Home Tin Tức Thời Sự Sài gòn Tết

Sài gòn Tết PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thị Lan Anh   
Thứ Năm, 29 Tháng 1 Năm 2009 21:21

Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, khắp Sài Gòn rộ lên những hoạt động mỗi năm chỉ có một lần. Tất cả những lo toan tương cà mắm muối đời thường tạm thời xếp lại, cả thành phố chuẩn bị cho cái tết sắp tới gần. Thời gian chỉ còn tính bắng giây, bằng giờ. Chạy đua với thời gian, con người hầu như không ngủ.

 
Thương xá Tax về đêm, đã đượctrang hoàng xong, đẹp huyền ảo dưới ánh đèn.

Ngoài đường phố

Đoạn đường dài 1 km, chạy từ phía trước tòa Đô Chính cũ (nay là UBNDTP) tới bến Bạch Đằng năm nào cũng được trang điểm rực rỡ, trở thành trung tâm lễ hội của thành phố. Năm nay cũng vậy, để kịp khai trương ‘Đường Hoa Nguyễn Huệ mừng xuân Kỷ Sửu’ vào đúng ngày 28 tết, các công nhân đã phải làm việc cật lực không kể ngày đêm. Khách du lịch hiếu kỳ vây quanh họ, chỉ trỏ những sọt tre, những đám cọc cừ tràm, cát đá, đoán xem chỗ nào sẽ thành đồi, chỗ nào là hồ, là đồng lúa, rẫy mía. Bầy trâu bằng tre, gốm, sắt, hoa khô chưa xuất hiện, nhưng được giới báo chí bật mí trước sẽ rất ấn tượng, đặc biệt có cả trâu vàng trâu bạc to bằng con nghé.

Ban đêm, quanh khu vực thương xá Tax xuất hiện những cây mai vàng chói lọi, những tiểu cảnh tết nông thôn huyền ảo dưới ánh đèn mầu. Một Việt Kiều trú tại khách sạn Thành Liên đường Gia Long cho biết ‘về nước ăn tết, chỉ vì mê có bấy nhiêu’. Chị nói thêm ‘Bên kia đang rất lạnh, trừ khi đi chùa hay tham dự hội chợ do bà con tổ chức mới thấy mùi tết, còn không thì ở nhà, buồn hiu’.

Chăm chú thu hình những chiếc đèn hoa mai đang chuẩn bị ‘thăng thiên’ trên đường Lê Lợi, đoạn từ chợ Bến Thành ra giáp đường Nguyễn Huệ, một đôi vợ chồng người New Zealand đặc biệt tỏ ra thích thú khi nghe giải thích tên hoa mai phát âm theo tiếng Nam là may mắn – lucky flower? Yes! Hai vợ chồng ồ lên cười thích thú. Họ ‘than phiền’ ban sáng ra phố mới thấy thế này. Chiều đã thế khác. Sài Gòn đẹp quá, lộng lẫy quá! Nghe khen, chỉ biết cười trừ. Họ đâu hay Sài Gòn là cô bé lọ lem, ngày thường lam lũ, chỉ tết mới giật gấu vá vai, mượn tạm bộ cánh kiêu sa cho bằng chị bằng em.

Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đường Hồng Thập Tự cũ), phía trước vườn Tao Đàn, từ mấy ngày qua mọc lên ‘Phố ông đồ, mừng xuân Kỷ Sửu’ nơi các ông đồ, anh đồ (phần lớn là sinh viên khoa Văn, khoa Đông Phương, Khoa Văn hóa) trong đủ thứ quần áo tân cổ giao duyên trổ tài vờn vẽ thư pháp Việt. Các ông mỗi người được cắt đất phong vương ngang nhau, ai cũng chiếc chõng tre, trải chiếu hoa. Khi viết, ngồi tì tay trên chiếc bàn con, thay vì gò lưng, cúi rạp người trên đất như cũ, vừa mất thẩm mĩ vừa tội nghiệp.
Ở chiếu ông đồ X, một bà sồn sồn đang ‘chiếu bí’ thầy. Không biết thật giả thế nào, bà ta xin thầy viết cho một câu mừng, ngắn thôi, nhưng phải thực ý nghĩa, hóm hỉnh, sâu sắc để mừng ông bạn tên Đỗ Bò mới tậu được cái xe, xây được cái nhà. Thầy nhăn trán suy nghĩ. Năm trâu …xem nào, con trâu chậm nhưng chắc, hiền lành, khoẻ mạnh, chăm làm. Chẳng vậy mà thiên hạ bảo khoẻ như trâu, con trâu đầu cơ nghiệp. Hay là … hay là ta mừng câu ‘năm Trâu, Bò thắng lợi’. Bà sồn sồn chưa chịu vì ‘người ta tên Bò, gọi toẹt ra là bò, e người ta tự ái’. Đồ X. lại ngồi ngây râu. Kẻ viết bài ngứa miệng nói leo, thì cứ mừng câu ‘Tân niên hoàng ngưu xuất, tứ mã dĩ nan truy’- Năm mới trâu vàng xuất phát, bốn ngựa đã khó đuổi. Hoàng ngưu là trâu vàng mà không phải trâu, tức bò, tên nhân vật; tứ mã nan truy, vừa là thành ngữ phổ thông, vừa ám chỉ xe hơi xịn, chạy nhanh đến nỗi bốn ngựa theo bở hơi tai không kịp …. Đồ X. và bà khách nghe giải thích, cười, gật đầu.

Trong các chợ

Nếu mặt tiền đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi đang thay áo mới, thu hút khách du lịch hiếu kỳ, phố thư pháp tụ tập người hoài cổ, thì chợ Bến Thành, chợ An Đông, siêu thị Big C, hệ thống siêu thị Saigon Coop mart, Citi mart, siêu thị Parson, Diamon Plaza, Zen Plaza … cũng sáng đèn thâu đêm.

Khuynh hướng chợ búa năm nay, theo ghi nhận của kẻ viết bài, thì giá cả không là vấn đề lớn. Vệ sinh thực phẩm không khá hơn hay tệ hơn mọi năm. Hàng gian hàng giả dừng ở mức tạm chấp nhận. Đồ khô, sữa, trái cây Trung Quốc sau vụ melamine và thuốc bảo quản độc hại, đồng loạt bị các bà nội trợ tránh xa. Hoa tươi, thịt heo, trứng vịt, gà ta (cúng mùng ba) hứa hẹn dồi dào, giá ổn định do chỗ các doanh nghiệp lớn đã được nhà nước cho vay không tính lãi trước tết khá lâu để nhập hàng từ gốc.

Người Sài Gòn không thèm ăn, ‘chết vì ăn’ như những năm đói khó trước đây. Bây giờ họ đâm ra khảnh ăn, khó tính và lười hơn trước. Thứ gì cũng đòi phải chế biến sẵn, hoặc sơ chế – măng khô tước sẵn, ngâm, tẩy, luộc trước, mua về chỉ nấu. Kiệu ngâm nước tro, cắt rễ sạch sẽ. Gừng gọt vỏ, xắt lát, dừa bào sợi. Thịt bò, thịt heo, cá, tôm, gà trong siêu thị phải trình bày theo tiêu chí vệ sinh, đẹp mắt, gọn, tiện lợi, rẻ hơn từ 5%-10%, so với chợ ngoài.

Khu vực đường Trần Quốc Tuấn – quận 3, đường Lê Văn Sĩ, Thăng Long, chợ Phạm Văn Hai, chợ Ông Tạ, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Tân Sơn Nhất – quận Tân Bình do có đông người Bắc nên kinh doanh mạnh thực phẩm Hà Nội. Từ vàng hương, miến dong riềng, mộc nhĩ, nấm đông cô đến bắp cải su hào, rau sà lách, rau thơm, đậu phụ, giò chả, bánh chưng … nhất nhất đều made in Hà Nội. Đứng đấy một lát, tiếng Hà Nội thực sự thế nào không biết, chỉ nghe xói vào tai toàn thổ âm l – n loạn xạ. Người mua, người bán đều hành xử tự nhiên như thể đang ở ‘lước Hà Lội’ quen thuộc ngoài kia, chả dính gì đến ‘bọn trong Lam’ mới 17, 18 độ đã co ro kêu rét quá.

Tầm buổi chiều, sau giờ tan sở trở đi, vỉa hè Lê Văn Sĩ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng…mới huyên náo, đông vui. Khắp nơi, các bà các chị rập rờn như bướm đậu xuống đống quần áo xôn, bánh mứt, chăn gối, đồ trang hoàng, sạp báo xuân. Một bà cắm chiếc phễu giấy trên cục gạch (logo của cây xăng vỉa hè) và cái xô cắm cờ (bán cờ) đầu đường Thăng Long cười hề hề ‘Bán gì cũng có người mua, bán gì cũng lời. Tết mà! Dân mình cứ kêu nghèo, kêu khổ. Nhưng rồi ai cũng phải ăn, phải sống, phải mua’.

Xe cộ ngày thường đã kẹt, ngày tết càng kẹt nặng. Mặc cho Sở Giao Thông Công Chánh ra lệnh, từ hăm ba tết tới mùng tám tết, các đơn vị thi công phải tạm thời ngưng công việc, lấp hố, dỡ lô cốt, tái lập mặt đường phục vụ lưu thông. Nhưng chẳng biết trong số gần 300 lô cốt ngổn ngang trên cả trăm tuyến đường, liệu được bao nhiêu cái vâng lời tháo dỡ? Trước mắt, huyết mạch lưu thông ra vào cửa ngõ thành phố, vẫn thường xuyên … tắc mạch máu. Tội có phần nào bởi hai bến xe Miền Đông (về các tỉnh phía Bắc) và Miền Tây (về các tỉnh phía Nam). Mỗi bến sở hữu vài ngàn đầu xe. Ngày cao điểm có thể chuyên chở vài chục ngàn khách. Chưa kể tập đoàn xe dù, xe ôm, taxi, cò mồi, bán hàng rong, trộm cắp ngoài bến xe, quanh bến xe hết sức đông đúc. Một cảnh sát tuần tra giao thông đội 6 cho biết ‘ổ xe dù là cây xăng Huệ Thiên 2, Huệ Thiên 3, Ngã tư Bình Phước, Ngã tư Ga …Biết đó, nhưng dẹp không xuể. Tụi nó như rắn ma. Chém đầu này, mọc đầu khác. Phức tạp lắm!’

Người Sài Gòn có được sáu ngày để ăn tết, chơi tết, nghỉ tết. Với thành phần khá giả, sáu ngày đủ làm chuyến xa lánh hồng trần, tìm chốn non Bồng nước Nhược bên Tây bên Tầu. Với thành phần học sinh, sinh viên, sáu ngày đủ để ba lô dã ngoại với nhóm bạn bè. Với người nổi tiếng (diễn viên, hoa hậu), người có địa vị thì sáu ngày đủ phờ phạc vì làm từ thiện, đi biểu diễn, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho kẻ bất hạnh, neo đơn, mất việc, cơ nhỡ.

Xuân Kỷ Sửu đang đến . Thôi thì cũng mong năm Mậu Tý nhiều quan chức, viên chức tai tiếng, nhiều thiên tai lũ lụt, nhiều chao đảo thị trường kinh tế – văn hóa sẽ vĩnh viễn qua đi để chủ đề ‘Vững tin’ từ Đường hoa Nguyễn Huệ đem sinh khí đến cho mọi người, để lời chúc ‘Vua quan, sĩ thứ, người trong nước. Sao được cho ra cái giống …không khỉ’, có cơ trở thành hiện thực. (NTLA)