Rượu Ta Bình Tây |
Tác Giả: Nguyễn Hồng Dũng | |||
Thứ Hai, 10 Tháng 8 Năm 2009 21:59 | |||
Nhìn lại lịch sử Việt Nam suốt chiều dài mấy ngàn năm, chúng ta không khỏi tự hào đến các chiến tích lẫy lừng của các triều đại chống ngoại xâm, đặc biệt là Trần triều với ba lần chiến thắng Nguyên Mông. Để giải thích sự chiến thắng oanh liệt này, ngoài tài lãnh đạo mưu trí và anh minh của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và sự hợp nhất của toàn thể nhân dân quyết giành lấy sự tự chủ, độc lập, thì vấn đề văn hoá “dân tộc tính” vẫn được xem là điểm đặc thù quan trọng góp phần hình thành chiến thắng vang dội này. Dân tộc tính đã bất biến khi quân Pháp vào Việt Nam gần thế kỷ, quân Tàu gần một kỷ nguyên hòng biến Việt Nam thành tiểu quốc thuộc địa; rốt cuộc họ đã thất bại trong kế hoạch xâm lược. Ngược lại, Việt Nam có khả năng rút tỉa những tinh hoa văn hóa, văn học, nghệ thuật và cả nền kỹ nghệ công nghiệp, chữ viết cũng như văn phong thành một thứ gia tài riêng cho dân tộc Việt Nam. Chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ là một điển hình cụ thể. Các học thuyết, chủ thuyết, triết học, tôn giáo nói chung trên toàn thế giới đã có dịp truyền thừa hay xâm nhập vào đất nước Việt Nam tưởng chừng như biến dạng để phù hợp với phong linh địa thủy. Văn hoá Việt nam đã từng lấy những tinh tuý của Phật, Lão và Khổng giáo để hình thành một chất liệu chung cho phẩm chất đạo hạnh của cả một dân tộc qua nhiều thế kỷ để phát triển và hướng thiện. Quốc nạn một chín bảy lăm, người Việt bỏ nước ra đi với đôi bàn tay trắng để rồi hình thành những cộng đồng Việt rãi rác khắp quả địa cầu, đặc trưng văn hóa Việt trong những con người ly hương lại có cơ hội trỗi dậy mãnh liệt để cân bằng cuộc sống tâm linh chen lấn với những nền văn hóa đa quốc gia vây quanh khiến chúng ta có khuynh hướng tập trung xiển dương những tinh tuý hầu “mang chuông đi đánh xứ người” phải cho vang vọng đó đây. Văn hóa là chất keo nối kết nhiều thế hệ trong gia đình, tưởng chừng như không có nó, đời sống sao vô vị và nghèo nàn làm sao!. Văn hóa thể hiện trong cung cách ăn mặc nghiêm trang, lời nói và cử chỉ lễ độ, đối xử và ứng phó có tôn ti, trật tự. Lễ hội gia đình có giao tình thắm thiết, tộc họ được nề nếp lưu phong, quan hôn tang tế được trân trọng đúng phép…tất cả là một kho tàng của cuộc sống cần đựơc khai thác, vì chính nó đã giúp nhiều tầng lớp thanh niên Việt Nam tại các xứ sở tiên tiến thành công trong mọi lãnh vực nhân văn, khoa học, chính trị, kinh tế kể cả tôn giáo. Trong nghị trường dòng chính của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tuổi trẻ Việt Nam đã chiếm nhiều địa vị quan trọng từ cấp bậc như cố vấn nguyên thủ quốc gia, Thứ trưởng, Giám đốc Nha, Cục Liên bang đến các dân cử Tiểu bang, địa phương hay các nhà khoa học, giáo sư đại học, công trình sư đến các doanh nhân Việt Nam, phần lớn đạt được địa vị quan trọng đó là nhờ kiến thức căn bản về học thuật nhưng đáng kể nhất bắt nguồn từ yếu tố cá nhân đã được hấp thụ và thừa hưởng nền văn hóa dân tộc trong tư cách, phong thái, ngôn từ và tự trọng. Những lớp người này đã vận dụng nét tinh hoa của văn hóa “hiệp chủng” phối hợp hài hòa với tinh tuý văn hóa dân tộc Việt Nam nên trong vườn thượng uyển, bông hoa Việt vẫn có chổ xứng đáng để tỏa hương sắc dịu dàng đầy quyến rũ. Nhìn lại quê nhà, Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công cuộc xây dựng đất nước, phần lớn sự đổ vỡ và phá sản nội tại do từ những đập phá và tiêu diệt nền văn hóa ngàn đời của tổ tiên dân tộc. Đơn cử tại Quảng Ngãi, nơi có đình Văn Thánh và nhiều Văn Chỉ, Văn Từ để thờ phụng những bậc Tiên Hiền, những vị anh hùng có công đầu trong việc khai mở vùng đất mới khi thành lập tỉnh Quảng Ngãi đến ngày hôm nay, làm tấm gương cho thế hệ hậu duệ noi theo…vậy mà đành đoạn phá bỏ để biến thành "nghĩa trang liệt sĩ" xã ấp. Chúng ta nghiêng mình trước sự hy sinh tính mạng của tất cả những chiến sĩ, nhưng không vì thế mà bôi xóa một nơi thờ tự có tính cách giáo dục và truyền thừa văn hoá như các Văn Miếu, Văn Chỉ địa phương. Xây dựng đất nước Việt Nam trên căn bản vật chất như đường sá, cầu cống, gia cư, phố thị là việc làm cơ giới hóa chớp nhoáng trong khoảng thời gian giới hạn hữu định và không khó lắm; tuy nhiên xây dựng con người có văn hóa trong giai đoạn hiện nay tại quê nhà, cho lớp trẻ có tấm lòng bao dung, độ lượng, lễ phép, thành thật, trung hiếu và biết sống cho tương lai của người khác là một việc thiên nan vạn giải. Không cần thiết đổ lỗi cho ai, bàn tay chúng ta quá ngắn không vươn tới tận sông Trà núi Ấn, chưa có dịp lượm một viên gạch kê lại cho ngay ngắn Văn Chỉ tôn miếu chư Tiên Hiền, Tổ Phụ; thì nơi đây, đất khách quê người, chúng ta có đủ đôi tay để lôi kéo lớp thanh niên đi đúng con đường mà quí bậc trưởng thượng đã đi, con đường có nghĩa tình sông nước quê hương, cuộc sống cuộn trong nền văn hoá dân tộc để rồi một ngày mai không xa, lớp trẻ đó có cơ hội phục hoạt những gì mà hoài bảo còn đang ươm mầm. Văn hóa luôn là cái đẹp của cuộc sống thường nhật tiến dần đến văn minh cho cá nhân, xã hội và nhân loại, đem đến sự hòa ái, bình an và thịnh vượng. Dĩ nhiên nó không ngừng phát triển như cây tre, nhành trúc luôn hấp thụ đất nước, mặt trời, không khí để lưu thông và thăng hoa. Cốt lõi của văn hóa là tính nhân bản, là tính chất thiêng liêng chỉ có ở con người, vì vậy dù là sống bất cứ nơi đâu, một khi trong cốt lõi vẫn un đúc tính khí văn hóa Lạc Hồng thì thời gian và không gian chẳng tách khỏi lịch sử, và sự truyền thừa văn hóa là chất liệu luân lưu trong mạch sống của từng bụi tre, khóm trúc. Do đó, ý thức về nền văn hóa để thể nhập trong cuộc sống không chỉ là cái đẹp mà còn là nhu cầu thiết yếu căn bản trong cuộc đời hoàn thiện. Bảo tồn và phát huy văn hóa Việt tại Hải ngoại là nhiệm vụ cấp thiết của các bậc trưởng thượng và là một thử thách lớn đối với thế hệ chuyển tiếp, nhưng khi biết vận dụng văn hoá dân tộc trong cuộc sống đầy thách thức này thì chính là gấm thêm hoa, biến ước mơ tâm linh thành hành hoạt cụ thể dẫn đến sự thành công trong lãnh vực ý thức và nghiệp thức hiện thời.
|