Trung Quốc - Tứ Bề Thọ Địch |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Ba, 14 Tháng 7 Năm 2009 06:23 | |||
Một cách nhìn khác vào Tân Cương... Hôm mùng tám, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã lật đật bỏ Thượng đỉnh G-8 để trở về theo dõi tình hình Tân Cương. Ông về tới nhà thì khu vực Triêu Dương của thủ đô Bắc Kinh đã nhuộm mùi kaki, với lực lượng cảnh sát võ trang túc trực ứng chiến và nhân viên "thành quản" - quản lý thành phố - đeo băng đỏ đạp xe dọc ngang khu vực tập trung các doanh nghiệp và sứ quán ngoại quốc. Lãnh đạo Bắc Kinh sợ thủ đô cũng bị nhiễm gió độc từ Tân Cương thổi về. Tại thủ phủ Urumqi, hôm mùng 10, lệnh giới nghiêm lại được tái lập và lực lượng "cảnh võ" - cảnh sát võ trang - đã phải dẹp mấy trăm người biểu tình gần một ngôi đền Hồi giáo. Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) chỉ có gần ba triệu dân, với 73% là người Hán, mà phải được tăng phái hai vạn lính - tương đương với hai sư đoàn - để bảo vệ? Có chuyện gì đó rất bất thường đang diễn ra trước mắt chúng ta. Có khi Tân Cương chỉ là biểu hiện của nhiều sóng ngầm bên dưới và bên ngoài, làm lãnh đạo Bắc Kinh thấy như đang ngồi trên lửa... Mình hãy kiểm lại mà xem. Bất cần đến chuyện quốc thể, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bỏ ngang Thượng đỉnh tại Ý mà không gặp Tổng thống Barack Obama để tay đôi nói chuyện về nạn nhiệt hoá địa cầu. Ông có nhiều vấn đề nóng hơn đang chờ đợi ở nhà. Ông e ngại một làn sóng xung đột giữa người Hán và người Uighurs (Duy Ngô Nhĩ - bài này xin viết là người Hồi cho gọn - tên họ khi xưa là "Hồi Hột", người Hồi giáo đội khăn). Không chỉ xung đột ở Urumqi hay các thị trấn khác tại Tân Cương mà còn ở nhiều nơi khác. Vụ khủng hoảng Urumqi bùng nổ hôm mùng năm vì một vụ ẩu đả giữa người Hán và người Hồi tại thành phố Thiều Quang của Quảng Đông khiến hai người Hồi bị giết vào đêm 25. Mười ngày sau, khi thấy nhà chức trách chưa cho biết kết quả điều tra, dân Hồi tại Urumqi mới biểu tình và xô sát xảy ra với người Hán khiến người người mất mạng. Làn sóng phẫn uất của dân Hồi mới dẫn tới bạo loạn... Sau nhiều thập niên kỳ thị, đàn áp và đồng hóa các sắc dân thiểu số dưới sự khống chế của tộc Hán, thế hệ lãnh đạo thứ tư của Bắc Kinh - Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo - đã thấy ra mối nguy của dị biệt đào sâu giữa các khu vực trong ngoài và nạn dồn ép dân thiểu số. Họ tìm cách cải sửa. Thứ nhất là cất nhắc dân thiểu số có khả năng, thứ hai là đưa họ ra khỏi các khu vực tập trung đi kiếm việc ở nơi khác - như dân Tây Tạng từ Khu Tự trị Tây Tạng đi vào Tứ Xuyên, Cam Túc; dân Hồi từ Khu Tự trị Tân Cương đi qua Vân Nam, Quảng Đông - đồng thời, đưa người Hán vào các khu tự trị này để pha loãng mật độ thiểu số. Tân Cương có gần 20 triệu dân thì người Hán chiếm tỷ lệ 46/54 so với dân Uighurs, riêng tại thủ phủ Urumqi, người Hán làm chủ tuyệt đối với 73% dân số! Song song với việc hòa trộn sắc dân và vì nguy cơ phân hoá tâm lý của kinh tế thị trường và hiện tượng toàn cầu hóa, lãnh đạo Bắc Kinh đề cao chủ nghĩa Đại Hán. Đảng không chỉ đem lại cơm áo mà còn khôi phục lại niềm tự hào của Hán tộc khi đưa Trung Quốc lên ngôi vị cường quốc được cả thế giới nể trọng. Đồng thời thẳng tay diệt trừ mọi âm mưu ly khai của người Hồi tại Tân Cương. Khu vực này không chỉ là vùng phiên trấn bảo vệ các tỉnh nội địa mà trở thành trung tâm công nghiệp khoáng sản và trạm trung chuyển năng lượng buôn bán với các nước Cộng hoà Trung Á và qua đó tới tận khu vực Cận Đông. Tân Cương trở thành chiến lược về cả an ninh lẫn kinh tế cho một xứ đói ăn và khát dầu. Bên kia núi, rặng Thiên San nổi tiếng từ thời Hán, Đường và mãi mãi sau này, lại là các nước Hồi giáo Trung Á. Xa hơn nữa là một cường quốc Hồi giáo của dânThổ, đồng bào và đồng đạo của dân Uighurs: xứ Turkey, hậu thân của Đế quốc Ottoman. Để chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh 2008, từ đầu năm ngoái, công an đã có năm chiến dịch bố ráp các cơ sở của "Phong trào Hồi giáo Đông Thổ" (Est Turkistan Islamic Movement - ETIM) một tổ chức bị kết án là khủng bố. Mùng bảy tháng Năm, Bắc Kinh còn loan tin đã phá vỡ một âm mưu của khủng bố ETIM là cướp máy bay từ thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên cho bay về tấn công Bắc Kinh. Không mấy ai tin vào chuyện khủng bố đó mà cho rằng đấy là một sự hăm dọa để dằn mặt bất cứ ai muốn phá hoại Thế vận hội. Nhưng, dân Hồi thì tin rằng đấy là chiến dịch đàn áp và ngày càng nhiều người thấy giải pháp bạo động là cần thiết. Ôn hoà như lãnh tụ Tây Tạng là đức Đạt Lai Lạt Ma mà còn bị đả kích là khủng bố và dân Tây Tạng còn bị trấn áp nặng từ suốt tháng Ba năm ngoái cho đến Thế vận hội thì họ có hy vọng gì. Ngược lại, người Hán thì bất mãn vì có cảm tưởng như dân Hồi - mà họ cho là man rợ, lười biếng và thổ phỉ - lại được nâng đỡ. Họ càng bất mãn khi kinh tế suy thoái, thất nghiệp tăng và cuộc sống của họ càng khó khăn hơn trước. Hậu quả là tranh chấp và xung đột giữa hai cộng đồng Hán và Hồi rất dễ xảy ra và đã xảy ra... Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Tuần qua, hai Tổng thống Nga và Mỹ chứng kiến việc ký kết thỏa ước Mỹ Nga theo đó, Mỹ sẽ lập cầu không vận từ Hoa Kỳ trực tiếp bay qua tiếp vận cho chiến trường A Phú Hãn. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đang thăm viếng Ý Đại Lợi tất nhiên thấy là có gì đó không ổn. Một năm Mỹ sẽ có 4.500 chuyến bay qua Bắc cực rồi lãnh thổ Nga vào tới Trung Á, để đem "hamburger" hay Coca ướp lạnh cho lính Mỹ tại A Phú Hãn? Khả nghi quá! Vốn dĩ đa nghi hơn Tào Tháo, lại biết rõ là phía Bắc A Phú Hãn là các nước Cộng hoà Hồi giáo tiếp cận với Tân Cương, lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ tới kịch bản khác. Dưới cái nhìn của họ, Tân Cương cũng chiến lược như... Tây Nguyên của Việt Nam. Đâm ra, chuyện này có mùi hơi khét! Đã thế, trong khi Hồ Cẩm Đào còn ngồi trên phi cơ trở về, Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) của Thủ tướng Reep Tayyip Erdogan bỗng lên tiếng vơ vào. Quên hẳn việc tuần trước, Tổng thống Abdullah Gul (Ngoại trưởng cũ của Thủ tướng Erdogan) vừa thăm Trung Quốc và ghé Tân Cương để gọi cộng đồng Uighurs tại đây là "cây cầu hữu nghị" giữa hai quốc gia, Ngoại trưởng rồi chính Thủ tướng Thổ bỗng tri hô rằng dân Uighurs tại Tân Cương cũng là đồng bào người Thổ, và Bắc Kinh không nên đàn áp họ. Thủ tướng Erdogan còn dùng ngay cái ghế mà xứ Thổ đang có trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để yêu cầu Liên hiệp quốc can thiệp! Qua Thứ Năm mùng 10, Thủ tướng Thổ còn lên truyền hình gọi vụ Tân Cương là... "diệt chủng, chẳng có các giải thích nào khác!" Một lời cáo buộc rất nặng từ một quốc gia đã từng bị dư luận lên án là tàn sát - diệt chủng - dân Armenia! Chỉ vì dư luận dân chúng trong nước và trong đảng cầm quyền đã quyết liệt đả kích Bắc Kinh và đòi tầy chay hàng hoá Trung Quốc. Nga với Mỹ đang dấm dúi chuyện gì đó tại Trung Á thì Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên của Minh ước NATO và đồng minh chiến lược mới của Obama - lại nhảy vào ăn có và đòi mở ra thế hợp tác "Liên Thổ", từ Cận Đông về tới Trung Á và Tân Cương. Chuyện chưa đủ khét. Dẹp người Hán để bênh vực người Hồi thì hơi kẹt về tinh thần Đại Hán khi kinh tế suy thoái và động loạn thường xuyên bùng nổ trong các khu vực chẳng dính gì tới dân thiểu số. Mà dẹp dân Hồi - và vu cáo họ là bị các "thế lực xấu nước ngoài" xúi giục - thì có khi sẽ đổ dầu vào lửa. "Nghị hội Uighurs Thế giới" của bà Rebiya Kadeer là một tổ chức đấu tranh ôn hoà, theo khuôn phép bất bạo động của Đức Đại Lai Lạt Ma trong cộng đồng Tây Tạng. Nhưng, nhiều người Hồi có thể nghĩ khác khi thấy dân Uighurs kêu cứu từ bên trong Trung Quốc. Trong số này, có nhiều lực lượng Hồi giáo rất quá khích - mà cũng có tiền. Sau vụ khủng bố 9-11 tại Mỹ năm 2001, Bắc Kinh đã khéo dụ dỗ Chính quyền Bush đặt tổ chức ETIM (Phong trào Đông Thổ) vào thành phần khủng bố nhưng trong thực tế lực lượng ETIM này chưa có sự yểm trợ của các nhóm khủng bố Hồi giáo tại Trung Á, Pakistan hay Afghanistan. Và Trung Quốc chưa từng bị khủng bố Hồi giáo tấn công, như Hoa Kỳ, Nga và nhiều xứ Âu Á đã từng bị. Từ khi đói ăn khát dầu và lùng kiếm nơi bành trướng ra ngoài, Trung Quốc đã bị nhiều nước Á Phi nghi ngờ là có tinh thần thực dân. Nhưng chẳng vì vậy mà bị khủng bố tấn công. Bây giờ, khi tiếng kêu cứu lại vọng lên từ Tân Cương, nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo sẽ chú ý đến số phận của dân Hồi trong Hoa lục. Biết đâu chừng, họ sẽ nghe thấy lời dạy của Thượng đế Allah mà chơi bạo, hoặc yểm trợ cho dân Uighurs chơi bạo! Sau nhiều năm khéo lách để các xứ khác xử trí với nạn khủng bố Hồi giáo, rồi mượn gíó bẻ măng nhằm tiêu diệt lực lượng ETIM, Bắc Kinh bắt đầu ê tim. Một cơ sở quyền lợi nào đó của Trung Quốc tại Trung Á, Bắc Phi hay Đông Nam Á có thể bị tấn công, "để bày tỏ tình liên đới" với người Hồi ở Tân Cương! Mà chuyện đó vẫn chưa đáng sợ... Cùng ngày vùng nổ vụ Tân Cương, nhà chức trách Thượng Hải bắt giam bốn nhân viên của tổ hợp khoảng sản Úc, Rio Tinto, kể cả Tổng giám đốc là một người Úc gốc Hoa. Lý do của Bộ Công an là những người này làm gián điệp đánh cắp bí mật quốc gia. Tổng giám đốc Sern Hu của tổ hợp Rio Tinto tại Trung Quốc là trưởng đoàn thương thuyết việc doanh nghiệp nhà nước Chinalco mua một phần hùn của Rio Tinto. Ông có thể biết về tình hình Chinalco, về chiến lược mặc cả của Bắc Kinh, hoặc về hiện tình kinh tế Trung Quốc. Và tất nhiên có nhiệm vụ tường trình cho công ty mẹ ở nhà. Rồi việc mua bán trị giá tới hơn 19 tỷ đô la không thành. Ông Hu này cũng đang đàm phán về giá biểu quặng sắt giữa Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA) với hai tổ hợp BHP Billiton và Rio Tinto, chưa biết kết quả ra sao thi bị bắt giam. Trung Quốc có lề lối kinh doanh rất lạ! Đôi bên đang thương thảo thì Công an nhảy vào bắt doanh gia ngoại quốc. Vì Tổng giám đốc Rio Tinto mật báo về, rằng kinh tế Trung Quốc sắp khủng hoảng hay giá bauxite đang sụt và sẽ còn sụt nữa (Hà Nội ơi, bao giờ mới hết tối?) hay vì những gì khác mà ông được chiếu cố như vậy? Tất nhiên là Chính quyền Úc không chấp nhận được chuyện ấy và sẽ làm cho ra lẽ. Khi đó, ta mới chú ý đến sự kiện là đầu tháng Năm vừa rồi, Bộ Quốc phòng Úc Đại Lợi công bố một bạch thư về chiến lược quốc phòng tại Á châu Thái bình dương cho những thập niên tới (xin đọc lại bài "Vấn Đề Trung Quốc Của Úc" trên cột báo này trong số ra ngày 23 tháng Năm). Trọng điểm của Bạch thư là trong khi Hoa Kỳ đang bận đối phó với khủng bố Hồi giáo, Úc vẫn phải đối phó với mối nguy ưu tiên của mình - là sự bành trướng của Trung Quốc! Mà dường như đây là một giai điệu phổ biến trên trường quốc tế. Ngày 12 tháng Sáu, phát ngôn viên Tần Cương của bộ Ngoại giao Bắc Kinh phê phán Ấn Độ là có thái độ thù nghịch. Chỉ vì Tổng trấn tỉnh Arunachal Prades, nguyên là Tổng tư lệnh quân đội Ấn, đã báo động về sự xuất hiện quá nhiều của các đơn vị Trung Quốc ở bên kia biên giới và nhân đó thông báo là Ấn sẽ đưa ba bốn sư đoàn với đại bác 155 ly lên phòng thủ biên giới Ấn-Hoa. Rỏ là Chính quyền Dehli không yên tâm với việc hạm đội Trung Quốc xuất hiện rất nhiều tại Ấn Độ dương và còn có bốn căn cứ hải quân tại Miến Điện, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka làm trạm tiếp vận. Khi Mubai bị khủng bố tấn công năm ngoái, Bắc Kinh đã dụ Dehli ưu tiên giải trừ khủng bố và hợp tác với mình. Chuyện ấy không xảy ra, ngược lại, Dehli bắt đầu đóng chốt để canh chừng xứ láng giềng này, ở cả ngoài biển lẫn trên núi. Mà chưa hết. Hôm mùng hai vừa qua, Nhật Bản thông báo tăng phái bộ binh của Lực lượng Tự vệ (Quân đội Nhật) tại một... hạt cát ngoài biển, là đảo Yonaguni. Hòn đảo nằy nằm tại khu vực cực Nam của Nhật, còn thấp hơn cụm đảo Senkaku đang tranh chấp với Trung Quốc (Điếu ngư đài) và ở ngay sau lưng... Đài Loan. Từ nhiều năm nay, Nhật đã tăng cường hải quân và đưa hạm đội tiểu trừ hải tặc ngoài Đông hải (của Việt Nam), vượt qua eo biển Malacca và lập căn cứ trên đảo Shimoji ở gần Đài Loan. Nay lại đưa thêm quân vào đảo Yonagui nằm giữa Shimoji và Đài Loan. Tất nhiên không để đón bắt hỏa tiễn Bắc Hàn, mà để canh chừng sự xuất hiện quá ồn ào của Trung Quốc. Thế rồi, trong khi Nga Mỹ nói chuyện hợp tác đầy nghịch lý tại A Phú Hãn thì tuần qua Tổng thống Medvedev của Nga cho biết là ông sẽ nói chuyện với Thủ tướng Nhật về hồ sơ tranh chấp giữa hai nước, là các quần đảo Kuril ở cực Bắc Nhật Bản đã bị Liên Xô chiếm đóng khi Thế chiến II kết thúc. Đầu tháng Năm trước đây, Nhật Nga đã quyết định hợp tác về kinh tế và năng lượng với việc Nhật Bản đầu tư vào khu vực Viễn Đông của Nga - và vào cả Cộng hoà Mông Cổ ngay biên giới Trung Quôc. Nếu đôi bên mà giải quyết được hồ sơ Kuril, chuyện Nga và Nhật bắt tay nhau trên đầu Trung Quốc sẽ làm lãnh đạo Bắc Kinh mất ngủ! Khi chúng ta lùi lại một chút để nhìn vào bản đồ toàn cầu theo nhãn quan đa nghi và đầy hãi sợ của Bắc Kinh thì dường như các lân bang gần xa đều đang muốn bao vây Trung Quốc. Ngày xưa, lãnh đạo Bắc Kinh có góp phần vào trò chơi này khi hợp tác với Hoa Kỳ thời Richard Nixon để be bờ Liên Xô cho Ronald Reagan gặt hái thành quả. Bây giờ, một chuỗi quốc gia bán đảo hay hải đảo đã lại liên thủ để đẩy Trung Quốc trở lại vị trí đại cường lục địa thay vì là một siêu cường hải dương như lãnh đạo Bắc Kinh đang mơ ước. Rồi cứ tưởng như bị thế giới lãng quên, vùng Tân Cương xa lạ bỗng thành điểm nóng thời sự quốc tế, được Thổ Nhĩ Kỷ thổi vào cho nóng thêm. Tiêu diệt tám triệu dân Uighurs thật ra không dễ. Bên kia biên giới, họ có nhiều hậu cứ hiểm trở trong các nước Cộng hoà Hồi giáo Trung Á để chơi trò du kích. Chưa kể đến các lực lượng khủng bố Hồi giáo, nay sẽ có cơ hội xiển dương Thánh ý của Allah. Đâm ra lối đấu tranh ôn hoà của Nghị hội Uighurs của bà Rebiya Kadeer lại có vẻ dễ thương hơn. Cũng dễ thương và khó nuốt như con đường trung đạo của đức Đạt Lai Lạt Ma. Lại là một âm mưu khác của Hoa Kỳ và Ấn Độ!... Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù là một triệu chứng tâm thần, mà rất thật tại Bắc Kinh.
|