Chuyện một người mù sáng suốt |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Ba, 23 Tháng 6 Năm 2009 22:21 | |||
Hiện nay, người lịch sự không dùng chữ “người mù” mà phải viết là “người khiếm thị.” Sửa lối nói, vì những người mắt sáng muốn tỏ lòng kính trọng đối với những đồng loại không may mắn, mất khả năng nhìn bằng đôi mắt. Nhưng xin quý vị cho phép chúng tôi dùng tên gọi khiếm nhã cũ, khi kể lại một câu “chuyện người mù” thời xưa, thời xã hội chưa tiến bộ như bây giờ. Thời đó người ta chỉ gọi người không trông thấy được là “người mù.” Có người nói như vậy còn tỏ vẻ khinh bỉ, rẻ rúng những “người mù;” mà không thấy áy náy, không ngượng ngùng nữa. Ngày nay xã hội văn minh hơn, chúng ta tránh những tiếng nói hạ phẩm giá người khác, nhất là những người không được may mắn như mình. Chúng ta chỉ dùng những chữ như “điếc” hay “mù” khi nói đến khuyết tật, nhưng khi nói về con người thì dùng những từ nhẹ nhàng, tôn kính hơn. Phải nói loài người bây giờ đã tiến bộ hơn trong cách đối xử với nhau, và chúng ta nên hãnh diện về sự tiến bộ đó. Có tác giả kể chuyện một người mù, tôi đọc thời niên thiếu, bây giờ đã quên tên người viết, tôi đã lục tìm bằng các phương tiện rất mới nhưng vẫn không tìm ra tung tích. (Quý vị có thấy nguyên bản ở đâu làm ơn chỉ cho chúng tôi được đọc lại.) Câu chuyện đó để lại một ấn tượng rất mạnh cho nên tới giờ tôi vẫn chưa quên. Vì đó là chuyện khích động giai cấp cần lao hãy vùng lên tranh đấu đòi quyền lợi cho mình. Chuyện kể về một chuyến xe lửa chở thợ khai mỏ trên đường đi làm, rồi từ hầm mỏ trở về nhà. Những người lao động này phải ra đi từ sáng sớm, trước khi mặt trời mọc; và lúc họ trên đường trở về nhà với thân thể mệt nhoài thì trời cũng đã tối đen. Nhưng trong toa xe lửa không có đèn, không bao giờ có đèn. Và mọi người ai cũng chấp nhận như thế, coi đó là một điều tự nhiên. Khi tìm được một chỗ ngồi hay chỗ đứng trong toa xe là họ cũng bắt đầu ngủ gật hay là ngủ gục, còn ai quan tâm đến đèn đóm làm gì? Cho đến một hôm, có một người mù cũng đáp chuyến xe lửa tối đen đó, chen chúc giữa đám phu mỏ. Bỗng anh mù đánh rớt một vật gì đó, một đồng xu chẳng hạn, và anh ta cúi xuống rờ mò tìm kiếm. Tìm mãi không ra, anh ta nói nhờ những người chung quanh kiếm giùm. Không ai tìm ra. Anh mù than phiền rằng mọi người không tử tế, có đôi mắt sáng mà không chịu tìm giúp một người mù như anh. Mọi người bèn giải thích là trong toa xe lửa tối đen, không ai thấy gì cả. Anh mù ngạc nhiên: Trong xe không có đèn à? Tại sao họ không thắp đèn? Sao vô lý vậy? Các anh để cho bọn chủ nhân họ bóc lột, họ bạc đãi các anh như vậy mãi mà cứ cam chịu hay sao? Câu chuyện thật lý thú, chuyện một người mù chỉ cho những người mắt sáng thấy họ có quyền được sống trong ánh sáng. Nói theo lối các anh chị em Mác xít, người mù này “giác ngộ quyền lợi” trước những người sáng mắt. Trong xã hội nào cũng vậy, người ta sống trong một nề nếp quen rồi, không biết rằng đáng lẽ mình không nên sống như thế, hoặc không bắt buộc phải sống như thế. Thí dụ có một bọn trẻ không được giáo dục, sống chung mà không có thói quen nói năng lễ độ với nhau. Ðến khi gặp một người biết nói năng, thưa gửi với các em đó một cách lễ độ, các em thấy là hay, từ đó bắt chước. Một thời gian sau, mọi người đều biết thưa gửi, biết xin lỗi, biết cảm ơn lẫn nhau, cả xã hội sống lịch sự hơn. Từ đó, nghe ai nói năng cục cằn thô lỗ thì mọi người đều cảm thấy khó chịu. Có những xã hội người ta coi việc xin xỏ, lạy lục, hối lộ quan chức nhà nước là chuyện bình thường. Hoặc coi những ông lớn, những ông có chức có quyền tất nhiên phải được hưởng mọi ưu tiên hơn mình, đó là chuyện tự nhiên. Coi báo, đài phải tuân theo mệnh lệnh nhà nước cũng là chuyện tự nhiên, trời sinh ra như vậy. Hãy làm thí nghiệm cho những người này được thử sống trong một xã hội tự do. Cho họ thấy ở một nước dân chủ người dân đến công sở không phải lo hối lộ, khi chờ đợi thì một quan chức nhà nước cũng phải xếp hàng như mình, ai đến trước đứng hàng trước, đến sau đứng sau. Và thấy người ta được tự do sử dụng các phương tiện báo chí, phát biểu ý kiến riêng mà không sợ ai hết. Cho sống như vậy một thời gian, họ sẽ quen đi, khi trở về xứ sở cũ họ sẽ thấy lối sống trong sợ sệt, lối sống bất bình đẳng và thiếu tự do là không thể chấp nhận được. Khi đó những người này có thể trở thành “những anh mù sáng suốt” chỉ cho mọi người quyền được sống trong ánh sáng. Trong mọi xã hội còn chậm tiến, cần phải có những người “sáng suốt hơn” như anh mù trong câu chuyện ngụ ngôn trên, đứng ra bảo cho người chung quanh là cái lối họ sống như cũ làm họ mất nhân phẩm! Con người không thể sống như vậy! Cần phải thay đổi! Rồi phải có những người có can đảm đứng lên đòi thay đổi, quyết tâm đòi thay đổi, không sợ khó, không sợ chết. Những người thấy trước, biết trước người khác; cùng những người can đảm tranh đấu cho người khác được hưởng những quyền lợi đáng được hưởng, chúng ta rất cần. Ngay trong các xã hội tiến bộ rồi người ta cũng cần những “anh mù” như trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, những người nhìn rõ các vấn đề chung để cùng tìm cách giải quyết. Trong các xã hội tự do dân chủ thì những người đi trước đó có quyền kêu gọi các đồng loại của mình, nếu có ý kiến khác nhau thì sẽ có dịp tranh luận. Còn trong những xã hội độc tài đảng trị thì họ cấm bàn, vì giai cấp cầm quyền chỉ muốn ai ở đâu ở đó, trên bảo dưới nghe. Các chính quyền độc tài coi dân như trẻ con, họ là cha mẹ, cha mẹ cho con cái gì thì được cái đó, không được đòi hỏi. Chúng tôi nhớ lại câu chuyện về người mù trên đây vì mới đọc một bài báo với câu hỏi là “Dân Chủ cho ai?” được trích đăng lại trên nhật báo Người Việt gần đây. Ðại ý bài này nói rằng đa số đồng bào chúng ta sống ở Việt Nam không cần sống trong chế độ tự do dân chủ; do đó tranh đấu Dân Chủ là làm một việc không cần thiết. Cái ông, bà nào viết bài đó rõ ràng là người dễ tính. Ông/bà ta coi 80 triệu con người sống thỏa mãn với chế độ độc tài chuyên chế của đảng Cộng Sản; cứ tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó, bất công và mất tự do như vậy mà không người Việt nào cảm thấy hổ thẹn với lân bang. Xã hội nào cũng có những người dễ tính như vậy, nhất là những người đang được hưởng thụ nhờ cơ cấu xã hội đó. Nhưng thế nào cũng cần phải có những “người mù sáng suốt” hơn người khác, như trong câu chuyện trên đây. Nếu không thì người chung quanh cứ chịu sống trong cảnh tăm tối mãi mà không biết là mình thiếu thốn, là mình bị khinh rẻ, bị sỉ nhục. Vậy thì từ mấy thế kỷ nay, cả thế giới loài người đã tranh đấu đòi tự do dân chủ, họ đòi Dân Chủ cho ai nhỉ? Cho tất cả chúng ta, cho cả ông hay bà nào viết bài báo đặt câu hỏi đó. Sống tự do là lối sống tôn trọng và bảo vệ giá trị con người, tất cả mọi người. Ðó là sự tiến bộ của nhân loại, phải mất hàng trăm năm, bao nhiêu người đổ máu mới đạt được sự tiến bộ đó. Từ nô lệ bước tới tự do, văn minh nhân loại được xây dựng dần dần như vậy. Cũng giống như lối nói năng lễ phép, tránh không dùng những chữ “người mù,” hay “người điếc” mà sử dụng các tiếng thanh nhã và kính cẩn hơn. Ðó cũng là một nếp sống văn minh mọi người cùng bảo nhau phải sống. Nói năng lễ độ là niềm hãnh diện của loài người, cũng như mọi người hãnh diện khi được sống tự do. Chúng ta chọn sống theo lối đẹp đẽ văn minh; không tiếp tục sống trong bất công, sợ hãi, mất phẩm giá người khác và của mình.
|