Home Tin Tức Bình Luận Thủ đoạn chính trị, nhân vụ LS Lê Công Định bị bắt

Thủ đoạn chính trị, nhân vụ LS Lê Công Định bị bắt PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang va Caubay   
Chúa Nhật, 28 Tháng 6 Năm 2009 22:54

Thủ đoạn chính trị
 
Ngày 19.6.2009, báo Công An Nhân Dân và đa số các báo khác ở trong nước đều loan tin “Sau khi bị bắt, Lê Công Định đã viết tường trình, khai rõ mọi hành vi vi phạm pháp luật và xin được khoan hồng...” Bản tin này đã làm nhiều người chống Cộng ở hại ngoại sửng sốt. Có người cho rằng Lê Công Định đã bị tra tấn hay áp lực nên đã làm như vậy và tuyên bố lời tự thú của Lê Công Định trong khi bị giam giữ không có giá trị.

Nhưng nói như thế là quên đi hay không biết đến thủ đoạn chính trị của CSVN.

NHẮC LẠI CHUYỆN CŨ

Năm 1978, khi chúng tôi đang bị giam ở trại Thanh Cẩm, Thanh Hoá, bổng nhiên vào một buổi sáng thức dậy chúng tôi thấy hai nhà giam sát nhà giam của chúng tôi đã chứa đầy các tù nhân mới, đa số là thanh niên, tuổi từ 16 đến 20. Ít tuần sau khi đi lao động, chúng tôi được gặp họ và hỏi họ đã làm cái gì mà bị bắt. Một vài người cho biết năm 1976, do sự yêu cầu của một số sĩ quan và các nhà hoạt động chính trị, Linh mục Trần Ngọc Hiệu, cựu tuyên úy quân đội, đã đứng ra thành lập Mặt Trận Phục Quốc và chiến khu ở Bàu Cá để chống Cộng. Khi ngài cho một số người đi tuyển một kháng chiến quân, thì Công An cũng dùng một số cựu sĩ quan VNCH để làm gióng hệt như vậy. Những tên cò mồi này đến gặp họ và cho họ biết lực lượng Phục Quốc của Cha Hiệu đang đo Đại Tá Tự, cựu tỉnh trưởng Phan Rang, chỉ huy (mặc dầu lúc đó Đại Tá Tự đã đi tù rồi!). Có người đã được họ đưa vào chiến khu gặp Đại Tá Tự (giả) và về tường thuật lại, nên anh em đều tin, nên đã xin gia nhập. Đợi khi tuyển mộ được một số đông, họ chia thành từng toán và dẫn vào chiến khu thì Công An đã chờ sẵn và bắt. Một cậu 17 tuổi cho tôi biết trước khi đi, cậu đã về nhà xin ông già được 20.000$. Thấy tiền trong túi cậu, công an hỏi tiền ở đâu mà có. Cậu cho biết ông già cho. Công an liền đi bắt ông già cậu luôn. Hôm sau cậu ta dẫn ông già đến giới thiệu với tôi, ông chỉ khóc ròng! Chiến khu Bàu Cá đã bị bộ đội CSVN thanh toán vào tháng 11 năm 1976 và Linh mục Hiệu đã bị xử bắn.
Ra hải ngoại, người Việt chống cộng, nhất là những người tự xưng là “đi guốc trong bụng Cộng Sản” và tự cho mình có sứ mạng đi dạy dỗ những người khác cách chống Cộng lại là những người bị sa lưới Công An dễ dàng nhất.

Trong bài “Lại trúng kế địch!” được phổ biến trên các báo chí và Internet ngày 16.3.2007 chúng tôi đã tố cáo: Đảng Thăng Tiến, Đảng Vì Dân, Liên Đảng Lạc Hổng... đều là những đảng dỏm do Bộ Công An cho tay chân bộ hạ thành lập để gài bẩy bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý, hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Chúng tôi đã tường thuật đầy đủ từng chi tiết với những bằng chứng cụ thể.

Trường hợp của Luật sư Lê Công Định cũng chỉ là trường hợp của hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân được lặp lại. Trong bài “Bị sa vào luới Công An” phổ biến trong tuần trước, chúng tôi đã trình bày những nét chính về vụ này. Tuần này chúng tôi xin trình bày rõ nét hơi.

TRÌNH VỚI PHÓ ĐẠI SỨ MỸ

Báo Công An Nhân Dân ngày 21.6.2009, dưới đầu đề “Tổng cục An ninh trao đổi với Phó Đại sứ Mỹ về việc bắt khẩn cấp Lê Công Định” đã cho biết như sau:
“Đại diện Tổng cục An ninh khẳng định với bà Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Virginia Palmer: Việc Cơ Quan Điều Tra bắt giữ, xử lý Lê Công Định là do những hoạt động vi phạm pháp luật của Định, không phải do việc Lê Công Định tham gia bào chữa cho một số bị cáo như thông tin của phía Mỹ và một số tổ chức khác.

“Theo tin từ Tổng cục An ninh - Bộ Công an, chiều 18/6, đại diện Tổng cục An ninh đã gặp Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bà Virginia Palmer, để trao đổi một số nội dung liên quan đến Lê Công Định, bị cơ quan An ninh điều tra Việt Nam bắt ngày 13/6 vì những hành vi vi phạm pháp luật, theo Điều 88 - Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam...

“Cơ quan điều tra của Bộ Công an Việt Nam đã có đầy đủ chứng cứ về những hành vi vi phạm pháp luật của Lê Công Định; bản thân Lê Công Định đã thú nhận vi phạm Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam và mong được Nhà nước Việt Nam khoan hồng. Những hoạt động đó đã được chính Lê Công Định thừa nhận trong bản tự khai của mình...”
Cần nhắc lại, trong vụ án này, có 5 người đã bị bắt: Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Trần Thị Thu và Lê Thị Thu Thu.

CÂU CHUYỆN ĐƯỢC KỂ LẠI

Báo Công An Nhân Dân đã viết khá nhiều bài về vụ Luật sư Lê Công Định tham gia các tổ chức “phản động” được nói là của Việt Tân và Nguyễn Sỹ Bình. Báo này nói về quan hệ giữa Lê Công Định và Việt Tân rất ít, trái lại đã nhấn mạnh đến sự quan hệ giữa Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức với Đặng Sỹ Bình.

1.- Quan hệ với Việt Tân?
Báo CAND cho biết theo lời khai của Lê Công Định, đầu năm 2007, nhận lời mời của Hà Đông Xuyến, thành viên tổ chức phản động Việt Tân, vào đầu tháng 3 năm 2009 Định đã sang Pattaya, Thái Lan, để dự lớp tập huấn 3 ngày về phương pháp "đấu tranh bất bạo động" do Việt Tân tổ chức.

Lê Công Định kể lại, từ đầu năm 2007, ông có quen một người tên Donna Liebeman, tự xưng là nhà nghiên cứu VN, từng nhiều lần mời luật sư này sang Hồng Kông hoặc Thái Lan để “nghiên cứu xã hội học”, nhưng ông đã từ chối. Qua nhiều lần trao đổi bằng điện thoại trong năm 2008, vào tháng 2/2009, vì tò mò “muốn biết rõ về công việc nghiên cứu của cô này”, Định quyết định nhận lời và đã sang Pattaya vào tối 29.2.2009
Đón Định tại Pattaya lại là Phương An. Tới lúc đó Định mới biết Phương An cũng chính là Donna Liebeman.
S
áng 1.3.2009, Phương An cùng chồng tên Châu đưa Định tới một phòng hội nghị tổ chức một buổi huấn luyện về phương pháp đấu tranh lật đổ bất bạo động theo kinh nghiệm của Serbia.
Có việc phải đi Bangkok, Định trở lại Pattaya vào ngày 3.3.2009, tiếp tục tham dự khoá học với chừng 10 người Việt Nam tham dự. Định cho biết “tất cả họ đều không dùng tên thật và tôi không biết họ trước đó”. Tại cuộc họp này, Định được biết một người tên Vinh, “do Lê Quốc Quân, người của tổ chức phản động Việt Tân giới thiệu”.

Cơ quan an ninh cho biết các lớp học này đều do các chuyên gia lật đổ bất bạo động người Serbia giảng dạy. Đây là những “bậc thầy” của tổ chức ACNC – Trung tâm quốc tế về đấu tranh lật đổ bất bạo động, từng đạo diễn cuộc “Cách mạng Màu” khiến hàng loạt nước thuộc khối XHCN Đông Âu sụp đổ trước đây.

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn hôm 19.6.2009 của đài BBC, ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư đảng Việt Tân nói tuy tổ chức của ông ủng hộ các hoạt động của các nhà đấu tranh vì dân chủ, nhưng Việt Tân không hề có khóa tập huấn nào tại Thái Lan như tin Công An đã loan, và ông Lê Công Định không phải là thành viên của tổ chức này.
Điều này cho thấy cuộc huấn luyện dưới danh nghĩa của đảng Việt Tân tại Pattaya là một cuộc huấn luyện giả do Công An hay Cục Tình Báo Hải Ngoại của CSVN dựng lên để tạo bằng chứng và bắt Lê Công Định.

2.- Quan hệ với Nguyễn Sỹ Bình
Theo báo CAND, do sự giới thiệu của Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định đã tham gia tổ chức “Đảng Dân Chủ Việt Nam” do Nguyễn Sỹ Bình (Chủ tịch Đảng Nhân Dân Hành Động) đứng đầu và được mời làm thành viên Ban Thường Vụ.

Trong thời gian đi học ở Mỹ, Định đã được Nguyễn Sỹ Bình móc nối "bơm" lên thành "Nhân vật của Việt Nam thế kỷ XXI".

Tháng 2/2008, Nguyễn Sỹ Bình gửi cho Định bản "Tân hiến pháp VN" để Định nghiên cứu và góp ý. Đến tháng 9/2008, trong một dịp sang Mỹ họp với giới luật sư, Định gặp Nguyễn Sỹ Bình, rồi được Bình đưa cho bản "Điều Lệ Đảng Dân Chủ VN" để Định chỉnh sửa.

Vào ngày 26.3.2009, Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức đã sang Phuket, Thái Lan, gặp Nguyễn Sỹ Bình để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng Sản VN khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010. Cả ba quyết định thành lập thêm 2 đảng là Đảng Lao Động VN do Lê Công Định làm chủ tịch và Đảng Xã Hội VN do Trần Huỳnh Duy Thức đứng đầu. Cả hai lập 2 trang Blog cùng tên để tuyên truyền qua Internet.

Trần Huỳnh Duy Thức là Tổng giám đốc Công ty cổ phần internet “Một Kết Nối” (OCI).

Lê Công Định đã viết một bản tuyên cáo về việc thành lập Đảng Lao Động VN, tuy nhiên, “do lỗi kỹ thuật và chưa hoàn thiện và chưa công bố được thì tôi bị bắt”.

Khi từ Thái Lan trở về, đầu tháng 4/2009, Lê Công Định lập Blog "Đảng Lao Động VN" để ra tuyên cáo thành lập đảng này, rồi cùng Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Sỹ Bình viết một cuốn sách mang tên "Con Đường VN". Trong đó, Định viết phần cải cách tư pháp, Thức viết phần cải cách kinh tế, Bình viết cải cách xã hội. Cả ba có chung email This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it để làm làm địa chỉ liên lạc.

Theo báo CAND, tại Cơ quan Điều tra, Lê Công Định khai đã viết 20 bài với nội dung xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước VN rồi gửi cho đài BBC, cho Nguyễn Sỹ Bình đăng lên tạp chí "Phía trước", lên trang web của "Đảng Dân Chủ VN", đồng thời thường xuyên trả lời phỏng vấn của đài BBC, RFI, RFA.

Riêng Trần Huỳnh Duy Thức đã lập blog "Change We Need" rồi viết các bài như: "Lần sinh nhật thứ 79 của Đảng Cộng sản VN là lần cuối", "Gửi những người Cộng sản", "Điềm gở của triều đại Cộng sản", "Minh chủ sắp xuất hiện", "Bôxít tây nguyên, huyệt mộ triều đại Cộng sản tự đào chôn mình" với bí danh Trần Đông Chấn.

Đầu năm 2008, Thức lập blog "Trần Đông Chấn" và từ blog này, Thức quen Nguyễn Sỹ Bình. Sau đó, Thức lập tiếp blog "PsonKhanh". Cuối năm 2008, Thức đi Mỹ, gặp Bình ở Houston, bang Texas. Bình quy định bí danh liên lạc: Bình là "chị hai" (C2), Thức là "chị ba" (C3) và Định là "chị tư" (C4).

Theo báo CAND, tại Cơ quan Điều tra, Thức thừa nhận 49 bài viết đã đăng trên blog "Trần Đông Chấn", "Change We need", "PsonKhanh" với nội dung chống phá Nhà nước VN là của Thức, và 12 bài Thức chỉnh sửa của các đối tượng khác.

3.- Một vài nhận xét

Rất khó quan niệm được, với những tổ chức và hành động đơn giản như trên, Bình, Định và Thức có thể đi tới thay thế đảng CSVN hiện nay được. Hình thức hoạt động này xem ra gióng trò chơi của Công An khi thành lập các đảng Thăng Tiến, Vì Dân, Liên Đảng Lạc Hồng... để gài bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý, hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Đó chỉ là những hư cấu.

HIỆN TƯỢNG NGUYỄN SỸ BÌNH

Báo Công An Nhân Dân online ngày 21.6.2009 đã viết một bài khá nặng về Nguyễn Sỹ Bình dưới đầu đề “Nguyễn Sĩ Bình và tổ chức “Đảng Nhân Dân Hành Động”, và cho biết sẽ còn viết tiếp, nhưng hôm sau, bài này và các bài liên hệ đến Nguyễn Sỹ Bình đã được lấy ra. Điều này cho thấy đang có những sự bàn luận trong Bộ Công An và Cục Tình Báo Hải Ngoại về lá bài Nguyễn Sỹ Bình.

Dầu sao, chúng tôi cũng đã lấy xuống được nhiều bài nói về hiện tượng Nguyễn Sỹ Bình, qua đó chúng tôi có thể nhận ra được nhiều vấn đề.

Mở đầu bài “Nguyễn Sĩ Bình và tổ chức “Đảng Nhân Dân Hành Động” báo CAND viết:
“Sau khi được Chính phủ Việt Nam khoan hồng, tha cho về Mỹ, Nguyễn Sĩ Bình không những không từ bỏ âm mưu chống phá đất nước, mà ông ta còn dấn thêm một bước nữa với những thủ đoạn tinh vi hơn và đểu cáng hơn. Rút hết tiền bạc trong tài khoản tiết kiệm của vợ là bà Võ Thị Khánh, Nguyễn Sĩ Bình cặp bồ - rồi sống chung như vợ chồng với Nguyễn Thị An Nhàn, bác sĩ, mà Bình giới thiệu là "trợ lý cho chủ tịch đảng".

Dựa vào những bài đăng trên báo CAND, chúng tôi xin ghi lại những nét chính về Nguyễn Sỹ Bình như sau:

1.- Vài hàng lý lịch

Báo CAND cho biết:
Nguyễn Sỹ Bình sinh năm 1955 tại làng Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Tháng 7/1974, Nguyễn Sĩ Bình thi đỗ tú tài đôi (tốt nghiệp THPT bây giờ) rồi sau đó, ông ta ghi danh vào Trường đại học tư Minh Đức, cơ sở đặt tại quận Phú Nhuận. Tháng 4/1975, khi Sài Gòn sắp sửa được giải phóng, Nguyễn Sĩ Bình theo chân một số sinh viên khác - vốn hoạt động ngầm cho Phòng Thông tin Hoa Kỳ, chạy sang Mỹ.

Hai năm đầu trên đất Mỹ, Bình làm việc cho Hãng Golden Gate Petroleum Co. tại bang California. Tích lũy được ít tiền, Bình xin nghỉ việc để tiếp tục con đường học vấn. Lấy được bằng kỹ sư tại Đại học Maryland, Bình về làm cho Công ty Bechtel Power Corp. Được ít lâu, Nguyễn Sĩ Bình chuyển sang một lĩnh vực không liên quan gì đến chuyên môn nhưng dễ kiếm tiền - đó là quản trị tiếp thị cho Công ty kinh doanh địa ốc General Development ở Miami, bang Florida, có chi nhánh tại Virginia...

2.- Hoạt động “chính trị”!

Theo báo CAND, vào tháng 8/1990, Nguyễn Sỹ Bình đơn thân về Việt Nam dưới hình thức thăm gia đình để tìm hiểu tình hình. Sau khi tiếp xúc với những thành phần “cơ hội, bất mãn trong nước cũng đang hí hửng vì cho rằng "cờ đã đến tay",  Bình trở lại Mỹ bàn bạc với Bùi Duy Sinh, Hoàng Trọng Hiệp về những kế sách nhằm làm "tan rã chế độ XHCN ở Việt Nam"

Sau đó, Nguyễn Sỹ Bình khai sinh cái gọi là "Đảng Nhân Dân Hành Động" mà cộng đồng người Việt ở Mỹ thường mỉa mai là "Đảng Nhân Dân  Hành... Lạc", và tự phong cho mình chức "chủ tịch" với các bí danh như Nguyễn Hùng Vinh, Tư Vinh
Tháng 4/1991 Hoàng Trọng Hiệp chuẩn bị "Tài liệu sáng lập 91" cho Nguyễn Sỹ Bình và Bùi Duy Sinh mang về Việt Nam. Tại nhà mẹ ruột ở đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, Bình đưa bản tài liệu này cho các em của ông ta là Nguyễn Sĩ Tĩnh, Nguyễn Sĩ Linh A, Nguyễn Sĩ Linh B, cùng Trần Thị Bé Sáu (bạn của Linh A), đọc và góp ý kiến... Bên cạnh đó, Nguyễn Sỹ Bình còn bỏ tiền thuê nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác 2 bài hát "Hành khúc Việt Nam nhân dân hành động", và "Nỗi lòng người Việt" rồi in chung vào tập tài liệu.

Đầu tháng 10/1991, thông qua Linh B, Nguyễn Sĩ Bình kết nạp Lê Hoàng Lâm, giáo viên dạy tư ở Trà Ôn, Cần Thơ. Sau đó, Lâm lôi kéo được một số đối tượng như Dư Văn Thảnh, Lý Thanh Tòng, Nguyễn Thành Các, Cao Phước Tám, Nguyễn Sinh Từ - rồi tiếp theo là Lê Hà Hạp, Đặng Văn Được và Lê Hiền Lương, rồi hình thành nên "Nhóm Miền Tây".

Tại Sài Gòn, Bình còn dụ được Bạch Thị Xuân, Trần Thị Bé Sáu là bạn của mẹ và em gái ông ta, Xuân lại móc nối được Lâm Thiên Thu, Thông Minh Phước, nguyên là sĩ quan chế độ cũ.

Đầu năm 1992, Bình trở lại Việt Nam và dùng ngay nhà mẹ ruột của ông ta để tổ chức các lớp huấn luyện. Mỗi lớp kéo dài 3 ngày, gồm từ 5 đến 7 "đảng viên". Ai ở xa, Bình cho ăn, ở và  50 nghìn tiền đi đường…...
Ngày 25.4.1992, Cơ quan An ninh thuộc Bộ Công An bắt quả tang Nguyễn Sĩ Bình và 16 "đảng viên" khi tại lớp huấn luyện tại nhà mẹ đẻ Bình ở đường Cách Mạng Tháng Tám.

Báo CAND cho biết, sau khi bị bắt, Bình không còn tự đắc mà thành khẩn khai báo và xin tha. Bình cam kết: "Tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Nếu được tha, tôi cam kết sẽ không có những hành động gây hại cho an ninh đất nước...".

Ngày 26.6.1993, Bình được “khoan hồng” và cho trở về lại Mỹ.

Đọc câu chuyện trên chúng ta thấy rằng nếu quả thật Nguyễn Sỹ Bình về Việt Nam tổ chức làm “cách mạng” như thế, thì cách thức hoạt động của Bình quá ấu trỉ, sa lưới là chuyện đương nhiên.

CHỐNG CỘNG KIỂU ÔNG CỐ NỘI

Theo báo CAND, sau khi trở về Mỹ, Bình không thực hiện những lời đã hứa mà tiếp tục huênh hoang, móc nối với Bác Sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và phong cho ông ta làm “Phó Chủ Tịch Đảng Nhân Dân Hành Động”. Bác sĩ Ngãi sinh năm 1949 tại Quảng Ngãi và là một cựu trung úy của Quân Lực VNCH.

Báo CAND cho biết: Được sự trợ giúp của Bác Sĩ Ngãi, năm 1996, Bình tổ chức “Đại hội Đảng nhân dân hành động” lần thứ nhất và thứ hai tại Campuchia và Thái Lan, với âm mưu tuyển 500 người để huấn luyện rồi đưa vào Việt Nam.

Đây cũng là phương thức mà cán bộ CSVN Hoàng Việt Cương đã hướng dẫn Nguyễn Hữu Chánh làm năm 1999 dưới hình thức “Đại Hội Biên Thùy Đông Dương” tại Thái Lan để tập trung những thành phần chống đối còn lại ở Kampuchia và Thái Lan cho Công An hốt sạch.

1.- Câu các con mồi xuất đầu lộ diện

Theo tài liệu của Công An, tháng 10/1995, Bình cùng Nguyễn Thị An Nhàn, Nguyễn Lê Hiệt nhập cảnh vào Kampuchia, mang theo tài liệu... Sau khi tiếp xúc với Phan Văn Hy, Lê Văn Tính, Quang Minh, Nguyễn Tuấn Nam, Võ Hoàng Cương..., là những kẻ đã gia nhập "đảng", Bình mở lớp huấn luyện và lập "đảng bộ kiểu mẫu". Nhờ những thủ đoạn ấy, Bình lôi kéo được một số tên ăn không ngồi rồi tại Kampuchia,

Báo CAND nói rõ đầu tháng 2/1996, Nguyễn Sĩ Bình một lần nữa nhập cảnh Kampuchia với hộ chiếu mang tên Yao, tổ chức họp trù bị tại một ngôi chùa ở quận Chàm Kà Môn. Ngày 16.2.1996, Bình cho ra mắt cái gọi là "Đại Hội Đảng Nhân Dân Hành Động Lần Thứ Nhất”. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Kampuchia phát hiện có tổ chức chống phá Việt Nam nên đã truy bắt. Mặc dầu lúc đó ngành Công An ở Kampuchia đều do các cán bộ tình báo CSVN lãnh đạo, Nguyễn Sĩ Bình và Nguyễn Thị An Nhàn không bị bắt giữ mà chỉ bị trục xuất về Mỹ!

2.- Các con mồi bị sa lưới

Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 12.9.1999, có đăng một bài tường thuật nói rằng sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam, Nguyễn Sỹ Bình đã qua Kampuchia, “tập hợp, lôi kéo một số phần tử phản động như Lê Văn Tính, Nguyễn Tuấn Nam, Bùi Đăng Thủy... thành lập một bộ phận của “Đảng Nhân Dân Hành Động” lấy tên là “Xứ Bộ Chùa Tháp” âm mưu về nước phá hoại. Đầu tháng 7/1997, các tên Bùi Đăng Thủy, Giáp Bảo An, Nguyễn Văn Sỹ, Đỗ Hữu Nam, Nguyễn Anh Hảo... lần lượt nhập cảnh trái phép về nước và bị bắt giữ.

Hãng AFP trích dẫn nguồn tin từ tòa án An Giang cho biết một nhóm 24 người thuộc Đảng Nhân Dân Hành Động đã bị truy tố và xét xử về tội “xâm nhập Việt Nam bất hợp pháp, và có hoạt động chống chính quyền cách mạng”. Theo bản án toà tuyên vào ngày 10.9.1999 sau ba ngày xét xử, ông Lê Văn Tính, 61 tuổi, một cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ Hoa Kỳ trở về, bị kết án 20 năm tù. Số 23 người còn lại bị kêu án từ 18 đến 20 năm tù.
Tính lại, từ năm 1990 đến 1999, ba tổ chức “kháng chiến” là Liên Đảng Cách Mạng của Hoàng Việt Cương, Chính Phủ Việt Nam Tự Do của Nguyễn Hữu Chánh và Đảng Nhân Dân Hành Động của Nguyễn Sĩ Bình đã đưa vào lưới của Việt Cộng khoảng 320 người, trong đó có một số từ ngoại quốc trở về.

3.- Hợp thức hoá vai trò “chống cộng” của Nguyễn Xuân Ngãi

Mặc dầu năm 1997 các thành viên của Đảng Nhân Dân Hành Động đã bị bắt, đầu năm 1999, Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, Phó Chủ Tịch Đảng Nhân Dân Hành Động, vẫn được nhà cầm quyền CSVN chính thức cấp Visa cho về Việt Nam huấn luyện về kỷ thuật thông tim. Ông đã đến Sài Gòn ngày 22.2.1999. Chương trình huấn luyện được dự trù kéo dài từ 23.2.1999 đến 6.3.1999. Tuy nhiên, theo ông kể lại, khi thấy sự hiện diện của ông không thuận lợi, nhà cầm quyền chỉ bắt ông rời Việt Nam “sớm hơn dự định” mà thôi. Đây là một “thành tích chống Cộng” theo kiểu ông cố nội của thằng Việt Cộng!

THAY HÌNH ĐỔI DẠNG

Vì hoạt động của đảng Nhân Dân Hành Động đã gây nhiều nghi vấn trong cộng đồng người Việt hải ngoại, Nguyễn Sỹ Bình đã tìm cách thay hình đổi dạng.

Theo báo CAND, cuối năm 2005, ông Hoàng Minh Chính sang Mỹ để chữa bệnh, gặp Nguyễn Sỹ Bình và nhóm của y gồm Nguyễn Xuân Ngãi, Bùi Hữu Vị…. Qua lời xúi biểu của Nguyễn Sỹ Bình và các “chiến hữu”, năm 2006 ông Chính tuyên bố thành lập cái gọi là “Đảng Dân Chủ VN”. Mục đích của nhóm là kiếm một chỗ đứng mới.

Năm 2008, khi ông Hoàng Minh Chính qua đời, đã có những mâu thuẫn và tranh giành quyền lực trong “Đảng Dân Chủ VN” giữa nhóm hải ngoại và nhóm trong nước (gồm Nguyễn Tiến T, Trần Anh K, Trần K) về việc lãnh đạo “Đảng Dân Chủ VN”. Tuy nhiên, với khả năng tài chính của nhóm hải ngoại, ngày 9.8.2008 Nguyễn Sỹ Bình đã tiếm được vị trí Trưởng ban Thường Vụ, thay ông Hoàng Minh Chính điều hành “Đảng dân chủ VN”. Nhóm nội địa cho rằng Bình không xứng đáng và không thể nắm cùng một lúc hai chức vụ chủ chốt, vừa của “Đảng Nhân Dân Hành Động” vừa của “Đảng Dân Chủ VN”. Vì thế, ngày 23.8.2008, Bình phải tuyên bố rút tên ra khỏi Đảng Nhân Dân Hành Động để chuyên tâm lo “đại sự” của Đảng Dân Chủ VN.

Truong cuộc phỏng vấn của Phạm Khiêm, phóng viên đài BBC hôm 16.6.2009, Nguyễn Sỹ Bình nói rằng “ông không còn làm cho Đảng Nhân Dân Hành Động nữa, kể từ mùa hè năm trước” và việc “ông trao đổi với LS Lê Công Định chỉ là trên công việc riêng, và không có quan hệ gì với Đảng Nhân Đân Hành Động.”

Nhưng báo CAND cho rằng tuy hai nhóm đối tượng chống đối nêu trên có hai tên riêng biệt, “nhưng thực chất đều có chung số nhân sự và nguồn tài chính”.

LÊ CÔNG ĐỊNH BỊ TRÚNG KẾ

Theo các tin tức từ trong nước và các sự kiện chúng tôi vừa nêu trên đã cho thấy lớp tập huấn 3 ngày về phương pháp "đấu tranh bất bạo động" được nói là do Việt Tân (giả) tổ chức vào đầu tháng 3 năm 2009 tại Pattaya mà Lê Công Định đã tham dự, và cuộc gặp gỡ ngày 26.3.2009 giữa Nguyễn Sỹ Bình và Lê Công Định tại Phuket, Thái Lan, đều do Công An và Cục Tình Báo Hải Ngoại tổ chức. Lê Công Định tuy có nhiều nhiệt huyết, muốn làm một cái gì để đem lại những đổi mới trên quê hương, nhưng thiếu kinh nghiệm về hoạt động chính trị trong chế độ cộng sản, nên đã bị trúng kế. Cũng như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Công Định đã suy nghĩ rằng với tư thế và uy tín quốc tế mà anh đã lập được, không ai dám đụng đến anh, nên anh đã ung dung qua Thái Lan họp. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm.

Tại nơi mở lớp huấn luyện và nơi gặp Nguyễn Sỹ Bình, nhân viên an ninh CSVN đã gài sẵn máy vi âm và máy quay phim. Do đó, khi nhân viên an ninh cho Lê Công Định nghe và xem lại những cuốn băng này, Lê Công Định không còn cách nào khác là nhận tội.

Dầu sao, Lê Công Định cũng đã nêu cao được gương can đảm của mình khi dám đưa ra những đòi hỏi làm cho chế độ nao núng và phải có biện pháp đối với anh. Chắc chắc sự can đảm và công lao của anh sẽ không trở thành vô ích.

Hôm 21.6.2008, khi báo Công An Nhân Dân cho phổ biến các tài liệu liên quan đến Nguyễn Sỹ Bình, nhiều người tin rằng con bài Nguyễn Sỹ Bình đã đến giai đoạn hết xài được nên sắp bị loại bỏ. Nhưng khi báo CAND và các báo trong nước đột ngột rút hết các tài liệu tố cáo Nguyễn Sỹ Bình xuống, chúng ta cần theo dõi kỹ vụ này một thời gian trước đi đưa ra những nhận định. 
 
Lữ Giang
 
==========================================================================================
 
Cộng sản, ký giả, luật sư và anh Lê Công Định
 
Từ lâu tôi đã mang sẵn trong lòng một định kiến. Đó là những gì liên quan đến cộng sản đều xấu cả, nhất là về con người. Với tôi, những người tham gia, ủng hộ chế độ cộng sản, không ít thì nhiều, đều là kẻ xấu. Người không có tà tâm không thể theo hay tán trợ bọn cộng sản, dù được biện minh với bất cứ lý do nào. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, do còn ở trong hoàn cảnh tranh tối tranh sáng, đã có nhiều người thiện lương bị ăn quả lừa đi theo công sản; tuy vậy qua thời gian họ đã nhận ra bộ mặt bịp bợm, ác độc của nó mà xa lánh. Ngày nay, những ai theo cộng sản thì không còn lý do gì có thể biện bạch được nữa.

Suy nghĩ đó đến nay tôi vẫn không thay đổi và hình như nó càng ngày càng được xác định bởi những gì mà những người mang danh cộng sản đã làm cho đất nước, cho dân tộc chúng ta. Nhìn lại lịch sử cận đại của nước nhà, xem xét lại những gì đã và đang xảy ra trong hơn 60 năm qua, tôi tin là 99.9% người Việt đều đồng ý rằng chế độ cộng sản là tai họa. Không có ai cho cộng sản là tốt, kể cả ba triệu đảng viên. Những kẻ ngoài mặt vẫn ca tụng cộng sản có “chính nghĩa sáng ngời” đều là bọn vô sỉ, dù có làm đến thủ tướng hay chủ tịch nước. Tất nhiên “thống kê”này chỉ lầ suy luận cá nhân, không khẳng định kiểu “tuyệt đại đa số nhân dân tán thành” như cách nói của các lãnh đạo cộng sản. Nhưng tôi tin điều trên đây sẽ được chứng minh nếu có một thăm dò trung thực

Tòa án Cộng sản
Nguồn: OntheNet
Tuy vậy cần nói rõ là trong guồng máy cai trị của chế độ cộng sản, quân đội không phải là những người xấu và đáng ghét, bởi suy cho cùng họ cũng chỉ là những nạn nhân không lối thoát. Công an dù đáng ghét nhưng chỉ là những kẻ thừa hành vô học. Ngoài bọn lãnh đạo xảo quyệt, thành phần tôi khinh bỉ nhất là bọn bồi bút và đám nô bộc trong ngành tư pháp. Sỡ dĩ như vậy vì đó là thành phần cần đến lý trí và lương tâm nhiều nhất.

Bồi bút bao gồm ký gíả, văn nô, thi nô và sử (gia) nô đều là bọn vô sỉ, bởi chúng có học, biết đâu là phải trái nhưng thiếu tự trọng, láo khoét và tráo trở. Khác với kẻ ăn cắp mà tang vật được dấu kín, sản phẩm (tang vật) của bọn bồi bút được trưng bày trên giấy trắng mực đen cho mọi người đọc mà chúng không hề hổ thẹn. Bọn này ngoài tài nịnh bợ thường ngậm máu phun người. Thử đọc một đoạn văn, bài thơ nịnh bợ, một bài báo vu khống, một bài bóp méo lịch sử của “sử gia giết sử”, có người đọc nào không khinh bỉ?

Gần đây, khi bọn Tàu bắt bớ, ngăn cấm ngư dân ta đi đánh cá thì quân đội, công an biên phòng trốn biệt, báo đài thì im thin thít. Thỉnh thoảng có vài mẫu tin ngắn ngủn thì tránh né, rụt rè sợ hãi đến độ không dám nêu tên kẻ thù. Ngược lại, với một công dân hiền lành như anh Lê Công Định thì cả bọn huyênh hoang nào là “bắt khẩn cấp”, "đối phó kịp thời" và đưa tin tràn ngập. Sự hèn nhát và bỉ ổi này chỉ xảy ra dưới chế độ cộng sản Việt Nam.

Nói cho công bằng, trong hàng ngũ những người làm báo trong nước thỉnh thoảng vẫn có những ký giả đích thực, không xu nịnh, có “cái tâm”, biết xót xa với những điều tai nghe mắt thấy. Nhưng do bị kẹp trong cái vòng kim cô “lề phải” họ phải luồn lách để viết, lắm khi một cách ngụ ý, gián tiếp, để đưa tin hoặc biểu lộ sự phản kháng. T
uy vậy những người này không thể thoát nỗi con mắt cú vọ của (ác) đảng và luôn luôn bị phê phán, trù dập, cách chức, thậm chí đi tù. Trường hợp các nhà báo Kim Hạnh, Nguyễn Việt Chiến và nhà báo tự do Điếu Cày là những ví dụ điển hình. Những ký giả, văn nghệ sĩ đích thực không thể tồn tại trong chế độ cộng sản. Nói cách khác, chế độ cộng sản không có truyền thông, chỉ có tuyên truyền thì làm gì có ký giả. “Ký giả” của đảng chỉ là những cái loa biết tự điều chỉnh, biết nhổ, biết liếm.

Trong lãnh vực tư pháp, bao gồm thẩm phán, công tố và cả luật sư đều là bọn tay sai tôi mọi của đảng, đóng kịch một cách trắng trợn. Từ vụ Cải Cách Ruộng Đất, mà vốn tiêu biểu cho một xã hội man rợ, cho đến các phiên tòa xảy ra gần đây, nhất là các vụ án liên quan

đến chính trị, tất cả bản án đều được chỉ định và xếp đặt trước. Từ các vụ án chính trị xử linh mục Nguyễn Văn Lý, chị Lê Thị Công Nhân, anh Điếu Cày cho đến vụ hình sự như Năm Cam, PMU18, PCI …Tất cả chỉ là các vở bi hài kịch, hoặc ngắn hoặc dài!

Bởi sự khinh miệt đó, khi nghe tin nhà cầm quyền cộng sản trong nước cho phép hành nghề luật sư, thành lập luật sư đoàn…tôi không hề quan tâm. Tôi cho đó chỉ là những diễn viên mới của gánh xiếc cũ. Chỉ là thứ nước hoa rẻ tiền thoa lên thân thể mụ đĩ già hôi thối mà thôi. Từ khi cộng sản nắm quyền ở miền Bắc năm 1954 dù xưng danh là nhà nước cộng hòa, dân chủ, có hiến pháp mà tôi không hề nghe nói đến ai là luật sư (ngoài ông Nguyễn Mạnh Tường, mà ông luật sư này cũng không một ngày hành nghề, lại cũng bị trù dập cho đến chết.)
“Cộng sản làm gì có luật mà có luật sư!” Tôi thầm nhủ như thế và nghĩ rằng luật sư chân chính không thể tồn tại trong chế độ cộng sản.

LS Lê Công Định - Nguồn: AP
Suy nghĩ trên đây được chứng minh qua trường hợp các ông Lê Quốc Quân, Lê Chí Quang, chị Lê Thị Công Nhân, các anh Nguyễn Văn Đài, Lê Trần Luật, và mới đây nhất là anh Lê Công Định. Họ có điểm chung là cùng là luật sư và cùng bị bỏ tù hay bị trù dập bởi nhà cầm quyền. Điểm chung đó xuất phát từ một điểm chung khác: họ là những người có lương tâm. Vì họ hành nghề luật mà biết tôn trọng luật, lại không chịu làm tay sai cho kẻ cầm quyền nên họ xứng đáng được gọi là luật sư. Và bởi vì họ là luật sư chân chính, họ thảy đều là đối tượng trấn áp của bạo quyền.
Bọn độc tài không bao giờ thượng tôn pháp luật (dẫu luật đó do chúng tùy tiện đặt ra) nên chúng thù ghét và luôn luôn tìm cách triệt hạ những ai yêu công lý.
 

Nói chung, trong chế độ cộng sản những ai còn lương tri rất dễ đi tù, đặc biệt nếu kẻ đó là trí thức. Bọn cầm quyền cộng sản không cần người cương trực, chỉ cần tay sai. Không riêng gì luật sư, hễ ai binh vực nạn nhân, bảo vệ công lý đều là cái gai của (ác) đảng. Ngành tư pháp chỉ để trang điểm cho bộ mặt độc tài, tạo bộ mặt dân chủ nhằm lừa dối thiên hạ. Luật sư cũng như mọi nghề khác, phải là công cụ của đảng, thực chất là tay sai của vài kẻ cầm quyền. Bên lập pháp thì cần nghị gật, bên tư pháp thì cần luật sư cò mồi khuyên thân chủ nên …thành khẩn khai báo, nhận tội theo ý đảng để được “khoan hồng”! Đó là những gì đảng cần. Được lòng dân, khác ý (ác) đảng thì đi tù.

Trong những ngày qua dư luận trong và ngoài nước xôn xao về vụ luật sư Lê Công Định bị bắt. Nhà cầm quyền cộng sản vu cho anh tội cấu kết với các “thế lực thù địch” nhằm lật đổ chính quyền. Đó chỉ là bổn cũ soạn lại, đã được áp dụng cho mọi người bất đồng chính kiến. Trong phần còn lại của bài này, tôi xin trình bày vài suy nghĩ liên quan đến cá nhân anh Lê Công Định và lý do vì sao anh đi tù.
Anh Lê Công Định đi tù chỉ vì anh là nguời sống dưới chế độ cộng sản mà lại yêu công lý. Hơn thế nữa, anh lại chọn cái nghề không được chế độ chấp nhận, đó là nghề luật sư.

Tôi biết anh khi anh cùng vài luật sư khác bào chữa cho chị Lê Thị Công Nhân, anh Điếu Cày. Tuy vậy, do nặng thành kiến với cánh “luật sư cộng sản”, tôi không mấy quan tâm. Cãi kiếc gì trong các phiên tòa của cộng sản! Tôi đã đọc vài bài viết của anh cũng với tâm trạng hời hợt. Nhưng khi anh bị bắt thì tôi mới biết thêm nhiều điều về cá nhân anh.

Theo kiểu nói quen thuộc, anh thuộc loại “con nhà giàu đẹp trai học giỏi”. Anh có vợ là hoa hậu, anh có vẻ là một người thành công, được báo chí trong nước ca ngợi. Nôm na, anh được “đời” ưu đãi. Nếu muốn hưởng thụ anh có đủ thứ để hưởng. Một cuộc sống “lý tưởng” theo cái nhìn của nhiều người. Người như anh, nếu chịu khó chút nữa, khom mình vô đảng thì đường công danh có lẽ sẽ lên như diều. Thế mà anh không chịu an thân hưởng thụ những tiện nghi đang có; thay vào đó anh dấn thân vào con đường phụng sự để mang thân tù tội.

 

Nhà báo lề bên phải


Điều gì đã khiến anh chọn con đường chông gai đó? Chắc không phải vì danh vọng hay vinh hoa phú quí vì những thứ đó hầu như anh đã có. Không như kẻ vô sản không còn gì để mất, anh sẽ mất rất nhiều thứ nếu đi vào con đường tranh đấu. Vậy thì tôi cho rằng chính hào khí của một người trẻ, lương tri của một trí thức trước cảnh ách nước, nạn dân đã thúc đẩy anh dấn thân.

Có lẽ anh đã nhìn thấy đất nước tụt hậu, lãnh thổ bị xâm chiếm, đạo đức suy đồi, chính quyền tham nhũng, nhu nhược, dân oan khốn khó, phụ nữ phải bán mình, thanh niên phải đi làm lao nô, lương tâm không cho phép anh im lặng. Có lẽ anh mong mỏi góp phần xây dựng một chính quyền liêm chính, biết thương yêu dân, biết giữ sĩ diện quốc gia, biết bảo vệ lãnh thổ. Những “có lẽ” trên có lẽ đúng!

Khi tôi viết những dòng này, trong nước người ta đang dồn dập bôi nhọ anh. Chúng bảo anh đã thú tội và xin được khoan hồng. Tôi không tin đó là sự thật và biết chắc đó không phải là điều anh tự nguyện nói ra. Tôi không tin vì những gì anh đã làm không xuất phát từ sự bồng bột nhất thời. Ngược lại, tôi cho rằng anh đã ngày đêm “trăn trở”, suy tư, cân nhắc để rồi quyết định hy sinh chọn con đường mà anh biết chắc là sẽ gặp khó khăn. Một người như thế không thể thay đổi quan điểm, lập trường của mình chỉ sau 5 ngày bị bắt. Nếu những gì anh đọc là thực, những dòng anh viết là thực thì hẳn anh đã bị áp lực hăm dọa rất ghê gớm, rất hèn hạ từ phía công an. Và như vậy, tội ác của cộng sản và sự khinh bỉ dành cho chúng sẽ dày thêm. Nhân loại sẽ nhổ vào mặt những tên lãnh đạo nếu mai này chúng ra ngoài láo lếu về văn minh, tự do, nhân quyền.

Khoan nói tới điều đó thật hay giả vì thủ đoạn áp chế của cộng sản là điều rất đáng kinh tởm, nhất là trong nhà tù. Dù thật hay giả thì những gì anh đã làm cũng rất đáng trân trọng. Xin để thời gian soi sáng và đừng đòi hỏi ở anh quá nhiều. Anh đã làm hơn nhiều tôi, hơn nhiều người trong chúng ta rất nhiều.
Hôm nay anh đã cùng với những Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Hải…và nhiều người nữa, đã trở thành tấm gương cho tuổi trẻ Việt Nam. Họ là những “thất phu hữu trách”, khi đất nước lâm nguy thì không yên phận làm ngơ. Con đường tranh đấu còn dài, còn nhiều chông gai nhưng những gì họ đang làm rõ ràng có in dấu bất khuất của cha anh. Họ là niềm hy vọng của đất nước, của sự tồn vong của dân tộc. Trái với những hạng người làm nhục nhã dân tộc, bôi nhọ quốc thể như Lương Quốc Dũng, Bùi Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Sĩ, và cả Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triêt, Nguyễn Tấn Dũng…lớp thanh niên trí thức như anh Lê Công Định rõ ràng đã đem lại cho chúng ta niềm an ủi, hy vọng và hãnh diện với thế giới bên ngoài.
Cám ơn anh Lê Công Định và cám ơn tất cả những người trẻ hôm nay đã dấn thân. Các bạn trẻ xin hãy nhìn vào những người như anh Lê Công Định, xin hãy bớt đi những niềm vui cá nhân, hãy bớt nhậu nhẹt hay ngay cả làm giàu để dành một phần sức lực thanh xuân góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp cho quê hương.

Caubay