Internet: Một Vũ Khí Đấu Tranh |
Tác Giả: Vi Anh | |||
Thứ Bảy, 13 Tháng 6 Năm 2009 05:22 | |||
Nhà báo Tú Anh trên mục Một Ngày Một Sự Kiện ngày 01/06/2009 của Đài Pháp Quốc Tế RFI có một bài "Lòng can đảm của giới blogger đẩy lùi sự kiểm duyệt của Bắc Kinh". Mới nghe khúc đầu tưởng cũng là một tin phân tích thông thường. Nhưng khi nghe thêm một chút, thính giả sẽ cảm thấy sao mà chọn một sự kiện quá phù họp với tinh thần cố hữu của người Trung Hoa kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng, quyết trừ gian diệt bạo, "giết tham quan", "truy phong đạo tặc" của người Á Đông. Và sử dụng một vũ khí mới của thời đại tin học là Internet để đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền. Nhờ thế các bloggers đã phát động được một phong trào người dân nổi lên trên xa lộ thông tin và vượt qua được vòng kềm toả của CS và đẩy lùi được guồng máy thông tin tuyên truyền một chiếu rất mạnh của CS. Từ một tin nhỏ "Câu chuyện bắt đầu vào ngày chủ nhật 10 tháng 5. Đặng Ngọc Kiều khai là bị cán bộ sĩ nhục nói cô là gái điếm, cầm một xấp tiền đánh mình. Cô đâm chết người cán bộ này vì bị xâm phạm tính dục. Phía cảnh sát thì nói cô gái phục vụ tắm hơi không có bị cưỡng dâm, cố ý sát nhân. Với tội danh này, Đặng Ngọc Kiều có nguy cơ lãnh án tử hình như trường hợp thanh niên Vương Giai hồi năm ngoái dùng dao giết công an trả thù một vụ tra tấn khiến anh bị bất lực." Thế mà một số blogger đã tạo thành được một "Một hiện tượng thách thức chính quyền chưa từng thấy đang diễn ra trên mạng lưới thông tin điện tử Internet tại Trung Quốc. Sau khi vinh danh một thanh niên 20 tuổi bị hành quyết về tội dùng dao giết chết một loạt sáu sĩ quan công an hồi tháng 7 năm ngoái, hàng triệu người sử dụng internet tại Trung Quốc một lần nữa chứng tỏ sức mạnh đẩy lùi được bộ máy kiểm duyệt, thông tin một chiều của Bắc Kinh. Với tinh thần dũng cảm, các blogger đã hết lòng bênh vực cho một cô gái tỉnh nhỏ kiên quyết bảo vệ danh giá của mình trước hành động đồi bại của một số các bộ có quyền hành tại tỉnh Hồ Bắc." Đánh giá về hiện tượng này, "theo các hãng thông tấn nước ngoài thì trong vòng ba tuần lễ, bất chấp bộ máy kiểm duyệt tuy được tăng cường vì sắp đến ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An môn, vụ cô gái Đặng Ngọc Kiều giết cán bộ đã trở thành sự kiện được bình luận nhiều nhất trong năm." Từ một tin nhỏ, một thời sự không đáng kể như thế ở TC với một dân số 1 tỷ 300 triệu ngưòi, sự kiện lại được bình luận nhiều nhứt trong thời điểm nhà cầm quyền Trung Cộng siết chặt đủ mọi mặt, trong đó có Internet, trong thời gian nhà cầm quyền TC muốn ém nhẹm còn người dân thì muốn tưởng niệm, muốn khơi lại vấn đề Đảng Nhà Nước TC dùng quân đội và xe tăng bắn giết, cán chết hàng ngàn sinh viên ở công trường Thiên An Môn. "Chỉ trong vòng ba tuần từ khi báo chí chính thức loan tin vụ Đặng Ngọc Kiều, mạng thông tin internet "can thiệp" một cách rộng rãi. Nạn nhân Đặng Ngọc Kiều được tôn vinh là người hùng trừ gian diệt bạo, theo tinh thần hiệp sĩ Trung Quốc, còn kẻ gian ác, là "cán bộ chính quyền tham ô, dùng sức mạnh đánh dập một thiếu nữ tay yếu chân mềm, nhưng bất khuất". Cô gái phục vụ quán tắm hơi trở thành biểu tượng của một nữ anh hùng vì dân mà diệt bạo. Gần 70% những người được hỏi ý kiến trên mạng, tin rằng cô gái này vô tội. Và có đến 77% ủng hộ hành vi "giết tham quan", dù có giết chết cán bộ đi nữa, thì cũng vô tội như thường. Một người viết blog, với bút hiệu là "truy phong đạo tặc" còn hiên ngang đi đến bệnh viện thăm hỏi nạn nhân. Từ nay, vụ cô gái giết người này không còn mang tín thời sự vụn vặt nữa. Đặng Ngọc Kiều biến thành biểu tượng của tình trạng bất công trong một quốc gia do đảng Cộng sản độc quyền kiểm soát, và không có một sức mạnh chính trị đối trọng. Nhiều nhóm ủng hộ Đặng Ngọc Kiều được lập ra, đông đảo luật sư lên tiếng tình nguyện biện hộ cho cô. Một trong những nhóm ủng hộ Đặng Ngọc Kiều nhận định với hãng tin AFP và được AFP phổ biến khắp thế giới như sau : “vụ này phản ánh cuộc xung đột giữa dân và Nhà nước kéo dài từ lâu nay. Vì chính quyền có lề thói che dấu sự thật để bảo lợi đặc quyền đặc lợi, lần này người dân nghi ngờ công an và chính quyền Hồ Bắc cũng hành xử gian dối như thế. Và người dân nghĩ đến thân phận của mình, biết đâu cũng sẽ chịu oan khiên như vậy". Theo giới chuyên gia Trung Quốc, khả năng độc quyền thông tin của nhà nước đã bị giới hạn rất nhiều. Nhà xã hội học Hồ Hưng Đô so sánh: Tại Trung quốc có 300 triệu người sử dụng internet. Báo chí chính thức làm phát ngôn viên cho chính quyền, trong khi internet là tiếng nói của nhân dân đòi công lý". Đương nhiên là nhà nước không khoanh tay thụ động. Họ đóng địa chỉ blog "đạo tặc truy phong" và ra lệnh cho các tờ báo giấy chính thức bớt nói đến vụ Đặng Ngọc Kiều. Nhưng theo hãng tin AFP thì công luận trên mạng điện tử đã thắng trận đầu tiên. Nữ hiệp Trung Hoa 2009 đã được thả về nhà với mẹ nhưng bị quản thúc tại gia. Còn hai cán bộ đồng lõa với viên chức bị đâm chết, bị mất chức. Một trong hai người đã bị bắt giam." Thế mới biết tại sao CS Trung Quốc và Việt Nam tìm đủ mọi cách xiết chặt Internet, "quản lý" webs và blogs. Và thế mới biết tại sao những nhà đấu tranh tận dụng công dụng của Internet. Internet đã "giải phóng" người dân ra khỏi truyền thông đại chúng truyền thống phát thanh, phát hình do Đảng Nhà Nước làm chủ nhân, kiêm chủ nhiệm và chủ bút. Internet cũng "giải phóng" người dân ra khỏi các hệ thống truyền thông đại chúng ngay trong xã hội tự do, dân chủ nữa. Trong xã hội tự do, dân chủ cơ quan truyền thông không còn quyền ăn, quyền nói, quyền gói ý kiến người khác, tưởng mình có quyền hướng dẫn, giáo dục quân chúng. Báo không nói thì Internet nói. Ở VN, phong trào bloggers đã thành hình, đã thành công trong một số việc gần đây như khơi động vấn đề TC xâm lấn Hoàng sa, Trường sa, và khai thác bauxite ở Cao Nguyên và đã làm Bộ Chánh trị và các bộ có liên quan bối rối. Ở VN Hải ngoại, nhứt là ở Mỹ, quê hương của Internet, Internet hoàn toàn tự do, lớp trẻ rất nhiều, môn computer là môn học bó buộc. Nhưng buồn thay mỗi ngày trên email của người viết bài này có hàng ngàn webs, groups và blog gởi đến nhưng thường thấy những đả kích nhau nhiều hơn là tập trung nỗ lực trừ gian, diệt bạo. Hăng ngày, từng giờ ở VN, xảy ra rất nhiều vụ bất công, áp bức, rất nhiều cán bộ đảng viên CS tham quan ô lại, tư bản đỏ ở thành thị, cường hào ác bá đỏ ỏ nông thôn đã bao năm làm đồng bào trong nước đau khổ vô cùng. Đồng bào VN trong ngoài nước đang chờ những bloggers dùng vũ khí Internet "truy phong đạo tặc", "trừ gian diệt bạo" như ở Trung Hoa.
|