Home Tin Tức Bình Luận Đến Cả Cách Xưng Hô Cũng Bị Chi Phối

Đến Cả Cách Xưng Hô Cũng Bị Chi Phối PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Giao, phóng viên RFA, Bangkok   
Thứ Hai, 15 Tháng 6 Năm 2009 23:10

   Luật sư Lê Công Định

Một vài bài báo dùng danh từ “luật sư Lê Công Định” hay “ông Lê Công Định” để nói về vụ cơ quan hữu trách “bắt khẩn cấp” luật sư này hôm 13 tháng Sáu vừa qua.

Nhưng nhiều cơ quan truyền thông khác thì lại xưng hô trống không, thậm chí gọi người bị bắt là “y,” đồng thời khẳng định “dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt khẩn cấp Lê Công Định…”

Giới quan sát cho rằng báo chí đã mô tả ông Định như một tội phạm ngay cả trước khi vụ án được khởi tố. Và điều này có thể dẫn đến một số hậu quả.

Các sự kiện vừa nêu đều có một vài điểm chung: Báo chí được sử dụng như công cụ để dọn đường dư luận, nhưng chính báo chí cuối cùng phải gánh chịu tất cả hậu quả, mà nặng nề nhất là hậu quả về mặt uy tín trong lòng độc giả.

Phóng viên thiếu trình độ hay làm việc theo chỉ đạo?

Một nhà báo tại Việt Nam nhận định rằng cách thức báo chí đưa tin trong vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định cho thấy truyền thông Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học từ các sự kiện trong quá khứ.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã từng bị báo chí mô tả như một tội phạm trong vụ PMU18 ngay cả trước khi ông bị bắt; nhưng rồi nhân vật này đã được tuyên bố gần như trắng án.

Tiếp theo là vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải bị bắt giam vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong khi đưa tin về vụ tham nhũng tại PMU18.

Gần đây hơn, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gởi thư phản đối đến Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ vì một “thư độc giả” liên quan đến ông được đăng trên tờ báo này. Bức thư của Đại Sứ Hoa Kỳ có đoạn nói ông rất buồn khi đọc một bài báo mà cả ông và Tổng Biên Tập Phạm Đức Hải đều biết rằng đó là “một sự bịa đặt hoàn toàn.”

Điều đáng buồn nhất là các bạn phóng viên vẫn quên trích nguồn, cứ lấy phát biểu của bên cơ quan an ninh điều tra như là lời văn của mình.

Nguyễn Vạn Phú, Blogger

Các sự kiện vừa nêu đều có một vài điểm chung: Báo chí được sử dụng như công cụ để dọn đường dư luận, nhưng chính báo chí cuối cùng phải gánh chịu tất cả hậu quả, mà nặng nề nhất là hậu quả về mặt uy tín trong lòng độc giả.

Một blogger, có tên là Nguyễn Vạn Phú, viết trên blog của ông rằng trong vụ bắt luật sư Lê Công Định, “điều đáng buồn nhất là các bạn phóng viên vẫn quên trích nguồn, cứ lấy phát biểu của bên cơ quan an ninh điều tra như là lời văn của mình.”

Những rắc rối xảy đến cho báo chí trong quá khứ có nhiều vụ bắt nguồn chính yếu từ việc “lấy phát biểu của phía điều tra làm của mình.”

Trong số các chỉ đạo được đưa ra, có nội dung yêu cầu báo chí “không được bình luận và suy diễn.”

Hồi tháng Mười năm ngoái, báo chí đã từng được “chỉ đạo” khi đưa tin vụ xét xử các phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến. Các chỉ đạo được đưa ra sau khi ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, chủ trì một cuộc họp có cả Ban Bí Thư Trung Ương. Trong số các chỉ đạo được đưa ra, có nội dung yêu cầu báo chí “không được bình luận và suy diễn.”

Một đoạn băng ghi âm từng được đưa lên Internet và được công luận tin là âm thanh trong cuộc hội thảo với sự tham dự của Ban Tuyên Giáo, trong đó có ông Tô Huy Rứa, trung tướng công an Vũ Hải Triều đại diện Bộ Trưởng Bộ Công An và ông Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Nội dung một vài trích đoạn cho thấy cơ quan hữu trách “không thiếu cách bắt” các ông Hải và Chiến. Câu hỏi “lúc nào bắt” chỉ là vấn đề của “dư luận” và “chính trị.”

“Bắt đúng vào lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới tại Việt Nam. Hàng nghìn đại biểu, hàng trăm nhà báo. Chúng ta thiếu gì cách bắt, tôi chắc là ông Quắc, ông Huynh, ông Hải, ông Chiến không chạy trốn. Chúng ta không bắt lúc này thì bắt lúc khác. Trong tay mình mà có gì đâu. Tại sao lại bắt lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới? Có người nói đây là vô chính trị. Một việc làm vô chính trị.”

“Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên phản ứng dữ dội. Nhất là ngày 14, tôi đọc bài báo “Phải Trả Lại Tự Do Ngay Cho Các Nhà Báo Chân Chính,” tôi cứ tưởng đây là báo Mỹ cơ, chứ không phải báo mình.”

Nguồn tin của chúng tôi cho biết 5 cơ quan truyền thông lớn trong nước đã nhận thư ‘cảnh cáo’ từ luật sư đại diện cho một người Ý trong vụ kiện Vietnam Airlines.

Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án của Tòa án

Cách đây một tháng, truyền thông Việt Nam cũng đã nhận hậu quả do làm theo “chỉ đạo.” Nguồn tin của chúng tôi cho biết 5 cơ quan truyền thông lớn trong nước đã nhận thư ‘cảnh cáo’ từ luật sư đại diện cho một người Ý trong vụ kiện Vietnam Airlines. Nguồn tin nói rằng, thân chủ đã yêu cầu luật sư của mình “sử dụng mọi công cụ và khả năng pháp lý.” Các cơ quan truyền thông Việt Nam thì bị cảnh cáo đã “xúc phạm” người khởi kiện hãng hàng không Vietnam Airlines.

Trong nhiều bản tin đăng tải đồng loạt ngày 13 tháng Sáu, độc giả có thể thấy: luật sư Lê Công Định được mô tả như một tội phạm, cho dầu ông chỉ mới bị bắt có mười mấy giờ đồng hồ trước đó, và cơ quan hữu trách cũng chưa khởi tố vụ án.

Trở lại vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định. Trong nhiều bản tin đăng tải đồng loạt ngày 13 tháng Sáu, độc giả có thể thấy: luật sư Lê Công Định được mô tả như một tội phạm, cho dầu ông chỉ mới bị bắt có mười mấy giờ đồng hồ trước đó, và cơ quan hữu trách cũng chưa khởi tố vụ án.

Ông Định cũng không hề có cơ hội được lên tiếng trong khi báo giới đồng loạt đưa tin từ cùng một nguồn, là Nhà Nước. Thậm chí, qua đến ngày hôm sau, báo Công An Nhân Dân khẳng định “Dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt khẩn cấp Lê Công Định, sớm ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của Định và đồng bọn.”

Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

Là một luật sư, chắc chắn ông Định biết rất rõ nguyên tắc căn bản: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Cách thức báo chí đưa tin gần như kết luận trong vụ bắt luật sư Định lại một lần nữa mở ngỏ cho khả năng ông Định có thể kiện họ trong tương lai.

Blogger Nguyễn Vạn Phú nhận xét trong bài viết của ông, rằng đã có một số bản tin thể hiện sự chuyên nghiệp khi từ đầu đến cuối luôn luôn dùng từ “ông Lê Công Định” hay “luật sư Lê Công Định.” Trong khi đó, nhiều bản tin khác cứ nói trống không “Lê Công Định,” “Định” hay “y”… Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người phóng viên cứ phải luôn bị nguồn tin chi phối, thậm chí chi phối đến cả cách xưng hô?