Home Tin Tức Bình Luận Công An làm chủ

Công An làm chủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng   
Thứ Năm, 09 Tháng 7 Năm 2009 03:37

Một người bạn tôi trên 70 tuổi mới đi Việt Nam trở về California tỏ ra rất phấn khởi. Anh chỉ về nước thăm gia đình, sống ba tuần lễ cùng các bà chị và các cháu rất thân thiết. Anh vui mừng kể người cháu trai con Chị Ba làm nhà lớn cho mẹ ở, mời cậu lúc nào muốn cứ về nước sống, cháu dành sẵn cho cậu một phòng rộng rãi có đủ tiện nghi không khác gì bên Mỹ. Anh cháu này lớn lên sau năm 1975, khi kinh tế đổi mới anh chuyên làm nền, móng cho những ngôi cao ốc mà người ta đã xây trong mươi năm qua, đi thầu lại của các nhà thầu lớn, chỉ nhờ thế mà gây nên sự nghiệp.

Ðiều này chứng tỏ trong thời kỳ “đổi mới” này những người biết làm ăn là có cơ hội kiếm ra tiền, ra rất nhiều tiền. Ðây là một điểm đáng mừng. Người bạn tôi vốn tính rất chất phác, thành thật, dễ tin người, hay bị lừa, tôi đã biết từ gần nửa thế kỷ nay. Anh đã vượt biên từ năm 1978, sau khi thấy sống không nổi dưới chế độ Cộng Sản, dù anh là một người lao động thật sự; khi sang Mỹ vẫn sống bằng mấy nghề tay chân, có lúc theo tầu đi đánh cá. Không thể nói là anh có ý nói tốt cho chế độ Cộng Sản. Tôi thành thật chia sẻ niềm vui vì anh bạn tôi có người cháu giỏi giang và may mắn.

 Sau khi mô tả cảnh sống sung túc của gia đình người cháu mà anh chứng kiến, ông bạn tôi kể thêm rằng anh chỉ rời nhà bà chị đi chơi một chuyến mấy ngày, nhờ anh cháu lái xe đưa đi. “Nó biểu cậu muốn đi đâu cũng được, mà nó đưa tôi đi khắp, vui quá! Tới chỗ nào có lính, cảnh sát, hay bảo vệ, công an đứng gác nó chỉ huơ tay một cái họ vẫy cho đi qua luôn. Ði chỗ nào cũng được, không ai cần xét hỏi giấy tờ chi hết, sướng thế đấy!”

Anh bạn tôi giải thích thêm: “Vì cái xe nó mượn là xe công an, nó mượn thằng bạn công an vẫn mần ăn với nó. Thẳng chả để một cái mũ công an của nó nằm chình ình dưới kiếng xe ngay đằng trước tay lái, thế là đi đâu cũng lọt!”

 Nhìn anh bạn hãnh diện, hả hê, tôi không hỏi anh mấy câu này: Tại sao người cháu anh được phép lái xe của công an mặc dù anh ta chỉ là một nhà thầu chứ không phải là công an? Tại sao một anh công an lại có quyền cho mượn xe công dùng vào việc tư, chỉ để lái đi chơi? Tại sao một cái mũ của anh công an nào đó, không rõ cấp bậc cao tới đâu, mà lại có phép lạ khiến cho các tay cảnh sát, bảo vệ, công an khác phải kính trọng và quơ tay cho đi tự do như vậy?

 Chắc hẳn người cháu anh bạn tôi phải là tay giỏi giang và may mắn, như hầu hết những người thành công trên thế giới này. Nhưng trong sự thành công của anh ta, bao nhiêu phần nhờ tài giỏi giang và may mắn, còn bao nhiêu phần là nhờ “thân thiết” với giới công an? Hay là sự thành công của anh hoàn toàn nhờ giỏi giang và may mắn, nhưng sau khi thành công anh bắt buộc phải thân thiết với các vị công an? Nếu không thân thì làm sao có thể mượn oai hùm như vậy?

 Câu chuyện nhỏ trên đây là một vài nét nhỏ nằm trong toàn cảnh bức bích họa mô tả xã hội Việt Nam bây giờ. Từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, có thể nói nước Việt Nam bây giờ là do “Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,” và... “Công An làm chủ.”

 Mà khi nói “Công An làm chủ” thì công an làm chủ nhân thật sự chứ không phải chỉ đứng tên suông, giống như “Nhân Dân làm chủ” mà vẫn cúi đầu để cho Ðảng và Nhà nước muốn làm gì thì làm!

 Cho nên không ở quốc gia nào có cảnh một người lái xe bị công an thổi còi, dừng xe lại chậm mấy phút là có thể bị anh công an bạt tai. Có cảnh một nông dân ở Kontum đi về tới đầu làng bị công an hỏi, cãi lại, thế là bị công an đánh vỡ đầu. Ðó là những chuyện nhỏ.

 Còn chuyện lớn như ma túy, ma túy tràn ngập khắp các phố phường, gần một nửa số thanh thiếu niên bị mắc vào ma túy. Mà công an thì nhan nhản, ở đâu cũng có mặt, ai động chân động tay đều biết hết. Nhưng ma túy vẫn lộng hành. Nếu không phải chính công an nuôi và bảo đảm thì làm sao bọn buôn ma túy sống được?

 Một vụ đàn áp đang làm giới Phật tử ở trong nước kinh ngạc đã xẩy ra ở tỉnh Lâm Ðồng gần một năm nay, mà thành phần chủ động trong việc đàn áp cũng là công an. Gần 400 tăng ni và cư sĩ đang tu tập tại Tu Viện Bát Nhã thuộc xã Damb ri, tỉnh Lâm Ðồng đã bị đuổi khỏi tu viện. Họ mới xuất gia từ năm sau 2003 và theo pháp môn Thiền định, lúc đầu đã được chấp nhận. Nhưng từ năm 2008 tình hình bắt đầu thay đổi... Người đứng tên chủ nhân tu viện này, Thích Ðồng Hạnh, tục danh là Võ Thành Nguyên, đã báo tin cho các tăng ni trẻ tuổi này rằng ông không bảo lãnh cho các tăng ni tạm trú tại chùa theo quy chế hộ khẩu như trước nữa. Tức là gần 400 vị tu sĩ không được phép cư ngụ, phải giải tán. Ông cũng cho biết quyết định này không thuộc thẩm quyền của ông, cũng không thuộc quyền của các chức sắc trong Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Lâm Ðồng.

 Vậy thuộc thẩm quyền nào? Ðảng? Nhà nước? Hay là ai khác? Chỉ biết rằng trong tháng trước, mấy vị tu sĩ chức sắc của giáo hội tỉnh đến thăm các tăng ni trên cũng bị hành hung! Công an vẫn theo thói thuê côn đồ đến những căn nhà của các tăng ni trẻ trong tu viện để đàn áp không khác gì phương pháp họ đã dùng đối với cụ Hoàng Minh Chính lúc sinh thời, hay đối với nhà văn Trần Khải Thanh Thủy gần đây. Họ dọa đốt nhà, dọa phong tỏa không cho tiếp tế thực phẩm, và đã cắt điện, cắt nước, và hăm dọa các nhà tu hành trong lứa tuổi đôi mươi.

 Những tăng ni này mới xuất gia vì muốn theo phương pháp tu học của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai. Lúc đầu họ được phép cư ngụ tại đó, khi chính quyền Cộng Sản còn cần mời Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh về nước để mượn tiếng tô điểm cho chế độ. Và chính Làng Mai đã giúp khoảng 15 tỷ đồng, khoảng một triệu Mỹ kim để xây dựng thêm và mua thêm đất cho tu viện.

 Tại sao có những chuyện rắc rối xẩy ra với các tăng ni ở Bát Nhã? Một nguồn tin phát xuất từ các vị tăng sĩ trong tỉnh Lâm Ðồng cho biết đó là do lệnh của Thiếu Tướng Trần Tư, thuộc Tổng Cục An Ninh. Công an muốn giải tán đám môn đệ của Làng Mai. Mà mệnh lệnh có thể phát ra từ Trung Quốc.

 Năm 2008, khi Hòa Thượng Nhất Hạnh về dự lễ Vesak thì chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Hà Nội trục xuất ông. Nguyên do vì trước đó ông đã tuyên bố tại La Mã (Roma) những lời ủng hộ cuộc tranh đấu của nhân dân Tây Tạng, khi được báo chí phỏng vấn. Ông cũng đề nghị ban tổ chức lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc nên mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tới Việt Nam tham dự lễ này. Những ý kiến đó khiến chính phủ Bắc Kinh nổi giận.

Từ đó, những tai họa bắt đầu đổ lên đầu đám tăng ni trẻ tuổi. Hơn mười tăng ni từ Làng Mai về nước đã lần lượt bị chấm dứt chiếu khán không được phép ở lại Việt Nam. Bây giờ chỉ còn những tăng ni mới tu học, gia đình họ bị công an làm áp lực phải kêu gọi con em trở về nhà. Trong khi đó thì công an áp dụng chính sách hộ khẩu đòi đuổi họ ra khỏi chùa! Ðiều khiến dư luận trong nước ai cũng bầy tỏ niềm kính trọng là các vị tăng ni dù còn trẻ nhưng vẫn kiên trì bất bạo động. Khi bị đám du côn đe dọa và khiêu khích thì các nhà tu mới xuất gia được dăm bẩy năm này chỉ ngồi xuống, thiền định, niệm danh hiệu Quán Thế Âm. Họ đã đủ sức tự bảo vệ lẫn nhau và chứng tỏ cho đám công an biết sức mạnh tâm linh không hề lay chuyển trước bạo lực. Nhà thơ Hoàng Hưng ở tận Hà Nội cũng phải động lòng trước cảnh các tăng ni bị đàn áp ở Tu Viện Bát Nhã, trên đài RFI ông đã yêu cầu đảng Cộng Sản và Nhà nước phải can thiệp chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo và vô lý này.

 Nhưng nhà thơ đã mất công nói chuyện với cái đầu gối! Vì trong vụ Bát Nhã, không ai biết đảng Cộng Sản và Nhà nước của họ chủ trương thế nào cả. Họ hoàn toàn im lặng, giao phó mọi việc cho công an. Chỉ biết là có những đám côn đồ kéo đến một trăm, hai trăm người, hành hung và hăm dọa giết các tu sĩ, kéo dài trong mấy tuần lễ. Chuyện tầy đình như thế, cả nước chỉ biết tin qua các mạng lưới còn báo chí của đảng Cộng Sản thì theo lệnh cứ hoàn toàn im lặng. Cả bộ máy nhà nước Cộng Sản không hề làm một việc gì hay nói một câu nào để chứng tỏ là họ biết và quan tâm đến những tội ác đang diễn ra ở Tu Viện Bát Nhã.

 Như vậy thì chỉ có thể kết luận là cả Ðảng và Nhà nước Cộng Sản hiện nay không có mặt trong nước Việt Nam! Mọi việc đều do công an làm chủ!

 Có thể trong vụ này Ðảng và Nhà nước Cộng Sản đã chịu thua thật sự. Vì họ đã tính lợi dụng ông Hòa Thượng Nhất Hạnh khi mời ông về nước, cốt chứng tỏ họ tôn trọng Phật Giáo. Ông đã về Việt Nam hai lần, nhưng bây giờ đảng Cộng Sản phải trả giá và cái giá có vẻ quá cao đối với họ. Chỉ trong mấy năm trời Làng Mai đã gieo được những hạt giống mới, đã nẩy mầm, đã trở thành những cây xanh tốt. Nhóm tăng ni trẻ tuổi đã chứng tỏ họ có tu tập Phật pháp vững vàng. Họ bắt đầu được các Phật tử địa phương kính trọng, rồi đến những Phật tử mỗi tuần từ miền Nam và miền Trung bắt đầu kéo về tu viện để học cách thực hành Phật Giáo theo phương pháp mới.

 Ðảng Cộng Sản không thể chấp nhận những ảnh hưởng trên quần chúng ngoài tầm kiểm soát của họ, dù chỉ là những cái mầm mới nhú ở một tu viện trên cao nguyên Lâm Ðồng. Nhưng điều nan giải nhất với đảng Cộng Sản Việt Nam là họ cũng không thể kiểm soát được Hòa Thượng Nhất Hạnh khi ông bầy tỏ quan điểm đối với Trung Quốc. Không những đã ủng hộ việc dân Tây Tạng đòi quyền tự chủ, ông còn khuyên họ hãy kiên nhẫn, lấy dân tộc Việt Nam làm gương. Người Việt Nam đã bị Hán tộc cai trị cả ngàn năm, sau cùng vẫn dành được độc lập, người Tây Tạng nên biết điều đó.

 Có lẽ đó là giọt nước làm tràn ly. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc không thể nào chấp nhận được những ý kiến như vậy. Từ đó, công an Cộng Sản Việt Nam phải đàn áp! Ở một nước mà công an làm chủ thì chỉ cần nắm được công an là nắm được tất cả. Hàng lậu chuyển đi cũng lọt khi được công an bảo lãnh. Ma túy chuyển vào cũng được, làm tiêu hao sức lực thanh niên. Và khi cần đàn áp trả thù ai thì công an cũng sẵn sàng!