Home Tin Tức Thời Sự Phong trào biểu tình lan rộng do khủng hoảng kinh tế

Phong trào biểu tình lan rộng do khủng hoảng kinh tế PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 03:02

 1/24/2009  

Sau Hy lạp, đến lượt các nước vùng Baltic, Aixơlen và Bulgari phải đối phó với các phong trào biểu tình phản kháng. Đó là lời báo động của tờ Le Figaro số ra ngày hôm nay

Tờ báo cho biết là hôm thư tư vừa qua, thủ tướng Aixơlen đã không dám bước ra khỏi xe, vì bị người biểu tình ném trứng và chai lọ. Cảnh sát dã chiến đã phải sử dụng lựu đạn cay để  giải tán 2000 người biểu tình tập trung trước toà nhà Quốc hội. Nhưng nỗi bất mãn của dân chúng sẽ không dịu đi tại một quốc gia mà sự thịnh vượng vẫn dựa trên khu vực ngân hàng, nhưng nay ngành này đã bị phá sản. 

Cũng theo tờ Le Figaro, cho đến thời gian gần đây, các nước vùng Baltic vẫn tự hào về mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Kể từ nay lâm vào suy thoái, Latvi và Litva vừa bị rún động bởi những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi hai quốc gia này ly khai khỏi Liên Xô năm 1991. Bất ổn xã hội cũng bắt đầu lan rộng ở Bulgari, nơi mà người dân vẫn rất bất mãn về nạn tham nhũng trong chính quyền và nay lại bị thêm khủng hoảng kinh tế.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là phong trào biểu tình phản kháng từ những nước nói trên liệu có sẽ lan rộng ra toàn châu Âu ? Tờ Le Figaro trích lời cựu thủ tướng đảng Xã hội Laurent Fabius nói rằng : '' những gì xảy ra ở Hy Lạp hoàn toàn có thể xảy ra ở Pháp. Với một tình hình kinh tế suy thoái như vậy, với một tâm lý tuyệt vọng trong xã hội như vậy, chỉ cần một diêm quẹt là thổi bùng tất cả, nhất là trước một chính phủ không hề có sự thông hiểu đối với giới trẻ. Có lẻ vì sợ bùng nổ xã hội mà tổng thống Pháp Sarkozy trong tháng 12 vừa qua đã phải tạm hoãn kế hoạch cải tổ ngành giáo dục, mà vốn đã gặp sự chống đối của các học sinh cấp trung học.

Phong trào biểu tình tại Pháp.

Cũng về thời sự xã hội tại Pháp, tờ Libération hôm nay đăng tải lời kêu gọi có chữ ký của 20.000 người đủ mọi thành phần nghề nghiệp của dịch vụ công, từ ngành y tế, giáo dục, cho đến tư pháp, văn hóa, truyền thông.

Nội dung lời kêu gọi này lên án những cải tổ do tổng thống Sarkozy đề ra, vì đối họ, những cải tổ này trói buộc họ vào cái logích của thị trường, bất chấp những hậu quả tai hại về mặt xã hội. Riêng đại diện cho giới báo chí, bà Elizabeth Weissman, thì nhấn mạnh đến việc ở nước Pháp ngày nay, thông tin đã trở thành trạm tiếp vận của chính quyền và phóng viên không còn có thể hành nghề một cách độc lập nữa.

Cũng tờ Libération hôm nay tường thuật về cuộc biểu tình ngày hôm qua của nhân viên đài RFI tại Paris. Tờ báo nhắc lại lý do của cuộc biểu tình là vào tuần trước ban giám đốc RFI đã thông báo cắt giảm 206 việc làm trên tổng số hơn 1000 việc làm ở RFI và đóng cửa sáu ban tiếng nước ngoài, vì những ban này không có nhiều thính giả. Theo Libération, mục tiêu của chính phủ Pháp khi sát nhập ba đài RFI, France 24 và TV 5 Monde vào một, đó là nhằm tiết kiệm ngân sách và RFI là đài đầu tiên phải trả cái giá này.

Đồng bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Về kinh tế, tờ Le Monde hôm nay quan tâm đến việc đồng bảng Anh tiếp tục sụt  giá và nay đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, tức là coi như bằng  giá với đồng euro, trong khi cách đây mới một năm, tỷ giá của đảng Anh vẫn còn là 1,5 euro.

Theo tờ Le Monde, kế hoạch thứ hai nhằm cứu vãn hệ thống ngân hàng mà chính phủ Anh đưa ra hôm đầu tuần chẳng những không mang lại thay đổi gì, mà còn khiến mọi người lo ngại thêm về tình trạng của các công ty tài chính Anh quốc, cũng như của tài chính công.

Nhất là đúng ngày hôm đó, ngân hàng Royal Bank of Scotland loan báo một khoản lỗ cao nhất trong lịch sử : 28 tỷ bảng Anh. Với lãi suất nay đã được hạ xuống mức gần 0%, thống đốc Ngân hàng trung ương Anh quốc tuyên bố sẳn sàng thi hành một chính sách tiền tệ '' không chính thống'' , tức là sẽ phải in thêm tiền.

Châu Á trả giá đắt vì lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay đề cập đến tình hình kinh tế các nước châu Á, mà nay đang phải trả giá đắt cho chiến lược phát triển dựa quá nhiều vào xuất khẩu, mà không để ý đến kích thích tiêu thụ nội điạ.

Như nhận định của bà Stéphanie Prat, hiện làm việc cho ngân hàng Natixis, '' châu Á rõ ràng là khu vực phụ thuộc vào ngoại thương nhiều nhất thế giới. '' Tình trạng này, theo bà, một phần đó là do hậu quả của khủng hoảng châu Á 1997-1998. Sau cuộc khủng hoảng này, các nước châu Á đã chọn chiến lược phát triển dưạ trên xuất khẩu để nhanh chóng tạo một nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, nhằm ngăn ngừa tái diễn khủng hoảng.

Nhưng so với ba cường quốc kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng nước như Đài Loan quá nhỏ để có thể dựa vào thị trường nội điạ để phát triển , cho nên đã trở nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu, mà chủ yếu lại là xuất khẩu hàng điện tử. Singapore lại còn tệ hơn vì xuất khẩu chiếm tới 206% tổng sản phẩm nội địa của nước này.

Obama và mặt trận Afghanistan.

Tờ Le Monde hôm nay tiếp tục loạt bài nói về những xung đột đang chờ đón tân tổng thống Obama, đề cập đến tình hình tại Afghanistan.

Theo tờ Le Monde, các nhà phân tích quân sự của Mỹ dự đoán rằng  2009 có thể sẽ là năm mà lực lượng Hoa Kỳ và NATO thua trận ở Afghanistan. Nguy cơ ở đây không phải là quân taliban sẽ  giành lại chính quyền ở Kaboul, nhưng là việc lực lượng này sẽ  kiểm soát nhiều phần lãnh thổ đến mức binh lính phương Tây coi như bị bao vây trong căn cứ và cuộc bầu cử sẽ không thể diễn ra vào tháng 9 như dự trù. Hơn nữa, mùa Đông sắp kết thúc sẽ mở màn cho một mùa giao tranh ác liệt mới.

Tờ Le Monde nhắc lại rằng chính quyền tổng thống Bush đã thay đổi chiến lược khi bổ nhiệm tướng Petraeus làm tư lệnh lực lượng Mỹ ở Irak và Afghanistan, đồng thời hứa với ông này là sẽ gởi thêm quân, nói cách khác là sẽ chuyển khái niệm tăng viện từ Irak sang Afghanistan. Nhưng theo ông Marc Sageman, một cựu nhân viên CIA ở Pakistan và Afghanistan, nay trở thành nhà nghiên cứu về Al Qaida, tăng thêm quân cũng sẽ chẳng giải quyết được gì. .

Tờ Le Monde trích lời  ông David Kicullen, nhà nghiên cứu người Úc và hiện là một trong những cố vấn của tướng Petraeus, '' điều quan trọng nhất là phải ngưng truy kích địch quân và phải bảo vệ người dân''. Theo ông, chiến tranh phản du kích là 20% quân sự và 80% chính trị. Chính là theo chiều hướng này mà Hoa Kỳ đang tính đến việc thay đổi chiến lược, tức là đối thoại với taliban.

Nhưng tâm điểm của vấn đề, theo Le Monde, vẫn là nằm ở Pakistan, vì Washington tin rằng cơ quan mật vụ của Islamabad vẫn giữ mối liên hệ với các lực lượng Hồi giáo cực đoan bên Afghanistan.  Ông Bruce Rieldel, cố vấn về Nam Á của êkip Obama, đề nghị là Hoa Kỳ nên giúp giải quyết xung đột với Ấn Độ ở vùng Cachemire, để Pakistan không còn sợ bị bao vây ở hai chiến trường, từ đó sẽ quyết tâm hợp tác hơn trong việc chống lực lượng Hồi giáo cực đoan.