Bài Học Và Hy Vọng Cho Ngày Mai |
Tác Giả: Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất / Bác sỉ Nguyễn Tiến Cảnh | |||
Thứ Bảy, 20 Tháng 6 Năm 2009 13:50 | |||
Chỉ ít ngày trước tết Nguyên đán Mậu Thân 1968, sinh viên Saigon rầm rộ xuống đường kéo về học viện Quốc Gia Hành Chánh trên đường Trần Quốc Toản để bầy ra cái mà bọn trẻ này gọi là ăn mừng tết Quang Trung. Người Việt Nam ai có cắp sách đến trường đều biết rằng vua Quang Trung Nguyễn Huệ, khi dẫn quân thủy bộ từ Nam ra đến Nghệ An thì dừng lại dưới chân núi Tam Điệp ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788. Ngài cho quân sĩ ăn tết trước để đến ngày 30 tiến đánh thành Thăng Long. Sinh viên Trương Thìn thét lớn giữa nhạc cảnh Tiếng Trống Hào Hùng trên sân khấu trước Học Viện: “Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?” Bên dưới, đám con nít khán gỉa cò mồi cùng gào lên đáp lại : “Quyết chiến.” Đó không phải là chuyện ngẫu nhiên do lòng hăng say vô tội vạ của tuổi trẻ, mà là một chỉ dẫn báo hiệu sự khởi đầu của một chiến dịch quân sự rộng khắp trên qui mô toàn quốc, mà người ta thường gọi là Tấn Công Tết Mậu Thân. Trận đánh bắt đầu ngay sau màn văn nghệ ăn tết Quang Trung ít ngày, đúng vào đêm giao thừa. Song song với mũi tấn công quân sự, tập đoàn cầm quyền Hanoi còn đẩy mạnh những cuộc xuống đường đuổi Mỹ, đòi hòa bình. Người ta ngạc nhiên là những cuộc xuống đường này không phát xuất từ Hanoi, Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh, mà là từ thủ đô Hoa Thịnh Đốn của nước Mỹ, rồi mới lây lan qua Saigon. Hiện tượng này được giải thích là bước khởi đầu kế hoạch của phản chiến Mỹ đòi rút lui khỏi Việt Nam . Từ năm 1968 trở đi, đường phố Saigon nhộn nhịp hẳn lên với những cuộc xuống đường đòi hòa bình. Ngày 11-7-1970, ba nhà báo Mỹ, trong đó có John Steinbeck Jr.,con trai đại văn hào John Stainbeck, cùng với mấy sinh viên Mỹ thuộc giáo hội Quaker, khiêng một chiếc quan tài rỗng đi nhong nhong trên đường Tự Do Saigon. Theo sau là một đám sinh viên Việt Nam luôn miệng hô Peace, Peace Now. Trước sự thể đó, những người hiểu biết đều tin rằng chiến tranh rồi sẽ phải kết thúc, và Việt Nam sẽ phải có hòa bình. Nhưng hòa bình như thế nào, và bằng cách nào thì đó còn là vấn đề. Sau thất bại quân sự tết Mậu Thân và những năm sau đó, tập đoàn Hanoi bằng lòng ký kết Hiệp Ước Paris 1973 để dưỡng quân, bổ túc và tái tổ chức lại các đơn vị đã bị thiệt hại hoặc tan rã. Sau 2 năm hoàn tất công tác đó, mùa xuân 1975, CS bất chấp những gì đã ký kết, lại tung ra một trận tấn công quyết tử khác mang tên là chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến dịch này được những người tự nhận là thành phần thứ ba tại Saigon xuống đường hết lòng yểm trợ. Cuối cùng CS Bắc Việt đã kéo được lá cờ của chúng trên nóc dinh Độc Lập tại Saigon . Trước khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vào lúc 10 giờ sáng ngày 30-4 thì xe tăng, đại pháo, và quân đội CS miền Bắc đã vây kín mọi cửa ngõ vô Saigon . Người ta nói ông Minh đầu hàng CS để tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng. Vô ích bởi vì chắc chắn thế nào rồi cũng thất bại nếu Saigon muốn đối đầu. Hầu hết các tư lệnh, chỉ huy trưởng quân đội đã tự động bỏ hàng ngũ trước khi có lệnh đầu hàng. Trong tình trạng đó, ông Minh có muốn đánh cũng không còn quân để đánh. Tình trạng rã ngũ tập thể đó đã giúp cho ông Tổng Thống 3 ngày, cũng là tổng tư lệnh quân đội, có lý do để rũ bỏ trách nhiệm. Nhưng cái lý do để tránh đổ máu vô ích này xem ra không đủ sức để rửa tội cho ông Minh, bởi vì đầu hàng cách nào thì cũng vẫn là đầu hàng. Từ lâu trước đó, ông Minh đã từng có những liên lạc kín đáo với CS để hy vọng bắt tay hòa hợp với chúng. Với tư cách, lập trường, và thực lực riêng của ông Minh nằm trong nhóm tự xưng là thành phần thứ ba, hòa hợp với CS chỉ có một định nghĩa duy nhất đúng là đầu hàng CS mà thôi. Thế là kết thúc một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu. Việt Nam đã có hòa bình, một nền hòa bình như mong muốn của ông Dương Văn Minh và nhóm thành phần thứ ba của ông. Đối với chánh quyền Mỹ, tuy mất mặt nhưng họ cũng cảm thấy nhẹ nhõm vì đã trút được một gánh nặng. Còn CS thì khỏi nói, chúng mừng như người nằm mơ lượm được vàng. Việc ông Dương Văn Minh đầu hàng CS tránh được một cuộc đổ máu tức thì, nhưng đã không tránh được một cuộc tắm máu nội tâm của hàng triệu đồng bào miền Nam, nhất là của những người lính QLVNCH. Người chiến sĩ QLVNCH không hèn nhát. Họ không hề đầu hàng CS mà chỉ tuân lệnh buông vũ khí của cấp chỉ huy. Lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh được CS ghi công và tưởng thưởng cho ông, nhưng đã đẩy hàng trăm ngàn thuộc cấp của ông vào các trại tập trung cải tạo, và làm tan nát hầu hết gia đình của họ. Đó là hệ qủa đầu tiên của một nền hòa bình đến từ nòng súng của tập đoàn CS Hanoi tráo trở, lưu manh, bất lương và vô luân. Con người chẳng ai mong muốn chiến tranh, trừ ra lũ chính khách vô luân và bọn lái súng bất lương. Trải qua 3 chục năm giặc gĩa triền miên, Hòa Bình là khát vọng, và là niềm mơ ước của mọi người dân Việt Nam . Nhưng nền hòa bình đó đã đem lại được những gì cho dân tộc? Suốt mấy thập niên qua kể từ ngày hòa bình trở lại trên quê hương, nhân dân Vietnam được chứng kiến không phải là “xây lại bằng 10 lần đẹp hơn” như Hồ Chí Minh vẽ ra trong trí tưởng tượng của hắn, mà là một Việt Nam sụp đổ toàn diện và tuyệt đối. Ngay sau khi chiếm được miền Nam, việc làm đầu tiên của tập đoàn thống trị Hanoi là dồn tất cả sĩ quan QLVNCH và các cấp chính quyền miền Nam vào các trại tập trung để trả thù. Khi vấn đề trị an đã vững, bước kế tiếp của chúng là thi hành chính sách cào bằng để mau chóng tiến lên xã hội chủ nghĩa nghèo đói. CS bần cùng hóa người dân miền Nam qua một loạt các chiến dịch tàn bạo như đổi tiền, đánh tư sản, tập thể hóa sản suất ở nông thôn, dồn gia đình các thành phần quân cán chính VNCH đi vùng kinh tế mới. Hậu quả của những chính sách sai lầm này là toàn dân không phân biệt nam nữ già trẻ, đều trở thành ăn mày hết thẩy. Không thể sống nổi dưới gót giầy xâm lăng của CS miền Bắc, đồng bào miền Nam ai nấy tìm cách bỏ nước ra đi. Hàng triệu người đi thoát được, nhưng cũng có hàng trăm ngàn người phơi thây nơi rừng xanh, hay chìm sâu dưới đáy biển. Đây chính là một cuộc bỏ phiếu bằng chân cho một tập đoàn cầm quyền phản dân hại nước. Tập đoàn Hànội thừa thắng xông lên, kiêu căng đến độ xua quân sang xâm chiếm Cao Miên. Trước kia chúng tự hào đánh đuổi xâm lược. Bây giờ chúng lại hiện hình là một tên xâm lược thô bạo, có khác gì ai đâu. Hành động ngu xuẩn này đưa đến kết qủa là chúng bị Trung Cộng dậy cho một bài học để đời, và cả thế giới khinh khi ruồng bỏ. Khi đường lối kinh tế chỉ huy đã chứng tỏ bị phá sản, với sức người sỏi đá không thể thành cơm được, tập đoàn Hanoi buộc phải mở cửa giao thương với bên ngoài. Chúng phải cắn răng xếp xó ba cái mớ lý thuyết không tưởng đã lỗi thời, để cho người dân được quyền làm ăn sinh sống. Được thể, bọn đảng viên đói khát lâu ngày, với lòng tham vô đáy, từ trên xuống dưới bỗng trở thành những tên phản đảng, phản Mác-xít hết cả. Chúng vơ vét mọi thứ cho đầy túi tham, và nghiễm nhiên trở thành một giai cấp mới, một thứ mafia tư bản đỏ. Miền Nam trước năm 1975 mặc dầu có chiến tranh, nhưng không thua kém gì các nước Đông Nam Á. Sau hơn 3 thập niên, bất cứ ai, kể cả bọn trong tập đoàn cầm quyền Hànội đều phải nhìn nhận rằng Việt Nam nay là một quốc gia nghèo nàn và lạc hậu vào bậc nhất trên thế giới, mặc dầu tài nguyên phong phú, trí thông minh tuyệt vời. Cuộc sống tinh thần lẫn vật chất của người dân đều bị phá sản. Đại đa số sống trong cảnh nghèo khổ bần cùng. Trừ ra bọn đảng viên và lẻ tẻ một số rất ít người dân thường chịu làm tôi tớ cho VC lại hưởng thụ mức sống rất dư thừa. Khoảng cách biệt giầu nghèo đang trở thành thách đố lớn lao không tưởng được hiện nay tai Việt Nam . Cán bộ đảng giầu bạc triệu dollars là chuyện thường. Bọn lãnh đạo có thể giầu bạc tỷ. Trong khi đó một viên chức nhà nước lương thiện lương tháng 100 dollars đã kể là cao. Người dân lao động còn dưới mức đó nữa. Do nghèo đói và do chủ trương của CS triệt hạ mọi gía trị tinh thần của Dân Tộc, có thể nói đa số người Việt Nam ngày nay xem ra đã mất hết cả lương tri. Tại vùng quê Hậu Giang, miền trù phú nhất nước, có rất nhiều gia đình nghèo qúa đã phải bán con gái vị thành niên vào những ổ điếm khắp vùng Đông Nam Á. Về mặt tinh thần, các phong tục tập quán cổ tuyền và đạo đức con người đều băng hoại: xì ke ma túy, đĩ điếm tràn lan không kiểm soát, tham nhũng bóc lột hoành hành, bất công cùng cực, trẻ em thất học, người dân mất hết quyền sống và quyền làm người. Tôn giáo trở thành công cụ cho đảng CS sai khiến. Tóm lại, trong suốt lịch sử Dân Tộc, chưa bao giờ người dân Việt Nam cảm thấy đau đớn và tủi nhục như hiện nay. Đàng khác, tập đoàn Hanoi luôn khoe khoang là đã đem lại tự do dân chủ cho đất nước. Một câu hỏi đặt ra cho bọn chúng là nếu Việt Nam thực đã có tự do dân chủ rồi thì hà tất chúng còn phải rêu rao cởi trói cho dân. Hà tất chuyện gì lớn nhỏ cũng đều phải xin phép. Ngay cả đến các sinh hoạt tôn giáo cũng phải xin phép mới được. Như thế thì đâu còn là tự do, là dân chủ? Hơn nữa, vấn đề quan trọng nhất đối với một dân tộc là độc lập Tổ Quốc. VC tự hào là đã đánh đuổi được 3 đế quốc sừng sỏ, dành được độc lập cho dân tộc. Nhưng đó chỉ là nói láo. Ai cũng biết rằng chính Hồ Chí Minh từng tuyên bố Việt Nam đi theo chủ nghĩa quốc tế, tức là tự đặt mình làm chư hầu của đệ tam quốc tế CS Liên Sô. Đây rõ ràng là đem vận mệnh đất nưóc đặt dưới sự điều khiển và chi phối của ngoại bang. Đó không phải là bán nước thì là cái gì ? Chuyện VC bán nước còn được chứng minh rõ ràng hơn qua việc làm của Phạm Văn Ddồng ngày 14-9-1958 gởi công hàm cho Chu Ân Lai xác nhận chủ quyền của Trung Cộng trên lãnh hải Việt Nam . Việc này đem lại hệ qủa tai hại là Trung Cộng có cớ để đòi chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta. Vẫn chưa hết, hiện nay bọn hậu duệ của Hồ còn ngang nhiên bán nước trắng trợn hơn nữa. Lũ bù nhìn được gọi là quốc hội của chúng tháng 12-1999 đã thông qua Hiệp Định Biên Giới bán đất, và tháng 12-2000 lại thông qua Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ bán biển cho Tầu Công. Hành đông bán nước trắng trợn này cả đến Lê Chiêu Thống cũng chưa dám làm. Lịch sử Vietnam sẽ không quên những tội ác tầy trời này của tập đoàn Hànội, và công lý cũng sẽ không dung tha cho chúng. Tập đoàn CS Hanoi có tội trước lịch sử và trước nhân dân đã đành. Nhưng còn người tỵ nạn chúng ta cũng không phải không có những điều đáng chê trách. Cứ nhìn vào chính mình mà coi. Kiểm điểm lại sau mấy thập niên lưu lạc xứ người, đáng tiếc là người Việt tỵ nạn xem ra vẫn chưa học được bài học EXODUS của dân Do Thái. Cũng chưa rút tỉa được kinh nghiệm của người Tầu trên đảo quốc Đài Loan. Chúng ta thiếu đủ những cái đáng lẽ cần phải có. Chỉ xét về mặt sinh hoạt cộng đồng thôi, khẳng định chúng ta thiếu tinh thần đoàn kết, và một tầng lớp lãnh đạo giỏi. Ngược lại, lại dư thừa những thứ chúng ta không cần tới. Đó là thừa đoàn thể, thừa tổ chức, và thừa các lãnh tụ dổm. Về vấn đề đoàn kết Chúng ta nghe người Nhật nói trong cuộc đọ sức giữa một người Việt Nam và một người Nhật thì chắc chắn người Việt Nam sẽ thắng. Nhưng trong cuộc đấu giữa hai người Việt Nam với hai người Nhật thì người Việt Nam dứt khoát phải thua. Tại sao thế? Người Nhật muốn ám chỉ sự thiếu tinh thần đoàn kết của người Vietnam . Người Nhật còn đưa ra một so sánh khác nữa để mô tả tình trạng chia rẽ của người Việt Nam . Họ nói người Nhật ví như một nắm đất sét dẻo muốn nặn thành hình gì cũng được, và càng khô càng cứng. Còn người Vietnam giống như một nắm cát, mặc dầu cát rất cứng nhưng rời rạc, không nặn thành hình thù gì được cả. Nhận xét có vẻ hữu lý, nhưng xem ra người Nhật đã không đọc lịch sử Việt Nam . Người Việt không có tinh thần đoàn kết thì làm sao Lê Lợi thắng được giặc Minh, Trần Quốc Tuấn đánh tan đơợc quân Nguyên, Quang Trung Nguyễn Huệ đuổi được Thoát Hoan về Tầu? Lịch sử đã chứng minh, mỗi lần đất nước bị ngoại xâm là mỗi lần tinh thần đoàn kết quốc gia lại được chứng tỏ. Hội nghị Diên Hồng đời Trần mãi mãi là một thí dụ điển hình cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam . Trong phong trào chống thực dân Pháp dành độc lập, rất tiếc sau khi thắng người Pháp,CSVN đã dùng thủ đoạn lừa bịp để tròng lên cổ người dân Việt cái ách nô lệ tệ hại còn hơn dưới thời thực dân Pháp gấp trăm lần. Tình trạng chia rẽ trong cộng đồng ngày nay khẳng định chính là do CS gây ra chứ không phải ai khác. Bọn đầu sỏ Hanoi tỏ ra kém cỏi về nhiều mặt, nhưng lại xứng đáng là thầy thiên hạ trên phương diện lưu manh và xảo trá. Chính sách chia để trị là cẩm nang hàng đầu của mọi chế độ độc tài độc đoán. Tập đoàn Hànội áp dụng nhuần nhuyễn và thật tài tình cẩm nang này trong cách cai trị của chúng. Hiện nay dân chúng trong nước đói ăn, nhưng chúng lại thừa tiền bạc gởi ra nước ngoài mua chuộc bọn tay sai hầu lũng đoạn và khống chế các cộng đồng tỵ nạn chúng ta. Nghi quyết 36-NQ/TU của CS là một chúng minh hùng hồn cái dã tâm chia để trị của CS. Nhìn vào sinh hoạt của các tôn giáo trong nước chúng ta càng thấy rõ cái dã tâm này hơn. Chúng ban ơn huệ cho tôn giáo này nhưng lại bắt bớ đàn áp tôn giáo khác. Lý do nào vậy, nếu không phải là cố tình gây chia rẽ giữa các tôn giáo để dễ bề nắm đầu nắm cổ. Về vấn đề lãnh đạo - Với bất cứ một tập thể nào dù lớn hay nhỏ, lãnh đạo luôn luôn là một vấn đề quan trọng hàng đầu. Phải công tâm nhìn nhận rằng sau khi chế độ đệ nhất Cộng Hòa bị sụp đổ, người quốc gia đã không còn lãnh đạo nữa. Đất nước chỉ còn được cai trị mà không còn được lãnh đạo. Từ đó có thể kết luận rằng nguyên nhân chính làm mất nước chính là chúng ta thiếu lãnh đạo. Tại hải ngoại, nếu được lãnh đạo hẳn hoi, người tỵ nạn đã không sa vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay. Đáng lẽ khi di tản ra xứ người, tâm lý “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” là một yếu tố đủ để đoàn kết toàn thể mọi người về một mối. Lợi dụng tâm lý này để đoàn kết đồng bào, rồi từ đó học hỏi kinh nghiệm từ những cộng đồng thiểu số khác để phát huy sức mạnh tập thể trong chính trường Mỹ, rồi mới nói đến chuyện giải phóng quê hương mới phải. Chưa gì bọn bịp bợm đã hô hào đóng góp tiền bạc, lập chiến khu giả, quân đội ma để về kháng chiến thì thật là điên rồ và ngu xuẩn. Tình hình thế giới lúc này đâu cho phép làm chuyện đó. Riệng nước Mỹ cũng đã sợ chiến tranh Việt Nam quá sức rồi. Họ để yên sao? Kháng chiến mà không có một hậu phương vững mạnh yểm trợ, thất bại là chuyện đương nhiên. Điều tai hại nhất là nó càng ngày càng xói mòn niềm tin của đồng bào vào chính nghĩa giải phóng quê hương. Trong chiến tranh Vietnam , QLVNCH có dư cái dũng để đương đầu với kẻ thù, nhưng thiếu cái trí của lãnh đạo, hóa ra chết mà uổng cả xương máu. Hiện nay tại hải ngoại cũng thế, không thiếu những chiến sĩ tràn đầy tâm huyết và dũng cảm, mà chỉ thiếu người lãnh đạo có cái đầu biết vận dụng người và biết liệu thời mà thôi, cho nên cũng chẳng làm nên cơm cháo gì. Công cuộc chống cộng của người Việt tỵ nạn hiện nay xem ra mờ mịt chính vì tình trạng bất cân xứng đó. Mong rằng người cựu quân nhân QLVNCH tại hải ngoại cần nhìn thấy rõ điều đó. Quân đội nước nào cũng đều có nhiệm vu bảo quốc an dân. QLVNCH đã làm tròn trách nhiệm Tổ Quốc trao phó. Để đất nước rơi vào tay CS không phải lỗi của người quân nhân, mà là do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố lãnh đạo bất tài và bất lực. Hôm qua họ là lính. Hôm nay họ cũng vẫn là những người lính kiên cường và bất khuất. Có thể nói rằng, nếu không có người lính QLVNCH thì VC đã chiếm trọn hải ngoại này từ lâu rồi. Vận mệnh của dân tộc và tương lai của đất nước vẫn nhiều phần tùy thuộc vào sự trưởng thành ý thức của người quân nhân QLVNCH.
|