Home Tin Tức Bình Luận Hai bài tiểu luận tuyệt vời.

Hai bài tiểu luận tuyệt vời. PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Đoá   
Thứ Hai, 13 Tháng 7 Năm 2009 05:00

Cuộc cách mạng cuối cùng
Trà Đoá

Ông nội của Đ mất tích khi bà nội mang thai cha Đ được vài tháng. Ở làng chẳng còn ai nhớ đến ông nữa. Ông biến mất ở đâu đó trong rừng rậm, hay dưới biển... Có khi cọp beo, cá mập,... đã nuốt mất xác ông rồi cũng nên.

Nhưng có hề chi, bởi ông là một nhà cách mạng.

Trước khi ra đi lần cuối, ông để lại một tờ giấy, trên đó chỉ ghi vỏn vẹn một dòng:
“Hãy lớn khôn để làm cách mạng.”
 
Và cha Đ lớn lên đã làm đúng theo lời của người cha mà mình chưa bao giờ biết mặt.

Cha đi làm cách mạng.
Nhưng cha không mất tích...

Ngày cha từ chiến trường trở về gầy còm và xanh xao. Nhưng thay vì buồn như mẹ, ông lại nở nụ cười của một kẻ chiến thắng. Chiến thắng làm ông cười mãn nguyện. Rồi khi nhìn Đ lớn dần lên, ông ít cười đi và nghĩ ngợi:
“Phải kiếm cho nó cái gì để sau này đỡ khổ.”

Nhưng ông chưa kịp làm gì nhiều thì đã tắt thở...

Trước khi chết, ông lại đưa cho Đ mảnh giấy mà ông nội đã ghi. Tờ giấy chỉ có vỏn vẹn dòng chữ:
“Hãy lớn khôn để làm cách mạng.”
 
Rồi mới đây thôi, Đ bị bắt. Tang chứng là mảnh giấy gia truyền ấy mà bây giờ đã trở nên tai hại vô cùng.

Đ đã cố giải thích, nhưng chẳng gã nào chịu nghe.

Khi ra toà, vị quan toà đã nói rằng “đó là một tài liệu phản động, bởi luật pháp đã quy định đây là cuộc cách mạng cuối cùng.”

Dĩ nhiên sau đó anh vào tù với tội danh “phản động.”


Bài trắc nghiệm về lòng yêu nước
Trà Đoá
 
Hôm qua, lại một ông nữa vừa chết. Đó là một người ngực đeo đầy huân chương các loại kèm theo một danh sách dài ngoằng những chiến công.
“Có khi ông ấy là một người yêu nước?”
“Đích thực ông ta là một người yêu nước.”
...
Có nhiều lời nghi ngờ hay cả quyết trái ngược nhau...

Có thời kỳ, những người như vậy ra đi rất nhiều, đến mức những tin cáo phó dày đặc trên báo và truyền hình, làm cho tâm trạng của những người đọc báo phải bồn chồn không yên.

Rồi bẵng đi khá lâu, chẳng có tin nào được cập nhật thêm. Những người đa nghi liền đặt câu hỏi: “Liệu đã hết những người yêu nước chưa?” Không ai biết. Cho đến khi chị tạp vụ của một tờ báo lớn nọ đưa ra ý kiến:
“Tại sao không tổ chức một cuộc thi về lòng yêu nước?”

“Một cuộc thi?” Vị tổng biên tập cười lớn và nhìn chị với vẻ thương hại.

“Dạ, tại sao không? Vì như vậy mình sẽ biết được có bao nhiêu phần trăm dân mình còn yêu nước. Điều này rất có lợi...”

Vị tổng biên tập chau mày suy nghĩ: “Không ngờ cái bà ngớ ngẩn này cũng có sáng kiến sắc sảo nhỉ...”

Ông đang mường tượng đến thành quả của một cuộc thi như vậy mang lại. Chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng chính trị xã hội rất lớn. Và dĩ nhiên... tiền đồ của ông cũng theo đó mà vững vàng thêm. Nghĩ đến đây, ông liền ra lệnh triệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp dành cho toàn bộ nhân viên.

Lần đầu tiên trong đời, chị tạp vụ được ông tổng biên tập trân trọng mời lên ngồi hàng ghế đầu. Và còn hơn thế nữa, ông mời chị trình bày lại phát kiến của mình.

Trước cử toạ đông đúc và có phần ồn ào bên dưới, chị tạp vụ mở giọng run run trình bày lại tất cả những gì trước đó chị đã nói cho vị tổng biên tập. Khi nghe xong, đám đông yên ắng trở lại và có ý chờ đợi. Cuối cùng, vị tổng biên tập cũng lên tiếng nhắc nhở họ rằng đó là một ý kiến rất sáng tạo và chắc chắn hiệu quả sẽ rất lớn, và yêu cầu họ phải nghiêm túc thảo luận cách thức tiến hành sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Đám đông lại sôi nổi lên. Họ tranh cãi đủ thứ, từ cách thức ra đề như thế nào, kêu gọi tài trợ ra sao, vận động bao nhiêu lâu, mời quan chức nào làm ban giám khảo...

Và không hổ danh là những kẻ chuyên nghiệp, chỉ thoáng chốc họ đã soạn thảo ra một kế hoạch chi tiết với đầy đủ mọi khía cạnh của một cuộc thi, để trình bày cho vị tổng biên tập.

Về phần đề thi, họ đưa ra phương án trắc nghiệm với 10 câu hỏi, được chia làm hai thời kỳ rõ rệt: thời chiến và thời bình, nghĩa là chiến đấu và xây dựng đất nước. Mỗi câu chỉ được trả lời “có” hay “không”. “Có”: được 1 điểm. “Không”: dĩ nhiên được 0 điểm.

10 câu hỏi như sau:

Phần I - thời chiến

1. Anh/chị có căm thù bọn xâm lược không?
2. Khi bọn xâm lược đến, anh/chị có sợ hãi không?
3. Anh/chị có sẵn lòng hiến dâng toàn bộ tài sản cho công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm không?
4. Anh/chị có sẵn sàng tham gia chiến đấu chống ngoại xâm không?
5. Anh/chị có sẵn sàng lấp lỗ châu mai không?

Phần II - thời bình

1. Anh/chị có sẵn lòng hiến dâng nhà cửa, đất đai, tài sản cho công cuộc xây dựng đất nước không?
2. Anh/chị có sẵn sàng chấp nhận đi kinh tế mới để xây dựng đất nước không?
3. Anh/chị có sẵn sàng làm việc lương thấp để phục vụ đất nước không?
4. Anh/chị có sẵn sàng nhận công tác ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo không?
5. Anh/chị có sẵn sàng mạo hiểm kinh doanh để làm giàu cho đất nước không?

Cuộc thi sau đó được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đặc biệt lôi cuốn là giải thưởng rất lớn.

Khỏi cần giỏi giang cũng đoán được sự cuốn hút của cuộc thi.

Tôi nghĩ thầm chắc ai cũng được 10 điểm cả. Vì chẳng ai dại gì mà trả lời không.

Chỉ một tuần sau, số lượng người tham gia đã lên đến con số vài chục triệu.

Rồi ngày công bố giải thưởng cũng đến. Người đoạt giải nhất — và được tôn vinh là “người yêu nước số 1” — chỉ được 9 điểm. Điều này đã gây ra nhiều dị nghị trong dư luận.

“Lạ lùng, sao chỉ có 9 điểm mà đoạt giải nhất?” Tôi bâng khuâng.

“Hay có gì mờ ám ở đây?”

Tôi đoán hầu hết mọi người tham gia cuộc thi đều thắc mắc như vậy vì ai cũng nghĩ mình đã đoạt điểm 10.

Dư luận xã hội ngày càng tăng cao, buộc vị tổng biên tập phải mở một buổi họp báo công khai để giải thích chuyện nghi hoặc này.

Trong buổi ấy, trước bao nhiêu lời chất vấn gay gắt, vị tổng biên tập đã bình tĩnh giải thích:
“Người đoạt giải nhất cuộc thi này chỉ được 9 điểm vì anh ta chỉ làm sai một câu duy nhất.”

“Tại sao sai một câu mà lại đoạt giải nhất?” Đám đông giận dữ hét lên.

Vị tổng biên tập từ tốn giải thích:

“Nhưng đó là điểm cao nhất, vì đa số còn lại chỉ đoạt điểm 5.”

Đám đông bàn tán nghi ngờ. Nhưng ông đã nói tiếp:
“Vì hầu hết các bài dự thi chỉ làm được 5 câu đầu của phần thời chiến.”

“Láo toét, rõ ràng là bịp bợm...”

Đám đông gầm lên, vì rõ ràng không thể có ai lại làm sai 5 câu thời bình.

Nhưng cũng một lần nữa, vị tổng biên tập lại tỏ vẻ nhẫn nại:
“Bởi vì quí vị đã làm đúng câu số 5, nên các câu còn lại không còn ý nghĩa nữa.”

Lần này đám đông tự dưng im lặng. Một lát sau nổi lên nhiều tiếng trầm trồ tán thưởng.
Và cuối cùng, như để xoa dịu đám đông, vị tổng biên tập mỉm cười tiêt lộ:
“Nhưng để cổ vũ tinh thần, tất cả những bài đạt điểm 5 sẽ được nhận giải khuyến khích.”

Lần này thì đám đông chẳng còn lý do gì để không hoan hô tán thưởng rầm trời...
 
Trà Đoá