Home Tin Tức Bình Luận Những chương bi thảm

Những chương bi thảm PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Tư, 01 Tháng 7 Năm 2009 02:20

Như chúng tôi từng đã nói, trong cuộc chiến Việt Nam, sự “đồng minh” giữa đảng CSVN và đảng CSTQ cũng như sự “đồng minh” giữa VNCH và Hoa Kỳ đều mang nhiều chương bi thảm. Những chương bi thảm trong quan hệ Việt - Trung đã được mô tả khá rõ nét trong tập “Sự Thật Về Quan Hệ Việt Nam - Trung Quốc Trong 30 Năm Qua” do Bộ Ngoại Giao Hà Hội xuất bản năm 1979. Trái lại, những chương bi thảm trong quan hệ Việt – Mỹ chỉ được giải mã dần qua thời gian.
Mới đây, hôm 23.6.2009, Văn Khố Quốc Gia (National Archives) Hoa Kỳ đã công bố những cuốn băng ghi âm dài hơn 150 giờ về các cuộc đối thoại của cựu Tổng thống Nixon, trong đó ông chỉ trích giới truyền thông và Quốc hội Hoa Kỳ đã hủy hoại những nỗ lực cứu vãn cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đặc biệt, để ép buộc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải ký vào hiệp định ngưng chiến do Mỹ và Hà Nội soạn thảo, ông nói nếu ông Thiệu không chịu ký, ông sẵn sàng "cắt đầu y nếu cần thiết" (cut off his head if necessary). Ông đã yêu cầu Ngoại Trưởng Kissinger nói với Tổng Thống Thiệu rằng Quốc Hội Mỹ sẽ cắt viện trợ nếu Sài Gòn không đồng ý với kết quả hòa đàm.
Thật ra, đây chỉ là phần thứ hai của bộ tài liệu nói về kế hoạch tiến tới chấm dứt chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ. Phần thứ nhất đã được Văn Khố An Ninh Quốc Gia (National Security Archive) của Hoa Kỳ công bố ngày 26.5.2006 gồm 2.100 bản văn (memoranda) dài 28.000 trang mang tên “The Kissinger Transcripts: A Verbatim Record of U.S. Diplomacy, 1969-1977” (Bản chép lời của Kissinger: Một hồ sơ đúng nguyên văn của ngành Ngoại Giao Hoa Kỳ, 1969 – 1977). Tài liệu này đã được chúng tôi tóm lược và phân tích trong bài “Chuyện hồ sơ Kissinger” phổ biến ngày 16.6.2006.
Những chương bi thảm về quan hệ Việt – Mỹ không phải mới khởi sự từ khi Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam mà khởi sự từ khi Mỹ quyết định nhảy vào Đông Dương thay Pháp, nhất là kể từ thời kỳ Tổng Thống Kennedy trở đi. Vụ Tổng Thống Nixon đòi “cắt đầu” Tổng Thống Thiệu cũng chỉ là một sự tái diễn những gì đã xẩy ra trước đó. Phải nhìn lại những diễn biến lịch sử này chúng ta mới có thể rút ra được những bài học lịch sử.
BỘ THUỘC ĐỊA VÀ TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG
Ngày xưa, người Pháp đến đô hộ miền Nam và “bảo hộ” miền Bắc và Miền Trung Việt Nam đều có ký hiệp ước với Triều Đình Huế. Đến năm 1887, Pháp kết hợp Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và Cao Miên lại thành Liên Bang Đông Dương (Union Indochinoise) do một Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l’Indochine) ở Hà Nội cai trị và đặt dưới quyền của Bộ Thuộc Địa (Minstère des Colonies).
Tuy chính phủ Mỹ không hề ký với các chính phủ Việt Nam một hiệp ước nào về quyền “đô hộ” hay “bảo hộ” như chính phủ Pháp trước đây, nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tự động biến thành Bộ Thuộc Địa để áp đặt mọi chính sách và đường lối của Hoa Kỳ lên trên miền Nam và một vài Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn đã tự coi mình như Toàn Quyền Đông Dương hay Cao Ủy Mỹ tại Đông Dương, thường được người Việt gọi là “Quan Thái Thú”. Trạm CIA (CIA Station) tại Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn đã hoạt động gióng hệt Sở Mật Thám hay Sở Liêm Phóng Đông Dương (Service de Sureté Généralle de l’Indochine) của Pháp ngày xưa! Các Lãnh Sự Mỹ ở tỉnh cũng đóng vai trò của các Công Sứ Pháp.
Dưới thới Tổng Thống Eisenhower, ông Elbridge Durbrow khi làm Đại Sứ Mỹ tại VNCH (1957 – 1960), đã tự coi mình là Toàn Quyền Đông Dương, buộc Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải thi hành các chỉ đạo của ông mới được nhận viện trợ. Nhưng Washington không đồng ý với nhiều chủ trương và cách thức hành động của ông, nên ông chưa làm gì được thì đến cuối năm 1960 ông đã bị thay thế vì có liên hệ đến cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960.
Đến thời Tổng Thống Kennedy, Averell W. Harriman, đã trở thành một con người có thế lực nhất ở Washington vì được Tổng Thống Kennedy tin cậy nhất, mặc dầu ông ta chỉ là Phụ Tá Ngoại Giao về Đông Nam Á Sự Vụ và sau đó trở thành Thứ Trưởng Ngoại Giao đặc trách về Chính Trị Sự Vụ. Ông nghiễn nhiên trở thành Bộ Trưởng Bộ Thuộc Điạ khi Tổng Thống Kennedy quyết định “trung lập hóa” Lào để giải quyết cuộc chiến Việt Nam và giao cho ông thi hành quyết định này. Khi giải pháp “trung lập hóa” Lào bị thất bại thê thảm, ông quyết định lật đổ ông Diệm và đề nghị Tổng Thống Kennedy đưa ông Henry Cabot Lodge đến Sài Gòn làm Toàn Quyền Đông Dương để thực hiện chủ trương này.
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, miền Nam gần như không còn chủ quyền nữa.
Sau đây là những sự kiện chính có thể giúp chúng ta hiểu rõ chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam hơn.
BỘ TRƯỞNG THUỘC ĐỊA HARRIMAN
Trước khi nhận chức Tổng Thống, ngày 19.1.1961 ông Kennedy đã họp với Tổng Thống Eisenhower để nghe trình bày vấn đề Đông Dương. Tổng Thông Eisenhower nói rằng Lào là mấu chốt của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Nếu Lào sụp đổ, cả khu vực sẽ sụp đổ. Nhưng sau khi nhận chức Tỗng Thống, ông Kennedy đã hành động theo cảm tính. Ông nói ông không muốn là kẻ thừa kế chính sách Đông Nam Á của Tổng Thống Eisenhower. Ông thích một giải pháp ngoại giao hơn là quân sự. Ông ra lệnh cho Harriman tìm cách “trung lập hoá” Lào bằng mọi giá với sự tin tưởng rằng sau khi Lào trở thành trung lập, Cộng Sản Bắc Việt sẽ không còn đường xâm nhập miền Nam nữa!
Ngày 16.5.1961 Hội Nghị Quốc Tế Giải Quyết Vấn Đề Lào được tổ chức tại Genève.
1.- Cãi lộn với ông Ngô Đình Nhu
Tháng 7 năm 1961, hoàng tử nước Moroco là Moulay Hassan lên ngôi kế vị cha, được gọi là Hoàng Đế Hassan II. Nhân dịp này, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cử ông Ngô Đình Nhu, Cố Vấn Chính Trị của Tổng Thống, đại diện chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đi dự lễ đăng quang này với mục đích tạo cơ hội cho ông ghé Genève thảo luận với ông Harriman về vấn đề trung lập Lào. Ông Nhu đã ghé qua Pháp rồi cũng Giáo sư Bửu Hội đến Rabat dự lễ. Sau đó ông trở lại Pháp rồi cùng ông Cao Xuân Vỹ và người con gái là cô Ngô Đình Lệ Thủy đền Genève gặp Harriman đang tham dự hội nghị trung lập Lào tại đây.
Ông Cao Xuân Vỹ tường thuật lại rằng, theo chương trình, ông Harriman chỉ chịu tiếp ông Nhu trong vòng nửa tiếng. Ông Vỹ và cô Ngô Đình Lệ Thủy không được tham dự. Nhưng cuộc nói chuyện đã kéo dài đến 3 tiếng đồng hồ. Khi Harriman tiển ông Nhu đi ra cửa phòng, ông thấy mặt hại người đều hầm hầm. Sau đó, ông Nhu có than phiền với ông Vỹ: “Thằng cha này chẳng hiểu gì hết!”. Ông Vỹ hiểu rằng Harriman không chịu bỏ chủ trương trung lập hóa Lào. Trong buổi ăn tối, ông Nhu đã tiết lộ hai điểm rất quan trọng nói lên sự ngạo mạn của Harriman:
Điểm thứ nhất: Harriman cho rằng Việt Nam chưa bằng California, thế mà người Mỹ còn mua California được, miền Nam Việt Nam không nghĩa lý gì!
Điểm thứ hai: Harriman khẳng định rằng vấn đề Lào là vấn đề riêng giữa chính phủ Mỹ và chính phủ Lào, vấn đề này không liên hệ gì đến VNCH. Chính phủ VNCH cứ lo vấn đề Việt Nam đi, đừng can thiếp vào vấn đề Lào.
Ông Nhu trả lời rằng vấn đề Lào liên quan đến sự tồn vong của Miền Nam Việt Nam nên chính phủ Miền Nam phải quan tâm, nhưng Harriman gạt đi.
2.- Đe doạ Tổng Thống Diệm
Vì có sự bất đồng giữa Harriman và ông Ngô Đình Nhu, ông Diệm đã rút phái đoàn VNCH khỏi hội nghị Genève. Trung tuần tháng 9 năm 1961, Harriman phải đích thân đến Sài Gòn để thảo luận với các viên chức Hoa Kỳ và chính phủ Ngô Đình Diệm về giải pháp trung lập hoá Lào. Một cuộc họp đã diễn ra ngày 20.9.1961 tại một căn phòng nhỏ tại Dinh Gia Long. Ông Diệm trình bày qua một thông dịch viên. Ông giải thích cho Harriman một cách thẳng thắn tại sao ông không tin tưởng Cộng Sản sẽ thi hành hiệp ước sau khi đã ký. Tuy nhiên, Harriman đã không thèm nghe và nhắm mắt lại. Ông xem ra đang ngủ. Ông Diệm chú ý đến thái độ này và hơi bực mình, nhưng vẫn tiếp tục độc thoại.
Đại Sứ Nolting ngồi gần Harriman trên một cái sofa, nhận thấy rằng ông ta đang trải qua một giấc mơ dài và mệt mỏi. Ông cố gắng làm cho ông ta chú ý. Cuối cùng, Harriman gắt gỏng:
“Thưa Tổng Thống, tôi có “cảm nghiệm tường tận” (fingertips feeling) rằng Liên Sô sẽ thi hành các thỏa ước này và làm cho những người khác tuân theo thỏa ước đó. Tôi không thể đưa ra cho ngài bất cứ bảo đảo nào, nhưng có một điều rõ ràng là: nếu ngài không ký hiệp ước này, ngài sẽ mất hết viện trợ. Ngài phải chọn.”
Sau đó, Harriman trở lại Genève.
Ngày 22.6.1962, chính phủ liên hiệp Lào được thành lập gồm 3 chính đảng: trung lập 7 ghế, phe Phoumi 4 ghế, phe Pathet Lào 4 ghế và 4 ghế dành cho những người không thuộc đảng phái nào. Đây là chính phủ liên hiệp thứ hai của Lào.
Ngày 23.7.1962, Hiệp Ước Hòa Bình tại Lào đã được ký kết. Có 14 quốc gia đứng ra bảo đảm sự trung lập của Lào. Các cố vấn quân sự của Hoa Kỳ được lệnh rút ra khỏi Lào. Nhưng sau đó, 7.000 quân của CSBV chẳng những không rút lui mà còn tăng cường thêm. Họ đã xử dụng một cách tự do con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào để xâm nhập vào miền Nam, Mỹ phải can thiệp trở lại.
3.- Quyết định lật đổ ông Diệm
Ông Frederick Nolting, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa, ghi rõ trong cuốn “From Trust to Tragedy” như sau:
“Âm mưu “trung lập hóa” Lào của ông ta (Harriman) là một sự thất bại thê thảm, và sự thù nghịch ngày càng gia tăng của ông với Tổng Thống Ngô Đình Diệm và gia đình của ông ta, trở thành một yếu tố chủ yếu trong việc lật đổ ông Diệm. Tuy nhiên, thanh thế và ảnh hưởng của Harriman ở Washington lớn đến nổi trở thành quyết định trong các hành động cốt yếu mà chính phủ chúng ta đã thực hiện trong năm 1963.”
4.- Nhìn vào việc người
Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon”, Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng Tống Ngô Đình Diệm:
“Tôi không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm đã bị giết.” Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.”
Mặc dầu biết như vận, sau này ông Nixon cũng làm gióng hệt chính phủ Kennedy.
5.- Kennedy quay ngược lại và bị giết
Sau khi lật đổ và giết ông Diệm, Tổng Thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam. Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống hỏi: “Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?” Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình: “Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó.” Sau đó ông nói: “Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập.”
Trong khi đó, các thế lực tư bản đứng đàng sau đang làm mọi cách để mở rộng chiến tranh và đổ quân vào Việt Nam. Vì thế, Tổng Thống Kennedy đã bị giết ngày 23.11.1963 tại Dallas.
BỘ TRƯỞNG THUỘC ĐỊA KISSINGER
1.- Những lời tiên đoán
Chúng tôi xin nhắc lại, trong công điện gởi cho Bộ Ngoại Giao lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, Đại Sứ Cabot Lodge có kể lại lời ông Ngô Đình Nhu đã nói với ông như sau:
“Tôi báo động về những gì sẽ xẩy ra trong Quân Lực. Nếu tôi ra đi, Quân Lực sẽ nắm chính quyền. Bọn cóc nhái của CIA và USIS này sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh.”
(I am alarmed by what's going on in the Armed Forces. If I leave, the Armed Forces will take over the government. 'Ces grenouillards' (which I translate as "these schemers" or 'these contrivers') of the CIA and USIS will sabotage the war effort.)
Trong công điện gởi Bộ Ngoại Giao lúc 6 giờ 39 phút chiều 29.10.1963, Đại Sừ Lodge trình rằng chiều 25.10.1963, ông Trần Trung Dung, cựu Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng, đã nói với viên chức CIA rằng ông được biết các tướng lãnh dự định làm đảo chánh trong vòng 10 ngày. Theo ông biết, các tướng lãnh không tiếp xúc với các nhà lãnh đạo dân sự. Ông ta bày tỏ một vài sự quan tâm về khả năng và ý định của các Tướng Lãnh. “Ông ta coi đa số các Tướng Lãnh không gì khác lơn là các trung sĩ được Pháp huấn luyện trong quân phục Tướng Lãnh” (He consider majority of Generals no more than French trained sergeants in Generals’ uniforms)... Theo ông ta, các Tướng Lãnh thiếu kinh nghiệm chính trị cần thiết để điều hành chính phủ.
Những lời tiên đoán này đã trở thành hiện thực. Trong tác phẩm “President Kennedy, Profile of Power”, sử gia Richard Reeves đã ghi lại tình trạng tại miền Nam sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ và các tướng lãnh Việt Nam lên nằm chính quyền như sau:
“Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước. Các tướng lãnh Việt Nam cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ Washington, thủ đô mới của miền Nam Việt Nam. Họ chờ đợi những mệnh lệnh mà ông Diệm từ chối, sẵn sàng bắt đầu công việc thắng cuộc chiến!”
Một số tướng lãnh miền Nam đã tự nguyện làm lính Khố Xanh (Gardes Indigènes) hay lính Khố Đỏ (Tirailleurs) cho Mỹ. Sự mất chủ quyền lên đến cao điểm khi người Mỹ đưa hai nhân viên CIA của họ là Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Trần Thiện Khiêm lên năm chính quyền và cho nhân viên CIA thứ ba là Tướng Đặng Văn Quang ở cạnh Tổng Thống Thiệu để theo dõi. Tướng này trở thành chuyên viên “kinh tài” cho Tổng Thống Thiệu. Từ đó, người Mỹ đã tự quyết định lấy số phận của miền Nam Việt Nam.
2.- “Việt Nam hoá” chiến tranh
Vì không tìm thấy được thắng lợi một cách dễ dàng và nhanh chóng sau khi giết ông Diệm và đổ quân vào Việt Nam như người Mỹ tưởng, kể từ đầu năm 1968, Hoa Kỳ bắt đầu cố gằng làm tiêu hao lực lượng của Cộng quân và “Việt Nam hoá” chiến tranh để rút lui. Việc Hà Nội lập kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân là một cơ hội tốt để Hoa Kỳ làm tiêu hao lực lượng của địch.
Các tài liệu cho thấy cả chính phủ VNCH lẫn Hoa Kỳ đã nhận được khá nhiều tin tức về Việt Cộng sẽ tấn công vào dịp Tết Mậu Thân. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ biết rất rõ Hà Nội sẽ chiếm thành phố Huế và dùng nơi đây làm thủ đô của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nên Mỹ đã tương kế tựu kế, lập kế hoạch để tiêu diệt toàn bộ lực lượng này.
Trước Tết khoảng hai tuần, quân đội Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ di chuyển từ An Khê, Bình Định, ra Vùng I Chiến Thuật, được nói là để tiếp viện cho mặt trận Khe Sanh, nhưng khi ra tới Huế, sư đoàn này được lệnh dừng lại và đóng ở Phú Bài, phía đông nam thành phố Huế. Sư Đoàn Dù của VNCH cũng được Hoa Kỳ yêu cầu tăng viện cho Vùng I một Chiến Đoàn. Vì thế, trước Tết, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù đã gởi ra Vùng I Tiểu Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 9. Đến mồng 2 Tết gởi thêm Tiểu Đoàn 7. Ba tiểu đoàn này đã mai phục ở vùng Sịa để chờ tấn công vào thành phố Huế. Nhờ vậy, khoảng 7.500 Cộng quân chiếm thành phố Huế đã bị tiêu diệt hơn phân nữa.
Trong khi đó, Tổng Thống Thiệu cũng được báo tin khá đầy đủ về Việt Cộng sẽ tấn công vào dịp Tết Mậu Thân, nhưng ông không tin chuyện đó có thể xẩy ra, nên ông không ra lệnh ứng chiến và đã đi Mỹ Tho ăn Tết ở quê vợ!
Sau trận Mậu Thân, tháng 5 năm 1970, Hoa Kỳ phối hợp với Quân Lực VNCH mở các cuộc hành quân qua Cam-bốt phá hủy hậu cần rất lớn của Sư Đoàn 7 của Cộng quân nằm cách biên giới Việt – Miên khoảng 5 cây số, tịch thu nhiều vũ khí và 300 xe cộ các loại. Nhưng khi mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 qua Lào vào tháng 2/1971, cho Sư Đoàn Dù tiến chiếm mật khu 604 của Cộng quân nằm gần thành phố Tchépone của Lào, dụ 5 sư doàn Cộng quân đang lảng vảng trong vùng này nhập cuộc để tiêu diệt thì bị thất bại nặng vì Tổng Thống Thiệu bất thần nhảy vào phá vỡ kế hoạch hành quân, làm Quân Lực Mỹ và VNCH bị tổn thương rất nặng. Washington điên lên.
3.- Quyết định bỏ miền Nam
Qua cuộc hành quân nói trên. Người Mỹ nhận ra rằng “các trung sĩ được Pháp huấn luyện trong quân phục Tướng Lãnh” không đủ khả năng tiếp tục điều khiển cuộc chiến sau khi Mỹ rút, cho dù được viện trợ tối đa. Vì thế, Tổng Thống Nixon đã quyết định bỏ miền Nam và phái Bộ Trưởng Thuộc Địa Kissiger qua Trung Quốc thương lượng để giao miền Nam cho Trung quốc.
Vào tháng 8 năm 2004, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tổng Thống Nixon từ chức (9.8.1974 đến 9.8.2004) Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina đã cho công bố băng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa Nixon và Kissinger. Tài liệu này cho biết mặc dầu đang mở cuộc oanh tạc Bắc Việt trong suốt mùa xuân và mùa hè 1972, Tổng Thống Nixon kết luận rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway).
Tổng Thống Nixon đã hỏi Kissinger rằng “chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao sống còn (a viable foreign policy) nếu một năm kể từ bây giờ hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam? Đó thật là vấn đề.”
Kissinger trả lời: “Nếu một hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam, chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao sống còn nếu coi điều đó như là kết quả của sự bất tài của người Nam Việt Nam (if it's the result of South Vietnamese incompetence.)
Trái lại, trong cuộc nói chuyện với Thủ Tướng Chu Ân Lai ngày 20/6/1972 tại Bắc Kinh, khi Chu Ân Lai nói Trung quốc sẽ không nói chuyện với Hoa Kỳ chừng nào Hoa Kỳ chưa lật đổ chế độ Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Kissinger trả lời:
“Chúng tôi đã không làm việc đó dù rất trân trọng quan hệ giữa hai nước chúng ta. Then chốt quan hệ giữa chúng ta là để mọi sự diễn biến một cách hòa bình, chứ không phải là hành động thiếu danh dự. Nếu chúng tôi có thể phản bội một đồng minh này thì chúng tôi cũng có thể phản bội các đồng minh khác, và còn ai tin chúng tôi nữa?”
Như vậy, trong cách nhìn và lý luận của Kissinger, Hoa Kỳ có thể bỏ miền Nam vì đó là “là kết quả của sự bất tài của người Nam Việt Nam”, còn Hoa Kỳ không thể bỏ Đài Loan được.
4.- Áp lực VNCH ký Hiệp Định Paris
Một cuộc hòa đàm để chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã được tổ chức tại Paris kể từ năm 1968. Trong cuốn “Viet-Nam, Pourquoi les Etats-Unis ont-ils perdu la guerre” (Việt Nam, Tại sao Hoa Kỳ đã thất trận), ông Nguyễn Phú Đức, Cố Vấn Đặc Biệt của Tổng Thống Thiệu về Đối Ngoại, đã viết:
“Cuối cuộc họp, khi chúng tôi ở một mình với nhau, Kissinger muốn biết cảm nghĩ của tôi về bản dự thảo Hiệp Định, tôi nói với ông về lập trường của Chính Phủ Việt Nam trên hai vấn đề chính - rút quân lực của Bắc Việt, và không có chính phủ liên hiệp tại Nam Việt Nam - vẫn không thay đổi. Ông ta lưu ý tôi đó là những vấn đề nghiêm trọng. Tôi cách nghĩa cho ông ta rằng đó là vấn đề sinh tử của Nam Việt Nam... Tôi thẫm định rằng Hiệp Định này, với những từ ngữ của nó hiện tại, sẽ đưa đến sự sụp đổ của Nam Việt Nam.” (trang 361)
Ngày 18.10.1972 Kissinger đã bay đến Saigon để làm áp lực buộc Tổng Thống Thiệu phải đồng ý nội dung bản dự thảo nầy, với hy vọng sẽ mang bản dự thảo đó ra Hà Nội ngày 24.10.1972 để Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký tắt vào. Nhưng Kissinger đã thất bại. Chỉ trong một thời gian ngắn, phía Việt Nam Cộng Hòa đã phát hiện ra đến 23 điểm cần phải điều chỉnh. Kissinger chỉ đồng ý điều chỉnh 16 điểm không quan trọng mà thôi. Số còn lại phải để nguyên. Cuộc đối thoại trở nên gay cấn về hai điểm then chốt là việc chấp nhận cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam Việt Nam và việc thành lập một Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp giống như một chính phủ liên hiệp. VNCH coi đây là một cách bán đứng miền Nam Việt Nam cho Hà Nội nên cương quyết chống lại.
Thất bại với VNCH, Tổng Thống Nixon và Kissinger quay lại làm áp lực với Hà Nội. Kissinger đưa ra một bản dự thảo mới, yêu cầu Hà Hội tái thảo luận, nhưng Hà Nội từ chối. Tổng Thống Nixon liền gởi cho Hà Nội một thông điệp nói rằng nếu Hà Nội không chấp nhận thảo luận một cách nghiêm chỉnh thì sau 72 tiếng đồng hồ nữa Hoa Kỳ sẽ ném bom trở lại từ vĩ tuyến 20 trở lên. Ngày 18.2.1972, khi thời hạn này chấm dứt, hàng loạt B.52 đã bay đến ném bom xuống các căn cứ quân sự ở Hãi Phòng và Hà Nội. Đây là những khu vực chưa hề là mục tiêu đánh phá từ trước.
Cùng lúc đó, Tướng Haig được cử đến Saigon với sứ mạng vừa hứa hẹn vừa đe dọa. Trong thông điệp trao cho Tổng Thống Thiệu ngày 14.11.1972, Tổng Thống Nixon có cam kết:
“Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp Định nầy thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt.”
Nhưng Tướng Haig cũng không quên lặp lại lời đe dọa của Washington rằng nếu Tổng Thống Thiệu không chấp nhận bản dự thảo hiệp định mới, Hoa Kỳ sẽ cắt hết việt trợ và ký một hiệp định riêng với Bắc Việt.
Tổng Thống Thiệu thừa biết Bắc Việt cố giữ lại điều khoản không rút quân để khi Hoa Kỳ rút hết, họ sẽ mở cuộc tấn công trở lại, nhưng bị ám ảnh bởi cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi Mỹ muốn đem quân vào, Tổng Thống Thiệu đã tự trấn an bằng những lời cam kết của Tổng Thống Nixon mà Tướng Haig mới chuyển đến, kèm thêm một số quân dụng được tiếp tế khẩn cấp qua chương trình Enhance và Enhance Plus, đã ra lệnh cho ký kết bản Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973, một bản hiệp định mà ông thấy có quá nhiều điểm thất lợi.
KHÔNG CẦN BIẾT ĐỒNG MINH VÀ ĐỊCH
Sau khi buộc VNCH ký Hiệp Định Paris xong, ngày 29.6.1973 Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á. Dự luật nầy đã được lưỡng Viện thông qua ngày 21.9.1973. Đến ngày 12.10.1973, lưỡng Viện Hoa Kỳ lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc. Đến đây, VNCH phải hiểu ngay rằng Quân Đội Mỹ sẽ không trở lại Đông Dương nữa và VNCH phải tìm một giải pháp khác để sinh tồn. Nhưng điều đáng tiếc là Tổng Thống Thiệu đã không hiểu như thế!
Tổng Thống Thiệu có tướng mạo khá phương phi, nhưng lại có cái đầu đặc, biết rất ít về chính trị lẫn quân sự, thường hành động theo cảm tính và sự độc đoán của mình, KHÔNG CẦN BIẾT ĐỒNG MINH VÀ ĐỊCH ĐANG LÀM GÌ. Ông đúng là một “trung sĩ được Pháp huấn luyện trong quân phục Tướng Lãnh” như ông Trần Trung Dung đã nói với Đại Sứ Cabot Lodge.
Mỗi lần xẩy ra biến cố gì, ông đều có bảo cấp dưới nghiên cứu và đề nghị giải pháp, nhưng sau khi liếc qua phúc trình của cấp dưới, ông xếp vào đống hồ sơ rồi hành động theo những cảm nghĩ nông cạn của mình.
Người Việt chống cộng thường nhắc đi nhắc lại một câu nói của Tổng Thống Thiệu: "Đừng nghe những gì Công Sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm". Tuy dạy người khác như vậy, nhưng ông không bao giờ chịu “nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Sau khi ký Hiệp Định Paris, trong khi Hà Nội quyết định làm lại con đường 14, gọi là con đường Đông Trường Sơn, để đưa quân vào Phứóc Long và Bình Long rồi đánh thẳng xuống Sài Gòn năm 1976, bỏ qua các tỉnh miền Trung, Tổng Thống Thiệu lại hô hào “cải tổ hành chánh” để được lòng dân và thắng Cộng Sản! Ông bắt các công chức cao cấp đi dự một khoá huấn luyện ở Vũng Tàu và đưa Hoàng Đức Nhã xuống giảng về luân lý giáo khoa thư lớp đồng ấu! Tôi nhờ khi bước lên diễn đàn, Hoàng Đức Nhã đã đưa tay chỉ lên trời và nói: “Tôi đi guốc trong bụng tên Võ Nguyên Giáp!”
Chẳng những không quan tâm đến các khuyến cáo của cơ quan DAO, Tổng Thống Thiệu còn quyết định bỏ Phước Long “để xem Mỹ nó làm gì”, tức xem Hoa Kỳ có “hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt” như Tổng Thống Nixon đã hứa không!
Khi viện trợ quân sự bị cắt dần, Tổng Thống Thiệu không nghĩ phải tìm một giải pháp chính trị mà cho rằng Mỹ cho 2 tỷ, ta giữ cả miền Nam. Mỹ rút xuống còn 700 triệu, ta chỉ giữ một phần lãnh thổ thôi. Ông làm như miền Nam là của Mỹ, ông chỉ là người làm công hay lính đánh thuê. Ông cho mời Chuẩn Tướng Ted Sarong, một chuyên viên du kích chiến của Úc, hợp tác với Tướng Đặng Văn Quang, một tay chuyên đi làm tiền, lập kế hoạch bỏ Vùng I và Vùng II và thiết lập một phòng tuyến mới từ Tây Ninh đến Nha Trang, gọi là kế hoạch “Đầu Bé Đít To”, để giữ phần đất còn lại! Kế hoạch này đã bị phê phán nặng nề, nhưng ông vẫn cho thi hành, làm mất miền Nam nhanh chóng.
LẤY THÚNG ÚP VOI
Mặc dầu các tài liệu bí mật về chiến tranh Việt Nam đã được Hoa Kỳ cho tiết lộ gần hết, một số người Việt chống Cộng vẫn chủ trương đừng nhắc đến những chuyện bi thảm này và chỉ nên nói đến những thất bại của Cộng Sản. Họ muốn lấy thúng úp voi, mặc dầu không thể làm được.
Điều quan trọng không phải là “lấy thúng úp voi”. Điều quan trọng là phải rút kinh nghiệm lịch sử để tìm ra một hướng đi mới giải phóng dân tộc.
(Ngày 30.6.2009)