Home Tin Tức Thời Sự Ổn định mong manh ở Biển Đông

Ổn định mong manh ở Biển Đông PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC News   
Thứ Năm, 23 Tháng 4 Năm 2009 23:47

Biển Đông tiếp tục dấy lên sự quan tâm và tranh cãi đáng kể. Hai diễn biến mới đây một lần nữa gây ra tranh cãi và nêu bật những vấn đề khó khăn khi muốn đạt ổn định trong vùng.

 

Tàu thám thính đại dương của Mỹ USNS Impeccable

Vụ đầu tiên là va chạm hôm 8.3 giữa tàu Trung Quốc và tàu thám thính đại dương của Mỹ ngoài đảo Hải Nam. Vụ thứ hai là việc Tổng thống và Quốc hội Philippines thông qua Dự luật Đường cơ sở 2009.

Trung Quốc cực lực phản đối dự luật Philippipnes vì nó bao gồm đảo Hoàng Nham (tức bãi đá ngầm Scarborough) và một số đảo của nhóm Nam Sa (Trường Sa). Những phần này bị Trung Quốc, và cả Việt Nam, đòi chủ quyền.

Vì Trung Quốc là yếu tố chính trong cả hai vụ, nó đưa tới một đợt "chống Tàu" mới trên truyền thông Tây Phương. Sự phê phán càng tăng khi Trug Quốc loan báo sẽ tăng cường lực lượng tuần duyên ở Biển Đông, dù là bằng tàu dân sự chứ không phải tàu quân đội. Tình hình càng phức tạp với bản báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ trích mạnh sự bành trướng quân sự của Trung Quốc.

Mặc dù một số quan sát viên xem việc Trung Quốc đẩy mạnh lực lượng tuần tiễu ở Biển Đông là phản ứng cho hai vụ việc, nguyên nhân của hai sự kiện rất khác biệt. Có lẽ chúng không liên quan với nhau. Đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Mỹ chỉ là diễn biến mới nhất trong tranh chấp luật biển kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc. Còn Dự luật Đường cơ sở Philippipnes lại thể hiện tranh chấp chủ quyền về đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông.

Đụng độ trên biển

Vụ đụng độ xảy ra hôm 8.3 giữa năm tàu Trung Quốc và con tàu Mỹ, USNS Impeccable. Nó cách đảo Hải Nam khoảng 120 cây số về phía nam. Trong nhiều ngày, các tàu Trung Quốc cũng đã quấy rối Impeccable trước khi xảy ra vụ va chạm nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân căn bản của vụ việc là những diễn giải khác nhau về quyền và nghĩa vụ trong vùng đặc khu kinh tế (EEZ). Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), EEZ là vùng chia sẻ quyền và trách nhiệm. Nó không phải là hải phận cũng không thuộc biển cả. Một quốc gia có đường biển có các quyền tự chủ (sovereign rights) đối với tài nguyên của EEZ, và quyền tài phán liên quan các đảo nhân tạo, đồn bốt, công trình xây dựng; nghiên cứu khoa học biển; và bảo vệ, giữ gìn môi trường biển. Tuy nhiên, các nước khác có quyền và nghĩa vụ bên trong EEZ, bao gồm tự do đi lại và bay, cùng việc sử dụng biển theo đúng luật quốc tế liên quan những tự do đó.

Có thể có những biện pháp xây dựng lòng tin, ví dụ có một cách hiểu chung về quyền và nghĩa vụ trong EEZ, một quy tắc hành xử chi tiết hơn cho Biển Đông.

Sam Bateman

Cần hiểu sự khác biệt giữa "chủ quyền" (sovereignty) và "các quyền tự chủ" (sovereign rights). Chủ quyền được thực thi bên trong nội hải, vùng nước quần đảo và hải phận, còn quyền tự chủ được thực thi bên trong EEZ và trên thềm lục địa. ‘Các quyền tự chủ" thiết lập một quyền tài phán được bảo vệ, đặc biệt về tài nguyên, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường. Tính chất của chúng hạn chế hơn "chủ quyền".

Có thể có vấn đề ngôn ngữ ở đây. Trong bản dịch tiếng Hoa của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, "chủ quyền" và "quyền tự chủ" giống nhau. Các viên chức Trung Quốc ít hiểu tiếng Anh và luật biển có thể nghĩ rằng Trung Quốc có chủ quyền ở EEZ nhiều hơn là thực tế.

Khi thực thi các quyền và nghĩa vụ bên trong EEZ của mình, một nước có đường biển cần có ‘sự chú ý thích đáng' với quyền và nghĩa vụ của các nước khác. Đổi lại, các nước cũng cần ‘chú ý thích đáng' quyền và nghĩa vụ của nước có đường biển. Khó khăn xảy ra khi phải định nghĩa sự cân bằng quyền và nghĩa vụ này, và khi phải sắp đặt phép thử để phân biệt hành động nào đã "chú ý thích đáng", và hành động nào thì không. Một phần của vấn đề là UNCLOS không định nghĩa những từ quan trọng, như "hoạt động quân sự", "nghiên cứu khoa học biển", hay "khảo sát quân sự".

Trung Quốc nói phải có sự đồng ý của họ trước khi có các hoạt động như khảo sát quân sự, thu thập tình báo ở bên trong EEZ, và cũng cho rằng những sứ mệnh này không phải là sử dụng EEZ một cách hòa bình.

Các nước khác, đặc biệt là Mỹ, mạnh mẽ biện luận những hoạt động này là một phần của tự do đi lại bên trong EEZ. Mỹ tự nhận có tự do tiến hành hoạt động quân sự, như của tàu Impeccable, bên trong EEZ mà không cần nước có đường biển cho phép. Mỹ xem những hoạt động này không phải là nghiên cứu khoa học biển cần sự cho phép trước. Họ nói chúng là một phần của tự do đi lại trên biển mà UNCLOS dành cho trong trường hợp EEZ.

Tranh chấp chủ quyền

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có lịch sử lâu dài. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam nhận chủ quyền mọi hòn đảo và đá ngầm ở biển, chủ yếu lấy lý do đã sử dụng và chiếm đóng trong lịch sử. Malaysia, Philippines và Brunei đòi chủ quyền ở một số nơi, chủ yếu lấy lý do khoảng cách địa hình và vị trí trên thềm lục địa của họ.

 

Sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc làm nhiều nước lo ngại

Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 là diễn biến tích cực góp phần giảm căng thẳng.

Văn bản này không mang tính ràng buộc. Nó là cử chỉ chính trị chứ không phải là bước lớn hướng tới xử lý và giải quyết xung đột. Vì thế Trung Quốc và Việt Nam có thể cáo buộc Dự luật Đường cơ sở Philippines đi ngược lại tinh thần Tuyên bố 2002. Trong khi đó, Philippines và Malaysia cũng nói việc Trung Quốc củng cố lực lượng ở vùng này là đi trái tinh thần.

Chưa có những dàn xếp hiệu quả ở Biển Đông để quản lý biển mang tinh thần hợp tác. Các nước ven biển vẫn muốn có "hàng rào trên biển" và quyền tài phán riêng. Họ quyết tâm duy trì hướng tiếp cận mang tính dân tộc chủ nghĩa và miễn cưỡng nếu phải tham gia những bước hợp tác mà có thể làm tổn thương chủ quyền.

Dù sao tất cả đều muốn có giải pháp hòa bình. Tranh chấp Trường Sa đã giảm nhiệt mấy năm qua. Nhưng những sự kiện gần đây chứng tỏ tiến trình vẫn mong manh ra sao.

Con đường trước mặt

Họ quyết tâm duy trì hướng tiếp cận mang tính dân tộc chủ nghĩa và miễn cưỡng nếu phải tham gia những bước hợp tác mà có thể làm tổn thương chủ quyền.

Các bên liên quan những diễn biến gần đây đều cảm thấy mình có lý. Trung Quốc và Mỹ tin rằng quan điểm của họ về hoạt động quân sự bên trong EEZ được luật quốc tế ủng hộ. Các bên tranh chấp chủ quyền Biển Đông cũng tin mình là đúng. Trong thời gian này, cái chúng ta có là sự nghi ngờ và bất trắc, cùng một vùng biển rộng mà không có cơ chế quản lý tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường biển, cũng như không có biện pháp hiệu quả chống hoạt động phi pháp như cướp biển.

Không bên nào cảm thấy sự phân xử quốc tế lại sẽ có lợi cho mình. Và dù trong bất kỳ trường hợp nào, thì theo cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS, các nước đều có thể rút ra khỏi sự phân xử bắt buộc đối với những tranh chấp liên quan biên giới biển hoặc hoạt động quân sự biển.

Cần có thêm đối thoại để đối phó những vấn đề khó khăn này. Có thể có những biện pháp xây dựng lòng tin, ví dụ có một cách hiểu chung về quyền và nghĩa vụ trong EEZ, một quy tắc hành xử chi tiết hơn cho Biển Đông. Nhưng các tuyên bố của các viên chức Mỹ và những bình luận gia chỉ trích phản ứng của Trung Quốc trước các diễn biến gần đây sẽ chẳng giúp thiết lập môi trường thích hợp cho đối thoại.

Về tác giả:Tiến sĩ Sam Bateman là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Ông từng là viên chức hải quân Úc, với mối quan tâm đặc biệt về khía cạnh chính trị và chiến lược của luật biển quốc tế.

Tiến sĩ Sam Bateman,viết riêng cho BBCVietnamese.com từ Singapore