Home Tin Tức Bình Luận Chuột Xã Tắc tại Hoa Kỳ

Chuột Xã Tắc tại Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Sáu, 19 Tháng 6 Năm 2009 08:46

Sunday, June 14, 2009  
Hoa Kỳ vẫn là đất tự do nhiễm độc

Mùng 4 Tháng Sáu vừa qua, cơ quan FBI bất ngờ bắt giữ ông bà Walter Kendall và Gwendolyn Steingraber Myers về tội làm gián điệp cho Cuba. Walter Myers là giáo sư đại học và viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao mới về hưu từ năm 2007, bị truy tố đã phục vụ chế độ Cộng Sản Cuba suốt ba chục năm, từ 1979 cho tới Tháng Ba gần đây...

Tin tức đó ít được truyền thông Mỹ khai thác.

Thảng hoặc như có nói đến thì cũng kèm câu hỏi, “vì sao nội vụ lại bị phanh phui vào lúc này, khi chính quyền Barack Obama dự tính nới lỏng lệnh cấm vận với Cuba?” Câu hỏi hàm ý là trong Bộ Ngoại giao, có ai đó muốn phá hoại chánh sách hòa dịu của Obama với Cuba.

Ðó là cách đặt câu hỏi nếu không nông cạn thì cũng bất lương.

Câu hỏi cần nêu lên là vì sao vẫn còn người Mỹ - thuộc thành phần khá giả - cam tâm phản bội tổ quốc? Mà để giúp đỡ một chế độ tồi tệ...

Nhìn từ bên ngoài, ta có thể tìm ra vài câu giải đáp và dăm chuyện giật mình.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Hoa Kỳ là khắc tinh của Cộng Sản và cây độc này không thể mọc trên đất Mỹ vì khác thổ ngơi. Chưa chắc.

Giữa Thế Chiến II đã có nhiều người Mỹ thuộc thành phần ưu tú làm gián điệp cho Liên Bang Xô Viết. Một số lên tới chức vụ cao cấp trong các chính quyền Roosevelt và Truman, và thực tế có ảnh hưởng tới đối sách ngoại giao Mỹ theo chiều hướng có lợi cho Cộng Sản. Từ năm 1942 đến 1980, Quân Báo rồi cơ quan kiểm thính tình báo NSA đã theo dõi mạng lưới ấy, họ đặt cho bí danh là VENONA.

Mãi đến 1995, khi chủ tịch Ủy Ban Bảo Mật của lưỡng viện Quốc Hội là Nghị Sĩ Daniel Patrick Moynihan yêu cầu phổ biến toàn bộ hồ sơ này, công chúng mới biết sự thật. Rồi sự thật vẫn bị truyền thông thiên tả khỏa lấp vì là chuyện xưa rồi (ai muốn tìm hiểu có thể đọc cuốn “The Venona Secrets” của Herbert Romerstein và Eric Breindel xuất bản năm 2000 về vụ này).

Ta có thể nghĩ rằng vào thời ấy, nhiều người Mỹ còn mơ hồ về thực chất nên lầm tin vào Cộng Sản chủ nghĩa và có thể phản bội. Nhưng khi chế độ ấy tan rã, Liên Xô sụp đổ và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, những ghê tởm của Cộng Sản đã được phơi bày công khai, vì sao vẫn còn người giúp một chế độ như Cộng Sản Cuba?

Theo cáo trạng của FBI, từ 1959 đến 1962, Kendall Myers phục vụ trong cục An Ninh Lục Quân Hoa Kỳ với nhiệm vụ phiên dịch. Qua năm 1972, ông tốt nghiệp tiến sĩ tại đại học nổi tiếng Johns Hopkins University (phân khoa School of Advanced International Studies - SAIS), làm giáo sư phụ giảng cho trường SAIS về Âu Châu học, rồi từ Tháng Tám 1977 làm thêm việc bán thời là huấn luyện viên về Âu Châu học cho nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ, trong Foreign Service Institute.

Khi đang phục vụ Bộ Ngoại giao, Myers được tình báo Cuba móc nối, rồi còn mời thăm Cuba. Lần đầu vào Tháng 12 năm 1978. Sáu tháng sau chuyến “tham quan” - chữ nghĩa tuyệt vời - ông được tình báo Cuba đến tận tư gia tại tiểu bang South Dakota mời hợp tác. Và Walter Myers nhận lời. Lại còn kéo bà vợ Gwendolyn giúp mình đánh lạc hướng nhà chức trách Hoa Kỳ.

Sau khi làm điệp viên cho Cuba, Myers được họ yêu cầu dời về thủ đô Washington, xin làm cho CIA và Bộ Ngoại Giao để có khả năng thu thập thông tin loại chiến lược hơn. Myers vì vậy đã thành phân tách viên cao cấp của Cục Nghiên Cứu và Tình Báo trong Bộ Ngoại giao và giáo sư Ðại Học Johns Hopkins, cho tới khi về hưu vào năm 2007.

Mãi tới đầu năm nay, FBI mới đưa người ngụy trang là điệp viên Cuba gặp Myers, rồi được đương sự khai báo qua ba lần gặp gỡ (15, 16 và 30 Tháng Tư vừa rồi) về thành tích của mình - và của bà vợ. Sau lần thứ ba, khi Myers cho biết sẽ tiếp tục cộng tác, nhưng phải kín đáo hơn, FBI liền tổ chức cuộc gặp gỡ thứ tư vào mùng 4 Tháng Sáu, để hạ màn phản bội và còng tay kẻ gian. Khi ấy, dư luận mới biết về tay nội phản trong Bộ Ngoại giao.

Thời Chiến Tranh Lạnh, giới tình báo tìm ra bốn động lực phổ biến của sự phản bội, họ viết tắt là MICE: money, ideology, compromise, ego. Ngẫu nhiên sao, như bí danh của loài chuột nhắt có thể đục ruỗng nền thờ xã tắc.

Ham tiền là động lực dễ hiểu nhất. Vì tin vào ý thức hệ của bên kia cũng là một lẽ. Ðộng lực thứ ba là phải thỏa hiệp sau khi bị đối phương bắt bí - blackmail - về một chuyện nào đó. Thí dụ như về thân nhân sống bên kia bức màn sắt; hoặc bị mỹ nhân kế do địch dàn dựng, rồi để giấu tội nhỏ thì phạm tội lớn hơn - như móc nối với địch - cho tới khi bước hẳn xuống bùn cộng tác luôn với địch. Ðộng lực sau cùng là “ego” thì hơi khó hiểu mà có xảy ra, đó là tánh kiêu mạn. Kẻ phản bội có khi tự cho là xuất chúng vì làm chuyện động trời - khả dĩ xoay chuyển lịch sử - hoặc vượt qua được sự kiểm soát của mọi người... Thông thường, yếu tố chính vẫn là lòng tham, là bị mua chuộc vì quyền lợi tiền bạc.

Qua nhật ký của Myers, nhà chức trách Mỹ được biết lý do chính là niềm tin vào giá trị ưu việt của chủ nghĩa Cộng Sản tại Cuba, chứ vợ chồng Myers không hưởng thù lao, lâu lâu chỉ lấy công tác phí rất nhỏ. Chuyện ly kỳ là Myers không che giấu niềm tin ấy, mà còn công khai phổ biến, kể cả trong trường học.

Không chỉ nặng lời phê phán Hoa Kỳ, mà Myers gọi là “bọn Bắc Mỹ” - “Hoa Kỳ này có quá nhiều bọn Bắc Mỹ” - có lẽ để đối lập với Nam Mỹ là nơi có xứ Cuba, ông còn nhiệt liệt ngợi ca Cuba và cách mạng Cộng Sản của Fidel Castro. Cảm động nhất, khi tiếp xúc với nhân viên FBI ngụy trang là điệp viên Cuba, Myers hỏi ngay, “Bà con ta ở nhà ra sao?” - How is everybody at home? Còn bà vợ Gwendolyn thì mơ “về nhà” - sail home. Cảm động thật!

Myers là cháu của nhiếp ảnh gia bậc thầy Gilbert Hovey Grosvenor của tạp chí The National Geographics và chắt của Alexander Graham Bell lừng danh trong thế giới khoa học. Không có huyết thống gia tộc với Cuba, tình cảm của hai vợ chồng xuất phát từ sự sùng tín vào ý thức hệ. Quê hương họ là Cuba, tổ quốc là chủ nghĩa Cộng Sản. Hoa Kỳ là đất lưu đầy.

Nhiều Việt kiều sốt sắng của chúng ta cũng không thể “yêu nước” đến như vậy!

Từ câu chuyện thời sự ấy, chúng ta nghĩ sao về nước Mỹ?

Thứ nhất, việc Liên Xô sụp đổ vì bản chất của ý thức hệ Cộng Sản vẫn chưa giải ảo cho nhiều người trên đất Mỹ, kể cả và nhất là thành phần có học.

Có bí danh là ALES trong hồ sơ VENONA, Alger Hiss đã là điệp viên của Liên Xô từ năm 1933 trở về sau. Ông là nhà báo và luật sư nổi danh, đã tốt nghiệp Johns Hopkins và Harvard và thành cố vấn cho Tổng Thống Roosevelt khi Thế Chiến II kết thúc. Sau khi chuyện vỡ lở, năm 1950, Alger Hiss bị (Dân Biểu) Richard Nixon ráo riết tố cáo dù được truyền thông thiên tả kịch liệt bênh vực. Sau này, cũng hệ thống truyền thông ấy không tha Nixon trong vụ Watergate. Trả thù là món nên ăn nguội, mới ngon.

Nhưng, đấy là thời Chiến Tranh Lạnh, khi còn ít người biết về quần đảo ngục tù Xô viết...

Chứ năm 1975, trong một hội nghị tại Paris của các đảng Xã Hội trên thế giới, Giáo Sư Ðại Học Paul Sweezy còn hùng hồn tuyên bố, rằng ông là chuyên gia về Trung Quốc vì đã thăm xứ đó trong... năm ngày. Và đã thấy lý tưởng của chủ nghĩa Cộng Sản đang trở thành hiện thực tại đấy! Con trai của một giám đốc ngân hàng, Paul Sweezy là kinh tế gia Mác xít đã tốt nghiệp Harvard và trở về giảng dạy tại đại học uy tín này!

Năm 1975, Paul Sweezy đã 65 tuổi chứ không còn trẻ dại. Năm đó, cuộc Ðại Văn Cách (Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại) của Mao còn hoành hành và người dân miền Nam thì đã thấy sự vận hành thực tế của chủ nghĩa Cộng Sản. Ðại trí thức Mỹ thì chưa.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, loại người như Paul Sweezy vẫn còn, và còn nặng hơn nên mới trở thành kẻ phản bội như trường hợp của Walter Myers.

Nhận xét thứ hai, dù Chiến Tranh Lạnh đã kết thúc, các chế độ Cộng Sản sau cùng trên địa cầu vẫn coi Hoa Kỳ là kẻ thù, cần xâm nhập, phá hoại. Họ tiếp tục tuyển mộ cán bộ ngay trong lòng nước Mỹ. Họ còn lên tới trên đầu và khai thác được sự ngây thơ của các phần tử ưu tú. Ðó là thành phần Lenin gọi là “bọn ngu xuẩn hữu ích” - useful idiots - những kẻ làm lợi cho chế độ Cộng Sản vì sự ngu xuẩn của họ... Trí thức ngu xuẩn đôi khi là đồng lõa.

Thứ ba, Cuba không chỉ kết nạp mà còn tích cực điều động hoặc giúp đỡ loại cán bộ này tiến lên vị trí trọng yếu hơn trong bộ máy ngoại giao và an ninh Mỹ. Myers được chỉ thị về Bộ Ngoại Giao và không chỉ thu thập thông tin trong bộ mà còn tham khảo và tiết lộ cho Cuba phúc trình từ các cơ quan an ninh khác như CIA, FBI, NSA, DIA. Toàn là loại Mật hay Tối Mật.

Không chỉ vậy, nhờ vị trí trong Âu Châu vụ của Bộ Ngoại Giao, Myers còn góp phần hoạch định chánh sách về ngoại giao hoặc thẩm định giá trị đúng sai của các phúc trình tình báo Hoa Kỳ. Nghĩa là không chỉ moi ruột Mỹ mà còn dẫn dụ Hoa Kỳ vào sai lầm trong cách đánh giá và hành xử.

Thứ năm, tinh quái mà ác liệt hơn thế, Myers còn là tai mắt cho tình báo Cuba về tổ chức, công tác và bố trí nhân sự trong hệ thống an ninh Mỹ. Nhờ đó, Cuba và các đồng chí Âu Á có thể biết trước là ai sẽ phụ trách việc gì trong hệ thống tình báo đối ngoại của Mỹ. Hoặc sẽ làm chức vụ gì trong các sứ quán Hoa Kỳ, để canh chừng, hoặc tranh thủ.

Thứ sáu, sau hai chục năm làm giáo sư Ðại Học Johns Hopkins, Myers có thể thấy được loại sinh viên có tiềm năng. Không chỉ làm nhiều thế hệ sinh viên bị lầm lạc mà nhận giặc làm cha, ông có thể đã chỉ điểm cho Cuba loại đối tượng khả dĩ kết nạp được.

Thứ bảy - bây giờ là lúc nói đến nước Mỹ “ba đầu sáu tay”, cái gì cũng biết - Myers không che giấu quan điểm chính trị, viết báo đả kích chính quyền và ngợi ca Cuba trên bục giảng đại học. Vậy mà vẫn lọt lưới kiểm tra an ninh qua hai lần thăng chức vào các năm 1985 rồi 1999, để được tham khảo tài liệu tuyệt mật. Năm 1999 là 20 năm sau khi Myers đã chạy theo Cuba.

Vì sao?

Vì nhân viên kiểm tra lý lịch phạm lỗi cầu thả? Hoặc diễn dịch sai nguyên tắc tự do tư tưởng của Tu Chính Án số Một trong Hiến pháp? Hay là họ đã thấy mà nhắm mắt bỏ qua? Hoặc tệ hơn vậy, còn xóa vết tích đáng nghi cho Myers, vì cũng suy nghĩ như Myers?

Có thể vì ngần ấy lý do, trong nhiều thập niên!

Nhìn từ bên ngoài, ta thấy Hoa Kỳ là quốc gia có nhiều phương tiện tự vệ nhất địa cầu và có kỹ thuật an ninh quân sự vượt khỏi tầm tưởng tượng của người thường. Hoa Kỳ cũng là xã hội cởi mở nhất địa cầu và tiến rất xa nhờ bảo vệ quyền tự do tư tưởng cho mọi người. Nhưng với ngần ấy ưu điểm, Hoa Kỳ cũng hay chủ quan khinh địch nên thường bị tấn công ở nơi bất ngờ... từ trên não bộ xuống.

Nhược điểm nặng nhất của nước Mỹ thuộc địa hạt văn hóa.

Dân Mỹ ưa tin rằng thiên hạ ai cũng mong được là người Mỹ. “Cán bộ Việt Cộng mà gửi con cháu vào đây thì rồi cũng thành Mỹ cả!” Ðiều ấy không hoàn toàn đúng. Dân Mỹ cũng ít quan tâm đến xã hội khác để biết được cái lẽ đấu tranh sinh tử khốc liệt giữa thiện và ác. Và lý tưởng, cho nên nếu thấy cái ác ở bên Mỹ - điển hình là vụ trấn nước quân khủng bố - họ dễ quên bao điều thiện mà nước Mỹ đã làm, rồi nhờ truyền thông lại quên chuyện còn ác gấp bội ở xứ khác. Họ bị mặc cảm.

Mặc cảm tội lỗi khiến nhiều trí thức nông cạn và kiêu căng tự cho mình nghĩa vụ tái lập công bằng cho nhân loại, bằng cách đánh ngược vào nước Mỹ. Ðánh từ trong đánh ra...

Bây giờ, nhìn vào bên trong... chúng ta

Con cái chúng ta có thể gặp thầy cô loại Alger Hiss, Paul Sweezy hay Walter Myers, và còn nhiều nữa ở nhiều cấp khác nhau, làm sao mình biết hết? Ðược nghe bậc thầy ca tụng Việt Nam có Hồ Chí Minh và biện hộ cho những tệ hại của Hà Nội, chúng nghĩ sao, làm sao cãi lại?

Nếu có phúc sinh ra từ một gia đình... chống Cộng và được giải thích nhắc nhở về bao tai họa chồng chất do chủ nghĩa này gây ra, may ra chúng sẽ thoát. Nếu không, chúng rất dễ tự do nhiễm độc vào đầu. Như Mỹ.

Huống hồ “chống Cộng” hết là hợp thời, văn minh. “Góp phần xây dựng xứ sở” hoặc “hàn gắn vết thương chiến tranh”... mới là phải đạo. Huống hồ, chúng thấy bao người nườm nượp đi về nói chuyện hợp tác vu vơ, và bên này ai ai cũng bị tố là có liên lạc với Cộng Sản. Việc giao lưu với Cộng Sản đã được bình thường hóa...

Do đó, con em chúng ta là con mồi dễ bị vồ, với cả bốn móng của con chuột xã tắc.

Và chúng ta không phải là vô can. Hay vô tội.