tá George Almand, Phó tư lệnh Lữ đoàn TQLC Mỹ nói: “Sự chuyển đổi thế cờ là quân đội Mỹ đã tăng cường cho vùng Helmand”. Các tư lệnh quân Mỹ và quân các nước Âu châu đều nói bọn quân Taliban cho đến nay vẫn coi Helmand, tiếp giáp với Pakistan là “an toàn khu” của chúng. Mỹ vẫn dùng phi cơ không người lái bắn phi đạn vào quân Taliban đang họat động ở phía Pakistan, bên kia biên giới tiếp giáp với Afghanistan. Hiện nay quân Mỹ không đóng sát biên giới này, nhưng trong tương lai cả Mỹ và NATO sẽ giải quyết vụ Taliban lén nhập qua lãnh thổ Pakistan. Vì thế chúng tôi nghĩ sự “chuyển đổi thế cờ” còn tiềm ẩn ý nghĩa là TT Obama đang thuyết phục các nước Âu châu, kể cả Anh quốc, tăng cường quân đội NATO ở Afghanistan. Riêng Mỹ sẽ tăng quân ở Afghanistan từ số 55,000 đến lên đến 68,000 quân vào cuối năm 2009. Số lượng này chỉ bằng khoảng nửa số 140,000 quân Mỹ hiện đang có mặt ở Iraq. Quân đội NATO phải tăng thêm ở Afghanistan là đúng với cái nhìn của các nhà quan sát thời cuộc. Vậy quân Mỹ và NATO có tiến qua qua Pakistan không? Theo “luật chơi” mới như đã trình bày ở trên, chúng tôi nghĩ Mỹ và NATO không chơi dại như thời đã qua. Hãy để cho người Pakistan tự quyết định thế sống còn của họ. Ở Pakistan từ mấy tuần nay quân đội chính quy tấn công liến tiếp vào vùng có quân Taliban hoạt động gần như công khai. Giới chức chính quyền địa phương ở thành phố Peshawar phía Tây Bắc cho biết quân chính phủ đã nã đại bác và phi đạn vào vùng này. Từ tháng 4 quân đội Pakistan đã mở nhiều cuộc tấn công bọn dân quân Taliban để chiếm lại thung lũng thắng cảnh Swat, cho đến nay đã đạt được nhiều thành quả, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Chiều thứ ba tuần này, 3 tên đánh bom tự sát đã lái xe chở bom tấn công khách sạn lộng lẫy nhất ở Peshawar, khiến 11 người chết, 70 người bị thương. Một tuần trước đây các tay lãnh tụ Taliban đã cảnh cáo chúng sẽ đánh lớn để trả thù quân đội Pakistan chiếm lại Swat. Các bộ tộc sống ở vùng núi biên giới đang bị Taliban chia rẽ. Có những phần tử bộ tộc theo chúng vì bị chúng cám dỗ, mê hoặc đức tin tôn giáo. Nhưng cũng có những phần tử bị hăm dọa, sợ hãi nên phải theo chúng. Hành động truyền giáo bằng bạo lực của Taliban hiển nhiên đã gây bất mãn trong các bộ tộc thiểu số ở biên giới.
|