Home Tin Tức Thời Sự 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2008

10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2008 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Long   
Thứ Năm, 29 Tháng 1 Năm 2009 06:02

Quần áo ướt bị phủ màu muội than, cây cối không sống nổi trong khu vực có đường kính 48 km và lúa mì bị nhiễm độc chì, đó là thực trạng đang xảy ra tại các đô thị ô nhiễm nhất thế giới trong năm qua, tập trung tại các nước bùng nổ kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
Viện nghiên cứu Blacksmith tại thành phố New York, Mỹ mỗi năm tiến hành bình chọn 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Dưới đây là danh sách 10 thành phố đáng sợ nhất về mặt sinh thái năm 2008 theo đánh giá của cơ quan này.

1. Lâm Phần (Trung Quốc)
Số người bị ảnh hưởng: Khoảng 3 triệu
Tác nhân gây ô nhiễm: Than đá và các hạt bụi siêu nhỏ
Nguồn gây ô nhiễm: Các mỏ than và phương tiện cơ giới

Một góc thành phố Lâm Phần.


Thành phố được mệnh danh là "đô thị màu nhọ nồi" thuộc tỉnh Sơn Tây, trung tâm của ngành khai thác than đá tại Trung Quốc. Hàng nghìn mỏ than, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, xuất hiện nhan nhản trên những ngọn đồi quanh thành phố nên bầu không khí nơi đây luôn dày đặc khói và muội đen do hoạt động sử dụng than gây ra.
Tại Lâm Phần, bạn không thể phơi quần áo ngoài trời vì nó sẽ biến thành màu muội than trước khi khô. Cục bảo vệ môi trường Trung Quốc thừa nhận Lâm Phần có chất lượng không khí thấp nhất cả nước.

2. Tianying (Trung Quốc)
Số người chịu tác động: 140.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Chì và các kim loại nặng khác
Nguồn gây ô nhiễm: Hoạt động khai thác và xử lý quặng

Một mỏ chì ở thành phố Tianying.

Tianying là thành phố công nghiệp ở vành đai khoáng sản đông bắc Trung Quốc thuộc tỉnh An Huy. Đây là nơi sản xuất hơn một nửa sản lượng chì của cả nước. Do công nghệ sản xuất lạc hậu và quản lý kém, phần lớn nước thải chứa kim loại độc hại ở đây ngấm vào đất và các nguồn nước. Những kim loại độc đã ngấm vào máu nhiều thế hệ trẻ em ở Tianying và làm giảm chỉ số thông minh. Ngay cả lúa mì ở Tianying cũng chứa chì với nồng độ gấp 24 lần mức cho phép của Trung Quốc.

3. Sukinda (Ấn Độ)
Số người bị tác động: Khoảng 2,6 triệu
Tác nhân gây ô nhiễm: Crom và các kim loại nặng khác
Nguồn gây ô nhiễm: Hoạt động khai thác và xử lý quặng

Một số người dân tại Sukinda lấy nước ở một giếng, nơi nước ngầm bị nhiễm độc nặng.

Crom là kim loại nặng được sử dụng để sản xuất thép không rỉ và thuộc da. Nó có thể gây ung thư nếu ai đó chẳng may hít hoặc đưa nó vào cơ thể bằng đường miệng. Sukinda là thành phố có những mỏ quặng crom lộ thiên lớn nhất thế giới. Có tới 60% nước sinh hoạt ở đây chứa crom hóa trị 6 với nồng độ lớn hơn hai lần so với các tiêu chuẩn quốc tế.
Một tổ chức y tế ở Ấn Độ ước tính khoảng 84,75% số trường hợp tử vong tại các khu vực khai thác quặng crom ở Sukinda, nơi luật pháp hầu như không tồn tại, là do các bệnh liên quan tới crom hóa trị 6 gây nên.

4. Vapi (Ấn Độ)

Số người chịu tác động: 71.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Hóa chất và các kim loại nặng
Nguồn gây ô nhiễm: Các nhà máy công nghiệp


Các chuyên gia của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace lấy mẫu nước thải mà khu công nghiệp của Vapi xả ra sông Damanganga.

Mức độ ô nhiễm môi trường tại Ấn Độ chưa nặng nề như Trung Quốc do nền công nghiệp nước này phát triển chậm hơn so với láng giềng. Nhưng tình hình đang thay đổi và sự chuyển biến bắt đầu từ những thành phố như Vapi - đô thị nằm tận cùng phía nam của một vành đai công nghiệp dài 400 km.
Với những người dân sống ở thành phố Vapi, cái giá của phát triển thực sự đắt: Nồng độ thủy ngân trong nước ngầm của đô thị này cao gấp 96 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), còn các kim loại nặng hiện diện trong không khí và cả nông sản.

5. La Oroya (Peru)
Số người chịu tác động: 35.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Chì, đồng, kẽm, sulfua dioxide (SO2)
Nguồn gây ô nhiễm: Các cơ sở khai thác và xử lý kim loại nặng

Chất thải từ các nhà máy khai thác và xử lý chì khiến máu của trẻ em tại La Oroya bị nhiễm độc rất nặng.

La Oroya là một thành phố khai mỏ của Peru thuộc dãy núi Andes (hệ thống núi lớn ở Nam Mỹ và dài 8.045 km). Gần như 100% trẻ em ở đây có hàm lượng chì trong máu vượt mức cho phép của tất cả các loại tiêu chuẩn trên thế giới.
Một nhà máy nấu chảy kim loại của Mỹ được thành lập từ năm 1922 là thủ phạm chính gây nên tình trạng này. Ngay cả khi chưa tính tới lượng chất thải độc hại của nhà máy thì lượng chì trong đất ở La Oroya sẽ vẫn còn tồn tại trong nhiều thập kỷ nữa. Cho tới nay chính quyền thành phố vẫn chưa có kế hoạch giảm lượng chì trong đất.

6. Dzerzhinsk (Nga)
Số người chịu tác động: Khoảng 300.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Chất thải hóa học
Nguồn gây ô nhiễm: Các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học từ thời chiến tranh lạnh


Một nhà máy hóa chất ở Dzerzhinsk.

Các chương trình phát triển vũ khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã để lại nhiều "điểm đen" về môi trường trên khắp lãnh thỗ Liên Xô cũ, song Dzerzhinsk là nơi gánh chịu hậu quả ghê gớm nhất.
Cơ quan quản lý môi trường thành phố ước tính gần 300.000 tấn chất thải hóa học, gồm một số loại chất độc thần kinh, đã bị thải bừa bãi tại Dzerzhinsk từ năm 1930 tới 1998. Nhiều nguồn nước trong thành phố có nồng độ dioxin và phenol cao hơn mức an toàn 17 triệu lần. Sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận Dzerzhinsk là thành phố bị nhiễm hóa chất nghiêm trọng nhất địa cầu. Trong năm 2003, tỷ lệ tử tại thành phố cao hơn tỷ lệ sinh tới 2,6 lần.

7. Norilsk (Nga)
Số người chịu tác động: 134.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Các kim loại nặng, phenol, SO2
Nguồn gây ô nhiễm: Các cơ sở khai thác và xử lý kim loại

Cây cối không thể mọc xung quanh khu tổ hợp mạ kền của Norilsk.

Norilsk được thành lập vào năm 1935 và nhanh chóng trở thành nơi có nhiều nhà máy nấu chảy kin loại nhất thế giới. Trung bình mỗi năm các cơ sở này thải vào không khí khoảng 4 triệu tấn đồng, chì, kẽm, arsen, mạ kền, catmi, selen ở dạng hạt siêu nhỏ. Các mẫu không khí ở đây có nồng độ mạ kền và đồng vượt quá mức cho phép.
Tỷ lệ tử vong vì các bệnh ở đường hô hấp tại Norilsk cao hơn hẳn so với các thành phố khác ở Nga. Trong một khu vực có đường kính 48 km xung quanh khu tổ hợp mạ kền không có bất kỳ một cây nào có thể sống nổi.

8. Chernobyl (Ukraina)
Số người chịu tác động: Khoảng 5,5 triệu (vẫn đang gây tranh cãi)
Tác nhân gây ô nhiễm: Phóng xạ hạt nhân
Nguồn gây ô nhiễm: Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl

Một ngôi nhà bỏ hoang trong khu vực cách ly xung quanh nhà máy điện nguyên tử.

Khi nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát nổ vào ngày 26/8/1986, nó đã giải phóng một lượng phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima. Ngày nay khu vực cách ly có đường kính 30 km xung quanh nhà máy vẫn chưa thể ở được.
Từ năm 1992 và 2002, người ta phát hiện hơn 4 nghìn ca ung thư tuyến giáp ở trẻ em Nga, Ukraina và Belarus trong khu vực nhiễm phóng xạ. Thảm họa Chernobyl là tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trên thế giới. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, hậu quả của nó có thể kéo dài tới hàng chục nghìn năm.

9. Sumgayit (Azerbaijan)
Số người chịu tác động: 275.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Hóa chất hữu cơ, dầu mỏ và kim loại nặng
Nguồn gây ô nhiễm: Các tổ hợp hóa dầu và công nghiệp

Quang cảnh bên trong khu công nghiệp tại Sumgayit.

Khi còn là một phần của Liên Xô, mỗi năm những nhà máy tại Sumgayit thải vào không khí khoảng 120.000 tấn hóa chất độc hại, trong đó có thủy ngân. Ngày nay phần lớn nhà máy ở thành phố này đã đóng cửa, nhưng các chất độc vẫn còn đó.

10. Kabwe (Zambia)
Số người chịu tác động: 255.000
Tác nhân gây ô nhiễm: Chì và catmi
Nguồn gây ô nhiễm: Các cơ sở khai thác và xử lý chì

Một thanh niên tìm kiếm phế liệu ở một mỏ chì bỏ hoang tại Kabwe

Khi những mỏ chì lớn được phát hiện gần Kabwe vào năm 1902, Zambia là một thuộc địa của Anh và được gọi là Bắc Rhodesia. Chính quyền bảo hộ không quan tâm tới việc các hóa chất độc hại có thể gây tác động xấu tới sức khỏe của dân bản xứ. Kể từ đó tới nay môi trường sống của người dân thành phố Kabwe vẫn chưa được cải thiện.
Các mỏ khai thác và lò nấu đã ngừng hoạt động từ lâu, nhưng nồng độ chì ở đây vẫn ở mức khủng khiếp. Tính trung bình thì trẻ em ở Kabwe có nồng độ chì cao gấp 10 lần mức cho phép của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ và có thể gây tử vong. Khi các chuyên gia của chuyên gia Mỹ lấy mẫu máu của trẻ em tại Kabwe để phân tích, các thiết bị của họ hỏng liên tục vì mọi chỉ số đều vượt ngưỡng tối đa.