Newsweek lại tôn vinh Obama là “Thượng Đế”... Trên thế giới này, có lẽ không xứ nào có nhiều cách thăm dò dư luận cao siêu như nước Mỹ. Và cũng không có xứ nào mà thiên hạ tin tưởng vào các thăm dò như ở Mỹ. Có hai lãnh vực mà thăm dò dư luận được coi như cực kỳ quan trọng và có tính cách quyết định. Đó là tiếp thị -marketing- và chính trị. Trong hai lãnh vực này, không ai dám lấy quyết định nào nếu không có thăm dò dư luận trước. Bất cứ một quyết định lớn nhỏ nào cũng đều phải trải qua hàng loạt thử thách thăm dò, nghe ngóng. Điều này dễ hiểu và có thể chấp nhận được trong tiếp thị vì có như vậy mới bán được hàng. Nhưng áp dụng vào chính trị thì quả là có cái gì không ổn. Các chính trị gia thời nay hầu như đã coi chuyện kiên định lập trường như một hành động thiếu thực tế nếu muốn dùng danh từ lịch sự, hoặc ngớ ngẩn nếu muốn nói thẳng. Thực tế thì các chính khách cũng đã trở thành những món hàng. Muốn bán được thì phải trình bày, định giá, và quảng cáo sao cho hấp dẫn thiên hạ, để có càng nhiều người mua càng tốt. Ở trong gói hàng đó có cái gì, lượng và phẩm ra sao là chuyện hạ hồi phân giải. Trong suốt hai năm qua, món hàng đắt giá Barack Obama đã được tung ra, trình bày, phô trương một cách cực kỳ mỹ miều, hấp dẫn, mang lại biết bao “hy vọng” cho khách mua hàng. Từ thông điệp đến con người, thậm chí cả bà vợ và hai cô con gái cũng được gói ghém trong những bao bì hấp dẫn bởi các chuyên gia tiếp thị chính trị, và được giới truyền thông tiếp tay tung ra thị trường, làm bộ thẩm định, rồi ngợi ca vang trời. Trong khoảng hơn một năm rưỡi, Time đưa hình Obama lên mặt báo 14 lần, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Sau đó chắc thấy hơi quá lố nên Time đổi kiểu, đưa hình … bà Michelle Obama. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu thấy hai cô bé con của ông bà Obama cũng được đưa lên mặt báo luôn. Newsweek thì không đưa hình lên quá nhiều như vậy, nhưng ông chủ bút của Newsweek lại tôn vinh Obama là ”Thượng Đế” (nguyên văn: “He’s just God”). Các ký giả cấp tiến trên báo cũng như trên truyền hình tranh đua nhau xem ai tung hô Obama lên cao nhất. Người dân Mỹ theo dõi tin tức qua báo và truyền hình, dĩ nhiên không thể thoát khỏi tay mấy anh siêu tiếp thị chính trị, và chẳng những bầu Obama lên làm tổng thống, mà cho đến giờ này vẫn còn mê mẩn sống trong hy vọng và chửi rủa Bush. Nói chung, họ cho rằng Bush là thảm họa lớn nhất lịch sử Mỹ, vì đã giết một lúc hai công ty xe hơi lớn nhất thế giới đã từng xưng hùng xưng bá từ cả trăm năm nay, giết một loạt các ngân hàng vĩ đại, phá hoại kinh tế, tạo ra nạn thất nghiệp lớn nhất từ đầu thế kỷ đến giờ. Đã vậy lại còn thua trận ở Iraq, Afghanistan, lạm quyền, vi phạm Hiến Pháp, vân vân… Họ cũng tri ân Obama đang ra tay cứu các hãng xe, cứu các ngân hàng, cứu nhân công thất nghiệp, cứu ông già bà lão (sẽ được Obama cho trợ cấp nhiều hơn), cứu lính Mỹ khỏi phải chết trận… Tóm lại cứu cả thế giới ta bà này, kể cả việc đang cố gắng cứu luôn mấy anh khủng bố khỏi bị bắt đi tù hay bị giết ngoài mặt trận. Chiến dịch tiếp thị Obama đã biến ông này từ một chính trị gia trẻ tuổi, chẳng có kinh nghiệm gì trở thành một Đấng Tiên Tri có khả năng đội đá vá trời, biến một người cấp tiến cực đoan thành một chính khách ôn hòa có phép lạ giải quyết mọi vấn đề, hàn gắn mọi đổ vỡ, đoàn kết cả nước. Lấy thuế của mấy anh nhà giàu để tăng chi tiêu, trợ cấp đủ loại cho tất cả mọi người. Cộng trừ nhân chia tuy không ổn nhưng TT Obama có phép thần thông, khỏi cần thắc mắc. Trong khi Bush là hiện thân của ác quỷ phá tan thế giới thì Obama là hiện thân của thiên sứ giáng trần cứu nhân độ thế. Trong bối cảnh đó, chẳng những Obama đắc cử tổng thống một cách vẻ vang, mà sau đó, mức hậu thuẫn của dân chúng qua các thăm dò dư luận vẫn lơ lửng trên chín tầng mây xanh, nơi cư trú của ông. Ngay sau lễ đăng quang, cuối tháng Giêng, tỷ lệ ủng hộ thành tích chung -overall job approval rating- leo lên gần 65% trong khi tỷ lệ chống đối chỉ khoảng 20%, theo kết quả thăm dò tổng hợp của cơ quan truyền thông Real Clear Politics (bằng cách tính trung bình của các cuộc khảo sát): Khoảng cách biệt 65-20 là xấp xỉ 45%. Nhưng chuyện gì phải đến thì cũng sẽ đến, không sớm thì muộn. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây, sáu tháng sau khi Obama nhậm chức, cho thấy máy bay Obama đang từ từ hạ cánh. Từ ba chục ngàn bộ bây giờ đang tà tà xuống hơn hai chục ngàn bộ. Cũng còn cao lắm, nhưng càng ngày càng xuống thấp và thiên hạ càng ngày nhìn thấy rõ hình dạng máy bay. Đầu Tháng Bẩy, tính trung bình tỷ lệ của gần một chục cơ quan thăm dò (Real Clear Politics Average), tỷ lệ ủng hộ đã rớt xuống còn 56,5% trong khi tỷ lệ chống đối tăng lên 38,5%. Khoảng cách biệt chỉ còn 18% so với 45% cách đây năm tháng. Đó là tính trung bình. Riêng cơ quan Rasmussen thì cho thấy chỉ có 51% ủng hộ Obama, thấp hơn tỷ lệ 52% ông đạt được trong cuộc bầu cử. Nói cách khác, từ sau ngày bầu cử, chỉ có những người bỏ phiếu cho TNS McCain mới chống Obama, trong khi bây giờ một số người đã từng bỏ phiếu cho Obama đã thay đổi lập trường vì thất vọng. Trung tuần Tháng Sáu, cơ quan thăm dò NBC News/Wall Street Journal cho thấy chỉ có 56% thỏa mãn với cách làm việc của TT Obama, nhưng lại có tới 70% dân Mỹ ưu tư về nạn thâm thủng ngân sách quá lớn, có thể tác hại mạnh tới nền kinh tế trong tương lai gần. Cuộc khảo sát hỗn hợp của CBS/New York Times biết được hơn một nửa dân Mỹ không đồng ý cách TT Obama cứu hai hãng xe Chrysler và General Motors, và không tin tưởng về các đề nghị cải tổ y tế mà tổng thống và đảng Dân Chủ đang đưa ra. Cuộc thăm dò cũng khám phá là đa số dân Mỹ chống lại việc đóng cửa trại tù Guantanamo và cho các tù khủng bố đi nghỉ mát ở Bermuda. Cuộc thăm dò của CNN/Opinion Research thì cho thấy trong khi phần đông phụ nữ, thanh niên, và dân da màu vẫn ủng hộ TT Obama mạnh mẽ, tỷ lệ hậu thuẫn trong giới các ông da trắng trên 50 tuổi đã rớt xuống mạnh nhất. Cơ quan Rasmussen xét về các trường hợp cực đoan và cho biết số người ủng hộ Obama một cách mạnh mẽ (strongly approve) đã tuột xuống 31%, dưới số người chống đối mạnh mẽ (strongly disapprove), 33%. Đây là lần đầu tiên số người chống đối mạnh vượt qua số người ủng hộ mạnh. Tất cả các tỷ lệ trên liên quan đến các chính sách của tổng thống. Trên phương diện cá nhân, TT Obama vẫn được nhiều cảm tình của dân chúng, dù cảm tình này cũng đang tuột dốc, từ 64% hồi Tháng Ba xuống 61% qua Tháng Sáu. Vẫn còn khá cao hơn sự hậu thuẫn về chính sách. Khác biệt trong hậu thuẫn cá nhân và hậu thuẫn chính sách không có gì lạ. Ngay cả TT Bush hồi trước cũng vậy. Tuy đại đa số chống đối các chính sách của ông Bush, nhưng ông vẫn được cảm tình cá nhân rất lớn vì dân Mỹ nói chung vẫn nhận định Bush như một người có lập trường chính đáng, lương thiện, có tư cách, và dễ hòa mình. Đây là điểm khác biệt lớn giữa hai ông Obama, Bush và cựu TT Bill Clinton: Tư cách ông Clinton qua những xì-căng-đan tình ái lăng nhăng bị dân Mỹ chê bai hay khinh thường, nhưng chính sách của ông lại được dân Mỹ ủng hộ, nhờ vậy mới không bị mất chức. Nói vắn tắt là "người không tốt, nhưng làm việc tốt!" Trong khi TT Obama vẫn còn được sự hậu thuẫn khá mạnh, thì các cấp lãnh đạo đảng Dân Chủ lại bị lúng túng vì hậu thuẫn quá thấp. Bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi chỉ kiếm được có 24% hậu thuẫn, còn thấp hơn cả cựu phó TT Cheney, kẻ thù số một của phe cấp tiến và giới truyền thông. Mặc dù tỷ lệ hậu thuẫn vẫn còn cao, nhưng TT Obama cũng bắt đầu nhận thấy nhiều triệu chứng bất ổn. Ai cũng biết đảng Cộng Hòa thì nhắm mắt chống đối trong khi đảng Dân Chủ thì nhắm mắt ủng hộ. Do đó, thành phần then chốt quan trọng nhất, có thể quyết định kết quả mọi cuộc bầu bán chính là thành phần độc lập, không thuộc đảng nào. Đây là thành phần đã mang lại chiến thắng cho ứng viên Obama trong kỳ bầu cử vừa qua. Trong giới độc lập này, tỷ lệ hậu thuẫn của TT Obama đã rớt đài một cách mau chóng và bất ngờ. Theo cuộc khảo sát của NBC/Wall Street Journal, tỷ lệ hậu thuẫn này đã rớt từ 60% hồi Tháng Tư xuống 45% qua Tháng Sáu. Số người cho rằng TT Obama là thành phần “rất cấp tiến”, rất thiên tả (very liberal) gia tăng từ 46% lên tới 64% trong cùng thời gian. Và đây là con số không tốt lành gì vì hầu hết thành phần độc lập có lập trường ôn hòa, hay tương đối hơi bảo thủ, chứ mấy ưa không xu hướng “rất cấp tiến”. Một khi đa số khối độc lập cho TT Obama là thành phần cấp tiến cực đoan thì hậu thuẫn trong khối này sẽ bị giảm sút. Hai mối lo lớn nhất của khối độc lập là -nạn thâm thủng ngân sách, được ước lượng là 1.8 ngàn tỷ trong năm nay và gần mười ngàn tỷ trong suốt mười năm tới, và -chương trình cải tổ y tế, sẽ gia tăng thâm thủng ngân sách thêm một ngàn tỷ nữa. Theo các chuyên gia chính trị, khối độc lập lúc trước ủng hộ TT Obama mạnh mẽ vì họ muốn thấy một Nhà Nước cảnh giác, can thiệp đúng mức thay vì khoanh tay thả lỏng như Bush đã làm. Nhưng ngược lại, hiện nay khối này lo lắng vì họ không muốn thấy một Nhà Nước vú em ("nanny state") - ta gọi là "bao cấp" do kinh nghiệm xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam - đòi can thiệp và kiểm soát mọi khía cạnh sinh hoạt của người dân, lại còn làm chủ các hãng xe và ngân hàng lớn nhất Mỹ nữa. Tỷ lệ ủng hộ TT Obama sẽ được các quan sát viên theo dõi kỹ trong những ngày tháng sắp tới khi tác dụng của các chương trình kích động kinh tế, cứu các hãng xe và ngân hàng sẽ được nhìn thấy rõ hơn. Và nhất là khi chương trình cải tổ toàn diện hệ thống bảo hiểm y tế sẽ được quốc hội cứu xét trong chi tiết và phê chuẩn. Năm 1993, chương trình cải tổ y tế của bà Hillary sụp đổ và uy tín của cả bà lẫn TT Clinton bị sứt mẻ trầm trọng khiến đảng Dân Chủ mất đa số trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 1994. TT Obama học được bài học đó và đang chuẩn bị một kế hoạch tương đối ôn hòa thực tế hơn, và có nhiều hy vọng thành công hơn. Nhưng không có nghĩa là không còn nhiều gai góc. Chúng ta hãy chờ xem máy bay Obama sẽ lại bốc lên trời xanh, hay sẽ từ từ hạ cánh. Và cũng chờ xem dàn vỗ tay của truyền thông xoay trở ra sao, và trở mặt thế nào nếu thần tượng Obama rốt cuộc cũng chỉ là một chính khách bình thường (09071).
|