Home Tin Tức Bình Luận Từ Tân Cương đẫm máu đến Việt Nam chống Tàu cộng

Từ Tân Cương đẫm máu đến Việt Nam chống Tàu cộng PDF Print E-mail
Tác Giả: Trương Sĩ Lương   
Thứ Tư, 15 Tháng 7 Năm 2009 00:20

Sau đúng 60 năm Mao Trạch Đông thành lập nhà nước Cộng sản Trung Hoa, một cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Uighur (Hồi gốc Thổ Nhĩ Kỳ) và người Hán tại thủ phủ Urumqi, Tân Cương vào hôm 6-7-2009 đã làm chấn động giới lãnh đạo Trung Cộng, đến nỗi Chủ tịch Hồ Cầm Đào phải vội vã bỏ ngang hội nghị Thượng Đỉnh G-8, bay về nước cấp tốc để giải quyết vụ biến động sắc tộc này. Nếu không, nó sẽ lan rộng khắp nước vì không chỉ Tây Tạng, Tân Cương mà ngay trong lòng người Hán cũng đã có sự chia rẽ như Hán nam, Hán bắc cũng không ưa gì nhau vì phương ngữ, vì phong tục tập quán khác nhau; đó là chưa kể tới cao trào chống Cộng sản, đòi tự do dân chủ phát động từ vụ Thiên An Môn năm 1989, và nhất là tổ chức Pháp Luân Công đã và đang ngấm ngầm chống đối ở trong lòng người dân Trung Hoa.

Nguyên nhân gần của các cuộc xuống đường biểu tình, bạo động tại Urumqi là vì dân Hồi đòi chính quyền Trung Ương điều tra về việc hai người Hồi bị giết chết và khoảng 100 người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với người Hán vào tháng 6 vừa qua tại một nhà máy sản xuất đồ chơi ở Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông.

 Nhưng nguyên nhân xa của các cuộc nổi dậy này là người Hồi không muốn trở thành thiểu số vì chính sách Hán hóa của chính quyền và họ bị kỳ thị rõ ràng ngay trên quê hương của họ. Chủ trương Hán hóa những vùng đất tự trị như Tây Tạng, Tân Cương của chính quyền Trung Ương, bằng cách di dân Hán tới làm ăn sinh sống, kinh doanh, thương mại quá rõ ràng... đã làm cho dân số người Hán đã nhảy vọt trong hai thập niên qua, từ 6% lên tới 40% trong số 20 triệu dân tại đây.

 Số người bị thương trong vụ bạo lực xảy ra ở Urumqi suốt tuần qua đã lên đến 1700 người. Thống kê từ chính quyền khu tự trị cho biết có 939 người bị thương hiện vẫn đang nằm trong bệnh viện. Chủ tịch chính quyền khu vực Nur Berkri trong một bài phát biểu trên truyền hình cho biết trong số đó, 216 người bị thương nặng, 74 người trong tình trạng trầm trọng. Thiệt hại tài sản tổng cộng 627 xe, gồm xe buýt, xe vận tải, xe cảnh sát đã bị đập phá và đốt cháy trong vụ bạo lực chết người. Tính đến hiện nay, 633 đơn vị xây dựng với tổng diện tích hơn 21 ngàn thước vuông bị hư hỏng trong vụ bạo động. Có 291 cửa hàng bị đập phá, 29 trong số này bị thiêu rụi, hầu hết là các siêu thị lớn.

 Khi bài này đến tay độc giả thì tình hình Urumqi vẫn còn căng thẳng. Công an thành phố đã đưa ra thông báo nghiêm cấm hoạt động tụ tập và biểu tình trái phép. Một số ngả đường dẫn đến khu chợ chính vẫn đóng cửa. Con số người chết nay được chính quyền loan báo chính thức là 184 người, nhưng giới thạo tin cho rằng con số này rất cao. Nhà nước cho biết con số người chết, gồm 137 người Hán, 46 người thuộc sắc tộc Uighur, và một người là thuộc sắc tội Hui. Hôm thứ Sáu tuần vừa qua, nhà cầm quyền tính ra lệnh đóng cửa các đền thờ Hồi giáo không cho người dân đến thờ lạy như bình thường, nhưng sau cùng vì sợ phản ứng bất lợi của người Hồi nên họ chỉ cho phép một số đền Hồi giáo mở cửa trong một thời gian ngắn. Đa số người Hán thì tỏ ra an tâm với sự có mặt của Cảnh sát và bộ đội án ngữ trong vùng bạo loạn.

 Hiện nay Trung Cộng là một quốc gia to lớn, đông dân nhất thế giới gần 1.4 tỷ người, gồm 56 sắc tộc, khác nhau về ngôn ngữ, về văn hóa nói chung. Người Hán chiếm đa số, khoảng 91%; trong khi các sắc tộc khác chỉ có 9%, khoảng 105 triệu người. Giấc mơ Đại Hán và Hán hóa của triều đại Cộng Sản hiện tại cũng khá phù hợp với các tiền triều đại qua lịch sử thăng trầm của vùng đất đầy biến động, đầy tranh chấp này.

 Quý độc giả đã xem phim ảnh về lịch sử và chiến tranh của Trung Hoa khá nhiều. Do đó, khái niệm về các triều đại Trung Hoa, theo dòng lịch sử chém giết, tiêu diệt nhau rầm rầm, nhưng dân số vẫn đứng đầu thế giới, là chuyện cần bàn tới. 

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ TRUNG HOA 

Theo lịch sử Trung Hoa, năm 202, trước Công Nguyên (BC), sau khi chiến thắng nhà Tần và đánh bại Hạng Vũ, Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế, đặt tên triều đại mới là nhà Hán, mà người đời sau gọi là vương triều Lưu Hán. Để củng cố quyền lực, Lưu Bang phải đối mặt với các bộ lạc ở biên giới phía bắc Trung Hoa, có họ ngữ âm Thổ Nhĩ Kỳ, gọi chung là Hung Nô, cầm đầu bởi một Thiền vu (vua Hung Nô).

 Các bộ tộc Hung Nô là bộ tộc du mục như những bộ tộc du mục khác, nhưng người Hung Nô có truyền thống gây chiến tranh, đã từng nhiều lần tấn công vào Trung Hoa, lãnh thổ của người Hán.

 Lưu Bang tin rằng ông vẫn chưa đủ mạnh để đánh bại các bộ tộc phương bắc, vì thế ông mua chuộc họ bằng thực phẩm và quần áo để đổi lấy sự thỏa thuận là không xâm phạm vào quốc gia mới trị vì của ông. Thậm chí ông đã phải gả cho vị vua Hung Nô một người đẹp mang danh là công chúa Trung Hoa. Do đó, lịch sử Trung Hoa cho rằng, kể từ thời Lưu Bang, vị vua sáng lập nhà Tây Hán đã cố gắng duy trì ngũ tộc, tức là 5 sắc dân, gồm: Hán, Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Dĩ nhiên, người Hán vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất và thống nhất được Trung Hoa một thời khá hưng thịnh.

 Qua hơn 2000 năm lịch sử thăng trầm tính theo Tây lịch, Trung Hoa cũng nhiều lần bị các bộ tộc thiểu số xâm lấn và cai trị. Ngoài bộ tộc người Kim và người Nữ Chân, Khiết Đan... có khi xâm lấn trung nguyên, nhưng cuộc trường chinh vĩ đại và chiếm luôn lãnh thổ Hán tộc là đạo quân bách chiến bách thắng của người Mông Cổ – Thiết Mộc Chân và Đại Hãn kế vị là Hốt Tất Liệt, đã lập nên nhà Nguyên, trị vì Trung Hoa từ năm 1271 đến năm 1368.

Từ năm 1387, sau hơn 30 năm nổi dậy, Chu Nguyên Chương (người Hán) đánh bại nhà Nguyên và lập ra nhà Minh. Trong các đời vua của nhà Minh được mô tả là thời kỳ thịnh trị cho đến khi đạo quân người Mãn Châu đánh vào phía bắc Trung Hoa, cùng lúc dân Hán nổi dậy chống lại vua Sùng Chính. Năm 1644 quân khởi nghĩa Lý Tự Thành tràn vào Bắc Kinh. Vua Sùng Chính treo cổ tự vận.

 Quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, đánh bại quân khởi nghĩa Lý Tự Thành. Trong bảy năm tiếp theo, các cuộc chiến đấu bên ngoài Bắc Kinh vẫn tiếp diễn, người Mãn Châu chiếm được các vị trí quân sự chiến lược, những người ủng hộ nhà Minh chạy sang Đài Loan. Mãn Châu nắm quyền ở Bắc Kinh và cuối cùng chiếm toàn bộ Trung Hoa, lập lên triều đại nhà Thanh, một triều đại cai trị tới tận thế kỷ 19.

Cuộc Khởi nghĩa Vũ Xương diễn ra vào ngày 10 tháng 10, 1911, và tiếp sau đó là sự tuyên bố thành lập một chính phủ trung ương riêng biệt, Cộng hòa Trung Hoa, tại Nam Kinh với Tôn Dật Tiên làm lãnh đạo lâm thời. Nhiều tỉnh bắt đầu “ly khai” khỏi quyền kiểm soát của nhà Thanh. Chứng kiến tình trạng này, Thanh triều dù không muốn cũng buộc phải đưa Viên Thế Khải trở lại nắm quân đội, kiểm soát Bắc Dương quân của ông, với mục tiêu nhằm tiêu diệt những người cách mạng. Sau khi lên giữ chức Tể tướng và lập ra chính phủ của riêng mình, Viên Thế Khải còn tiến xa nữa khi buộc triều đình phải cách chức nhiếp chính của Thuần Thân Vương. Việc cách chức này sau đó được chính thức hóa thông qua các chỉ thị của Hiếu Định hoàng hậu.

 Khi Thuần Thân Vương đã buộc phải ra đi, Viên Thế Khải và các vị chỉ huy bên trong Bắc Dương quân của mình hoàn toàn nắm quyền chính trị của triều đình nhà Thanh. Ông cho rằng không có lý do gì để tiến hành một cuộc chiến tranh gây nhiều tốn phí, đặc biệt khi nói rằng chính phủ nhà Thanh chỉ có một mục tiêu thành lập một nền quân chủ lập hiến.

 Tương tự như vậy, chính phủ của Tôn Dật Tiên muốn thực hiện một cuộc cải cách dân chủ, vừa hướng tới lợi ích của nền kinh tế và dân chúng Trung Hoa. Với sự cho phép của Hiếu Định hoàng hậu, Viên Thế Khải bắt đầu đàm phán với Tôn Dật Tiên, người cho rằng mục tiêu của mình đã thành công trong việc lập ra một nhà nước cộng hòa và vì thế ông có thể cho phép Viên Thế Khải nhận chức vụ Tổng thống của nền Cộng hòa. Năm 1912, sau nhiều vòng đàm phán, Hiếu Định đưa ra một chiếu chỉ tuyên bố sự thoái vị của Phổ Nghi, vị hoàng đế nhỏ tuổi.

 Nhà Thanh sụp đổ năm 1912 đánh dấu sự kết thúc của hơn 2000 năm chế độ phong kiến Trung Hoa và là khởi đầu của một giai đoạn bất ổn kéo dài.

Sau cuộc Nội chiến Trung Hoa, lực lượng Mao Trạch Đông đánh bại Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, khiến họ Tưởng phải bỏ chạy sang Đài Loan, Mao tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 1 tháng 10 năm 1949. Mục tiêu đầu tiên của Mao là thay đổi toàn bộ hệ thống sở hữu đất đai và những cuộc cải cách ruộng đất, một hình thức đấu tố địa chủ rộng lớn của Cộng Sản. Vào năm 1953 ông đã thúc đẩy thực hiện nhiều chiến dịch tiêu diệt tầng lớp chủ đất và tư sản cũ. Đầu tư nước ngoài cũng bị bãi bỏ.

 Những người ủng hộ Mao cho rằng, sự thống nhất và chủ quyền của Trung Hoa lần đầu tiên trong khoảng thời gian một thế kỷ đã được bảo đảm, và những sự phát triển hạ tầng, công nghiệp, chăm sóc y tế, cũng như giáo dục, đã làm tăng tiêu chuẩn sống của người dân Trung Hoa. Họ cũng cho rằng các chiến dịch như nhảy vọt và Cách mạng Văn hoá chủ yếu có mục đích thúc đẩy sự phát triển và “thanh lọc” nền văn hoá.

 Những người chỉ trích chính phủ Mao cho rằng Mao đã đặt ra những biện pháp quản lý cuộc sống thường ngày của người dân quá chặt chẽ, và tin rằng những chiến dịch như Nhảy vọt và Cách mạng Văn hóa góp phần gây nên cái chết của hàng triệu người, làm thiệt hại to lớn về kinh tế và phá hủy các di sản văn hoá Trung Hoa.

 Đặc biệt, chiến dịch đại nhảy vọt đã gây ra nạn đói kinh hoàng, với gần 30 triệu người chết, đa số các nhà phân tích phương Tây và Trung Hoa cho rằng đó là nguyên nhân của một kế hoạch hóa tồi tệ trong nông nghiệp và xã hội.

 Để áp đặt tính chính thống chủ nghĩa xã hội và tiêu diệt các cơ chế cũ của Trung Hoa, cùng lúc ấy đạt được một số mục đích chính trị, Mao đã bắt đầu cho thực hiện Cách mạng Văn hoá năm 1967. Chiến dịch này ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống Trung Hoa. Hồng Vệ Binh khủng bố trên các đường phố và nhiều công dân bị coi là phản cách mạng. Giáo dục và vận tải công cộng hầu như bị đình chỉ toàn bộ. Cuộc sống hàng ngày chỉ là đi hô khẩu hiệu và kể lể lại các câu nói của Mao Trạch Đông. Nhiều lãnh đạo chính trị nổi bật gồm cả Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình, bị thanh trừng và bị coi là “những kẻ theo tư bản”. Chiến dịch này chỉ hoàn toàn chấm dứt cùng với cái chết của Mao năm 1976.

 ÂM MƯU HÁN HÓA CỦA TRUNG CỘNG 

Từ xưa tới nay, nước Trung Hoa vẫn cố gắng duy trì ngũ tộc, tức là 5 sắc dân: Hán, Mông, Mãn, Hồi, Tạng. Đó là chưa nói tới Hán tộc luôn luôn dòm ngó xuống phương Nam, nhất là muốn bành trướng ra biển Đông, không cần phải xử dụng chiến tranh để giành đất, giành biển mà chỉ cần Hán hóa nước Việt Nam là xong. Vụ bauxite ở Cao nguyên trung phần, vụ thành lập những khu tự trị của người Hán theo kiểu da beo trên đất nước Việt Nam hiện nay là rõ ràng có ý đồ biến Việt Nam thành một tộc nữa, gọi là Việt tộc, tức là lá cờ trong tương lai của Trung Cộng sẽ có 6 ngôi sao, sao thứ sáu là Việt tộc.

 Nhìn lại lịch sử của dân tộc Việt trong gần 1200 năm bị Tàu đô hộ, thực sự nước Việt Nam đã bị xâm chiếm bởi 13 triều đại khác nhau: Nhà Triệu, nhà Tùy, nhà Tề, nhà Tây Hán, nhà Đường, nhà Thục, nhà Đông Ngô, nhà Đông Tấn, nhà Nam Tấn, nhà Đông Hán, nhà Nam Tống, nhà Nam Hán, nhà Minh...

 Trong dòng sinh mệnh của dân tộc, Việt Nam ngày nay vẫn giữ được ngôn ngữ, vẫn giữ được nét đặc thù văn hóa dân tộc là nhờ ý chí quật cường và tinh thần chống ngoại xâm bất khuất của toàn thể con dân nước Việt.

 Như vậy có đáng sợ qua ý đồ xâm lăng bằng chính sách Hán hóa của Trung Cộng không? Câu trả lời là đáng sợ. Cứ nhìn những biến động Tây Tạng, Tân Cương thì biết. Trung Cộng, kể từ thời Đặng Tiểu Bình canh tân đất nước theo kiểu phát triển kinh tế thị trường, đời sống vật chất của con người có khá hơn, nhưng xã hội thì càng ngày càng tha hóa; luân lý, đạo đức suy đồi, lừa gạt, mánh mung, cướp giật nhan nhản, bởi xã hội đã đẩy con người chạy theo vật chất một cách điên cuồng. Tôn giáo là nền móng của đạo đức, là suối nguồn của yêu thương... thì bị ngăn cấm, bị gièm pha, hoặc bị cộng sản hóa bằng những cán bộ tôn giáo quốc doanh trá hình hướng dẫn.

 Thanh niên lớn lên được đảng và nhà nước giáo dục theo bản năng phi nhân, phi thú nên họ hành động rất tàn bạo như trong phim tiền sử. Cứ nhìn những cuộc đụng độ giữa người Hán và người Uighur ở Tân Cương tuần trước là rõ nhất. Chỉ bằng tay chân, bằng gậy gộc, bằng dao, búa mà con số thương vong nhiều như thế trong một buổi chiều. Chỉ cần đọc tin về những thanh niên Trung Cộng ngang ngược hành hung người Việt ở Thanh Hóa, Hà Nội, Cao Nguyên... nơi họ đến để kiếm sống, nhưng chẳng coi ai ra gì, là có thể thấy ngay bản chất bạo tợn của họ. Cướp rừng đã tàn bạo, cướp biển lại càng bạo hơn với người dân chài Việt hiền lành đang kiếm sống qua ngày trên vùng biển của quê hương họ. Nhiều phân tích gia về Trung Công ngày nay còn cho rằng, nhà nước đang đổ vào đầu thanh niên mớ triết lý dân tộc tự đắc, khích báng tinh thần Đại Hán nhằm tiến tới mục tiêu xâm lăng thế giới trong tương lai.

 Hiện nay nhà cầm quyền và giới lãnh đạo CSVN đang là tay sai đắc lực của nhà Đại Hán. Họ là những tên bán nước hèn hạ, những tên tội đồ của dân tộc này sẽ được mãi mãi ghi vào sử sách. Tủi nhục thay!

 Ôi! Không lẽ tới đầu thế kỷ thứ 21, giang sơn gấm vóc của chúng ta lại một lần nữa lọt vào tay nhà Đại Hán chỉ vì một đám vong thân, vong bản mang sơn hà dâng hiến cho ngoại bang để vinh thân phì gia? Thế nhưng, chúng tôi tin rằng, trước hồn thiêng sông núi, trước vong linh của anh hùng dân tộc đã đổ máu xương dựng nước và giữ nước, chắc chắn sẽ phò trợ cho những vị anh hùng xuất phát từ trong lòng dân tộc đứng lên phá tan chính sách đồng hóa của quân Bắc phương ố Tàu Cộng.

 Chính sách diệt chủng các bộ tộc thiểu số và bành trướng người của Hán tộc tới những nơi cần mưu sinh để kiếm lợi có thành công hay không? Thưa không. Trước văn minh nhân loại ngày nay, không một đế quốc nào tồn tại nếu họ chủ trương tàn sát nhân sinh vô tội. Cứ nhìn vào những tấm gương lịch sử nhân loại thì biết, nếu con người không đủ sức cản để chế ngự những chế độ bạo ngược, thì Đất Trời, Mẹ thiên nhiên sẽ hủy diệt họ theo lẽ tự nhiên.