Cần một tượng đài tưởng niệm các vị tướng lãnh tuẫn tiết trong Tháng Tư Ðen |
Tác Giả: Chu tất Tiến. | |||
Thứ Năm, 18 Tháng 6 Năm 2009 04:04 | |||
Từ hơn 10 năm nay, khi sinh hoạt chính trị của cộng đồng người Việt trở nên mạnh mẽ với sự đoàn kết và tham gia của đông đảo đồng bào ở khắp nơi, cũng như sự tiếp tay tích cực của các giới chức chính trị của dòng chính Hoa Kỳ cũng như ở các quốc gia khác, nhiều tượng đài đã được xây dựng đồ sộ và oai nghi. Từ tượng đài Thuyền Nhân ở Canada, đến tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, và gần đây, tượng đài Thuyền Nhân ở Westminster; những tượng đài này không những đã đem lại vinh dự cho cộng đồng Việt Nam hải ngoại, còn là dấu vết Văn Hóa Việt trên thế giới, là sự chuyển tiếp đến thế hệ sau những thông điệp về cuộc chiến Việt Nam, về nguyên nhân của sự hiện diện của cộng đồng Việt, và đồng thời, là chứng tích tội ác của chủ nghĩa Cộng Sản trong thế kỷ 20-21. Riêng tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ còn mang thêm một ý nghĩa cao cả đặc biệt: sự dũng cảm hy sinh của quân dân Việt Nam Cộng Hòa trong khi chiến đấu cho tự do và dân chủ. Một vị tướng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ đã tuyên bố, “Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu như con sư tử” và khẳng định rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa anh dũng không thua bất cứ một quân đội hùng mạnh nào trên thế giới. Nhiều huy chương về sự dũng cảm đã được trao tặng cho các cựu quân nhân quân đội miền Nam, ngay cả sau khi người Việt di tản đã hội nhập tốt đẹp với đời sống mới. Một sĩ quan Không Quân được Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ bảo lãnh đặc biệt vì sự hào hùng của ông khi chấp nhận cả hai tay bị đốt cháy nhưng không chịu bỏ bạn lại chiến trường. Có lẽ ông là người thương binh Việt duy nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ được đón tiếp bằng hai hàng lính chào danh dự lúc ông bước xuống máy bay, mặc dù ông chỉ là một người không còn cấp bậc của chế độ cũ. Một sĩ quan Nhảy Dù khác cũng được đích thân tổng thống Hoa Kỳ gắn huy chương anh dũng tại tòa Bạch Ốc, sau khi ông đã được bảo lãnh đặc biệt để rời Việt Nam. Nhiều tên tuổi các sĩ quan khác cũng được vinh dự nêu lên trong nhiều cuộc thảo luận về cuộc chiến hiện nay, lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ được uy nghi bay trong gió, trước nhiều tòa nhà Quốc Hội tiểu bang, thành phố, trường đại học, cũng vì sự kính trọng cuộc chiến anh hùng đẫm máu của quân dân miền Nam. Trên hết tất cả, là những tấm gương bất khuất, anh dũng phi thường của năm vị tướng lãnh đã tuẫn tiết trong những ngày cuối Tháng Tư Ðen. Thực tế, lịch sử thế giới đã nhiều lần ghi lại các cuộc tuẫn tiết của nhiều lãnh tụ, nhiều quân nhân sau khi thất trận. Trong Thế Chiến Thứ Hai, người Nhật đã làm thế giới khâm phục khi họ can đảm liều mình bằng phương thức Kamikaze, lao thẳng phi cơ xuống tàu kẻ địch. Khi nghe tin Nhật Hoàng đầu hàng, nhiều đơn vị đã đồng loạt tự sát theo kiểu Hara Kiri, dùng dao ngắn mổ bụng. Trong các trận đánh tuyệt vọng gần quê hương, họ đã làm cho các đơn vị tấn công phải hao tổn nhân mạng một cách khủng khiếp khi họ liều chết chống chọi đến hơi thở cuối cùng. Nhưng, những tấm gương can đảm kia không thể so sánh với sự dũng cảm của quân đội Việt Nam, khi đa số những người tự sát ở nước ngoài kia chỉ là những sĩ quan và binh sĩ cấp nhỏ. Hầu như các tướng lãnh của các đội quân thua trận đều chấp nhận đầu hàng, chỉ một hay hai vị hy sinh đơn lẻ. Còn với Việt Nam, trong những ngày tháng cuối cùng của trận chiến, nhiều chiến sĩ đã cho lựu đạn nổ tung trên tay. Nhiều chiến sĩ khác đã đơn độc chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Một thiếu tá cảnh sát đã đứng nghiêm chào bức tượng Chiến Sĩ Vô Danh rồi tự bắn vào đầu mình. Anh hùng Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã bắn đến viên đạn chót, sau đó, khi bị dẫn ra cọc hành hình, người anh hùng này đã hô to lần chót câu tuyên ngôn ngàn đời, “Việt Nam muôn năm!” Và, một điều mà lịch sử thế giới đã bàng hoàng ghi lại và sẽ lưu trữ đến muôn thế hệ sau, là có tới năm vị tướng lãnh của quân đội Việt Nam đã oai dũng vĩnh biệt quê hương khi nhận biết rằng quê hương sẽ phải sống dưới chế độ tàn ác, sắt máu của Cộng Sản, mà chính bản thân mình đã không còn khả năng để bảo vệ. “Làm tướng mà không giữ được nước, phải chết theo nước!” Những lời tâm huyết đầy tính Việt Nam, mang âm hưởng của Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Ðạo... này đã sang sảng vang lên trong không trung bất tận. Và, dòng máu của các đấng anh hùng này đã mãi mãi thấm vào lịch sử để nhân loại thấy rằng, chỉ có con cháu của các Vua Hùng mới oanh oanh, liệt liệt như thế. Không một quốc gia nào có tới năm vị tướng lãnh cùng tuẫn tiết một lúc. Không một dân tộc nào ghi dấu được năm vị tư lệnh quân đội đã thản nhiên từ giã thế giới để trở về với đất Tổ một cách an nhiên, sau khi đã chiến đấu bằng hết sức mình. Vì thế, một tượng đài danh dự để tưởng niệm năm vị anh hùng dân tộc này cần phải được dựng lên, oai nghi, không cần vĩ đại về tầm vóc, về diện tích, nhưng sẽ vĩ đại với tên của các ngài đời đời, kiếp kiếp tồn tại với mai sau. Không cần kiến trúc cầu kỳ, chỉ cần một bức tường đá có khảm hình ảnh của năm vị tướng lãnh và một cây đuốc sáng mãi với thời gian cũng đủ cho hai chữ Việt Nam ngời sáng. Những dòng máu anh hùng của các ngài phải được tôn sùng trong sự đơn giản mà uy vũ. Nhìn vào tượng đài, cả thế giới sẽ phải kinh ngạc và kính phục. Nhìn vào tượng đài, lớp trẻ sau này sẽ hiểu rằng ông cha họ là con cháu của những anh hùng hiếm có trong lịch sử. Khi cuộc chiến đấu cho Dân Chủ và Tự Do chưa thắng lợi, thì nhìn vào tượng đài, tinh thần của các người tranh đấu sẽ vững vàng và tin tưởng hơn. Từ đó, những người lính chúng ta sẽ vinh dự làm tiếp công việc dang dở của các vị tướng lãnh bất tử ấy cho đến ngày thành công: bảo vệ quê hương Việt Nam khỏi ách đô hộ của độc tài Cộng Sản và bảo vệ quê hương khỏi nạn nô lệ mới của thế kỷ 21, khỏi họa xâm lăng của Bắc phương, điều mà từ bốn ngàn năm trước, Vua Hùng và các đời Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê đã thực hiện. Những cặp mắt hiên ngang của các vị tướng lãnh anh hùng này đang nhìn chúng ta đó.
|