Tôn giáo cầm quyền |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Thứ Sáu, 19 Tháng 6 Năm 2009 23:15 | |||
Tôn giáo là lẽ sống của con người. Nếu không có đức tin tôn giáo loài người đã chém giết lẫn nhau đến diệt chủng từ thời xa xưa nhất của lịch sử chẳng còn đến ngày nay. Không có tôn giáo nào xấu, chỉ có những kẻ lợi dụng đức tin tôn giáo để mưu cầu quyền lợi riêng tư mới xấu. Trong mấy ngày qua cả thế giới đã chú ý theo dõi các vụ biểu tình rất đông tại nước Iran theo chế độ thần quyền Hồi giáo, vào dịp có cuộc bầu cử Tổng Thống ngày thứ sáu 12-6 tuần trước. Đây là một chuyện hiếm có ở nước này, các phe đối lập công khai biểu tình lớn để ủng hộ các nhân vật đối lập ra tranh cử chống đương kim Tổng Thống Mamoud Ahmadinejad, một kẻ độc tài khét tiếng thế giới. Ahmadinejad thù ghét Do thái, thề xóa tên Israel trên bản đồ thế giới, mới đây còn tuyên bố vụ Hitler tàn sát người Do Thái chỉ là một chuyện bịa đặt, không có thật. Người có uy thế nhất ra tranh cử Tổng Thống Iran lần này là ông Hossein Mousavi, chủ trương cải cách chế độ. Hàng chục ngàn người Iran đã xuống đường ủng hộ ông từ ba ngày trước ngày bầu cử. Các phóng viên Mỹ đã chứng kiến tại chỗ và những hình ảnh “sống” trên màn hình TV truyền đi khắp thế giới đã cho thấy một sự lạ: một rừng cờ xanh đã được dựng lên (trái với mầu quốc kỳ Iran), đặc biệt có rất nhiều thanh niên và phụ nữ đã tham dự, lên tiếng đòi dân chủ. Trong lúc bỏ phiếu, tin của phe đối lập cho biết số phiếu ngang ngửa giữa Mousavi và Ahmadinejad, nhưng sau khi các phòng phiếu đóng cửa, chính phủ Iran loan báo Ahmadinejad đã thắng với đa số lớn 80% số phiếu bầu, trong khi Cảnh sát dàn ra tăng cường bố trí ở khắp thủ đô Tehran và các thành phố khác. Nhưng ngay hôm đó qua đến đầu tuần này các cuộc biểu tình tố cáo gian lận bầu cử đã bùng nổ ở Thủ đô và một số thị trấn khác. Người biểu tình nổi lửa đốt, đập phá các cửa tiệm. Cảnh sát chống bạo loạn xông ra dẹp biểu tình. Chính quyền ngăn chặn mạng Internet người biểu tình trước đó vẫn dùng để liên lạc và kêu gọi tập hợp ở những địa điểm khác nhau. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục và số người tham dự đã gia tăng dến hàng trăm ngàn. Đây là những cuộc biểu tình chống chính quyền tệ hại nhất từ hơn mấy chục năm qua ở Tehran. Iran có 79 triệu dân, tình hình kinh tế sa sút nặng, thất nghiệp lan tràn, tiền tệ lạm phát, 9,200 rials (tiền Iran) đổi được một đô la Mỹ. Đầu tuần này lãnh tụ tối cao Iran là Đại trưởng giáo Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh điều tra về “gian lận bầu cử” như các vụ tố cáo của các đối thủ tranh cử đã nêu ra. Đây là một bước ngoặt khá lạ lùng vì ngay sau khi cuộc đầu phiếu kết thúc 3 ngày trước, Khamenei đã hô hào toàn dân hậu thuẫn cho Ahmadinejad coi như kết quả cuộc bầu cử là “thiên định”. Đài TV chính thức nhắc lại nguyên văn lệnh của Khamenei “chỉ đạo Hội đồng Giám hộ cứu xét lời tố cáo của Mousavi nói có gian lận bầu cử”. Quyết định này đã có sau khi Mousavi viết một bức thư gửi đến Hội đồng Giám hộ và đã hội kiến với Khamenei, người có quyền hành rất lớn hầu như không có giới hạn nào về việc cai trị đất nước. Dưới trướng Khamenei có Hội đồng Giám hộ gồm 12 chức sắc là cơ quan tối cao chỉ đạo chính phủ. Chức vụ Tổng Thống chỉ đặt ra để tiện liên lạc với thế giới bên ngoài, chớ không có quyền hành gì thiết thực. Tóm lại đó là một anh bù nhìn chỉ giỏi bắng nhắng với bên ngoài. Thiết tưởng cũng nên nhìn lại lịch sử nước Iran (Hán văn gọi là Ba Tư, xuất phát từ chữ tộc Perse). Từ trước kỷ nguyên Tây lịch hàng trăm năm, theo truyền thuyết dân tộc Ba Tư gốc từ các bộ tộc Aryan (Âu-Ấn) ở vùng Caucasus. Đức Quốc Xã của Hitler cũng tự nhân là gốc Aryan. Năm 558 (Trước CN) Đế quốc Ba Tư thành hình ở lãnh thổ Iran ngày nay dưới Triều đại của Cyrus Đại đế. Gọi là Đế quốc vì lúc đó quân đội Ba Tư rất mạnh đã chiếm tất cả vùng Trung Đông của người Á rập ở bờ biển Địa Trung Hải lan rộng đến một phần nước Ai Cập, và toàn bộ nước Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc, còn phía Đông Đế Quốc Ba Tư chiếm cả Afghanistan và Pakistan đến tận biên cương Ấn Độ. Theo truyền thuyết dân Ấn cũng thuộc gốc Aryan. Tuy nhiên Đế quốc Ba Tư chỉ tồn tại có 24 năm. Năm 334 (TCN), Alexander vua nước Macedonia với 35,000 quân tinh nhuệ đã đánh bại quân đội Hy Lạp và quân đội Ba Tư, trở thành Đại đế của một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Hy Lạp cho đến toàn bộ lãnh thổ của Đế quốc Ba Tư ở Trung Đông. Từ Thế kỷ 7, dân Ba Tư theo Hồi giáo. Hiện nay Iran có 86% theo hệ Shi-a, 10% theo hệ Sun-ni. Thời cận đại có nhiều biến chuyển đáng chú ý. Trong Thế chiến II, Iran theo phe Trục của Hitler nên năm 1941, quân Đồng minh đổ bộ chiến đóng Iran, buộc Quốc vương lúc đó phải nhường ngôi cho Thái tử làm vua với danh hiệu Quốc vương Pahlavi. Vị vua này chủ trương theo nền văn minh Âu châu nên các trưởng lão Hồi giáo trong nước rất tức giận. Năm 1979, Đại Trưởng lão Hồi giáo Shi-a Ayatollah Ruhollah Khomeini từ bên ngoài đã xúi giục dân trong nước phụ họa với sự nổi loạn của các trưởng lão Hồi giáo, lật đổ Pahvali khiến ông này phải lên phi cơ bay sang Mỹ tị nạn. Cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran thành công và Khomeini trở về làm Lãnh tụ Tối cao của nước này, với một chế độ Tổng Thống bù nhìn. Khomeini từ trần tháng 6 năm 1989, Ayatollah Ali Khamenei lên thay thế làm Lãnh tụ tinh thần cho đến hiện nay. Tình hình ngày nay liệu có làm Iran thay đổi gì hay không? Các cuộc biểu tình quyết liệt của sinh viên Iran trong mấy ngày qua khiến người ta hồi tưởng đến Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 do Đại trưởng lão Khomeini gây ra. Tối thứ hai các cuộc biểu tình lan rộng, đến sáng thứ ba phát ngôn chính thức của Hội đồng Giám hộ loan báo Hội đồng sẽ kiểm phiếu lại một số giới hạn các phòng đầu phiếu bị tố cáo là gian lận. Nói cách khác đó là sự xác nhận có gian lận. Lời tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi có tin chính thức cho biết 7 người biểu tình đã bị dân quân nhà nước bắn chết. Ở các nước Hồi giáo, khi người tranh đấu bị bắn chết là có nhiều chuyện rắc rối. Các phe đối lập đã đoàn kết lại thành một khối. Lãnh tụ Mousavi tuyên bố không chấp nhận đếm phiếu lại vài thùng phiếu, ông đòi tổ chức bầu cử lại. Dân biểu tình hoan hô tán thành. Ngay sau đó nhà cầm quyền Iran ra lệnh giới hạn mọi ký giả làm việc cho giới truyền thông ngoại quốc không được ra ngoài đường làm phóng sự tại chỗ và cấm dùng các dụng cụ lên các cứ điểm lưới (website), nếu vi phạm sẽ bị xử theo luật. Các ký giả ngoại quốc đều bị đuổi ra khỏi Iran.Nhưng đến sáng Thứ tư 17-6 theo giờ Mỹ vẫn có những hình ảnh người biểu tình xuống đường đông chật các đường phố Tehran, do các phóng viên tài tử (iReport) sinh viên và thanh niên thực hiện qua cell phone khiến cả thế giới theo dõi từng giờ phút. Ngay chính ông Mousavi cũng lên Internet với website riêng để kêu gọi biểu tình vào sáng Thứ năm 18-6. Đây là một sự thách thức trực tiếp đối với Lãnh tụ Tối cao của chế độ Thần quyền Iran. Lửa đã cháy đến gần thùng thuốc súng lớn nhất ở Trung Đông, với những hậu quả không thể nào lường trước. Quân đội Mỹ được lệnh cảnh giác, không để bị lôi cuốn vào mối họa này.
|