Home Tin Tức Thời Sự Vụ tiền Polymer: Nổi bật vai trò con trai ông Lê Đức Thúy

Vụ tiền Polymer: Nổi bật vai trò con trai ông Lê Đức Thúy PDF Print E-mail
Tác Giả: Thiện Giao, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 27 Tháng 5 Năm 2009 21:08

Ngày càng có nhiều thông tin cáo buộc liên quan đến một công ty của Úc hối lộ quan chức Việt Nam nhằm thắng thầu dự án in tiền polymer cho Việt Nam.

Báo chí Việt Nam cũng đã từng lên tiếng cảnh báo về những sai phạm trong vụ in tiền polymer.

Cảnh Sát Liên Bang Úc Châu đang điều tra vụ việc, trong khi một số tờ báo Việt Nam đăng tải tin tức với lời lẽ mạnh bạo.

Lại quả 10 triệu đôla Úc

Báo The Age, ấn bản ra tại Melbourne, Australia, ngày 26 tháng Năm viết rằng “một số quan chức của một công ty con thuộc Quỹ Dự Trữ Liên Bang Úc Châu thừa nhận đã trả cho một môi giới Việt Nam tối thiểu 10 triệu đô la Úc để làm công việc chủ yếu là thông dịch.”

Vụ trả 10 triệu Úc kim để “làm thông dịch” như báo chí Úc đưa tin liên hệ đến một chuỗi sự việc xảy ra từ năm 2002.

Vào năm này, một công ty của Úc, có tên Securency, với một nửa tài sản thuộc sở hữu của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Úc Châu, thắng một hợp đồng quan trọng. Hợp đồng này cho phép Securency in tiền nhựa, tức tiền polymer, cho Việt Nam.

Tờ The Age viết, Securency thắng hợp đồng “sau khi công ty này thuê một công ty khác, mà công ty ấy có nhân viên là con trai của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, làm việc trong tư cách môi giới địa phương.”

Tờ The Age viết, rằng tin tức bên trong tiết lộ là công ty Securency trả những khoản hoa hồng kết xù vào một trương mục tại ngân hàng Thụy Sĩ của công ty CFTD (Company For Technology and Development) .

Nếu việc này mà Cảnh Sát Liên Bang Úc Châu điều tra ra sự thật, thì cáo buộc này trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với không chỉ uy tín của ngân hàng Trung Ương Úc Châu, với công ty Securency, mà còn ảnh hưởng cả sinh hoạt của các công ty Úc tại Việt Nam.

LS Lưu Tường Quang, Úc

Công ty CFTD thì lại là “công ty mẹ” của một công ty khác nữa, có tên là BankTech. Mà BankTech thì lại có một giám đốc tên là Lê Đức Minh. Mà Lê Đức Minh lại là con trai của Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam lúc bấy giờ, là ông Lê Đức Thúy.

Một luật sư gốc Việt hiện đang sinh sống tại Australia, là ông Lưu Tường Quang, nói rằng cả báo chí Úc, chính phủ Úc, và dư luận Úc, đang theo dõi rất kỹ vụ này.

Bài báo của tờ The Age về scandal in tiền polymer cho Việt Nam.

“Nếu việc này mà Cảnh Sát Liên Bang Úc Châu điều tra ra sự thật, thì cáo buộc này trở thành một vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với không chỉ uy tín của ngân hàng Trung Ương Úc Châu, với công ty Securency, mà còn ảnh hưởng cả sinh hoạt của các công ty Úc tại Việt Nam.”

Luật sư Quang nói rằng, Úc Đại Lợi có hệ thống luật rất rõ về phương diện hình luật, cấm tiệt vấn đề hối lộ và nhận hối lộ, cho dầu việc này xảy ra bên ngoài nước Úc. Luật Công Ty Úc cũng rất rõ ràng: các giám đốc có bổn phận tuân hành luật pháp, bảo vệ quyền lợi cổ đông và nhất là không được có bất cứ hành vi mờ ám nào.

Một luật sư khác, là ông Nguyễn Vân Nam, hiện đang làm việc tại Sài Gòn, nói rằng thuật ngữ “lại quả” mà báo chí sử dụng trong vụ này là không chính xác.

Luật sư Nam nhận định, luật pháp các nước có những định nghĩa và phân biệt rõ ràng khái niệm “lại quả,”“hoa hồng” và “hối lộ.” Các định nghĩa này phụ thuộc vào phong tục tập quán và đạo lý kinh doanh của từng nước. Tuy nhiên, có những quy tắc đã trở thành phổ quát cho mọi xã hội.

“Đồng tiền trả ra để được nhận hợp đồng, căn bản, không được đưa cho người có thẩm quyền và có trách nhiệm ký kết hợp đồng hoặc liên quan đến việc ký kết hợp đồng. Người trực tiếp ký kết hợp đồng, hay người có thẩm quyền duyệt hợp đồng, nếu nhận khoản tiền đó, thì dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều được xem là nhận hối lộ.”

Người trực tiếp ký kết hợp đồng, hay người có thẩm quyền duyệt hợp đồng, nếu nhận khoản tiền đó, thì dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều được xem là nhận hối lộ.

LS Nguyễn Vân Nam, Sài Gòn

Vai trò ông Lê Đức Minh

Vụ “tiền Polymer” từng được báo Tuổi Trẻ viết trong một bài báo hồi năm 2007, cho thấy Ngân Hàng Nhà Nước có những đề xuất in tiền khác nhau khi trình dự án lên Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chính Phủ Việt Nam.

Cụ thể, “trong hồ sơ trình Bộ Chính trị về đề án bộ tiền mới, NHNN đề xuất phương án sử dụng kết hợp cả hai loại giấy cotton và polymer nhưng khi trình Thủ tướng phê duyệt đề án, NHNN chỉ đề xuất dùng toàn bộ bằng giấy polymer. NHNN không thông báo rõ với Thủ tướng về sự khác nhau này để Thủ tướng biết và quyết định…”

Tuổi Trẻ cũng viết, rằng Thanh tra Chính phủ đề cập việc “Lê Đức Minh, con trai thống đốc Lê Đức Thúy, có thời gian làm việc hơn hai tháng cho Công ty BankTech (một công ty con của CFTD) và việc hai công ty này tham gia quá trình thực hiện bộ tiền mới và cung cấp vật tư, thiết bị cho việc in tiền, tuy không trái với qui định của pháp luật nhưng đã gây nghi ngờ về sự khách quan, minh bạch, làm ảnh hưởng đến uy tín của thống đốc.”

Báo The Age viết rằng, một cuộc phỏng vấn hồi năm 2007 cho thấy, công ty CFTD được thuê mướn chủ yếu làm công việc dịch thuật, sắp xếp các cuộc gặp gỡ, đưa đón người phi trường. Các quan chức của công ty Securency hồi ấy cũng nói họ “không quan hệ với con trai của thống đốc Lê Đức Thúy.”

Nguồn tin riêng của tờ báo này cũng nói nhiều người bên trong công ty Securency nhận định rằng việc trả những khoản hoa hồng kết xù cho môi giới tại các quốc gia có nạn tham nhũng sẽ khiến công ty khó chống chế trước các cáo buộc dùng tiền để trả “lại quả.”

Giới chức của công ty Securency nói họ không quan hệ với con trai Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, cũng không biết công ty Banktech mà người con trai này làm giám đốc.

Tuy vậy, báo The Age viết, rằng “hồ sơ của BankTech cho thấy Securency là một trong các đối tác làm ăn nước ngoài và cho thấy BankTech từng là nhà cung cấp độc quyền cho dự án in tiền nhựa của Việt Nam.”