Home Tin Tức Thời Sự Cuộc chạy đua dưới đáy biển

Cuộc chạy đua dưới đáy biển PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 13 Tháng 5 Năm 2009 06:33

Tàu ngầm Trung Quốc

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) vừa có bài phân tích về cuộc 'chạy đua vũ khí dưới đáy biển' của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương. BBCVietnamese. com xin trích giới thiệu cùng quý vị.

Dường như chúng ta đang chứng kiến sự bắt đầu của một kỷ nguyên tàu ngầm mới ở Á châu.

Các thay đổi trong chính sách quân sự và việc mua sắm vũ khí chắc phải được kế hoạch trong nhiều năm, thế nhưng nhiều sự kiện mới trong vài tuần qua cho thấy nguy cơ xảy ra căng thẳng trong tương lai tại khu vực Đông Á.

Việt Nam, Australia và Hoa Kỳ đều vừa có các động thái mà một phần là do động lực của việc Trung Quốc phát triển quân sự.

Báo chí Nga cho hay Hà Nội và Moscow sắp ký thỏa thuận mua sáu tàu ngầm hạng Kilo, vốn được sử dụng không chỉ trong việc do thám, mà còn trong truy lùng và tấn công tàu chiến và tàu ngầm của đối thủ.

Nếu đúng là như vậy, đây sẽ là hợp đồng mua tàu ngầm lớn đầu tiên của Việt Nam. Các phân tích gia cho rằng động thái này là phản ứng trực tiếp trước các hoạt động của hải quân Trung Quốc trong vùng biển Đông, nơi nhiều năm nay xảy ra tranh chấp quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Theo họ, việc Bắc Kinh phát triển căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam đã khiến Hà Nội đặc biệt lo lắng.

Chạy đua?

Trong khi đó tin từ Hoa Kỳ xác nhận rằng Lầu Năm góc đang tiếp tục chuyển tàu ngầm từ khu vực Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương, mới nhất là tàu USS Jacksonville được điều từ kênh đào Panama.

Tới cuối năm nay, 31 trong số 53 tàu ngầm tấn công nhanh của Hoa Kỳ sẽ được đặt tại châu Á - Thái Bình Dương, một sự xoay chuyển trái ngược các tiêu chí thời kỳ chiến tranh lạnh.

Chúng tôi đang theo dõi nhau. Mỗi một cử chỉ hay kế hoạch mua bán vũ khí đều gây phản ứng tức thì.

Một tùy viên quân sự khu vực

Lãnh đạo tình báo của bộ Quốc phòng Mỹ đã ghi nhận việc hạm đội tàu ngầm 60 chiếc của Trung Quốc ngày càng tuần tra xa hơn. Việc tuần tra này được Washington theo dõi một cách chặt chẽ.

Giới làm chính sách quân sự biết rõ rằng tàu ngầm có thể là vũ khí hủy diệt với nhiều tác dụng, có khả năng giúp môt cuộc gia chống trả kẻ thù lớn hơn. Tàu ngầm có thể dùng để dùng để mắc cáp ngầm dưới biển, chuyển lính đặc nhiệm hay thám báo tới địa phận của đối phương, thậm chí để chuyên chở hỏa tiễn.

Tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động dưới mặt nước nhiều tháng liền trong khi loại tàu sử dụng dầu diesel như hạng Kilo mà Việt Nam muốn mua và Trung Quốc đã sử dụng thì lại ít tiếng ồn và có thể gây bất ngờ.

Loại tàu ngầm này rất hữu hiệu trong các khu vực chật hẹp như biển Đông, nơi các hàng không mẫu hạm và tàu chiến lớn khó ẩn giấu .

Một tùy viên quân sự châu Á bình luận: "Tàu ngầm cho các nước nhiều lựa chọn và khi khu vực đang dần nóng lên thì chúng chính là thứ mà các nước muốn có".

"Chúng tôi đang theo dõi nhau. Mỗi một cử chỉ hay kế hoạch mua bán vũ khí đều gây phản ứng tức thì."

Trong khi đó quan chức quốc phòng Australia tuần trước vừa cho ra sách trắng gây tranh cãi, kêu gọi tăng ngân sách hải quân và đầu tư vào 12 tàu ngầm nữa. Các nước như Indonesia, Malaysia và Singapore cũng đều đang mua thêm tàu ngầm.

Tài liệu này cho thấy một đường lối cứng rắn hơn. Cho dù những năm gần đây, Australia thường xuyên bị đe dọa khủng bố, sách trắng quốc phòng cảnh báo các đe dọa thuộc loại truyền thống hơn, thậm chí nguy cơ xảy ra chiến tranh tại châu Á trong 20 năm tới.

Cường quốc khu vực

Nó cũng đề cập tới khả năng xảy ra căng thẳng giữa các cường quốc trong khu vực, khi "quyền lợi của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga đụng chạm nhau".

Sách trắng quốc phòng của Úc nhận xét: "Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh có tầm quan trọng đặc biệt cho sự ổn định chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương".

Tài liệu này ghi nhận các ảnh hưởng về quân sự, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc nhưng đánh giá rằng "Hoa Kỳ vẫn sẽ là nước hùng mạnh nhất và ảnh hưởng nhất về mặt chiến lược trong giai đoạn từ nay tới 2030 " .

Giống như Hoa Kỳ, Australia kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn trong giải thích lý do hiện đại hóa quân đội. Các tác giả sách trắng dường như cố gắng nhấn mạnh rằng Úc không xem Trung Quốc như mối đe dọa, mà là một "yếu tố" trong quá trình kế hoạch chiến lược.

Hải quân Australia

Úc vừa cho ra sách trắng về quốc phòng

Vài ngày sau khi sách trắng được công bố, lãnh đạo quốc phòng Mỹ lên tiếng về nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh Thái Bình Dương để phản ứng về việc nâng cấp quốc phòng của Trung Quốc.

Đô đốc Michael Mullen, Tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, nhận định: "Trung Quốc đang phát triển năng lực với trọng tâm đặt lên hải quân, không quân, chú trọng tới Hoa Kỳ".

Một số người cho rằng các đụng độ mới đây tại biển Đông và các vùng biển Đông Á giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Mỹ đã cho thấy tình trạng căng thẳng thực tế đang xảy ra.

Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng khu vực biển Đông là một nơi có nhiều khả năng bùng nổ tranh chấp và tốt nhất phải giải quyết bằng ngoại giao.

Năm ngoái, giới ngoại giao Trung Quốc tiếp cận lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil, yêu cầu họ rút khỏi hợp đồng thăm dò đã ký với Hà Nội. Họ cảnh báo rằng tương lai làm ăn của ExxonMobil với Trung Quốc có thể gặp khó khăn nếu hãng không làm việc này.

Tiến sỹ Storey nhận xét: "Trong hai năm nay, tranh chấp biển Đông đã trở nên chủ đề cấp thiết trong số các vấn đề an ninh châu Á. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì chẳng bao lâu khu vực này có thể lại trở thành điểm xung đột lớn ở khu vực".

Căng thẳng Nam Hải

Biển Đông có các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, trong có các tuyến vận chuyển dầu lửa cho Trung Quốc, và cũng là nơi có trữ lượng dầu khí dồi dào.

Tiến sỹ Storey, và một số học giả khu vực khác kêu gọi Hiệp hội các nước Đông Nam Á cũng như Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận năm 2002 về kiềm chế các hoạt động có thể gây căng thẳng. Thỏa thuận này khi được ký đã gây tiếng vang, nhưng cho tới nay vẫn chưa trở thành luật lệ.

Tháng sau các quan chức quốc phòng khu vực sẽ có cuộc họp trong khuôn khổ Diễn đàn an ninh Asean.

Tuy nhiên, không nhiều người trông đợi hành động gì cụ thể. Diễn đàn này, tổ chức hàng năm, chủ yếu chỉ đưa ra các biện pháp củng cố lòng tin và hợp tác nhân đạo.

Trong hai năm nay, tranh chấp biển Đông đã trở nên chủ đề cấp thiết trong số các vấn đề an ninh châu Á. Nếu xu hướng này tiếp diễn thì chẳng bao lâu khu vực này có thể lại trở thành điểm xung đột lớn ở khu vực.

Tiến sỹ Ian Storey, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore

Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc châu, nói ông cho là các nước Asean hiện quá bận bịu với các chủ đề khác để quay sang giải quyết vấn đề thuộc loại phức tạp như biển Đông.

Việc án binh bất động của Asean nhắc nhở một điều rằng cả vùng Đông Á không có lấy một tổ chức an ninh hiệu quả nào.

Đã có chuyên gia đề xuất phát triển cơ chế sáu bên vốn đang chủ trì đàm phán vấn đề Bắc Hàn thành một tổ chức thường xuyên nhằm giải quyết các căng thẳng quân sự hoặc các vấn đề khác bằng ngoại giao.

Thế nhưng trong lúc chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn còn nóng, ý tưởng nói trên khó có thể được ủng hộ.

Trong khi đó, quân đội các nước trong khu vực tiếp tục phát triển, mua thêm tàu ngầm và để mắt chặt tới láng giềng.

Giáo sư Thayer nói: "Khu vực này sẽ tiếp tục bàn tán về các kế hoạch của Trung Quốc trong nhiều năm tới".

"Khi một quốc gia cải thiện năng lực của mình thì các nước khác cũng làm theo. Nếu không, họ sẽ gặp nguy cơ không bảo vệ được chủ quyền."